May 15, 2024, 8:04 am

Thiên thu mây trắng

Xưa nay, trong những thứ mây, mây thu trắng vẫn cho người ta nhiều suy cảm hơn cả. Nó vừa gợi nên những gì vừa phù du, vừa vĩnh cửu - thiên thu mây vẫn trắng thu. Nó cũng gợi hoài cảm về những gì đã qua, về nỗi niềm thương giờ đã cách xa. Nó lại cũng gợi cho người ta niềm tiếc nuối cuộc đời mình ngắn ngủi, phù du trước những gì nghìn năm trước có, nghìn năm sau vẫn có. Mây trắng luôn gợi nên những cảm xúc sâu lắng. Ngay cả khi đi vào thơ cho thiếu nhi thì mây trắng cũng vẫn gây nên hiệu ứng rất khác thường:

Đám mây xốp trắng như bông

Ngủ quên dưới đáy hồ trong lúc nào

Nghe con cá đớp ngôi sao

Giật mình mây thức bay vào rừng xa

(Đám mây ngủ quên - Nguyễn Bao).

Thị trấn Mèo Vạc dưới mây trắng Ảnh: Lê Xuân Sơn

Có lẽ hình ảnh mây trắng thân thuộc nghìn năm vẫn vậy trên bầu trời mà mỗi người nhìn thấy từ thuở bé gắn với sự yên bình ít nhất là của thời tiết, khí hậu cũng như trong những câu ca dao mà hầu như ai cũng biết “Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng/ Ước gì anh lấy được nàng…” khiến mây trắng tạo nhiều thi hứng. Nó tạo khơi nguồn tác phẩm cho nhiều thi nhân. Có những câu thơ về mây trắng gần dân gian đến mức rất nhiều người nhầm đó là ca dao như trường hợp bài thơ Mây và bông của nhà thơ Ngô Văn Phú:

Trên trời mây trắng như bông,

Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây.

Những cô má đỏ hây hây,

Đội bông như thể đội mây về làng

Tuy nhiên, phải thấy là những câu thơ mây trắng với hiệu ứng vui tươi như trên là hiếm trong thi ca. Như đã nói ở trên, mây trắng là thứ mây hoài cảm. Cặp Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đều có những câu thơ rất gợi từ mây trắng: 

Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

(Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh

Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật

Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất

Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về

(Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ)

Lưu Quang Vũ đặc biệt cảm sự trường tồn, vĩnh cửu của mây thu trắng, có lẽ ông chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của câu thơ Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu mà Tản Đà dịch quá hay: Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. Có lẽ thế nên ông mới làm cả một bài thơ có tên Mây trắng của đời tôi để tôn xưng thứ mà với ông là thiêng liêng, trường cửu nhất ngay cả trong niềm cay đắng: Thơ.

Trên mái nhà, cao vút rừng cây

Trên rừng cây, những đám mây xô giạt

Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng

Thơ tôi là mây trắng của đời tôi

Vũ Quần Phương nhấn mạnh cái phù du của nhân sinh trên nền mây trắng mãi còn:

Mới biết cữ người không lớn lắm

Trăm năm mây trắng bấy nhiêu ngày

Kẻ lên ngôi báu, người về ruộng

Mây trắng mơ hồ bay khỏi tay

 (Mây trắng)

Trước các thi nhân này một chút, Quang Dũng là nhà thơ dùng nhiều hình ảnh mây trắng hơn cả. Và ông ít đơn thuần tả cảnh. Mây trắng là tâm trạng của ông:

Vầng trán em mang trời quê hương

Mắt em như nước giếng thôn làng

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương?

(Mắt người Sơn Tây)

Em mãi là hai mươi tuổi

Ta mãi là mùa xanh xưa

Những cây ổi thơm ngày ấy

Và vầng hoa ngâu mưa thu

Tóc anh đã thành mây trắng

Mắt em dáng thời gian qua

(Không đề)

Có người nhận xét, Quang Dũng thấy đời ông là một áng mây. Thống kê trong 44 bài thơ, người ta thấy 17 lần ông nhắc đến mây, chủ yếu là mây trắng. Có lẽ trong những năm tháng khó khăn, một người lãng tử như ông mà chịu cảnh bức bối nên ông mới viết bài Mây đầu ô và lấy nó làm tên chung cho cả tập, trong đó có câu:

Mây trắng lang thang

Gió đuổi bời bời phố chật

Xa hơn, mây trắng góp phần tả nên một cái buồn đến sởn người trong Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh.:

Tôi sợ chiều thu nắng phai mờ

Chiều thu hoa nở, rụng chiều thu

Gió về lạnh lẽo dâng mây trắng

Người ấy bên sông đứng gọi đò

Cùng thời với T.T.Kh, Huy Cận vẽ nên một vĩ cảnh, cũng là một tâm trạng, một nỗi buồn rất choáng ngợp:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

(Tràng giang) 

Trước các nhà thơ hiện đại này, các nhà thơ cổ điển của ta cũng dụng công với những áng mây, nhất là mây trắng. Trong bài Thu điếu, Nguyễn Khuyến viết: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt… Tuy ông không viết là mây trắng nhưng khi đọc câu thơ, trong người đọc không có hình dung nào khác ngoài mây trắng.

Và Nguyễn Du thật đỉnh trong dùng mây trắng tả tình trong Truyện Kiều. Đoạn Kiều bị Hoạn Thư dùng mưu bắt về có câu:

Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng

Nước non để chữ tương phùng về sa

Bốn phương mây trắng một mà

Trông vời cố quốc biết đâu là nhà

*

Mây trắng trong văn hoá và thi ca Việt vừa là thi ảnh, vừa là biểu tượng và công cụ. Ta có thể thấy điều tương tự trong văn hoá và thi ca Trung Hoa. Và phải thừa nhận truyền thống đó của họ có lịch sử lâu đời và có ảnh hưởng không nhỏ đến thi ca Việt.  Ít nhất thì từ đời nhà Đường, mây trắng đã được hiểu là biểu tượng của cha mẹ, quê nhà. Ít nhất thì nó cũng bắt nguồn từ câu chuyện về Địch Nhân Kiệt. 

Ðịch Nhân Kiệt (607-700) tự Hoài Anh, còn gọi là Lương Văn Huệ công, là một vị quan của nhà Đường, sau đó làm quan đầu triều cho cả nhà Võ Chu do Võ Tắc Thiên lập ra. Ông là tể tướng thời kỳ Võ Tắc Thiên trị vì, là người làm quan có tiếng là liêm minh. Khi ông được bổ làm quan ở đất Tĩnh Châu, cha mẹ ở lại đất Hà Dương, xa đến mấy ngày đường. Một hôm, lên núi Thái Hàng, Ðịch Nhân Kiệt nhìn thấy một đám mây trắng bay đơn độc bèn nói với tuỳ tùng: “Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó”. Ông đứng lặng hồi lâu, đợi đám mây bay khuất mới về.

Ðịch Nhân Kiệt nói “mây trắng”, nhưng vì ông đứng trên núi Thái Hàng nên người sau cũng gọi là “Mây Hàng”.

Trong thi ca chữ Hán, mây trắng đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ 7 thứ 8 trong bài Lương Châu từ của Vương Chi Hoán (688-742). Và nó cũng thể hiện nỗi buồn. 

Nguyên quận Lương Châu, tỉnh Cam Túc ở phía Tây Bắc Trung Quốc xưa là vùng sa mạc biên cương hẻo lánh. Ở đó có một cửa ải là Ngọc Môn Quan nằm trên Con Đường Tơ Lụa. Gọi Cửa Ngọc vì đó là nơi ngọc từ phương Tây nhập vào Trung Quốc. Bên ngoài cửa ải là đất của các bộ tộc du mục mà người Trung Quốc gọi chung là rợ Khương. 

Sự xa xôi, hiểm trở của Ngọc Môn quan cộng với bên ngoài nó đã là đất khách của những người văn hoá hoàn toàn xa lạ đã tạo thi hứng để Vương Chi Hoán làm bài Lương Châu từ thể hiện tâm trạng của người sắp qua ải (bài thơ còn có tên là “Xuất tái”).

Bản dịch thơ của Tương Như:

Sông vàng, mây trắng liền nhau,

Thành côi một mảnh, núi cao tiếp trời.

Thổi chi “Chiết liễu”, sáo ơi,

Gió xuân đâu lọt ra ngoài Ngọc Môn!

Sự kỳ vĩ của dòng sông như nhập lên tận mây trắng khiến toà thành trên núi cao trở nên rất nhỏ bé, cô liêu. Con người chia tay người thân chuẩn bị qua cửa ải nghe tiếng sáo Khương xa lạ, nỗi buồn thật thấm đẫm. 
Các nhà thơ lớn đời xưa ở Trung Hoa đều có viết về mây thu. Lý Bạch (701-762) cũng có mây, mà có thể đoán là mây trắng (vì nó trôi lững lờ trên cao) trong bài Độc tọa Kính Đình sơn (Ngồi một mình trên núi Kính Đình):

Đàn chim bay đã hết rồi

Trên cao một đám mây trôi lững lờ

Ta cùng ngọn Kính Đình trơ

Nhìn nhau mà chẳng bao giờ chán nhau

(Bản dịch của Bùi Khánh Đản)

Rồi trong bài Thu tịch lữ hoài (Tối mùa thu nhớ nhà), đám mây dưới trăng soi (Lý Bạch không nói màu, nhưng mây dưới trăng thu sáng soi thì còn có thể là gì nếu không là mây trắng?) làm đậm nỗi buồn nhớ của ông):

Đám mây vút mắt xa chừng

Đứt tươm khúc ruột trước vừng trăng soi

(Bản dịch của Tản Đà)

Đỗ Phủ (712-770) cũng có câu thơ với rất nhiều mây thu tô đậm nỗi buồn đau nhân thế trong bài Thu hứng:

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa

(Bản dịch của Nguyễn Công Trứ)

Nhưng bài thơ chữ Hán có mây trắng nổi tiếng nhất ở nước ta là của Thôi Hiệu (704-754), bài Hoàng Hạc Lâu (Lầu Hoàng hạc), trong đó có câu Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay mà ở trên đã nhắc tới.

Tương truyền ở thành Vũ Hán, Trung Quốc có một chủ quán tốt bụng thường đãi rượu một ông lão rách rưới. Một hôm, ông lão vẽ bằng mẩu vỏ cam lên vách quán một con hạc vàng. Khi có khách chỉ cần vỗ tay, con hạc đó sẽ nhảy múa. Nhờ đó quán của ông chủ rất đắt khách. 

Lâu sau, ông lão lại xuất hiện giã từ và có con hạc vàng từ trên mây hạ xuống chở ông lão về trời. Để lưu sự tích về vị đạo tiên đó, chủ quán cho dựng lầu Hoàng hạc bên sông Dương Tử. 

Thôi Hiệu đến vãn cảnh đã làm bài thơ và viết thẳng lên vách của lầu Hoàng hạc. Tản Đà dịch rất hay bài thơ này mà bốn câu đầu là:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ

Hạc vàng đi mất từ xưa

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Có giai thoại rằng, Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng: “Trước mắt thấy cảnh không tả được. Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu”. 

Năm 1992, nhân chuẩn bị kỷ niệm 60 năm bắt đầu Phong trào Thơ mới, tôi đã tìm gặp 7 nhà thơ của phong trào này khi đó còn sống và đang ở Hà Nội (gồm Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ, Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Tâm, Phan Khắc Khoan, Vũ Đình Liên). Trong số các câu hỏi đặt ra với họ có câu bài thơ chữ Hán và chữ Pháp nào đã ảnh hưởng nhiều nhất đến họ và đối với thơ chữ Hán thì hầu hết đều trả lời bài Hoàng hạc lâu.

Thu vẫn thu. Mây trắng lại vẫn bay về. Như nghìn năm trước. Như hiện tại. Và nghìn năm sau vẫn thế. Để lại sẽ ra đời những câu thơ đầy hoài cảm về mây trắng, về cuộc đời trôi chảy.

Lê Xuân Sơn

Nguồn Văn nghệ số 45/2023


Có thể bạn quan tâm