April 29, 2024, 7:39 am

Thanh gươm để lại

Ngồi trong căn nhà vắng lặng, nhìn mái đầu bạc trắng của Đinh Rươl tôi bỗng thoáng chút bùi ngùi. Lần gặp Đinh Rươl năm 1983 Đăk Glei bấy giờ còn heo hút lắm. Cả thị trấn chỉ loi thoi vài chục nếp nhà tranh, chủ yếu là giáo viên với cán bộ công chức.

Đinh Rươl lúc ấy mới đưa vợ con ngoài Bắc vào. Một căn nhà gỗ lợp tôn bôrô xi măng hai gian chênh vênh bên sườn đồi. Mảnh sân nhỏ xíu lổn nhổn sỏi đá. Cuộc gặp hôm đó tôi phải ngồi đợi khá lâu mới thấy cụ Mét cõng một gùi củi nặng trịch từ rừng về. Rồi nhỉnh cả buổi chiều, tôi đã say sưa nghe ông kể chuyện. Đinh Rươl ngồi bên, thỉnh thoảng lại cắt nghĩa cho tôi những từ ông cụ nói sai dấu… Thật khó mà tin được ngày ấy cách nay đã nhỏn bốn chục năm. Còn người Anh hùng A Mét thì đã khuất núi chẵn 23 năm rồi!

Tôi xin phép thắp lên bàn thờ người xưa một nén hương rồi cùng Đinh Rươl ôn lại cuộc đời người anh hùng một thời vang bóng…  

… Làng Xốp nghét bấy giờ nhỏ lắm, chỉ có vài chục hộ người T’rẻ lọt thỏm giữa ngăn ngắt rừng già. Vợ chồng A Brôm – Y Lữ chỉ có 2 con, một gái, một trai. Cô con gái lớn lên da trắng như bẹ chuối bóc, hát hay múa dẻo. Một tù trưởng Lào nghe tiếng đến đòi bắt làm vợ với món sính lễ lên tới một trăm con trâu. A Brôm phải đem chia bớt cho dân làng giết thịt. Trâu thì đã nhận mà cô dâu vẫn không chịu về nhà chồng, tù trưởng tức giận đem người tới đánh làng Xốp rồi đốt rừng. Người chết, rừng cháy 7 ngày 7 đêm mới tắt, cô dâu đành phải gạt nước mắt về nhà chồng…

 

Biến cố gia đình xãy ra, bấy giờ cậu bé Đinh Môn – tên thật của A Mét, mới khoảng 10 mùa rẫy. Cũng như người làng lúc ấy, hiểu biết của Môn chỉ đến đôi làng xung quanh… Cho đến khoảng năm 15 tuổi, lần đầu tiên con mắt của Môn mới qua khỏi những gì đã biết - ấy là một lần được cha cho theo xuống Kon Tum đổi muối. Bấy giờ Pháp đang bắt phu mở con đường 14 B. Từng tốp người áo quần rách như lá chuối, gầy như khúc le hì hụi chặt cây đào đá. Trông họ cũng giống người Xê Đăng, người Dẻ. Khác lạ là giống người gì da trắng, mắt xanh, bụng to như đàn bà chửa, chỉ đứng ngó rồi lâu lâu lại lấy roi quất lên lưng người làm. Hỏi, cha nói đó là người Kinh làm ra muối, bị người Pháp bắt đi làm xâu. Nhưng người Pháp ở đâu tới thì cha cũng không biết. “Cái giống người này bụng to thế, chắc phải ăn hết cả con bò mới no. Khéo rồi mai mốt nó cũng vào làng bắt bò, bắt người Xê Đăng đi làm xâu cũng nên!

Nhưng Pháp chưa cho người vào làng ngay. Ý nó muốn lên tiếng để người Xê Đăng sợ đã… Một buổi người làng bỗng nghe tiếng gì rất lạ. Nhìn lên trời thì thấy một con gì lạ lùng: Nó có hai cánh, người sáng như con dao mới mài, tiếng kêu động hết cả cây rừng. Ai nấy sợ hãi chui vào gầm nhà không dám thở, chờ đợi một cái gì khủng khiếp nhưng chỉ thấy nó bay đi bay lại sát ngọn cây mấy cái chớp mắt rồi mất hút…

Con gì mà lạ thế? Hỏi người già nhất làng cũng chưa ai từng thấy. Thôi thì cứ gọi nó là “con diều”. Môn nghĩ ngay đến người Pháp mình thấy. “Chắc nó không đủ bò ăn nên mới cho con diều đi tìm. Không bắt được con diều này thì bao nhiêu trâu bò nó ăn hết. Đem ý nghĩ của mình nói với dân làng ai cũng cho Môn nói phải, nhưng mà làm sao bắt nó đây? Người nói: Chờ khi nó bay thấp, mình lấy cái nỏ lớn bắn thì được thôi. Người nói: Mình lấy dây mây đan thành cái lưới mắc lên ngọn cây cao, nó bay cánh vướng vào thì bắt… Bàn vậy rồi làm thật. Chưa hết con trăng đã thấy diều Pháp trở lại. Lần này nó bay còn chậm hơn, cái cánh cứ đảo qua đảo lại nghiêng ngó như thằng ăn cắp. Chờ nó đến giữa đầu, Môn hô bắn… Ớ, sao chẳng mũi tên nào găm được vào nó lại rơi xuống cả đầu mình? Cái lưới đơm trên ngọn cây kia, sao cũng không mắc được vào cánh nó? Trèo lên coi thử thì Yàng ơi, hoá ra còn cách xa nó cả tiếng hú!

Sau lần cho diều bay ít lâu, Pháp vào đóng đồn ở Đăk Choong. Nó vào các làng bắt người đi làm đường, trồng cây cà phê, trồng chè. Pháp lại làm một cái nhà (tù) bằng đá. Ai không chịu đi làm xâu thì bắt nhốt vào đó. Ông A Brôm bị Pháp bắt nhốt, đánh gần chết mới thả cho về… Giờ thì Đinh Môn hiểu rồi, Pháp đến đây không chỉ để bắt con bò con heo. Phải nghĩ cách đánh lại nó thôi.

Nhưng đánh Pháp bằng cách nào khi Yàng cho Pháp biết cách làm ra súng bắn dưới đất, làm được con diều sắt bay trên trời? Nghe nói dưới Cheoreo có ông Săm Brăm được Yàng cho nước thần. Có được nước ấy xoa lên người thì súng Pháp bắn không trúng, đau bệnh gì cũng hết. Hăm hở, Đinh Môn lên đường quyết xin cho được nước thần. Nhưng lang thang hết cả một con trăng mà không gặp được Săm Brăm. Hỏi dò người theo ông thì được biết phép lạ của Pháp ở trong đồng xu của nó. Lấy được đồng xu nó bỏ vào nước, làm lễ cúng Yàng thì thành nước thần thôi.

Trở về làng, Đinh Môn tự mình đi làm xâu để lấy đồng xu Pháp. Làng Xốp Nghét chưa bao giờ có cái lễ to như thế. Họ đâm một con trâu trắng, một con trâu đen; giết một con gà trắng, một con gà đen để làm vật tế Yàng. Khấn Yang xong, Môn nâng đồng xu lên ngang mắt rồi bỏ nó vào chiếc nồi đồng lớn. Già làng rót từng bầu nước được lấy trên núi cao về rồi lần lượt xoa lên đầu, lên lưng cho mọi người. Nước xoa đến đâu Môn có cảm giác da mình thành sắt đến đó…

Môn chọn trong làng những người khoẻ nhất, gan dạ nhất chờ bắn Pháp. Mấy con trăng sau Pháp lại vào làng bắt xâu. Chờ nó đến thật gần, Môn hô mọi người cùng bắn. Lạ quá, tên trúng người mà sao Pháp không chảy máu? (Sau này mới biết Pháp mang áo giáp). Pháp hơi hoảng nhưng chỉ mấy cái chớp mắt nó bắn lại. Đạn nổ như sấm chớp. Một người bị trúng đạn chết. Những người còn lại phải chạy lui. Pháp vào làng nổi lửa đốt nhà, may mọi người chạy kịp lên núi cao.

 “Đã có nước thần, sao vẫn bị đạn Pháp bắn trúng? Ờ, nếu nước thần mà tránh được đạn thì ông Săm Brăm đã đuổi được Pháp về đất nó rồi. Pháp chắc không phải người Yàng thật đâu, chỉ là da nó dày tên găm không tới thôi. Nếu bắn vào người không được sao mình không bắn vào mắt coi thử?”. Nghĩ vậy Môn chọn người bắn giỏi nhất cùng mình ra đồn Pháp rình. Chờ đến buổi trưa, một thằng không mang súng đi ra. Môn nín thở. Một cái chớp mắt, không tin được là mũi tên đã găm trúng mắt nó. Thằng Pháp chỉ kịp đưa hai tay ôm mặt kêu rống lên. Máu tuôn đỏ cánh tay, chảy thành dòng xuống đất. Môn suýt hét lên, may kịp nhớ mình đang ở cạnh đồn.

Vậy là Pháp không phải người Yàng rồi! Môn chỉ huy dân làng làm bẫy đá, mang cung; giữ chắc các lối vào làng. Pháp đã không bắt được người đi xâu mà đồn điền của nó cũng không được yên. Cứ mọc lên cái nhà nào là bị Môn rình đốt hết. Pháp điên cả đầu mà không biết làm sao.

Nhưng làng Xốp Nghét cũng không lớn nổi. Con nít đẻ ra, mười đứa thì chết hết bảy, tám. Đói muối, người già mặt mũi sưng vù; người trẻ thì chân tay nặng như đeo đá. Đang lúc nguy bỗng có tin bay đến làng: Pháp đã bỏ đồn chạy vì sợ Việt Minh.

Việt Minh là ai mà giỏi thế? Đang nghĩ phải đi tìm cho biết thì một chiều có hai người đến làng tìm Môn. Họ nói mình là cán bộ Việt Minh. Việt Minh hoá ra chỉ là người Kinh, người Xê Đăng thường thôi, chỉ vì có bụng thương đồng bào mà Pháp phải chạy…

*

Nhưng Pháp chạy chưa đầy mùa rẫy thì quay lại Kon Tum rồi lên đóng đồn ở Đăk Pét, Đăk Choong như cũ. Đinh Môn được giao làm Trung đội trưởng bộ đội địa phương thuộc Trung đoàn 120 Liên khu 5. Là đơn vị hoạt động độc lập, trung đội Đinh Môn chỉ được trang bị mấy cây súng trường dài ngoằng với chưa đầy chục viên đạn. Đề phòng đạn không nổ, mỗi lần ra trận bộ đội phải hơ lửa cho nóng. Riêng Môn được thêm một khẩu “Ru lô” cũ kỹ, thỉnh thoảng lại dở chứng kẹt đạn. “Vũ khí thế này mà không có mẹo, không thắng Pháp được đâu” – Môn nghĩ…

Trận khởi đầu, trung đội Đinh Môn được giao nhiệm vụ phá cầu Đăk Pét để “tiêu thổ kháng chiến”. Phá cầu sắt mà trong tay không một tí thuốc nổ, làm sao? Đi trinh sát về, Môn suy nghĩ nhức cả đầu. Đến con gà gáy sáng thì ý hay bỗng loé ra: Cái cầu của Pháp cũng như cục sắt làm con dao. Cứ đốt cho nó cháy đỏ lên thì phải mềm chớ gì?

Ngay chiều hôm sau Môn cho bộ đội chặt cây xà nu xếp đống cao dưới gầm cầu rồi nổi lửa. Xà nu nỏ gặp gió cháy rừng rực như tưới xăng trùm kín cầu. Ván lát gỗ lại tiếp thêm lửa giùm cho nó. Khung cầu cong dần như lưng con ngựa thồ quá nặng rồi sụm xuống ầm một tiếng như núi lở. Cả trung đội khoái chí vỗ tay hoan hô Môn vang cả núi rừng!

Biết thủ phạm là Đinh Môn - tên “thủ lĩnh mọi nước xu” nay đã trở thành bộ đội Việt Minh, Pháp sợ lắm. “Ai giết hoặc bắt được Môn, Pháp thưởng 500 con trâu. Nếu Môn chịu về hàng, sẽ phong chức thiếu tướng”. Tờ giấy của Pháp đi rao khắp các làng. Nghe tin Môn chỉ cười…

Một buổi chiều mặt trời đã lụi như hòn than trong bếp bỗng có một tên Xê Đăng vào đồn nói muốn dẫn Pháp đi bắt Môn để lấy thưởng. Hắn đi khập khiễng, hai má sưng vù; con mắt kèm nhèm, người lem luốc khói xà nu. “Thằng mọi này có vẻ là cơ sở nuôi giấu Đinh Môn đây”. Không nghi ngờ gì nữa, tên chỉ huy lập tức cho một trung đội đi theo. Trái với sự nôn nóng của đám lính, “thằng mọi” cứ khập khiểng từng bước khiến bọn lính nóng ruột đòi cáng… Đến chỗ con dốc Đăk Tả, bất ngờ hắn hét lên một tiếng chói tai rồi vụt bay người xuống vực như một tia chớp. Đang ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì thì bỗng nghe như núi lở. Ngó lên, từng tảng đá to như con trâu rùng rùng lăn xuống. Rồi thì tên, mang cung thi nhau bay vào bọn chúng dày như mưa giông. Đường hẹp, hai bên núi dốc đứng không sao thoát được, cả trung đội lính Pháp bị tiêu diệt gần hết…

Bây giờ thì Pháp mới hiểu “thằng mọi” què ấy chính là Đinh Môn. Đòn đau làm Pháp choáng váng. Nhưng Pháp không ngờ vẫn mẹo ấy, Đinh Môn lại cho bọn lính ở đồn Đăk Choong nếm tiếp đòn đau. 

Một buổi trưa nắng gắt, tên lính gác đang thiu thiu ngủ thì bỗng giật mình thấy một viên sĩ quan Nguỵ đi đến đòi gặp đồn trưởng ngay. Chẳng nghi ngờ gì, tên lính dạ rối rít rồi dẫn vào đồn. Vừa thấy đồn trưởng, viên sĩ quan ra lệnh giọng hách dịch: “Tập hợp lính theo tao đi bắt thằng Môn ngay. Tao vừa biết tin nó một mình về làng”. Nghĩ viên sĩ quan này được cấp trên cử xuống dẫn đường, tên đồn trưởng vội tập hợp một tiểu đội đi theo. Qua quãng đồi dốc cách đồn chừng cây số, viên sĩ quan bất ngờ quay lại hỏi: “Chúng mày đi bắt thằng Môn nhưng đã biết mặt mũi nó thế nào chưa? Tên đồn trưởng đang ngớ ra lúng túng thì viên sĩ quan bỗng cười lớn: “Tao chính là thằng Môn đây này!” Chuyện như trên trời rơi xuống khiến tên chỉ huy há hốc mồm. Chưa kịp phản ứng thì Môn đã vụt lăn mình xuống dốc, chĩa súng vào hắn. Hoảng hồn hắn nằm rạp xuống đất hô lính bắn loạn xạ…Một lúc lâu không thấy bắn trả, ngóc đầu lên thì thấy Môn đang chạy phía trước, hắn hô bọn lính đuổi theo. Đã sắp tới gần nhưng vừa thấy Môn giơ súng lên, bọn lính lại hốt hoảng nằm xuống… Tài bắn súng của Môn, chúng đã nghe nói nhiều rồi. Hắn từng bắn rơi con sóc trên ngọn cây cao mà không cần ngắm… Trò chơi ú tìm diễn ra tới lần thứ 3, bấy giờ tin chắc là súng Môn bị kẹt đạn, tên chỉ huy vững bụng hô lính đuổi theo, quyết bắt sống. Bất ngờ những tiếng súng nổi lên đanh gọn, cả lũ rơi vào vòng phục kích…

Biết Đinh Môn dụng tài cải trang rồi dụ chúng để phục kích, địch luôn đề phòng. Nhưng dù có cảnh giác đến đâu, chúng vẫn cứ mắc mưu Môn như thường. Không chỉ dùng mẹo cải trang nhử Pháp ra khỏi đồn để đánh, Môn còn táo gan vào đồn chúng để dò la… Một lần bọn lính ở đồn Đăk Choong thấy một “tên mọi” nài nỉ xin gặp chỉ huy. Hắn ta một bên mặt sưng vù, một mắt tít lại ghèn nhữ nhầy nhụa; cái khố vỏ cây đeo trễ xuống quá rốn mà cũng không buồn kéo. Bằng một thứ giọng vừa ngọng vừa lắp, hắn nói rằng ở làng đói quá, muốn xin làm lính để có cái ăn… Không chờ hắn nói hết, tên đồn trưởng tức mình đá phốc một cú vào đít:

- Mẹ mày, mắt mũi như thế kia mà dám đòi đi lính. Mày thử nhìn mấy khẩu súng kia xem có thấy không đã?

Hắn chỉ tay vào mấy khẩu súng lớn để ở góc đồn. “Tên mọi” sợ sệt vừa xoa đít vừa lò dò bước tới rờ rẫm xuýt xoa. “Cũng nên mượn mồm nó tuyên truyền cho bọn mọi các làng khiếp sợ”, nghĩ vậy tên đồn trưởng luôn mồm ba hoa nào đồn hắn có bao nhiêu súng, lính bố phòng ra sao. Vậy là Môn nắm hết lực lượng địch, không cần khảo mà có kẻ xưng…

“Thằng Môn như con ma, biết hắn đó mà không sao bắt được”. Cứ mỗi lần bị nếm đòn của Đinh Môn, chúng lại căm tức nói với nhau như vậy. Có kẻ còn thêu dệt là Môn có “bùa” nên đạn bắn không trúng; giáp mặt thì khiến mắt chúng thành ảo giác…Thực sự là có những chuyện chúng không thể cắt nghĩa được. Ví như một lần Đinh Môn bị lọt vào ổ phục kích. Cả một tiểu đội địch bao vây quyết bắt sống cho được Môn. Giữa đồi tranh mênh mông, Môn cứ lấp ló thoắt ẩn thoắt hiện, vây đằng này đã thấy xuất hiện đằng kia, không thèm bắn trả một phát súng mà thoát khỏi cuộc đuổi bắt của chúng như mọc cánh… Sau này chúng càng kinh ngạc hơn khi được biết là khẩu ru lô “trứ danh” của Môn hôm đó bị kẹt đạn…Thực ra thì Đinh Môn là con của núi rừng, thêm tài cải trang, ông đã lẫn vào đồng bào mình, lẫn vào cỏ cây khiến con mắt chai lì của địch không thể nhận ra...Tài cải trang của Đinh Môn có lẽ có một không hai. Vai Môn đóng không bao giờ trùng lặp, luôn xuất hiện trong những tình huống bất ngờ nên giặc không thể nào ngờ tới. Suốt cả một vùng rừng núi Bắc Tây Nguyên, Đinh Môn thoắt ẩn thoắt hiện. Một thời gian Môn còn theo đơn vị “quậy” Pháp tận Trà My, Sa Huỳnh… Dụ hàng không được, lùng bắt không xong; đánh đằng này Đinh Môn nổi trận đằng khác, Pháp cứ như gã khổng lồ vung búa tạ đập ong…

Tính ra 9 năm chống Pháp, Đinh Môn đã chỉ huy đánh địch 11 trận, thu 150 súng, vận động hơn 70 nguỵ binh bỏ ngũ về làng…

*

Năm 1954 Đinh Môn cùng vợ cõng Đinh Rươl, bấy giờ mới 3 tuổi vượt Trường Sơn tập kết ra Bắc. Được giao làm Hội trưởng Hội đồng dân tộc Xê Đăng, Dẻ - Triêng nhưng chỉ đến tháng 4 năm 1959 thì ông nằng nặc xin về quê chiến đấu. Cuộc sống phố phường không hợp và cái chết của người vợ đã khiến ông cảm thấy cô đơn. Tổ chức không đồng ý, ông lên gặp Bác Hồ để xin. Đi bộ ròng rã 3 tháng ròng dọc Trường Sơn, Đinh Môn mới về lại được Đăk Glei. Cơ sở Cách mạng bị địch phá vỡ hết, ông phải gây dựng lại từ đầu. Để giữ bí mật, Đinh Môn đổi tên là A Mét. Làm Bí thư xã Xốp 1 năm, A Mét được rút lên làm Huyện đội trưởng Đăk Glei. Mở đầu chiến công chống Mỹ của ông là chỉ huy trận đánh đồn Đăk Pét bắt sống 50 nguỵ binh, thu hơn 50 súng. Án ngữ con đường 14B thông sang Quảng Nam, mất Đăk Pét cũng có nghĩa là mất sự kiểm soát vùng núi chiến lược Bắc Kon Tum, địch cố chết giữ cho bằng được. Từ trận mở đầu này cho đến năm 1972, để nhổ được cái gai Đăk Pét, A Mét đã chỉ huy đánh cả thảy 7 lần. Nếu kể cả thời kháng Pháp, A Mét đã nhập trận không dưới 10 lần. Sau này A Mét nói rằng Đăk Pét là một món nợ lớn nhất nhưng cũng “thú vị” nhất đời ông!

 Năm 1968 A Mét được giao làm Chủ tịch huyện Đăk Glei. Hình ảnh A Mét được lưu giữ trong thời kỳ này là một ông Chủ tịch huyện… không biết chữ. (Sau này trong lý lịch, A Mét khai trình độ văn hoá lớp 1 nhưng thực ra ông chỉ biết viết mỗi chữ “A Mét”); cũng tham gia làm rẫy ban đêm, cũng ăn bắp, củ mì để dành gạo nuôi bộ đội như dân thường.  Vận động dân chẳng lý luận to tát cao siêu gì, vậy mà mỗi lời ông là mỗi mệnh lệnh vô điều kiện trong lòng họ. Cuộc đời thật của ông giai đoạn này đã được nhà văn Nguyên Ngọc xây dựng nên nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu nổi tiếng. Như một biểu tượng của các dân tộc Tây Nguyên kiên trung bất khuất, ông lại tiếp tục trải qua những năm tháng bị kẻ thù rình rập. Chính vậy mà A Mét luôn sống trong tinh thần cảnh giác. Đinh Rươl còn nhớ tháng 4 năm 1975 mình đi B. Vào đến Đăk Glei, việc đầu tiên của ông là đi tìm người cha sau 20 năm xa cách. Nghe nói có con trai đi tìm nhưng A Mét không cho gặp. Ông nói với người bảo vệ: “Nếu đúng là thằng Rươl thì có một vết sẹo do bị bỏng ở đầu gối bên trái. Ông tìm cách xem giúp tôi”. Người bảo vệ xem thấy đúng vào báo. Ông bảo: cẩn thận không thừa, biết đâu mấy thằng biệt kích nó giả danh để ám sát mình!

Giã từ chức Chủ tịch Mặt trận huyện năm 1980, cả quãng thời gian cuối đời A Mét sống với vợ chồng Đinh Rươl. Ông ít khi về làng dù người vợ kế và bốn đứa con đang sống ở đó. Dù hồ sơ đề nghị phong Anh hùng không được duyệt, A Mét vẫn sống vui vẻ, thanh thản. Sau trận ốm kéo dài khoảng một tháng, năm 2000 A Mét mất. Như một thanh củi đã cháy đến tận cùng, ông lụi đi trong thanh thản. Đám tang ông đã có hàng trăm người đưa tiễn trong lặng lẽ tiếc thương. Cho đến năm 2012, sau lúc mất 12 năm, A Mét mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tôi hỏi Đinh Rươl rằng tại sao ông cụ tên tuổi là thế, thành tích đánh giặc vang lừng là thế mà mãi khi mất mới được phong Anh hùng? Ông bảo: Hồi ông cụ còn sống tôi cũng thắc mắc điều này, lại hỏi thẳng chuyện mà người ta đồn đoán: “Có phải vì bố bắn tù binh, vi phạm kỷ luật nên không được phong Anh hùng?”. Ông bảo: Người ta đồn chệch. Chuyện thực ra là thế này:  Ông có hai đứa cháu họ, vốn là giáo viên được điều động đi B, cũng vào Đăk Glei. Một hôm hai người được phân công áp giải tù binh. Trong đám có mấy tên ngoan cố cố tình đi chậm. Bị thúc, chúng chửi lại. Tức mình, hai người bắn chết một tên để cảnh cáo. Nhân chuyện này, bọn địch tuyên truyền ầm ĩ khắp vùng là Việt Cộng tàn sát tù binh. Cấp trên yêu cầu ông xử lý kỷ luật vụ này. A Mét tức lắm. Dù là du kích thì cũng không thể tha được, huống hai người là bộ đội chính quy, lại có trình độ nhận thức mà vi phạm kỷ luật. Ông kêu hai người lên chửi một trận rồi tống giam vào conét, không cho ăn cơm. Kỷ luật cán bộ kiểu “quân phiệt” như thế, đương nhiên là ông phải bị kỷ luật.  Chuyện thế nhưng người ta lại đồn là ông tự ý bắn tù binh…

 “Cả cuộc đời theo Cách mạng, tài sản duy nhất ông để lại cho con cháu là một thanh kiếm - Đinh Rươl chợt trầm giọng sau những chuỗi sôi nổi cùng tôi về cuộc đời ông cụ. Nó là vật bất ly thân trong suốt cuộc đời vào sinh ra tử của ông. Thanh kiếm đó đứa con trai của tôi giành giữ. Cả nhà chẳng ai được sờ đến. Mãi gần đây khi xuống thành phố công tác, cậu ta mới chịu giao lại cho tôi”.

Nghe tôi ngỏ ý muốn xem thanh kiếm, Đinh Rươl lên gác mang xuống. Đấy là một thanh kiếm lưỡi dài gần mét, cán bịt đồng. Ông Rươl cho hay thanh kiếm này cụ Mét đã rèn nó từ khi là một thủ lĩnh của phong trào Nước xu rồi từ đó theo ông đi suốt cuộc đời…

Tôi nâng thanh kiếm lên tay và cảm giác sức nặng của nó. Sức nặng của núi nước, của con người Tây Nguyên ngàn năm bất khuất dồn về…

Bút ký của Ngọc Tấn

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm