April 29, 2024, 11:41 am

Tận dụng mặt tích cực của sống ảo để học tập tốt hơn

Lâu nay chúng ta vẫn có xu hướng chỉ trích trào lưu sống ảo. Thế nhưng ở một góc độ nào đấy, sống ảo cũng có khả năng trợ giúp học sinh học tập tốt hơn. Trong khi xã hội Việt Nam đang hội nhập vào thời kỳ đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc cách mạng cộng nghệ 4.0) thì sử dụng internet cho giáo dục là một lợi thế. Mùa dịch Covid 19 cho thấy, việc học qua mạng internet có nhiều bất cập so với học ở trường, nhưng không suy giảm khả năng trợ giúp của internet đối với các lĩnh vực khác.

Tôi sẽ kể lại câu chuyện về các em bé tiểu học người dân tộc Dao có ước mơ lớn lên trở thành công dân thế giới và cách mà tôi đã dùng để giải quyết khúc mắc cho các cháu, khơi lên ham muốn học tập để tiến bộ.

Ngày 27/12/2019, trên Messenger, một bông hoa lạ rực rỡ hiện lên, gọi tôi là Ông Huệ, tự giới thiệu bé là Triệu Lệ Mỹ, học sinh tiểu học, khoe với tôi về bài báo tường. Đó là khởi đầu của việc quen biết hoàn toàn qua facebook, email với một số giáo viên học sinh Bản Hon.

Chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau ở đời thường.

Vào ngày 19/5/2020, cô giáo dân tộc Mường Đặng Thị Thu Hương gọi điện nhờ Ông Huệ góp ý cho cháu Triệu Lệ Mỹ về việc có nên học đàn ghi ta. Tôi viện lý do đang bận, hẹn sẽ “tư vấn” cặn kẽ cho bé. Đó là vì tôi biết, có nói, bé sẽ quên ngay bởi cháu mới chỉ đang cảm thấy thích học đàn ghi ta. Tôi cần thời gian để suy nghĩ và viết sẽ có tác dụng tốt hơn. Các bé phải học thật giỏi, tạm xếp mơ ước vào kho mộng mơ, để sau này khi có điều kiện sẽ thực hiện.

Tôi lên facebook và nghĩ ra cái gọi là giao lưu theo phép ẩn dụ, vừa sức với các bé đang học tiểu học, với nội dung như sau: Chúng ta sống ảo vài phút thôi

Giả sử: Triệu Lệ Mỹ mời vài bạn tò mò. Ông Huệ mời các thầy cô giáo cùng ngồi lại với các bé trong bóng mát cây cổ thụ bên đường, giữa núi đồi Bản Hon bên những thữa ruộng bậc thang.

Các bé ngỡ ngàng vì đã tưởng tượng ra một Ông Huệ thông minh, nhưng trước mắt lại là một ông già người Kinh hiền lành, chẳng có gì đặc biệt và đáng phải quan tâm.

Chờ khoảng một phút thôi để não của các bé chập hình ảnh chất phác, thật thà của Ông Huệ vào hình ảnh lung linh các cháu vẽ trong đầu.

Cô bé Triệu Thị Ngọc Oanh hỏi: “Ông ơi học toán để làm gì, cháu thấy khó quá”.

Cô giáo Đinh Thị Kiều trả lời giúp ông: “Học toán để biết tính toán, để làm việc, rất nhiều môn khoa học xây dựng trên bộ môn này”.

Nhưng mà Ông thấy nét mặt các bé hiện lên chữ NGỜ to đùng. Ông mỉm cười:

- Đơn giản thôi, học toán để tồn tại. Cây ở trong bóng râm và nó tìm cách vươn ra nơi có ánh nắng mặt trời vì nó biết tia mặt trời bay đến đó nhiều hơn, là bài toán số lượng. Tất cả các động vật đều biết thức ăn khu vực mình ở ít hơn và chuyển đến nơi có nhiều thức ăn hơn là do chúng làm phép toán so sánh số lượng thức ăn hôm nay ít hơn ngày trước rất nhiều. Mèo mẹ kiếm mồi về và thấy mất đi một đứa con là nó biết làm phép trừ. Vậy là có kẻ bắt trộm, và nó chuyển những đứa con còn lại đi nơi khác để tồn tại… Đó là toán học.

Lê Na hỏi Ông Huệ một câu nhân loại chưa giải được trọn vẹn:

- Ông ơi, sao ở đời không bao giờ hết người xấu.

- Thực ra cuộc sống cũng không cần có người xấu nhưng muôn đời vẫn có. Loài người tìm cách làm mất đi người xấu, cũng không được đâu. Nhưng các cháu đừng quá lo lắng về điều này. Có vẻ như nó là 2 mặt của tờ giấy cuộc đời.

Kịch bản cực đoan nhất chúng ta đưa ra như thế này để loại trừ người xấu: Chúng ta biết mặt trời lớn hơn trái đất triệu lần và đang nở ra, khoảng 1 triệu năm sau sẽ nuốt chửng trái đất. Nửa triệu năm sau, nhiệt độ trái đất nóng lên khủng khiếp khiến loài người phải ra đi. Chuyến tàu đầu tiên chở những người thông minh nhất, đạo đức nhất và những cuốn sách khoa học bậc cao nhất dùng cho nơi ở mới trong vũ trụ mới. Khi đến đó, họ xây dựng cuộc sống mới và quay về đón những người còn lại đi theo...

Có một người cầm trên tay một cuốn sách bạc màu. Anh ta nói đó là cuốn sách văn học kể về cuộc sống trái đất từ trước đến nay. “Chúng tôi muốn nó được mang theo và tôi sẽ đọc cho con cháu vùng đất mới biết quá khứ cha ông như thế nào”.

Đoàn tàu vừa khởi hành, một người la to: “Nó là thằng trộm cướp. Cuốn sách mang theo là sách nói về những chuyện trộm cướp”. Mọi người sững sờ. Ông Huệ bước lên: “Trộm cướp là một phần của cuộc sống trái đất; tại sao không mang theo để dùng nó rèn giũa sự thông minh nhằm đối phó với những kẻ thù xa lạ ở vùng đất mới chẳng hạn, nơi mà chúng ta không chắc sẽ không có trộm cướp ở trình độ bậc cao hơn”.

Chúng ta phải học cách đề phòng người xấu và các nhà giáo dục sẽ nghiên cứu cách làm cho tốt hơn; nhưng trước mắt thì nghĩ ra những điều luật phòng ngừa khiến họ bớt xấu hơn. Trước mắt chúng ta sẽ giúp người xấu tin vào sự thật này: Người Việt có câu tục ngữ “Nói dối hay cùng (đường)” là do cha ông chúng ta quan sát và rút ra chân lý vốn ngàn đời không sai.

*

Rồi Ông Huệ nói với bé Triệu Lệ Mỹ:

- Hồi bé ông tự học thổi sáo, học đàn bầu. Học dễ vì nhạc cụ dân tộc mình cho ra sản phẩm đơn âm. Vào đại học, Ông Huệ tự học ghi ta, khó hơn do có đơn âm và hợp âm. Ra trường, Ông Huệ theo học lớp ghi ta của Hội văn học nghệ thuật tổ chức. Tốt nghiệp, cả lớp học biểu diễn ở sân khấu Hội trường tỉnh. Từ sân khấu nhìn xuống, trong ánh đèn sáng rực chỉ thấy có một màu đen của tóc người. Nó làm Ông Huệ hoảng sợ và cố giữ cho ngón tay khỏi chệch làm hỏng bản hòa âm của chục cây đàn bên cạnh.

Giả sử Triệu Lệ Mỹ cũng có năng khiếu, vuốt dây đàn bằng sắt tay không thấy đau, cho ra những bản hòa âm của núi rừng Bản Hon khiến khán giả xao xuyến tận đáy lòng. Trên sân khấu, cháu rực rỡ trong tiếng hoan hô thì Ông Huệ sẽ chuẩn bị tinh thần. Là vì người Việt Nam nghe tiếng đàn và thấy vẻ đẹp cô gái người Dao, trang phục người Dao hòa vào nhau… Nhưng khi cháu lớn tuổi thì họ nhìn mặt cháu, họ buồn, trang phục người Dao rất đẹp nhưng không hợp với cháu, họ ngao ngán và tiếng đàn họ nghe già nua gấp nhiều lần nét mặt người biểu diễn…

Nhưng cháu đừng lo, Bản Hon vẫn vui vẻ khi cháu về. Ông Huệ và mọi người vẫn còn nhớ bài báo tường rất hay mà năm xưa cháu là tác giả…

*

Triệu Đức Huy đứng dậy đưa buổi giao lưu về lại thực tế của Bản Hon:

- Vậy thì chúng cháu phải làm gì.

Cô giáo Đặng Thị Thu Hương trả lời: “Cái khó nhất, quan trọng nhất là lòng tốt thì các bé đã có rồi. Kiến thức, chịu khó học hỏi sẽ có thôi… Chúng ta chỉ cần chăm chỉ làm việc, sống tốt và hợp tác với nhau, hết lòng thương yêu nhau sẽ tự khắc có câu trả lời đúng đắn và phù hợp. Chúng ta đoàn kết, làm việc hết lòng thì chúng ta sẽ có thể vươn lên thành công dân có đẳng cấp cao nhất của thế giới như các bé ước ao”.

Ông Huệ biết: các thầy cô ở bản Hon phải mất cả cuộc đời mới ươm được những mầm non tuyệt vời cho tương lai dân tộc mình.

Ông Huệ sẽ hỗ trợ các cháu bằng cách nhắc lại để khắc sâu:

Lòng tốt, lý trí, tri thức, lao động chăm chỉ sẽ cho chúng ta quả ngọt suốt đời.

Chúng ta bay lên từ mảnh đất chúng ta đứng bằng trí óc, đôi bàn tay của chúng ta.

Cái gì chưa cần thiết, chưa phù hợp, chúng ta chỉ ước mơ, chỉ nghĩ vẩn vơ, sau đó xếp chúng vào kho mơ ước để dùng khi cần.

Chúng ta cần trở lại thực tại để làm việc cần làm và chúng ta tạm thời chấm dứt sống ảo tại đây.

Cám ơn các bé Triệu Lệ Mỹ, Triệu Đức Huy và Triệu Thị Ngọc Oanh, cô giáo Đinh Thị Kiều, cô giáo Đặng Thị Thu Hương, và các bạn đã cùng tham gia buổi Giao lưu ảo với các bé ở Bản Hon. Giao lưu ảo, nhưng tình cảm chúng ta dành cho nhau là có thật.

Nguồn Văn nghệ số 32/2020


Có thể bạn quan tâm