May 21, 2024, 2:02 am

Tản mạn về hai chữ ĐỒNG TIỀN

Tiền tệ đã có từ xưa. Bây giờ còn nói về nó, có vẻ e như đã cũ. Mặc dầu vậy, “chuyện tiền nong” lại thường làm bận lòng mọi người, bởi lẽ trong đời sống thường nhật với đầy đủ các mối quan hệ thế tục, nào đã mấy ai dứt khỏi được điều hệ luỵ này để rồi không còn bận tâm đến nó.

Lịch sử phát triển của tiền tệ gắn liền với lịch sử sản xuất hàng hoá của loài người. Trong bộ Tư bản luận mà Karl Marx đã dành ra hơn 20 năm cuộc đời mình để nghiên cứu, đã mô tả tuyệt hay về chu trình vận động và chuyển hoá của tiền theo phương thức “trút bỏ - khoác lấy”: trút bỏ (tiền) và khoác lấy (hàng) rồi lại “trút bỏ” (hàng) để chuyển hoá (thành tiền). Điều thú vị là ông cũng không quên nhắc tới giáo sư Rogers, người mà “khoa học vẫn phải nhớ ơn về sự phát kiến, cụ thể là phát kiến nói rằng tiền là một thứ hàng hoá đặc biệt - đó là một thứ hàng hoá dễ chịu”. Trên thực tế, trong lịch sử phát triển của mình, cái điều mà vị giáo sư khả kính nói là “thứ hàng hoá dễ chịu” ấy đã phải trải qua những khúc quanh không hề dễ chịu chút nào, thậm chí nhiều khi nó lại được viết bằng máu và bùn nhơ của lịch sử. Bước sang thời cận hiện đại, nói như F.Enghel, đồng tiền đã thay thế thanh kiếm, trở thành đòn bẩy của quyền lực xã hội. Tiền trở thành dục vọng lớn lao, nhiều khi là bao trùm nhất, làm động lực để người ta sẵn sàng chà đạp lên luật pháp và đạo lý vì mục đích tối cao là càng kiếm được nhiều tiền càng tốt… Với thôi thúc đó, người ta nghĩ ra mọi cách để kiếm tiền và kiếm tiền bằng mọi cách. Một trong những cách điển hình đó là cơ chế tạo tiền nổi tiếng và tai tiếng theo “Mô hình Ponzi”…

Carlo Ponzi (1882-1949), chàng thanh niên thua bạc người Italia khi nhập cảnh vào Boston (Mỹ) chỉ với vẻn vẹn có 2,5 USD tiền mặt trong túi, nhưng đã mang theo hàng triệu USD về niềm hi vọng làm giàu trong trái tim… Mô hình Ponzi là một dạng lừa đảo tín dụng trong huy động vốn theo hình thức đa cấp: lấy tiền huy động của người sau để trả lãi cao cho người góp vốn trước đó: bằng 50% số vốn mà họ đã đầu tư sau 45 ngày và trả lãi 100% trong thời hạn 90 ngày. Nạn nhân của trò chơi theo Mô hình Ponzi này sẽ là những người đóng tiền sau cùng khi dòng tiền huy động vốn bị dừng lại và kẻ chủ mưu không còn khả năng thanh toán cho những khoản lãi đến hạn. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, Ponzi đã kiếm được 15 triệu USD (tương đương 1,1 tỉ USD quy ra tỉ giá vàng vào thời điểm hiện nay), khiến 6 ngân hàng Mỹ phải bị phá sản. Ponzi bị bắt (13/08/1920) với cáo buộc phạm tới 86 tội danh về lừa đảo cùng với mức án 14 năm tù giam, và đến trước khi chết, trong túi của ông ta chỉ còn vẻn vẹn có 75 USD và chỉ được chôn cất ở Brazin trong nghĩa trang dành cho người nghèo. Học theo Mô hình Ponzi, Bernard Madoff mới là kẻ lừa đảo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người khi đã làm rúng động và chao đảo thị trường tài chính thế giới trong những năm vừa qua. Vốn xuất thân từ một tay đầu cơ chứng khoán, Madoff (1938) cùng với một số cộng sự lập ra Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, tồn tại song song và cạnh tranh cả với Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Khi bị bắt vào tháng 12/2008, Madoff đã thừa nhận với gia đình và Cục điều tra liên bang Mỹ FBI rằng, ông ta đã lường gạt với số tiền lên đến 50 tỉ usd. Còn khi bị dẫn giải ra toà với chiếc áo giáp chống đạn trên người và hai tay bị còng về phía sau, Madoff đã phải nghe hết 11 bản cáo trạng luận tội với số tiền lừa đảo lên đến 65 tỉ USD. Ở tuổi 71, kẻ lừa đảo Madoff đã chính thức bị kết án 150 năm tù. Với cú siêu lừa này, thị trường tài chính thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Danh sách 16.000 nạn nhân dài 162 trang gửi đơn kiện đòi bồi thường lên toà án Mỹ trải dài từ Mỹ qua châu Âu sang châu Á. Hàng chục ngàn gia đình bị trắng tay, nhiều người đã tự tử (trong số đó có cả 1 con trai của Madoff).

Ở Việt Nam, các mô hình huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn tiền ảo, về bản chất, đều dựa trên lí thuyết nền tảng là Mô hình Ponzi, gần giống với mô hình đa cấp tín dụng Kim tự tháp, phát triển với những biến tướng không ngừng trong những năm gần đây.

Trong thời hiện đại, các cuộc chiến tranh thế giới hay những xung đột lợi ích giữa các phe phái trong một nước cũng thường được thể hiện bắt đầu từ/ hoặc thông qua các cuộc chiến tranh tiền tệ, từ việc “dùng quyền lực của đồng tiền thần thánh để thu được vương quyền thần thánh” đến việc “dùng quyền lực thần thánh của đồng tiền để dần làm tan rã dân quyền thiêng liêng”. Đồng tiền đã thực sự trở thành một thế lực bí ẩn và quyền lực siêu nhiên, vượt lên trên mọi rào cản biên giới các quốc gia, chi phối và thống trị thế giới: “Chỉ cần khống chế được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia, tôi sẽ không phụ thuộc vào bất cứ pháp luật nào do ai đặt ra” - Mayer Rothschild (1774-1812), người sáng lập nên triều đại ngân hàng Rothschild (Đức) cũng là “cha đẻ sáng lập của tài chính quốc tế” đã hùng hồn tuyên bố như vậy. Song Hongbing (Tống Hồng Binh) - cố vấn cao cấp của Fannie Mae và Freddy Mac, 2 tổ chức tài chính lớn nhất của Mỹ - tác giả cuốn Chiến tranh tiền tệ, đã góp phần vén bức màn bí ẩn và siêu nhiên của tiền tệ để giúp bạn đọc hiểu thêm rằng, Bill Gates chưa phải là người giàu nhất hành tinh, rằng tỉ lệ tử vong của các tống thống Mỹ (bị ám sát liên quan đến những xung đột lợi ích qua cuộc chiến tiền tệ) lại cao hơn nhiều so với tỉ lệ tử trận của thuỷ quân lục chiến trong chiến dịch Normandie hồi Thế chiến II, rằng vì sao Phố Wall tài phiệt (Mỹ) lại sẵn sàng mạo hiểm đổ hết vốn liếng của mình cho việc “đầu tư” vào Adolf Hitler trong Thế chiến II, rằng các tập đoàn gia tộc tài phiệt hay những tay đầu sỏ tài chính quốc tế với lòng tham vô hạn về quyền lực và tiền bạc mới chính là những kẻ tạo ra được những vương quốc tài chính rộng lớn và hùng mạnh trong lịch sử loài người mà những “đế chế” đó từng nằm trong vòng xoáy khốc liệt tàn bạo của tài chính, chính trị và chiến tranh suốt hai trăm năm qua. Soros, sát thủ tài chính của các ngân hàng quốc tế chính là một gương mặt điển hình của thế giới siêu quyền lực đó. George Soros (1930-), từ một đứa trẻ trong gia đình người Do thái chạy trốn khỏi Hungari để tránh hoạ phát xít Đức, lớn lên từ dưới đáy của xã hội đến ông vua đầu cơ mạo hiểm kiếm 1 tỉ USD qua 1 đêm đã trở thành huyền thoại, là kẻ có nhiều biệt danh nhất, là “hiệp sĩ độc hành”, là “thiên tài tài chính”, là “nguyên thủ quốc gia không có tổ quốc”, là kẻ tung hứng thị trường một cách nhẫn tâm, là kẻ làm từ thiện vĩ đại... Với chủ trương “làm giàu trong lý luận hỗn loạn”, vì “thị trường tiền tệ đầy rẫy trạng thái hỗn loạn và vô chính phủ, không phải là thị trường lí tính”, Soros từng công khai các bí quyết làm giàu với 24 bí quyết đầu cơ (!) mà nổi bật nhất là tư tưởng “dám liều” - như chính lời ông ta nói, đã “đốt nóng tình hình tiền tệ cũng như chơi thứ luật rừng của thế giới động vật”, chính là kẻ đầu cơ tàn bạo đã từng đánh sập đồng Bảng Anh (1992), làm rung chuyển đồng Mác Đức (1993), khiêu khích để làm tụt giá đồng Peso Mexico (1994), quấy nhiễu đồng Rúp Nga (1998), và đặc biệt là cú ra đòn làm khuynh đảo tài chính thị trường châu Á với việc làm phá giá để huỷ diệt đồng Bạt Thái (1997-1998)... Chính ông ta cũng đã gây ảnh hưởng đến hàng chục đồng tiền châu Âu, khiến cho EU phải hoãn đến 5 năm mới có thể đưa đồng euro vào lưu hành. Từ lĩnh vực tài chính, Soros cùng với các tập đoàn cá mập tài chính khác, bắt tay với chính phủ Mỹ để can thiệp chính trị nhằm lật đổ, góp phần làm tan rã Liên xô và Đông Âu. Ước tính, chỉ riêng từ 1984-1987, Quỹ đầu tư của Soros đã chuyển gần 4 tỉ USD vào 23 nước (gồm 15 nước cộng hoà của Liên Xô và Đông Âu) để tiến hành các hoạt động thao túng và lật đổ. Đáng lưu ý là, mối quan hệ bí mật giữa Soros với gia tộc Rothschild nói trên khiến cho ông ta trở thành “kẻ chiến binh tiên phong” của tập đoàn tài chính hùng mạnh nhất và bí mật nhất trên thế giới, giúp cho dòng họ này không chỉ đóng vai trò bá chủ tài chính London, cha đỡ đầu của mạng lưới tình báo quốc tế, hậu đài của 5 ngân hàng lớn nhất Phố Wall, dòng họ định đoạt giá vàng thế giới hàng ngày, mà còn giữ vai trò chi phối mọi hoạt động của trục tài chính London - Phố Wall hiện nay, can thiệp trực tiếp vào đời sống chính trị của thế giới hiện đại và đang làm thay đổi nó.

*

Trong tâm thức truyền thống của người Việt, đồng tiền thường được nhận diện như một giá trị hai mặt (tích cực, tiêu cực) như hai mặt của... một đồng tiền, nhưng vẫn nghiêng về tâm lí khai thác khía cạnh đạo lý của đồng tiền mà chưa nhận ra hết được tính tích cực của nó trong nền kinh tế, về mặt kinh tế. Một mặt, người ta thường gắn cho đồng tiền những quyền uy to lớn khi nó đóng vai trò là vật “ngang giá chung”. Hơn thế, đến mức có thể dùng nó để đổi lấy một thực thể siêu hình, nhiều quyền phép “Có tiền mua tiên cũng được”. Người có nhiều tiền đồng nghĩa với với người có thế lực “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Đồng tiền còn làm tôn thêm vẻ đẹp so với những gì mà con người đã có “Đồng tiền không phấn không hồ, đồng tiền khéo điểm khéo tô mặt người”. Đồng tiền còn tôn thêm sức mạnh của người có nó, có thể khuất phục được kẻ khác “Tay mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá người nghe ầm ầm”. Sử dụng đúng thời, đồng tiền còn có khả năng được nhân cách hoá, trí tuệ hoá “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Đưa tiền vào kênh tín dụng, đồng tiền còn mang lại khả năng sinh lời, tự nó đẻ ra chính nó - một thứ giá cả đặc biệt của vốn cho vay - “Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ”. Với sức mạnh lớn lao đó, tiền còn có khả năng làm ma đưa lối quỷ dẫn đường “Tiền bạc đi trước, mực thước theo sau”. Điều trớ trêu đáng nói là, trong khi người ta nguyền rủa, lên án và kết tội “đồng tiền là con đĩ chung của nhân loại” (Shakespeare), nhưng trên thực tế thì hầu như ai cũng mong muốn nó nhiều lần được qua tay... mình (!). Mặc dầu đồng tiền đã được huyết thống hoá với chính người có nó “Đồng tiền đi liền khúc ruột” thì vẫn diễn ra cái cảnh “Chị em hiền thật là hiền, lâm đến đồng tiền mất cả chị em”. Bành trướng hơn nữa sức mạnh ma quái của mình, tiền còn có thể làm băng hoại các giá trị đạo lý “Còn bạc còn tiền còn đệ tử/ hết cơm hết rượu hết ông tôi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Bá quyền hơn nữa, đồng tiền còn có khả năng làm khuynh đảo xã hội, rốt cuộc mọi thứ bị “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Bởi “Trong tay sẵn có đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!” (Nguyễn Du). Bá đạo hơn nữa, đồng tiền còn có thể chà đạp lên công lý, lăng nhục công lý “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, cao hơn nữa là “Kim ngân phá luật lệ”, và đỉnh điểm cuối cùng, là “Kim ngân hoá luật lệ”! Có một thú chơi tiền khác nữa, đó là có “một bộ phận không nhỏ” trong xã hội là những kẻ cơ hội xu phụ nịnh hót còn dùng đồng tiền để bán tước mua quan, kẻ trọc phú dùng tiền học đòi, chơi trèo...

Được nhân cách hoá, trí tuệ hoá, huyết thống hoá chưa đủ, tiền còn trở thành một thứ được bái vật hoá, thần tượng hoá, vĩnh cửu hoá giá trị tự bản thân nó “Đồng tiền là chúa muôn loài/ Người ta là khách vãng lai một thời”. Tuy nhiên, tiền không phải đã “xấu hết”, không phải đã “làm hỏng cả” như mặt trái của nó vẫn tồn tại mà khi “cả giận” người ta thường “băm dao”, đay nghiến. Thực ra, đồng tiền không có mùi tanh, có chăng, chỉ có tay người đã làm tanh đồng tiền. Trong tay người “khôn”, nó vẫn được dùng như một vật hữu ích chứ không chỉ có “nọc độc”. Tiền vẫn đã từng được những kẻ hào hiệp làm các việc nghĩa cử theo địa chỉ của những tấm lòng từ thiện với tinh thần lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân khi người khác “tối lửa tắt đèn”. Đồng tiền còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển nền sản xuất xã hội. Tiền tệ đã có tự cổ xưa cho đến tận... bây giờ. Do vậy mà các hình thái biểu hiện của nó từ bây giờ cho ngược đến tận ngày xưa thật là phong phú và muôn hình vạn trạng… Thời tiền sử, các thổ dân ở các bờ biển vùng châu Á, Phi đã dùng vỏ sò vỏ ốc để làm tiền. Ở một số nơi khác lại ưa dùng răng thú, lông chim (đảo Polyneise), gạo (Philipin), lưỡi dao vải lụa (ở Trung Quốc). Kim loại quý được ưa dùng làm tiền trong một thời gian dài và đến tận bây giờ vẫn được nhiều nơi áp dụng. Lịch sử tồn tại và phát triển của tiền tệ và ngân hàng, cùng với sự tiến bộ của nền văn minh tin học, đang gây ra những biến đổi dữ dội chưa từng thấy. Từ đồng tiền hiện vật qua đồng tiền chất dẻo sang đồng tiền điện tử (electronic money) cho đến những đồng tiền ảo - virtual money - và hiện nay được gọi chung là đồng tiền mã hoá (cryptocurrency)... là một bước phát triển dài, vĩ đại trong lịch sử tiền tệ. “Tiền tệ vốn có thể sờ mó, nhìn thấy, bây giờ đã thay đổi thành giấy ghi chép mang tính tượng trưng, cuối cùng biến đổi ra những phù hiệu chớp sáng trên màn ảnh vi tính” (Alvin Toffler - Thăng trầm quyền lực). Điều đáng kinh ngạc là đồng tiền điện tử lại mang lại một siêu quyền lực to lớn chưa từng thấy trong hoạt động kinh tế của loài người. Trong kỉ nguyên số hoá mà ta đang sống, tiền tệ của nền văn minh tin học là dựa trên cơ sở của thông tin và tri thức.

Từ buổi bình minh của lịch sử, khi phát minh ra tiền tệ và sử dụng chúng trong thực tiễn, loài người khôn ngoan đã nhận ra vai trò và chức năng to lớn của nó trong đời sống xã hội, từ việc coi tiền là vật ngang giá chung để làm thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện dự trữ đến phương tiện thanh toán... tiền tệ đã phát huy tác dụng to lớn của mình đối với nền văn minh nhân loại, thông qua việc tạo ra những điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển, thúc đẩy nền sản xuất vật chất và tinh thần của loài người luôn vươn tới những đỉnh cao mới. Sự phát triển của tiền tệ đã hình thành nên các ngân hàng thương mại. Và các ngân hàng thương mại phát triển đỉnh cao, đến lượt mình, đã làm xuất hiện ngân hàng trung ương (Central Bank), để đến nay, Ngân hàng TW được coi là một trong ba phát minh vĩ đại nhất của loài người (sau lửa và bánh xe). Tuy nhiên, đồng tiền, cũng như hai mặt của một tấm huy chương, bao giờ cũng cần phải tìm cách khắc phục mặt trái (tiêu cực, bất kham) khi ta chế ngự và sử dụng nó. Con người cần tiền tự ngày xưa cho đến tận... bây giờ. Trong dặm dài hành trình của cuộc đời, công cuộc mưu sinh của mỗi người thường gắn liền với chuyện tiền bạc. “Tiền, tiền nữa, tiền mãi” luôn trở thành động lực và áp lực cho không ít người trong một kiếp nhân sinh.

Nhưng, nhiều tiền để làm gì?

Dường như, hễ có 1000 người thì có đến... 1001 câu trả lời cho câu hỏi này. Câu trả lời tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, môi trường sống và điều kiện cụ thể cũng như cái nhìn của từng người. Song ở một phương diện nào đó, có thể coi cuộc đời kỳ lạ của đại văn hào Honore’ de Balzac; cha đẻ của bộ Tấn trò đời (La Comedie Humaine), một thế giới mang trong lòng nó một sân khấu sống động của dục vọng và đam mê, trong đó mỗi con người được thúc đẩy bởi dục vọng mà hạt nhân đòn bấy của thế giới ấy là đồng tiền; là một trong số những trường hợp điển hình thú vị để góp phần trả lời cho câu hỏi trên.

Để đánh giá về Balzac, nhà viết tiểu sử Graham Robb đã cho rằng: “Tình yêu, ảo tưởng và tiền bạc là ba chìa khoá của hạnh phúc trần gian - Balzac đã có trong tay tất cả những chìa khoá đó. Ông đã đi trong niềm vinh quang - cái mà ông vẫn gọi là những tia nắng mặt trời tiễn đưa người quá cố”. Vậy mà suốt đời bao giờ ông cũng bị giày vò vì tiền bạc. Cho đến lúc chết, ông vẫn bị thúc ép bởi những món nợ. Ngay cả khi đã đạt tới đỉnh cao vinh quang, con người ấy vẫn không thoát khỏi được ma lực của “đồng tiền vạn năng” như lời ông vẫn thường nói. Chính vì vậy mà có lần Balzac đã phải thốt lên một cách cay đắng nhưng cũng đầy kiêu hãnh: - “Cần phải có tiền, dù chỉ để không cần đến nó!”.

P/S: Trong một diễn biến khác, ngay từ năm 2019 những người thân của nhà tiên tri Baba Vanga (1911-1996) lần đầu tiên đã công khai những dự báo kịch tính của bà cho năm 2020-2021. Theo bà Vanga, nhân loại sẽ phải đối mặt với những khủng hoảng về kinh tế, thảm hoạ thiên tai, đặc biệt là dịch bệnh trong năm 2020. Cụ thể, bà Vanga dự báo từ 6 tháng đầu năm 2020 một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đi liền với dịch bệnh hành hoành sẽ bắt đầu trên toàn thế giới buộc nhân loại phải tìm kiếm một loại vacxine chống lại căn bệnh khủng khiếp này. Nhà tiên tri trong suốt cuộc đời bà đã từng tuyên bố, vào các năm 2020-2021 đồng tiền sẽ mất đi giá trị của nó, khiến nhân loại phân vân, bối rối về nhiều vấn đề khác nhau đến nỗi tiền không còn đóng vai trò quan trọng nữa. Cũng theo bà Vanga, sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế và đại dịch toàn cầu 2020-2021 này, loài người sẽ có sự giác ngộ sâu sắc khi không phải tiền bạc, mà chính là các giá trị tinh thần sẽ được đặt lên thứ tự ưu tiên hàng đầu, cùng với sức khoẻ, tình bạn và tình yêu.

Nguồn Văn nghệ số 7/2022


Có thể bạn quan tâm