May 5, 2024, 6:58 am

Thầy Thìn “nghìn việc tốt”

Sáng tháng 5 năm 2020 hoa phượng nở đỏ miên man đón ánh nắng mùa hè như những đốm lửa làm sáng rực ở sân trường Đình Bảng, tôi về thăm thầy giáo Nguyễn Đức Thìn - vẫn dáng người trẻ trung nhanh nhẹn tươi cười đón tôi ngay từ xe bước xuống. Thầy nắm tay tôi đưa vào căn phòng khách nhỏ giữa nhà. Tôi vui và cảm động thầm nghĩ: Thầy vẫn trẻ trung khoẻ mạnh như lần đầu tôi được gặp thầy khi ấy thầy 46 tuổi. Đấy là vào năm 1986, ông Nguyễn Thạc Hoàn, cựu Đội trưởng thiếu niên du kích Đình Bảng dẫn tôi đến nhà thầy ngày ấy vẫn còn ở trong làng, căn nhà gỗ cổ có sân lát gạch rộng xung quanh bao bọc hàng cây xanh giữa làng quê thật êm ả mát mẻ trong tiết trời đã vào thu. Thầy ân cần tiếp đón chúng tôi và tôi thưa với thầy tôi là bộ đội, từ ngày còn đi học ở quê đã biết đến làng Đình Bảng anh hùng qua cuốn truyện Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng của nhà văn Xuân Sách. Ngay từ tuổi thơ chúng tôi đã được gặp người Đình Bảng là những đội viên thiếu niên anh hùng nhưng thấy gần gũi thân yêu như người thân ở ngay làng quê của mình mà bao năm khát khao ước mơ nay ở nhà thầy Thìn tôi đã được gặp những người anh hùng ấy.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (Thứ hai từ phải qua trái). Thiếu tướng, PGS.TS. Phạm Tiến Luật và các cựu đội trưởng Thiếu niên du kích Đình Bảng. 

Ấn tượng sâu sắc trong tôi về thầy giáo Nguyễn Đức Thìn khi tôi là cán bộ cấp bậc Trung tá - Chủ nhiệm Hậu cần lữ đoàn Công binh 513 anh hùng tới khi là cán bộ cấp Tướng về công tác ở cơ quan chiến lược Bộ Quốc phòng ngày càng sâu đậm với bao nhiêu kỷ niệm mãi không bao giờ phai. Trong truyện Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, một trong những những người đội viên mưu trí và dũng cảm vừa đi học ở trường vừa hoạt động trong làng để thu thập tin tức như nhiệm vụ của chiến sỹ quân báo... chính là người thầy giáo dáng thư sinh hoạt bát vui vẻ tên Thìn đây ư? Cũng từ đấy tôi mới biết thầy chính là Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, người phụ trách năng động của phong trào “Nghìn việc tốt”, Người Thường vụ Trung ương Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh - Người sáng lập ngôi trường ở trại phong Quỳnh Lập, Nghệ An, mang tên Anh hùng Lê Văn Tám.

Từ đề xuất của tôi lãnh đạo chỉ huy Lữ đoàn Công binh 513 anh hùng Quân khu 3 đã về thăm và kết nghĩa với Ban liên lạc thiếu niên du kích, những người con anh hùng của quê hương Đình Bảng (điều trùng hợp là một trong những đội trưởng Thiếu niên du kích Đình Bảng dũng cảm khi xưa là Nguyễn Thạc Tam khi nhập ngũ vào bộ đội là lái xe của Đại đội 2, Tiểu đoàn 27, đơn vị “Cờ Ba Nhất” của toàn quân năm 1962) một đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Công binh 513. Nhiều lần Lữ đoàn Công bình 513 đã mời và đón các đại biểu cựu Thiếu niên du kích Đình Bảng về thăm và dự các buổi lễ trọng đại của đơn vị, trong các buổi giao lưu với cán bộ chiến sĩ của đơn vị anh hùng, mọi người phấn khởi say sưa được nghe Thượng tướng - Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo nói về nghệ thuật quân sự và Thầy giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn say sưa nói chuyện về quê hương Đình Bảng, nơi phát tích các Triều Vua nhà Lý, về những chiến công anh hùng của các đội viên thiếu niên du kích Đình Bảng, về các hoạt động sôi nổi hào hùng của đoàn viên thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ, giọng thầy ấm áp, nụ cười trên môi và đôi mắt sáng linh lợi như cuốn hút người nghe. Thầy kể: Năm 1971 đang là Tổng phụ trách trường cấp II Tam Sơn, thầy được TW Đoàn cử làm Trưởng đoàn cùng 10 cháu ngoan Bác Hồ là thiếu niên xuất sắc của cả nước trong các phong trào thi đua “Nghìn việc tốt” đi dự trại hè thiếu nhi quốc tế ở Cộng hoà dân chủ Đức. Cả thầy trò dự trại hè, tổ chức triển lãm ảnh về cuộc sống và chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam anh hùng và tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ với nhân dân Việt Nam - Còn được dự các cuộc họp báo quốc tế, khi nhân chứng sống là Võ Thị Liên - một thiếu niên miền Nam tố cáo tội ác của lính Mỹ sát hại dã man hàng trăm người già, phụ nữ và trẻ em vô tội tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi… Một phóng viên phương Tây hỏi giọng điệu khiêu khích: “Cháu nói thế có phải cháu bị Việt cộng xúi giục không?”. Nguyễn Thị Liên dõng dạc trả lời “Cháu nói đây là nói sự thật, còn chú hỏi cháu như thế chính chú mới bị đế quốc Mỹ xúi giục”… Cả Hội trường vang tiếng vỗ tay như lan truyền niềm vui chiến thắng của thầy trò Nguyễn Đức Thìn trên mặt trận ngoại giao những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sáng hôm sau một tạp chí nổi tiếng của nước ngoài ngay trang bìa ngoài in kín ảnh chân dung của bé Liên với lời tựa bằng tiếng Anh “LIÊN - KẺ THÙ SỐ 1 CỦA NICXON”.

Khách trong nước và quốc tế về Đình Bảng được thầy giáo Nguyễn Đức Thìn say sưa giới thiệu về quê hương đất và người Đình Bảng trải qua nghìn năm Văn hiến, quê hương của Đức Vua Lý Công Uẩn và các Triều Vua nhà Lý, về Hội nghị Trung ương họp tại Đình Bảng để ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” trong Tổng Khởi nghĩa cách mạng Tháng 8 năm 1945; Về chiến công oanh liệt của quân dân Đình Bảng trong các cuộc kháng chiến; Về đội Thiếu niên du kích Đình Bảng anh hùng; Về những người con ưu tú của quê hương Đình Bảng như vị Tướng của QĐND Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo… Vậy nhưng thầy Thìn lại rất ít nói về mình…

Tôi được biết thầy Nguyễn Đức Thìn là người con ưu tú của quê hương Đình Bảng. Từ khi là đội viên Thiếu niên du kích Đình Bảng đã là một chiến sĩ quân báo mưu trí thông minh sáng tạo, vừa đi học vừa như đi chơi với chiếc máy ảnh mini trên vai vào tận các nơi địch chiếm đóng trong làng thu thập tin tình báo và chụp được những tấm ảnh quý giá cho du kích và bộ đội nắm chắc lực lượng quân số, vũ khí, nơi bố phòng của địch... để ta giáng cho chúng những đòn chí mạng. Cùng toàn đội lập nhiều chiến công cho thiếu niên du kích Đình Bảng. Thầy đã cùng bố mẹ và gia đình gồng mình vượt qua những cơn dâu bể của cuộc sống, nhưng nghị lực ở người thanh niên Nguyễn Đức Thìn vẫn sáng một niềm tin tưởng ở Bác Hồ và Đảng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn và sa sút, Nguyễn Đức Thìn vừa đi học vừa là cán bộ phụ trách thiếu niên của xã, vừa tích cực tham gia dạy bổ túc văn hoá trong phong trào Bình dân học vụ. Có lẽ tố chất của người thầy và người đội viên Thiếu niên du kíck Đình Bảng đã hun đúc và hoà quyện thành nghị lực để thầy vượt qua hết thảy mọi khó khăn trong công tác, trong cuộc sống để vươn lên và gắn bó trọn đời với nghề cao quý nhất là Trồng người; cuộc đời sôi nổi của thầy gắn với học sinh thân yêu, với thiếu niên nhi đồng và của đoàn viên thanh niên yêu quý.

Năm 1959 thầy là giáo viên trường Tiểu học Đình Bảng; Năm 1961 thầy là giáo viên cấp II Liên Sơn - Tam Sơn, quê hương của nhà cách mạng nổi tiếng Ngô Gia Tự. Cũng từ đây thầy cùng nhà trường tổ chức lên đội TNTP mang tên thầy giáo Ngô Gia Tự với chương trình hoạt động “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, học tập Ngô Gia Tự - Đi đường cách mạng của Bác Hồ”; Và năm 1963 thầy khởi xướng phát động phong trào “Nghìn việc tốt” với khẩu hiệu “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”; Phong trào có sức lan toả từ mái trường Liên Sơn - Tam Sơn tới cả huyện, cả tỉnh và trong cả 6 tỉnh thành miền Bắc. Tết Đinh Mùi (1967) Bác Hồ về thăm Tam Sơn, ngay ở sân trường Người đã biểu dương khen ngợi: Các cháu làm “Nghìn việc tốt”… Bác mong các cháu hãy đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng làm “Nghìn việc tốt” chống Mỹ cứu nước. Từ phong trào này mà thiếu niên cả nước đã đóng góp bằng kế hoạch nhỏ có những công trình vĩ đại cho đất nước như: Nhà máy nhựa Tiền Phong ở Hải Phòng, đoàn tàu Thống Nhất năm 1975 và khách sạn “Khăn quàng đỏ” ở Hà Nội, mãi có sức sống vươn lên cùng đất nước. Từ những đóng góp to lớn thiết thực và hiệu quả với các hoạt động của phong trào đoàn đội của thanh thiếu niên toàn quốc, năm 1974 thầy giáo Nguyễn Đức Thìn được tín nhiệm bầu bổ sung vào Thường vụ TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Năm 1979 sóng gió cuộc đời lại đến với nhà giáo Nguyễn Đức Thìn, thầy không may bị phát hiện mắc bệnh phong và phải vào điều trị cách ly ở Quỳnh Lập, Nghệ An. Bằng bản lĩnh và tình thương của người thầy luôn yêu học trò như con, nhói đau trong tim khi tận mắt thấy 152 các em là con bệnh nhân bị bệnh phong như đang bị tách biệt khỏi cộng đồng, thầy đã mạnh dạn đề đạt với bác sỹ và các đồng nghiệp, các trí thức là nhà khoa học ở khu điều trị mở trường dạy học cho các cháu ngay bên bờ biển xanh Quỳnh Lập; Mái trường mới mang tên người thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám do thầy Nguyễn Đức Thìn làm Hiệu trưởng kiêm Tổng Phụ trách đội. Các thầy giáo đứng lớp là những bệnh nhân, những nhà khoa học. Ngày khai giảng 5 tháng 9 năm 1979 các em nô nức được cắp sách tới trường… trước sự vui mừng, xúc động, ngỡ ngàng của thầy thuốc, phụ huynh, lãnh đạo và nhân dân địa phương. Xoá bỏ những mặc cảm vô hình chắp cánh cho các em, một thế hệ mới bay tới tương lai. Thầy Thìn được bầu là Bí thư Chi bộ bệnh nhân và là Trưởng ban văn hoá “Làng Quỳnh yêu thương”. Khó khăn gian khổ như càng làm cho ý chí nghị lực của người thầy được nâng lên gấp bội. Thầy được dự “Hội nghị khoa học và nhân đạo về bệnh phong” tổ chức tại Hà Nội. Tham luận xoá bỏ thành kiến không khoa học, không nhân đạo về bệnh phong, đề xuất những ý kiến thiết thực cụ thể về tổ chức cuộc sống điều trị và cuộc sống hoà nhập xã hội cho những người mắc bệnh phong. 4 năm điều trị bệnh phong, biết bao điều kỳ diệu trong cuộc sống đã đến với thầy, vừa chiến thắng bệnh tật để trở về mái trường thân thuộc và yêu dấu ở Đình Bảng quê nhà, thầy để lại cho đất và người Quỳnh Lập, phụ huynh và các em học sinh thân yêu niềm nhớ thương vô bờ bến. Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn như ngọn lửa bừng sáng của ngành Giáo dục, ở đâu có thầy Thìn đều bừng lên những phong trào thi đua của học sinh và thanh thiếu niên như lời Bác Hồ dạy “Thi đua là yêu nước”. Thầy đã có 30 sáng kiến và đề tài khoa học, có 4 đề tài được tặng danh hiệu Lao động sáng tạo và Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thầy là chiến sĩ thi đua toàn quốc. Với những cống hiến lớn lao, những năm tháng miệt mài sáng tạo trong sự nghiệp trồng người, với thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1985 thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động, và năm 1988 thầy được Chủ tịch nước Phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên cho những người thầy ưu tú nhất của ngành Giáo dục. Hơn 33 năm đứng trên bục giảng, năm 1991 Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn được nghỉ hưu tại quê hương yêu thương Đình Bảng. Thầy từng tâm sự “từ lúc về hưu ông mới làm được nhiều việc nhất” ông được nhân dân tín nhiệm giao làm Trưởng ban tuyên truyền vận động xây dựng lại Đền Đô, nơi thờ 8 vị Vua nhà Lý, di tích lịch sử Quốc gia, là người hướng dẫn viên nổi tiếng mà khách trong nước và quốc tế về Đình Bảng đều biết thầy Thìn. Thầy tích cực tham gia các đoàn thể xã hội ở địa phương, thầy không quản ngại khó khăn làm tư vấn làm cầu cảng Lý Anh Tông ở Vân Đồn, Quảng Ninh; Dự án nâng cấp quốc lộ từ Bố Hạ đi Lạng Sơn… góp phần làm giàu cho đất nước. Thầy đã viết và xuất bản 15 đầu sách mà đó cũng là những tư liệu quý cho các nhà làm phim xây dựng kịch bản sản xuất hơn 10 bộ phim tư liệu. Năm 2019 tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống đội thiếu niên du kích Đình Bảng Anh hùng, Nguyễn Đức Thìn là “hạt gạo trên sàng” trong số 23 cựu đội viên còn sống đến nay được đón đi dự lễ, được tôn vinh và ghi nhớ công ơn của Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng Anh hùng.

Lần đầu tôi gặp thầy ở ngôi nhà trong làng là nhà của bên ngoại mà thầy Thìn, cô giáo Dung và các em được cưu mang đùm bọc. Nay đến thăm thầy ở ngôi nhà khang trang ngăn nắp được xây dựng bằng sự lao động cần mẫn thông minh và sáng tạo là mồ hôi công sức của Thầy và các thành viên trong gia đình ở đầu làng Đình Bảng gần mái trường xưa mà hàng ngày thầy dõi theo ngắm nhìn các em học sinh thân yêu quàng khăn đỏ tung tăng cắp sách tới trường... như bản tình ca đầy ắp những ca từ về nghị lực, tình yêu và cuộc sống âm vang trong gia đình Nhà giáo mà người nhạc trưởng là Anh hùng Nguyễn Đức Thìn. 80 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã được thưởng nhiều Huân, Huy chương và danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục. Nay người thầy của phong trào “Nghìn việc tốt” vẫn là tấm gương sáng ngời, là đảng viên ưu tú điển hình trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của các thế hệ ngành Giáo dục. Thầy là công dân tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh sau 20 năm tái lập, được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tôn vinh trong sách vàng “Gương mặt tiêu biểu hội nhập toàn cầu” và năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được nhận quà của Ban Bí thư TW Đảng vì “Đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh - Góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”.

Đã mấy chục năm được gặp thầy giáo Nguyễn Đức Thìn từ ngày còn công tác ở Lữ đoàn Công binh 513 anh hùng, khi chuyển về cơ quan chiến lược Bộ Quốc phòng đã nhiều lần tôi và cơ quan Cục Quân nhu về thăm quê hương Đình Bảng, thắp hương ở Đình làng, ở Đền Đô tưởng nhớ các vị Vua nhà Lý và các vị tiền nhân, giao lưu và tặng quà các cựu Thiếu niên du kích Đình Bảng, Tôi trân trọng tặng thầy Thìn bộ lễ phục cấp Tướng QĐND Việt Nam mà các vị tướng như Lê Quang Đạo vẫn thường dùng để lưu giữ trong dòng họ của thầy đã sinh cho đất nước một vị Tướng, một người lãnh đạo đức độ tài ba (Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tên thật Nguyễn Đức Nguyện là người con của chú ruột thầy giáo Nguyễn Đức Thìn).

Ngày kỷ niệm 50 năm phong trào thi đua “Nghìn việc tốt” ở trường cấp II Tam Sơn, quê hương Ngô Gia Tự, nhiều Đại biểu được về dự và tặng quà cho nhà trường, hết thảy các thế hệ thầy cô và học sinh thân yêu vui mừng phấn khởi như sống lại một thời sôi nổi của những tháng năm thi đua “Nghìn việc tốt”. Từ ngọn lửa được thầy giáo Nguyễn Đức Thìn và thầy trò trường Tam Sơn thắp lên được toả sáng khắp mọi miền của Tổ quốc. Từ ngày ấy như đến tận bây giờ, ai ai cũng hân hoan, trân trọng, trìu mến gọi hai tiếng ấm áp, gần gũi, thân thương: “Thầy Thìn”… Nét mặt thầy Thìn ánh lên niềm vui thật khó tả - Có lẽ những tình cảm đó mới là món quà, là phần thưởng cao quý nhất trong cuộc đời nhà giáo của thầy.

Nguồn Văn nghệ số 40/2020


Có thể bạn quan tâm