April 30, 2024, 10:38 am

“Thơ-quan niệm và những sắc thái thẩm mỹ” : Công trình nghiên cứu thơ có giá trị

 

Là người yêu thơ, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Mã Giang Lân tình nguyện làm tất cả công việc liên quan đến thơ trong suốt cuộc đời mình trên cả 3 lĩnh vực: Sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu. Đến nay, ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu thơ được bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ sinh viên và bạn đọc yêu thích như: “Thơ, hình thành và tiếp nhận”, “Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam”, “Những cấu trúc của thơ”...

Công trình “Thơ-quan niệm và những sắc thái thẩm mỹ” do Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội ấn hành vào năm 2022 tập hợp những nghiên cứu về thơ của ông trong hơn nửa thế kỷ cầm bút cho thấy ông vẫn miệt mài, say đắm với thể loại này.

“Thơ-quan niệm và những sắc thái thẩm mỹ” bàn về thơ trên hai trục cơ bản: Hiện tượng-tác giả. Ở trục thứ nhất, phần Thơ-Những quan niệm, chúng ta bắt gặp hàng loạt bài bàn về các trào lưu, khuynh hướng thơ tiêu biểu như “Thơ mới và phong trào Thơ mới”, “Xuân thu nhã tập”, “Dạ đài và nghệ thuật theo khuynh hướng tượng trưng, siêu thực”... Trong những bài viết này, tác giả tập trung lý giải các hiện tượng thơ ca trên một cách thấu đáo, từ nguồn gốc xã hội, nền tảng triết lý dẫn đến sự hình thành, quá trình phát triển, từ hình thức đến nội dung, các đặc trưng cơ bản. Các bài viết của ông đều mang tính khái quát cao, vừa có tính gợi mở, chia sẻ, vừa nêu vấn đề để độc giả cùng suy ngẫm, bàn luận ngõ hầu tiệm cận đến chân giá trị. Đáng chú ý là các bài viết về những vấn đề thơ đương đại mới xuất hiện, còn có những khác biệt trong nhận định, đánh giá. Ví như ở bài “Đôi điều về thơ trẻ” thể hiện cái tâm, cái tầm của Giáo sư Mã Giang Lân với tư cách người đi trước đối với thế hệ nhà thơ trẻ khi tiếp nhận, động viên, khích lệ các nhà thơ trẻ trên con đường sáng tạo nghệ thuật một cách hào hứng và... chừng mực. Hoặc trong bài “Thơ với đời sống tâm linh”, ông khuyến khích việc tìm hiểu sâu về văn hóa tâm linh qua đó hướng về nguồn cội dân tộc trong thơ ca đương đại.

Ở trục thứ hai, phần tác giả “Nhà thơ-Những sắc thái thẩm mỹ”, tác giả có nhiều bài viết công phu, sắc sảo về các nhà thơ tiêu biểu trong từng giai đoạn văn học, như: “Chế Lan Viên di cảo thơ”, “Thơ-trường hợp Nguyễn Đình Thi”, “Nguyễn Xuân Sanh toàn tâm toàn hồn cho thơ”, “Bế Kiến Quốc tài hoa và bản lĩnh”... Các bài viết ở phần này có nguồn tư liệu phong phú, xác tín, trong đó có nhiều tư liệu “độc” góp phần làm sáng tỏ những “khúc mắc” về tác giả như trường hợp “Trần Mai Ninh một huyền thoại”. Bên cạnh thế mạnh về tư liệu, Giáo sư Mã Giang Lân còn rất linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu văn học để “giải mã” tác giả-tác phẩm. Từ hai phương pháp “tủ” thực chứng-ngữ nghĩa và địa văn hóa đến phương pháp tiểu sử, thi pháp học... tất cả đều được Giáo sư Mã Giang Lân vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo nhằm nêu bật được những đặc trưng thi pháp riêng của các nhà thơ, qua đó tạo dựng nên những gương mặt thơ mang bản sắc riêng độc đáo như trường hợp “Nguyễn Quang Thiều-những bước nhảy nghệ thuật”.

Tuy những vấn đề được đề cập đến trong công trình không mới, đã được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình tìm hiểu, nhưng bằng lao động khoa học nghiêm cẩn và sự tinh tế trong cảm thụ, đánh giá, Giáo sư Mã Giang Lân vẫn đưa ra những kiến giải mới vừa khoa học vừa nghệ thuật, vừa đạt lý vừa thấu tình đem đến cho độc giả một cách tiếp cận, một góc nhìn mới về thơ ca. Chính bởi điều đó, “Thơ-quan niệm và những sắc thái thẩm mỹ” nhận được sự đón nhận nhiệt tình của giới chuyên môn và bạn đọc, được Hội đồng Lý luận, phê bình văn họcnghệ thuật Trung ương trao tặng thưởng mức A năm 2022.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm