April 30, 2024, 12:59 am

Thương nhiều cái giàn trứa quê

Bồng em đi dạo vườn dưa

Dưa đà có trái chị chưa có chồng

Bao giờ cây mía trổ bông

Chị đã có chồng em gặm giò heo

Giò heo chị để trên treo

Em lấy giò mèo em gặm

                                            em chơi…

Nỗi nhớ thiên di về miền thơ ấu bằng đôi câu hát ru cổ. Những lời hát ru khi nào cũng bày biện ra trong lòng con người ta bao nhiêu không gian huyễn dụ. Là vườn dưa, vườn cà; là cây cầu tre ngàn năm vẫn lắt lẻo gập ghềnh khó đi; là vườn cau, vườn trầu có con ngựa ô đi trước ngựa hồng đi sau… Và trong mớ những nhớ nhung ấy có cái giàn trứa ám mùi khói đầy mê hoặc.

Nhà mình qua bao lần đổi thay mà bao giờ cũng vậy, ba đặt gian bếp bên phải nhà. Định hình xong ngôi nhà bếp be bé, thâm thấp ấy, ba chọn địa điểm đặt bếp. Ba không đặt bếp ở giữa gian mà lúc nào cũng lệch về một phía góc. Nơi đó, đất nền ba đầm chặt hơn và cao hơn nền đất của gian bếp, nhìn cái bếp cao ráo, khang trang, sạch thoáng. Sau khi định vị được phần bếp, thể nào ba cũng làm cho được cái giàn trứa. Giàn trứa gần như một cái sạp thô sơ được làm bằng đôi miếng tre lồng mắc, loại tre đặc ruột, cứng cáp. Hoặc có đôi khi đó là những đoạn cây săn cứng cáp má chặt trên rừng về, phơi phóng qua mấy nắng giòn.

Ba duốn hai sợi mây song mật, loại mây rừng nhỏ bằng mút đũa con nhưng dẻo nhất trong họ nhà mây. Nhìn đôi bàn tay gầy đen, thô ráp của ba duốn sợi lạt, con nể phục quá, bởi bao lần con cũng thử mà đôi bàn tay vụng về của con vặn ngang, thể nào sợi mây cũng gãy cụp. Ba bảo làm việc gì cũng từ từ, cẩn trọng, duốn sợi mây cũng phải nhẹ nhàng, vặn từ ngoài vào trong ruột, dục túc là bất đạt. Rồi ba lại bảo, lạt có mềm buộc mới chặt, nên muốn cột cho chắc chắn con phải duốn sợi lạt cho mềm từ đầu chí cuối. Sợi mây được ba duốn thật dẻo, đem nhúng nước rồi hai đầu ba cột trên đòn tay mái nhà, hai đầu còn lại ba cột vào hai đầu miếng tre và thả đòng đưa như chiếc xích đu trẻ con. Đó là một bên của giàn trứa. Từ cái thanh tre xích đu ấy, má bắt đầu sắp những thân cây dài qua phía tường bếp. Mỗi cây được cột thật chặt một đầu vào thanh xích đu, một đầu cố định ở phía tường bếp có tấm phên liếp che chắn. Thoắt chưa đầy nửa buổi, cái sạp ấy đã nên hình hài. Và dĩ nhiên dù chưa đủ tháng ngày nhưng nó vẫn được định tên sẵn là cái giàn trứa, đó cũng chính là cái giàn treo bà nhắc trong lời hát ru cổ.

Ảnh: Vnmadasa

Giàn trứa, cái giàn của những nhớ nhung chưa bao giờ vơi cạn trong lòng con. Nơi ấy má để cái mủng ba xệ vành, trong mủng ba má vầy rơm quanh và ủ vào đó những nải chuối hương, chuối cau có đôi trái chín bói. Má đậy điệm lại bằng cái mủng khác úp lên hoặc đôi khi bằng tấm choàng mưa cũ, cái tràng tre con con… Đôi chân nhỏ bé của anh em cứ len lén nhón cao, rướn mình, tay lần giở phần đậy. Những trái chuối quê màu vàng rũa dần sắc xanh và bắt đầu tỏa hương. Độ vài ba hôm, cả mủng chuối đã vàng ươm, hương đã đậm vị, cái mùi hương ngọt ngào của thứ chuối quê thuần khiết ấy quyện vào mùi khói bếp bay lên ôm lấy cả một khu giàn trứa, cả gian nhà bếp con con, bện cả vào kí ức tuổi thơ con một mùi thơm ngọt ngào khiến lòng con chưa bao giờ thôi khắc khoải.

Giàn trứa, cũng nơi ấy má thường để những rổ rá, những nồi niêu có cả cơm rau, cá mắm... Thời ấy nhà mình chưa có tủ gỗ, tủ nhôm kính, mọi thứ liên quan đến bếp núc, má đều để cả lên một góc giàn trứa. Đồ ăn thức uống nhà quê đâu phải nấu ăn chỉ trong bữa, cá mắm kho một lần dành ăn cho cả đôi ba ngày, thế nên những thức ăn còn lại má đều gác lên trên đó, chỗ giàn trứa có ám mùi khói. Má hay dặn chó treo mèo đậy, dù có gác lên giàn cũng phải chèn đậy cho kĩ kẻo mèo cạy vung. Những cơm nguội, cá chiên, mắm kho quẹt, có đôi khi là cái rổ đựng đôi củ khoai lang, củ môn luộc… đều nghiễm nhiên an vị trên giàn trứa. Con nhớ sau những giấc ngủ trưa dài, xế chiều nắng dòm nghiêng qua phên liếp đổ lỗ chỗ vào khu nhà bếp, anh em con thường lọ rọ về phía giàn trứa và nhón chân lên những rổ rá, xanh trả... Cái giàn trứa tự bao giờ trở thành nơi giải cứu cho những chiếc bụng đói háu ăn của những đứa trẻ quê nghèo một thuở.

Con lại nhớ những ngày đông chị em con bơi sông đi học. Tấm choàng mưa hạt mè xanh trắng gói ghém quần áo, sách vở để băng qua con nước đục ngầu hung dữ. Đôi lần chẳng may tấm choàng cũ bị rách, quần áo, sách vở đều ướt mèm trong nỗi buồn xót xa. Má ngả cái nia ra nhà, cẩn trọng lật sắp từng quyển sách, quyển vở vầy quanh nia. Cái giàn trứa bây giờ làm nhiệm vụ hong sách vở. Đêm đổ dồn bóng tối xuống vây quanh nhà mìn mịt. Má vẫn chong bếp lửa. Ngồi bên bếp má hết sàng gạo đến xắt chuối nấu cám heo. Thi thoảng má lại phía giàn trứa lật giở từng trang vở cho mau khô, rồi má lại ngồi chong lửa. Má đưa đôi bàn chân có những vết nứt như những rãnh sâu đen đúa vào sát lửa, hơ đôi bàn chân nước ăn ấy vào sát bếp rồi ngồi gãi sột soạt đặng chờ cho vở sách chúng con khô hơn. Những đêm như thế, má thức khuya hơn mọi bận, bếp lửa nhà mình cũng thức khuya hơn. Và phía bên trên, cái giàn trứa cũng oằn mình nặng hơn mọi khi.

Con mê nhất là những ngày giáp Tết, những ngày tháng chạp đổ xô về cuối năm. Những ngày ấy, gian bếp dường như không bao giờ nghỉ ngơi. Cả cái giàn trứa cũng vậy. Tháng chạp nắng đâu đã đủ hong khô những thèm khát của nhân gian qua một mùa đông dài buốt lạnh. Những củ kiệu, củ hành, những bánh in, bánh thuẫn phơi ngày chưa đủ còn cần phải hong đêm. Má gác những nia bánh in phả ra mùi nếp thơm lựng trên giàn trứa. Lửa hừng hực bên dưới, má hết nướng bánh thuẫn lại đến ngào đường, làm những sợi mứt dừa xanh đỏ. Khi bánh in khô khan được má xếp cất vào chum gạo thì cái giàn trứa lại được xông những nia củ kiệu, củ hành. Phía dưới giàn, ba đã làm những gói nem và cột treo lủng lẳng. Những gói nem bên trong có thịt nạc, củ hành được tẩm ướp gia vị treo hong dưới giàn trứa đặng ngày đãi khách quý đầu năm. Tết ngấp nghé ngoài sân, cái giàn trứa bây giờ hết bánh mứt, quay sang cho má lại để những nồi niêu nào thịt heo, cá kho, sườn hon, bánh tét... Những ngày Tết, má luôn giữ cho bếp nhà không được tắt lửa. Cái giàn trứa ngày đêm vẫn phải chịu cái hừng hực nóng, vẫn đượm đầy những mùi vị của nấu nướng xào kho trong suốt những ngày Tết ròng lặm vào, những thanh giàn trứa dậy thêm lên màu đen tuyền của bồ hóng, của những mĩ vị cuộc đời.

Chẳng phải mưa nắng mà là những khói bếp và những nhọc nhằn thời gian đã đem đổ lên trên giàn trứa. Qua tháng năm, cái giàn trứa đen đi vì khói bếp. Đôi lần con thắc mắc vì sao cái giàn treo ấy có tên giàn trứa. Má nói chắc lúc đầu nó có tên giàn chứa mà sau người ta đọc chệch thành giàn trứa. Ba cười bảo má thôi đi tài sử địa nhảy dù, con muốn biết thì phải ráng mà học, mà tìm hiểu. Thật ra người quê chẳng cần hiểu sâu xa nguồn gốc cái tên ấy. Chỉ mặc định rằng cái giàn ấy sinh ra là để chịu những khói quyện, những bồ hóng đen đúa xấu xí, chịu những oằn mình vì sức nặng để cho vật dụng phía trên giàn ấy được hong khô khan, được thơm tho hơn. Con chẳng biết tự bao giờ, cái giàn trứa ấy trở thành một phần trong kí ức đẹp đẽ của con về ngôi nhà mình, về ba má. So sánh hơi khập khiễng nhưng tự nhiên con thấy cuộc đời ba má giống quá chừng cái giàn trứa ấy, cả đời chịu bao gian truân vất vả để chị em con nên người. Thương nhiều cái giàn trứa quê…

Thanh Tuân

Nguồn Văn nghệ số 13/2024


Có thể bạn quan tâm