May 5, 2024, 7:13 am

Tháp đèn. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Từ Sài Gòn, biết tin Đoàn công tác Bảo tàng của Cộng hòa Pháp mới tìm đến hòn đảo ngục tù, xin chính quyền địa phương gắn lên tường biệt thự vốn là nhà khách giáp biển tấm biển đồng bằng chữ Pháp, có nội dung, tại căn nhà này vào tháng 3.1895, nhạc sĩ Camille Saint Saens đã ở một tháng và sáng tác vở Opéra Brunehilda, nên tôi vội ra Côn Đảo bằng tàu cao tốc từ bến Trần Đề. Sự kiện văn hóa hiếm hoi của hòn đảo hơn 113 năm ngục tù, tôi không thể không tìm hiểu để biết kỹ càng hơn.

Minh hoạ: Phạm Hà Hải 

Ra đảo, tôi mới biết mình bước hững, tấm biển đồng chữ vàng không biết ai đó đã cạy mất, nhưng do còn ảnh lưu trữ giữ trong bảo tàng, lại gặp được Bí thư Huyện ủy vốn tù nhân, giáo sư Lê Quang Vịnh, nên tôi tìm hiểu sự kiện nhạc sĩ nổi tiếng của Pháp từng ở Côn Đảo để sáng tác vở nhạc kịch không khó lắm. Đại thể, lời ông Vịnh, những năm 1890, do tiếng rên xiết của dân chúng ở nước thuộc địa Á châu vì bị thực dân bóc lột thậm tệ, chứ không phải như đế quốc Pháp nói, đến xứ sở này để khai hóa văn minh, nên nhiều nhà văn hóa lớn của chính quốc, trong đó có nhạc sĩ Camille Saint Saens tìm đến Việt Nam để tận mắt kiểm chứng chế độ thuộc địa. Nhạc sĩ Camille Saent Saens theo đoàn tàu buôn Ấn Độ, lên Côn Đảo, ngày đó đã có nhà tù lớn giam giữ hàng ngàn tù nhân là những người Việt Nam yêu nước, nhiều quan lại triều đình Huế bất tuân sự áp đặt của chế độ thực dân Pháp, ra nhà tù các nhân sĩ vẫn guốc mộc, áo the lướt thướt. Camille Saent Saens ở lại nhà khách suốt một tháng, ngay cạnh nhà tù, theo hồi ức của ông, ông không chỉ nghe thấy tiếng gào thét phản kháng của tù nhân, mà còn thấy tiếng đánh đập của cai ngục mà bỗng một đêm ông nghe thấy tiếng nhị réo rắt của người nào đó vang ra từ nhà giam. Những âm thanh ngục tù đã gợi cho ông cảm xúc để sáng tác vở Opéra Brunehilda, khi dàn dựng đổi tên là Nàng Frédégonde, gây tiếng vang ở chính quốc. Dấu ấn từ thời nhạc sĩ ở Côn Đảo vẫn còn đây với ngôi biệt thự cổ kính và những cây bàng già chả mấy khi được yên vì đảo nhiều gió. 

Ở đảo lớn mấy ngày, tôi sang thăm tháp đèn biển trên ngọn hòn Bảy Cạnh, do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, một kiến trúc Gothic kinh điển. Từ Côn Đảo nhìn sang Bảy Cạnh chỉ là một đoạn biển ngắn, có cảm giác đứng bên này ới một tiếng, bên kia nghe thấy. Nhưng lên thuyền mới biết, đường sang Bảy Cạnh phải vòng về ở phía Tây, ấy là chưa kể, đến được bến đảo phải tự bơi qua một eo nước giữa hai mỏm đá, rất sâu và lạnh. Tuy nhiên tôi đã nhờ người dẫn dắt, đặt chân đến bến, chỉ phải nỗi, tối đã sập xuống, đường rừng lên nóc đảo như hũ nút mà tôi chỉ có một mình với cây gậy và chiếc đèn pin nhỏ. Tôi mò mẫm trên con đường rừng âm âm u u rợn người. Đêm trên rừng đảo ít tiếng ếch nhái, nhưng gió thổi qua vòm đá hú lên như động kinh. Vừa soi đường vừa ngược dốc, chừng chín giờ tối tôi đến đỉnh, có ngôi nhà xây theo kiến trúc Pháp cho người gác đèn ở. Gác đèn trên đảo Bảy Cạnh không phải một tốp công nhân hải đăng quen thuộc mà chỉ có một gia đình với ba đứa con gái lớn và cậu con trai nhỏ trông giữ. Gia đình gác đèn ở trên đỉnh núi đã lâu, hình như trước đó là bố của người gác đèn hiện nay cũng gác đèn, trao lại việc cho con. Thấy một gia đình gác đèn cần mẫn làm tốt việc đốt đèn hàng đêm nên từ sau giải phóng, ngành vận tải hàng hải để họ tiếp tục công việc, có lương cho hai người lớn là bố và mẹ.

Đã ở lâu năm trên đảo, vậy mà, tôi xuất hiện đường đột vào ban đêm ông chủ nhà gác đèn còn trố mắt, chà, chú hai liều dữ vậy ta! Thì ra bấy giờ tôi mới biết trên đường đảo đêm thường gặp rắn độc. Ấy là chưa kể nhiều chuyện ma quái lan ra từ khu mộ hoang của lính Pháp và người Việt trong rừng dọa nạt người yếu bóng vía.

Tôi được gia chủ hào phóng cho ăn uống, nấu nước nóng cho tắm rửa, đi ngủ có giường đệm và chăn màn tử tế. Nhưng giấc ngủ lại không đến với tôi vì trong đêm có tiếng đàn bập bùng từ đỉnh tháp đèn vọng xuống. Ai chơi nhạc Trịnh trên tháp trong đêm nghe khá nuột nà, có vẻ một tay ghi-ta gỗ chuyên nghiệp? Tôi nhẹ nhàng trở dậy, lần theo các bậc cầu thang xoắn ốc, lên đỉnh tháp. Cứ mỗi bước lên đảo tôi thoát dần bóng tối của rừng, đến đỉnh tháp thì xung quanh tôi là không gian đêm màu sữa do ánh trăng bị sương núi pha loãng, lu mờ đi. Còn độ vài bậc cầu thang nữa là đến đỉnh, tôi dừng lại, định quay lui vì thấy người đang đánh đàn ghi- ta là cô gái trẻ, mặc áo cổ trễ, quần lửng, cắt tóc ngắn, mặt đẹp, da nâu, bầu vú tròn, đôi mắt theo tôi là ấn tượng với màu đen, mở to như chiếu hắt ra một tia sáng vào người khách lạ. Đôi mắt toát lên là một người tự tin và mạnh mẽ. Tôi không thể lùi vì cô gái đang ngồi đánh đàn đã thấy tôi, nói mời anh lên sàn. 

Tôi bước lên, cô dịch người ngồi né một bên góc chiếu, dành chỗ cho khách ngồi xuống bên cạnh.

Tôi hỏi cô, đêm nào em cũng đánh đàn trên tháp đèn ư?

Cô bảo, không, đêm nay thấy có khách thì em đàn cho khách nghe.

Tôi nói, vậy anh cảm ơn em.

Cô hỏi, anh còn ở đây lâu không?

Tôi nói, ở bao giờ chán thì đi.

Cô bảo, vậy thì mai anh đi.

Vì sao?

Vì anh sẽ chán nơi này ngay buổi sáng mở mắt ra.

Tôi nói, nếu tôi thích ở đây thì sao?

Cô nói, tùy anh.

Tôi lại hỏi, em hay thức khuya thế này à?

Cô bảo hôm nào em cũng thức khuya để chờ nghe đài đọc truyện đêm khuya. Ở đây ít giao tiếp xã hội, cô phải tự học bằng cách nghe các tác phẩm văn học để rút ngắn giãn cách của cuộc sống trên đảo với đời thường bằng làn sóng của đài.

Thế giới của cô là cái đài nhỏ hiệu Soni, chạy pin, có băng cát sét. Cô cũng học nhạc Trịnh qua cái cát sét này, nghe băng cho nhập tâm rồi đánh đàn theo, bao giờ gần được như băng nhạc trong cát-sét thì chuyển sang học bài khác. Cô là người yêu âm nhạc, đã học đàn ghi- ta từ năm lên năm, có thầy dạy ở thị trấn Côn Đảo, cho tới lúc thoát mù đàn, mù nhạc thì về nhà tự học. Cô thích âm nhạc vì thế tôi kể về ông nhạc sĩ Camille Saent Saens đã đến Côn Đảo của chúng ta để sáng tác nhạc kịch, cô nghe hào hứng, rồi hỏi, anh có biết nhạc của ông Tây này không?

Tôi thành thật nói, cũng như em, anh chỉ biết thông tin chứ chưa bao giờ được nghe nhạc của ông nhạc sĩ lừng danh châu Âu này.

Cô ngồi thần người, nói, tiếc nhỉ.

Sáng hôm sau tôi không rời đảo như cô nói, mà nhận lời xuống biển tắm và nhặt ốc hương. Cô dẫn tôi xuống một bãi biển là dải cát mịn như lụa, có hình một vành trăng với hai đầu là hai triền rừng cây xanh mướt. Tôi ít thấy bãi tắm nào cát phơi một màu vàng tươi, tinh khôi như bãi tắm đảo hòn Bảy Cạnh. Thả người xuống vùng nước trong như lọc, có thể nhìn thấy từng viên sỏi nhỏ trắng sáng dưới chân, cảm giác của tôi khoan khoái vô cùng. Chỉ tiếc tôi không biết bơi, chỉ dám lội cho đến khi nước dăng lên nửa người thì dừng lại. Trong khi, cô gái xuống nước thì như con cá trắm, lao vun vút ra xa, vẫy tay tôi bơi theo. Thấy tôi có vẻ nhát nước, cô gái bảo sẽ dạy tôi bơi. Cô dìu tôi ra chỗ nước sâu để dạy bơi. Theo cô tập bơi mà chân còn chạm đất thì không biết bơi nhanh được. Cô phải cố gắng lắm tôi mới học được vài động tác bơi ếch, nhưng tôi bơi như con ếch chết khoắng tay được vài lần người nổi lên, lại chìm. Tôi là học trò dốt, nhiều khi tôi phải vội bám vào cơ thể tròn lẳn của cô ở dưới nước nếu không muốn no nước mặn. Sau gần nửa buổi, xem ra tôi phải học bơi nhiều ngày, cô bảo thôi, chúng ta đi tìm ốc hương. Tôi lơ ngơ, tìm mãi mới được một con ốc nhỏ xíu, còn cô chỉ ngụp lặn một loáng đã có cả một vốc ốc hương, con nào cũng khá to. Cả một buổi sớm hôm đó cô xách về nhà gần một giỏ ốc, làm món khoái khẩu vào bữa trưa, có một chút rượu ngâm rễ cây của ông chủ nhà.

Tôi mến cô gái mà ở lại tháp đèn, dù chỉ làm tài liệu để hi vọng viết một bài bút ký về gia đình người giữ đèn biển còn thì đi chơi, tắm biển, ra rừng tìm phong lan và nhặt nấm. Tôi ở đảo đèn được mấy hôm thì căn nhà dưới chân tháp đèn nhộn nhạo hẳn lên vì hai cô con gái gia chủ về nghỉ giữa kỳ học của hai trường trung cấp. Cô em học trung cấp Sư phạm ở Bà Rịa, còn cô chị thì lại học nghề của cánh đàn ông, nghề cơ khí và máy nổ tận Sài Gòn. Cô em học Sư phạm hẳn để về quê xin việc, vì trên đảo có hệ thống trường cấp một, hai. Còn cô chị học cơ khí và máy nổ, thì không biết nay mai làm ở đâu. Tôi hỏi cô vì sao phụ nữ lại xin cái nghề nặng nhọc, thường của con trai. Cô bảo cô có định xin việc ở nơi khác đâu, cô học để cùng ba má làm việc ở tháp đèn. Đến lúc đó tôi mới để ý ở đây có đến ba cái máy nổ của Nhật cả cũ và mới, và hai bộ ắc quy khá lớn. Máy nổ để đêm đêm cấp điện cho sáng đèn trên đỉnh tháp, còn ắc quy là để dự phòng khi máy nổ chẳng may dở chứng. Tôi khen cô chị, có dự định làm việc lâu dài trên tháp đèn, sẵn sàng thay ba quản lý công việc ở đây, tốt lắm.

Có thêm người, khu tháp đèn vui hẳn ra, suốt ngày có nhiều tiếng cười nói. Các cô từ thành phố về ngày nào cũng phô diễn cách nấu ăn các món mới học được làm cho bữa cơm hàng ngày của gia đình ngon hơn, nhìn bắt mắt hơn. Tôi thường hay nói chuyện với cô chị và cô em, vì các cô mới ở phố về, nhiều chuyện. Những lúc như vậy tôi thấy cô út lủi thủi lên tháp đèn ngồi một mình, buồn thiu. Có đêm cô cũng không chơi đàn.

Đến một đêm, ông chủ nói sẽ có bão lớn, vì thế ông giành lấy chỗ ngồi của cô con út, trực đèn hẳn ở trên đó. Bão sắp đến, nhà cửa thu dọn gọn gàng, dây phơi đầy váy áo của hai cô chị kéo vào vỉa hè, chằng buộc kỹ càng, đồ phơi đều có cặp bằng nhựa giữ cho khỏi bay. Nửa đêm bão nổi ầm ầm. Tôi ít khi chứng kiến cơn bão gầm rú trên nóc đảo giữa biển, nên có cảm giác tháp đèn cũng có thể bị bão quật đổ và cuốn đi. Tuy nhiên tôi không biết nên lo xa vậy, chứ tháp đèn đã qua nhiều cơn bão và đứng vững hàng trăm năm nay. Sau cơn cơn bão tháp không hề hấn gì, còn có vẻ thân tháp được rửa sạch, sáng lên.

Tuy nhiên cơn bão không phải không gây thiệt hại, lại là thiệt hại ở nơi mỏng manh nhất. Ấy là dây phơi váy áo của hai cô chị bị bão cuốn đứt, kéo tuột bao nhiêu là váy áo xanh đỏ bay vào rừng và ném xuống tận biển. Hai cô chị kêu lên vì thiệt hại. Những bộ váy áo đẹp để trưng diện có được của hai cô bị cuốn mất, chỉ tìm lại được vài thứ mắc trên cành cây rừng. Vất vả chắt bóp và lao động thêm ngoài giờ học để ki cóp tiền tự sắm, chỉ sau một đêm mất sạch, hai cô quá đau. Đáng lẽ ở nhà nghỉ kỳ hơn một tuần, nhưng do mất đồ, các cô lại phải về phố tìm việc làm thêm để sắm lại váy áo vào kỳ học mới. Hai cô chị vừa đi khỏi tháp đèn, thì cô em út, cô Hạnh lại rủ tôi vào rừng tìm măng và nhặt nấm. Sau cơn mưa rừng thường có nhiều nấm và nếu may còn đánh bẫy được cả gà rừng, loại đặc sản của đảo Bảy Cạnh. 

Chúng tôi vào rừng khá vui vẻ. Đến khu rừng thưa, đất xốp cô bảo ở đây có nấm, tôi xăng xái vào cuộc. Đang nói chuyên nhặt nấm, cô Hạnh bất ngờ bảo tôi, sợi dây phơi váy áo các chị đêm qua bị tuột, bay hết đồ là do cô là thủ phạm.

Tôi hỏi, sao em lại làm việc dại dột thế?

Đôi mắt trong có ánh xanh như nước biển của cô nhìn thẳng mặt tôi, nói, em ghét các chị cứ cuốn lấy anh, nên làm tuột dây phơi cho bay hết váy áo để các chị phải đi lo sắm lại.

Tôi bảo em ác quá.

Cô bảo, em có ít tiền tích cóp được từ bán ngọc trai cho các chị hết, để mua sắm đồ mới, coi như được dịp sắm đồ mới. 

Cô gái này rất cá tính và không vừa, tôi nghĩ, không muốn chia sẻ tình cảm của tôi với hai chị. Biết cô quý, tôi trân trọng tình cảm của cô hơn, nhưng vẫn giữ khoảng cách anh em, tránh những cuộc học bơi tôi cứ phải ôm lấy cơ thể tròn lẳn để khỏi phải uống nước mặn. Vì không có hai bà chị, nên tôi và Hạnh có nhiều cuộc đi bắt ốc hương và vào rừng nhặt nấm. 

Rồi cũng đến ngày tôi không thể nán lại tháp đèn lâu hơn, phải về thành phố. Đêm trước khi chia tay, tôi lại ngồi trên đỉnh tháp nghe cô đàn những bản nhạc Trịnh mà tôi rất thích, như Hạ trắng và Diễm xưa. Rất lâu sau, tôi chuẩn bị xuống tháp để đi ngủ, cô bảo, em tặng anh cái này. “Cái này” để trong chiếc túi vải màu xanh nho nhỏ. Tôi bảo, thôi em ơi, rồi anh sẽ quay lại, tặng sau, vì thói thường, chưa nhận quà thì người đi hay quay lại. Nhưng cô vẫn lấy từ túi vải xanh một vật, đặt vào tay tôi, bảo, em có mười viên ngọc trai tìm được vũng biển chân đảo. Viên nào xấu thì đã quăng bỏ. Em tặng anh một viên đẹp nhất. Anh mở ra xem đi. Tôi đặt viên ngọc trai quà tặng trong bàn tay. Tôi cũng không sành về ngọc, nhưng thấy, quả là viên ngọc đẹp, trong veo, nhưng soi vào ánh đèn lại thấy như viên ngọc ngả sang màu hơi xanh lấp lánh. Tôi cảm ơn Hạnh, bảo, anh sẽ giữ mãi viên ngọc này, đi đâu cũng mang theo như bùa hộ mệnh. Tôi nói bùa hộ mệnh, cô cười, phô hàm răng trắng đều tăm tắp, cũng tỏa sáng như ngọc.

*

Sau gần hai năm tôi mới lại hẹn Hạnh quay về tháp đèn. Đặt chân lên Côn Đảo, chỉ vòng qua biệt thự nhà khách xem người ta đã phục chế tấm biển lưu niệm về nhạc sĩ Camille Saent Saens chưa, thấy có, tôi vui rồi ra tàu cá xin đi nhờ sang Bảy Cạnh. Thuyền cá ra Bảy Cạnh không phải lúc nào cũng có vì không phải lối hướng ra ngư trường, vì thế tôi phải chờ khá lâu. Cho mãi đến gần trưa, tôi đang ngồi ở Cầu Tàu, thì bỗng nghe tiếng gọi, em đây kia mà. Thì ra Hạnh đón tôi, chỉ một mình bằng chiếc thuyền câu nhỏ. Lên thuyền, Hạnh hỏi tôi, anh quên em rồi à, mà thấy em trên thuyền, không nhận ra. Tôi mở cái túi vải xanh nhỏ xíu, lấy ra viên ngọc, bảo, em lúc nào em cũng trong túi áo anh. Hạnh nghe tôi nói cười rất tươi.

Đảo Bảy Cạnh và tháp đèn vẫn như ngày xưa, không khác bao nhiêu, chỉ có con đường lên dốc được phát quang và nhiều chỗ xếp đá thành bậc, thành đường dễ đi hơn, không trơn trượt. Vẫn như xưa, tối đến Hạnh lại ngồi trên tháp đèn học đàn. Có vẻ cô có nhiều bài hơn, không chỉ nhạc Trịnh mà có các bản đàn mới, nghe âm thanh rất dày như nhạc cổ điển.

Tôi lên tháp nghe Hạnh đánh bài đàn mà tôi chưa nghe bao giờ, thấy âm thanh sang trọng và cuốn hút.

Nghe đàn một lát, Hạnh hỏi, anh có biết bản nhạc này không?

Tôi bảo chỉ thấy hay, chưa bao giờ được nghe.

Cô nói như khoe, nhạc của ông Saent Saens đấy. Đây là đoạn ông nhạc sĩ tả vẻ đẹp thời trẻ của Hoàng hậu Frédégonde nhân vật chính của vở Opéra.

Tôi bất thật ngờ, vì đi lại, lục lọi khắp nơi, không ở đâu nghe được nhạc của ông Saent Saens đáng kính, mà về tới nóc đảo xa xôi này lại được thưởng thức opera Opéra Brunehilda. Về phố đã hai năm mặc dù tôi có lúc cũng lưu tâm nhưng chỉ biết được Tuyển tập âm nhạc của Nhạc sĩ tiêu biểu thế giới thế kỷ XX do Nhà xuất bản Âm nhạc Liên Xô (cũ) có giới thiệu chân dung Camille Saent Saens và in năm tác phẩn của ông, trong đó có hai tác phẩm ông gắn bó với Côn Đảo là ôpéra Brunehilda, và một bản concerto Điệu nhảy của thần chết, được ghi chú, tác giả sáng tác sau khi ở Côn Đảo về Pari.

Nghe tôi nói vòng vo một lúc, Hạnh xoay người lục trong đống sách bên cạnh, rút ra một tập in khá dày, bìa vẽ những phím trắng của đàn piano, giơ ra hỏi tôi, có phải tập nhạc này không? Tôi ngớ người vì bất ngờ thấy tập nhạc mà tôi đã được giới thiệu.

Cô bảo, em phải mất nhiều công để có tập nhạc này. Là bấy giờ có một tốp sinh viên Nhạc viện ở thành phố Hồ Chí Minh lên thăm tháp đèn, họ cũng ngủ lại Bảy Cạnh một đêm, cũng như anh, đêm lên tháp nghe em đánh đàn rồi nhân tiện dạy em về kỹ thuật đàn tác phẩm cổ điển. Các anh ấy đàn giỏi lắm, em nghe mà mê luôn, vì thua xa họ. Nghe em nói về ông nhạc sĩ Pháp từng đến Côn Đảo, họ bảo, cũng biết chút ít về ông nhạc sĩ lớn này nhưng chưa bao giờ nghe tác phẩm của ông được dàn dựng ở Nhạc viện để biểu diễn. Thế là em nắm lấy cơ hội, nhờ các anh sưu tầm cho bản nhạc của ông Saent Saens để nghe và học mót.

Các anh bảo chỉ có sách in các bản nhạc thôi, không có bản hòa tấu nào của ông Saent Saens đã được Việt Nam dàn dựng.

Em bảo, sách nhạc cũng được, các anh tìm giúp em một bản phô tô. Chuyện mãi, cuối cùng em nói thật với một anh, em dốt nhạc, đọc nhạc chưa thạo, nên làm sao các anh đàn cho một vài khúc của Opéra Brunehilda, và nhất là concerto Điệu nhảy của thần chết ghi vào băng để em học.

Các anh cười bảo, bọn anh cố gắng.

Để các anh ấy nhớ việc phải giúp em, anh đem cả chín viên ngọc trai, bộ sưu tầm tuyệt hảo của em tặng cho các anh ấy, coi như là trả công sưu tầm. Các anh ấy rời đảo chừng hai tháng, thì gửi ra cho em cái máy cát sét nhỏ với một băng nhạc các anh tự đàn, tự ghi âm một số đoạn Opéra và trọn vẹn bản concerto Điệu nhảy của thần chết. Em bật băng lên nghe, rồi đàn theo, phải mấy tháng mới được vài đoạn nghe tạm được.

Tôi ngồi nghe Hạnh đàn một bản nhạc tươi vui gợi tả nàng Frédégonde xinh đẹp từ cô gái hầu phấn đấu, giành giật bằng tất cả nghị lực và miền đam mê cái đẹp để trở thành Hoàng hậu. Là nhà báo, quen ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn mà tôi mù tịt, phải đến tận Bảy Cạnh mới được nghe tác phẩm bất hủ của Saent Saens do một cô gái đang tập đàn thể hiện. Tôi nói với Hạnh, anh hay đi Côn Đảo, khi vì công việc viết báo, có khi chỉ đi du lịch, thăm viếng mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu và các tù nhân bị giết trong nhà tù của đế quốc. Anh như là người yêu Côn Đảo, vậy mà không yêu bằng em. Em yêu Côn Đảo bằng trái tim của mình, còn anh yêu có khi vụ lợi, cầu xin Võ Thị Sáu điều may mắn mà cũng chưa bao giờ gặp may. Hạnh nghe tôi nói, bảo thế mà em vừa gặp may đấy, mấy anh ở Nhạc viện thành phố mới gửi tặng em một cây ghi-ta xịn, tiếng hay lắm, để em đàn cho anh nghe.

Lên Bảy Cạnh lần này, tôi và Hạnh ít đi chơi hơn các lần trước và đêm tôi cũng chỉ thỉnh thoảng lên tháp đèn vì cô đang dành thời gian luyện tập một trích đoạn opéra Brunehilda để chuẩn bị đi thi văn nghệ quần chúng của tỉnh Bà Ria Vũng Tàu. Lần đầu tiên được bước lên sân khấu, cô lo lắm, không chỉ tập đàn mà còn lo sắm sửa trang phục biểu diễn, cả đôi guốc cao gót cô chưa quen đi và son phấn nên lúng túng. Tôi nói với cô, bình tĩnh đi em, văn nghệ quần chúng cốt là tinh thần tham gia phong trào, không yêu cầu quá cao về nghệ thuật. Với lại em là trường hợp đặc biệt ở đảo heo hút, tự học đàn mà lại đàn khá hay, nhiệt tình đăng ký tham gia liên hoan thì sẽ được hoan nghênh của Ban giám khảo nên chắc có điểm cao. Nghe tôi nói Hạnh hào hứng hẳn ra, tập đàn gần suốt đêm đến nỗi mười đầu ngón tay sưng lên, phải đắp lá móng nướng với muối cho đỡ đau.

Đến một hôm, cả ba và má của Hạnh phải cùng vào Vũng Tàu vì một cuộc họp nào đó của Công Ty Bảo đảm an toàn hàng hải triệu tập. Khi đi hai vợ chồng ông còn đem theo cậu con trai để cháu được vui chơi ở đất liền vài hôm. Ở tháp đèn chỉ còn tôi và Hạnh. Đêm đêm Hạnh vẫn ngồi trên tháp, vừa thay ba đốt đèn và trực canh vừa tập đàn. Buổi sáng, Hạnh nói với tôi, ba má đi vắng, hôm nay anh em mình cắm trại, ăn trong rừng. Tôi bảo, vào rừng thì chờ tan sương hãy đi. Hạnh bảo phải đi từ mờ sáng để bắt ốc ngọt làm thức ăn cho cả ngày. Thấy tôi có vẻ ngần ngại, Hạnh giải thích, một tháng chỉ có hai lần bắt ốc ngọt, vào hai đêm triều cường. Khi nước rút, ốc ngọt bám vào đá sỏi, người bắt chỉ việc tìm nhặt cho vào giỏ.

Chúng tôi ra bãi biển khi nước vừa rút, để lại một bãi cát trắng phẳng lỳ. Chúng tôi đến bắt ốc ngọt ở các hòn đá, chỉ một lúc đã đầy giỏ những con ốc ngọt vỏ dày, vền vện, không có vảy nắp. Hạnh hào hứng đeo giỏ ốc, tay cầm đàn dẫn tôi vào khoảnh rừng chúng tôi quen đến đây nhặt nấm. Một bếp lửa được đốt lên để nướng ốc. Ốc chín, Hạnh bày ra tấm lá chuối cho tôi ngồi ăn còn cô thì tiếp tục tập bản Nàng Frédégonde. Tôi ngồi ăn ốc, ngắm Hạnh, giống như một di gan da nâu bóng, tóc phủ hai bên mang tai, áo ba lỗ bó sát người, quần bò lửng, phô cơ thể tròn lẳn. Nàng đàn mê mải, những âm thanh từ hộp đàn vang ra, bay lượn trong không gian tràn ngập màu xanh rừng đảo. 

Tôi ngồi ngửa mặt lên nóc rừng, gần như nhắm mắt để nghe những âm thanh gợi tả về cô gái đẹp vượt qua mọi gian khó để cuối cùng trở thành hoàng hậu trong cuộc đấu tranh giành lại quyền sống, quyền làm chủ bản thân mình. Tôi nhớ đến lá thư của Camille saint Saens gửi chúa đảo Louis Jacquet (tháng 4/1895) có dòng “Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi”, mới hiểu tại sao ở cạnh nhà tù Côn Đảo, nghe thấy tiếng gào thét của người tù bị tra tấn, mà ông không viết về sự trần tục gắt gao của đời sống thực tại, lại thả hồn vào những giai điệu trong sáng và đẹp đẽ về người con gái xinh đẹp, thả hồn vào tự do và những giá trị cao của con người tự do. Những tài năng lớn là vậy, là bay trên trần trụi của thực tại, hướng đến vẻ đẹp vĩnh hằng và tự do, hướng con người đến tự do. Ta từng gặp điều này ở những nhân cách lớn của chính quê hương ta. Giữa cuộc kháng chiến chống quân Minh nhiều gian khổ, thay vì viết về binh sĩ và trận mạc, Nguyễn Trãi viết về thiên nhiên đầy sức sống, đầy lạc quan từ những cảnh bình dị như một ánh trăng, một buổi chợ, một bông hoa nở, một nõn chuối, một luống mồng tơi, hay một tiếng chim kêu... Ông viết về thiên nhiên với nhiều màu sắc, đường nét, âm thanh mang hồn người, mang tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, gữa cuộc kháng chiến nhiều hi sinh gian khổ, nhưng Người lại làm thơ yêu thiên nhiên, nồng nàn với thiên nhiên, Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, trăng nhòm cửa sổ ngắm nhà thơ... Hướng tới cái đẹp, để cái đẹp bay lên thực tại gian truân, hướng về tự do là mục đích cuối cùng của mọi cuộc chiến đấu giành lấy và thúc đẩy con người vươn tới.

Với Ôpera về nàng Frédégonde, dù viết cạnh ngục tù Côn Đảo, ta không nghe thấy bất kỳ tiếng gào thét nào, chỉ là những nét nhạc trong trẻo, tươi sáng khao khát tự do của nhà soan nhạc thiên tài gửi cho tương lại. Ở đây ngoài tiếng đàn thi thoảng có tiếng chim hót. Tôi biết đó là tiếng hót của những con chim nhỏ cánh vàng, suốt ngày bay trên các ngọn cây có hoa để hút mật. Tiếng chim là dàn nhạc đệm cho tiếng đàn của em thêm quyến rũ. Em dừng đàn, ngửa cổ lên nhìn trời đang có nắng.

Tôi bảo Hạnh, em đẹp lắm.

Hạnh bảo, vâng, em cám ơn anh. Em sẽ đem đàn đi thi văn nghệ quần chúng trong tỉnh, không phải mong giật giải thưởng mà muốn nhiều người nghe em đàn tác phẩm của Camille Saent Saens thì yêu mến Côn Đảo hơn, biết đến hòn Bảy Cạnh có tháp đèn. Em đàn cho anh nghe trích đoạn nói về nàng Frédégonde thời trẻ mà em định dự thi.   

Nói rồi, Hạnh vươn người hít thật sâu rồi cúi xuống đàn. Tôi có cảm giác bao nhiêu tinh thần của Hạnh lúc này đều dành cho đàn. Từng ngón tay búp măng của Hạnh nhảy múa trên bặt cần đàn. Tôi bất chợt nhận ra, tiếng đàn trong rừng, không âm vang như đàn trên gác đèn mà trong veo. Có lúc tôi cảm giác đàn không vang lên từ những ngón tay, từ lồng ngực đầy, căng của Hạnh mà vang lên từ những búp lá xanh mượt và mềm mại trong gió.  

Chờ Hạnh dừng đàn, tôi nói, em đàn hay lắm.

Hạnh bảo, hay thì chưa đạt tiêu chuẩn đi thị anh ạ.

Tôi lại hỏi, vậy đi thì cần tiêu chuẩn nào?

Hạnh bảo, nghe một tác phẩm âm nhạc chỉ thấy hay, mới là một nửa của thành công, nửa còn lại là xúc cảm. Xúc cảm là tình cảm người biểu diễn truyền qua cây đàn đưa tới người nghe. Có cái hay mà trơn trụi không xúc cảm. Có cái chưa hay nhưng giàu cảm xúc, lay động lòng người.

Tôi hỏi em, ai đã dạy em những điều này?

Hạnh bảo, em tự nghiệm ra thôi.

Nói xong, cô buông đàn đứng dây, bảo tôi, anh cũng đứng dậy. Tôi làm theo em bảo. Em ôm lấy tôi, thân thiết và tin cậy, nói, em yêu hòn đảo nhỏ bé do gia đình em trông giữ. Em càng chơi đàn càng gắn bó với đảo hơn, chưa bao giờ nghĩ lại có ngày có thể xa hòn đảo này. Không biết anh có nghĩ như vậy về em không?

Tôi bảo, anh tin lời em nói. Nếu không yêu đảo thì làm sao hàng ngàn đêm nay em lại có thể ngồi với cây đàn. Tôi đặt lên trán cô một cái hôn nhẹ.

Cô bảo, cám ơn anh. Anh ở lại Bảy Cạnh đến hôm nào đi thi đàn với em nhé.

Tôi nói, tôi không thể ở lâu trên Bảy Cạnh vì còn công viêc đang đợi ở cơ quan. 

Cô tiễn tôi sang tận Côn Đảo, bảo tôi, em mà thi hỏng là tại không có anh đi cùng để em đỡ run.

Tôi động viên em, tự tin lên, cứng rắn như em, còn sợ gì.

Tôi về Sài Gòn được nửa tháng thì nhận thư của Hạnh, viết rất dài, chữ lem nhem không biết do mưa hay nước mắt mà nhoè nhiều chỗ, khó đọc. Đây là lá thư đầu tiên Hạnh gửi cho tôi, vì thế dù khó đọc tôi vẫn đánh vần từng chữ để xem hết lá thư. Câu đầu tiên Hạnh viết là tiếng kêu, “Ối anh ơi”. Em kể, em tự giới thiệu sẽ đàn một trích đoạn Opéra của của nhạc sĩ Pháp làm khán giả vỗ tay ầm ầm, rồi cúi xuống, hít một hơi dài lấy tự tin và đàn như thể chỉ có mình anh ngồi nghe, không run, mặc dù sân khấu rộng, đèn sáng như ban ngày và người xem đông như hội. Em mới đàn được một khúc mở đầu thì chính ông trong Ban giám khảo cuộc thi chạy vội lên sân khấu, ghé vào tai em, hỏi, cô đàn cái gì đấy.

Em run quá, bảo, thưa bác, em đàn một trích đoạn tác phẩm của nhạc sĩ Pháp viết ở Côn Đảo.

Ông ta xua tay thôi thôi, đàn nhạc Việt đi, văn nghệ quần chúng phải đàn sao cho quần chúng hiểu. Nhạc Việt còn chưa ăn ai, cô lại đòi đàn âm nhạc Pháp. Chết thật, tôi lại chưa nghe trước để kiểm duyệt.

Em run như gà gặp gió, không còn hồn vía nào mà thi tiếp, nên cầm đàn đứng dậy, người như bơ vơ trên sâu khấu, đôi guốc cao gót làm em muốn ngã. Lúc đó chắc mặt mũi em buồn cười lắm, xây xẩm, nước mắt tràn trên má, không còn nhìn rõ chân bước đến đâu. May mà hôm ấy có má đi cùng. Má dìu, không thì em dúi dụi, không còn nhìn thấy gì. Bước xuống sàn diễn, em vội khoác cây đàn lên vai má, rồi cắm đầu chạy, chạy thật xa cái nơi mà mình vừa ngồi đánh đàn. Em đang chán nản, anh ra Bảy Cạnh đi cứu em. Anh mà không ra đảo gặp em thì em bỏ nhạc.

Vậy là sáng ra, tôi vội lấy vé bay Côn Đảo vì không muốn một người yêu đàn Hạnh lại phải đập đàn vì thất vọng.

Tôi ra Bảy Cạnh giữa lúc Hạnh gần như là người kiệt sức nằm như mơ, như ngủ gà ngủ gật trên tháp đèn, đầu gối lên cây đàn ghi ta, tay buông xuôi. Tôi ôm lấy cái cơ thể sốt hâm hấp, bảo, tỉnh lại đi em, đời còn dài, đâu chỉ là một cuộc thi tài.

Hạnh thức dậy, ôm lấy cổ tôi, nói, em buồn quá.

Tôi ở lại Bảy Cạnh với Hạnh mấy ngày thì một buổi sáng có anh cán bộ phòng Tổ chức của huyện đảo, cầm lá thư của Bí thư Huyện ủy Lê Quang Vinh gửi cho Hạnh, không phải là một quyết định mà là một lời mời Hạnh về làm viên chức tập sự ở Phòng Văn hóa huyện. Hạnh đưa thư cho tôi xem, hỏi, ý anh như thế nào? Tôi bảo đây là dịp may để em đi công tác. Nhưng Hạnh lại không nghĩ như tôi, bảo, em không xa Bảy Cạnh đâu. Ba má em già rồi, em ở lại Bảy Cạnh chờ mai này chị em đi học cơ khí về, thì hai chị em thay ba má đốt đèn. Tôi ở Bảy Cạnh suốt cả tuần mưa rả rích, đảo lúc nào cũng chìm trong mây mù. Một đêm đã khuya, nghe tiếng đàn, tôi lên tháp, thấy Hạnh ngồi trên ghế đàn, trước mặt có cái giá đặt cuốn sách nhạc của ông Saent Saens như là đang say sưa biểu diễn. Tôi ngồi nghe đàn một lúc, em mới nói, em phải tập lại. Sẽ đến lúc người nghe thấy được cái hay của bản nhạc ông nhạc sĩ thiên tài viết ở Côn Đảo. Từ đêm ấy, tháp đèn lại hết vẻ quạnh hiu trong mưa rả rích trùm lên đảo vắng.

Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Nguồn Văn nghệ số 51/2022


Có thể bạn quan tâm