May 4, 2024, 6:43 pm

Sự đa dạng trong giọng điệu trần thuật của truyện ngắn miền Đông đương đại

Trong các tác phẩm văn học nói chung, trong truyện ngắn nói riêng, giọng điệu là định hướng sự hình thành cảm hứng. Vậy nên kết cấu các giọng điệu tạo nên dấu ấn riêng của tác phẩm, tác giả.

Cảm hứng nào giọng điệu đó; giọng điệu được lặp đi lặp lại hoặc bộc lộ mô-týp hoặc hình thành sắc diện tình cảm riêng biệt, nổi bậc là điểm nhấn quyết định tạo nên cá tính sáng tạo. Trong dòng văn chương đương đại miền Đông có nhiều tác giả viết truyện ngắn đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng về cá tính sáng tạo đó, có thể kể: Nguyễn Đức Thọ, Trần Đức Tiến, Khôi Vũ, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Thu Trân, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Dương Đức Khánh, Lê Đăng Kháng, Nguyễn Đức Phước, Hạnh Vân, Phùng Phương Quý, Trần Thúc Hà, Tấn Hoài, Lê Bá Ước, Nguyễn Đức Thiện, Nhất Phượng, La Ngạc Thụy, Nguyễn Quốc Việt, Phạm Đình Trúc Thu, Tích Lan, Minh Phương, Lê Nguyên Ngữ, Hồ Việt Khuê, Võ Hoàng Minh, Nguyễn Hiệp, Đặng Ngọc Hùng, Ngân Kim, Thanh Hoa… Nhiều, nhiều nữa, tôi không thể kể hết, đó là những tác giả đã, đang sống và viết tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước (Thành phố Hồ Chí Minh cũng thuộc miền Đông nhưng là thành phố lớn nên xin không đề cập trong bài viết này).

Hội thảo “Đặc trưng Văn học nghệ thuật miền Đông Nam bộ” do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phối hợp Hội VHNT các tỉnh Đông Nam bộ tổ chức (Tháng 9/2023)

Đông Nam Bộ là vùng đất cửa ngõ phương Nam, một thời đã là miền tiền đồn với vài trăm năm lịch sử, một vùng đất công nghiệp hóa từ rất sớm với những đồn điền cao su từ thế kỷ XX. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vùng Đông Nam Bộ là nơi đã sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như  Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Bắc Sơn, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Việt... Sau khi chiến tranh chấm dứt, miền Đông đã thật sự có những chuyển biến lớn lao, hiện là khu vực dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài cũng như nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa... Sự sôi động, phức tạp của thực tế cuộc sống nơi đây là mảnh đất màu mỡ cho văn chương phát triển, nhất là thể loại truyện ngắn; nhiều mảnh đời nguyên mẫu, nhiều bối cảnh, câu chuyện nhân sinh đã đi vào văn học. Và tất nhiên cũng sản sinh ra những giọng điệu văn chương phong phú.

Qua khảo sát văn học miền Đông, nhất là trong dòng văn học đương đại, giọng điệu trần thuật của truyện ngắn miền Đông như hiện tượng trời phú hoặc do ảnh hưởng của các vùng tỵ địa, các nền văn hóa tiếp biến lẫn nhau mà tạo ra sự phong phú đặc sắc, khẩu khí riêng biệt, mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.

Nếu nói giọng điệu truyện ngắn Trần Đức Tiến là cách viết chẻ tư sợi tóc và đáo để, sâu cay thì truyện ngắn Nguyễn Một lại mang một giọng điệu chầm chậm, kéo dài, thấm đẫm nỗi buồn thương với trữ lượng hồi ức nặng dày. Nếu nói giọng điệu truyện ngắn Nguyễn Trí ngồn ngộn chi tiết hành động, bụi đời, đậm những bi kịch nhân sinh dưới đáy xã hội, nhấn mạnh đến ác nhân, ác báo thì giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Hiệp lại chạm sâu những tầng cảm xúc hướng thiên, hướng thiện. Nếu nói truyện ngắn Thu Trân mang giọng điệu tinh tế, bộc lộ sự đa cảm, da diết thì ở Dương Đức Khánh, người đọc nhanh chóng được dẫn tới những thắt nút và cách mở nút bất ngờ nhất có thể. Nếu nói giọng điệu truyện ngắn Hoàng Ngọc Điệp hợp dung nhiều yếu tố văn hóa với ngôn ngữ đang pha ba miền thì truyện ngắn Khôi Vũ luôn toát lên yếu tố lạ lẫm, cũng là vấn đề nhân sinh nhưng tác giả này luôn cắt những lát đời sống nơi quặn u, nhiều vết thương, vết sẹo…

Trong giọng điệu trần thuật, hình tượng ngôn từ chính của truyện ngắn miền Đông những năm gần đây thể hiện sự chuyển biến khá rõ nét, đó là sự nhấn mạnh từ nhân vật bi kịch chuyển sang nhân vật lương thiện. Khuynh hướng này phản ảnh phần nào về ý thức cộng đồng của đa phần nhân dân miền Đông trong giai đoạn mới. Tức là mẫu gốc truyền thống người miền Đông đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo tâm thức nhân vật, dòng văn học đương đại đã trở về trong sự nhất quán phổ quát như vốn có sau khi trải qua nhiều bước thăng trầm, biến động mà những cuộc chiến tranh khốc liệt mang lại. Đồng thời nhân vật trung tâm lương thiện cũng hàm chứa trong nó những ảnh hưởng từ thực tế đời sống xã hội đương thời, có sóng gió, có mâu thuẫn, thậm chí cái ác càng lúc càng tinh vi nhưng đặc tính tinh thần hiền minh, cần cù, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của người miền Đông đã vừa trở thành chất liệu vừa là thái độ và mục đích trong sáng tạo nghệ thuật.

Có thể kể tên nhiều tác giả khá tiêu biểu ở miền Đông bộc lộ giọng điệu nhưng vì khuôn khổ bài viết có hạn nên tôi chỉ khảo sát ngẫu nhiên để thấy rõ hơn điều vừa trình bày.

Nguyễn Một là nhà văn có giọng điệu riêng, nhiều người đọc trong giới cho rằng không cần xem tên vẫn biết đó là Nguyễn Một. Hầu hết kết cấu truyện ngắn của ông đều chứa một tỷ lệ các thành tố ký ức khá lớn. Nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của Nguyễn Một vì vậy khá riêng, đó là nghệ thuật gắn kết con người với không gian, thời gian quá khứ (đa phần là những quá khứ đã diễn ra trên quê hương ông), những biến cố, xung đột thường hòa quyện, gợi dẫn, nối kết chặt chẽ, nặng về nhân hơn là quả, nặng về khát khao có được cuộc sống lương thiện, bình an hơn là chìm ngập trong bi kịch thời cuộc. Hướng tới sự lương thiện không chỉ xác định, gọi tên nhân vật trung tâm mà còn tăng thêm nội quan cho các phát ngôn nghệ thuật của ông. Hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Một đều mang giọng điệu riêng, chẳng hạn: Miền ĐôngTrước mặt là dòng sôngXứ ngườiNhư là cổ tíchViễn xứGiấc mơ bayChim bay về núiLửa bên sôngVũ điệu trên đỉnh Kung Pô

Với nữ nhà văn Thu Trân có thể đơn cử như truyện Tái sinh. Một giọng điệu nhiều suy ngẫm, trăn qua trở lại, dẫn người đọc vào những con đường “khó nghĩ”, cái khó của đời sống thực tế trần trụi, cái khó của lẽ công bằng, sự phán xét và cái khó để bước tới vùng sáng độ lượng không cùng. Một kiểu giọng điệu men theo miệng vực, giữa lằn ranh đen trắng, thiện ác, được và không được, tử và sinh…

Chất nhân văn trong đời sống cũng như trong tác phẩm văn học không phải lúc nào cũng nói ra thành lời được. Người nào ngộ người đó biết. Nhưng một khi đã đi đến một quyết định, một hành động nhân văn thì chính nó như giọt dầu lan tỏa trên mặt nước đời sống, nó dần dà đẩy lùi sự tàn bạo, thù hận nối dài vốn có sẵn trong sự phán xét cay nghiệt ở đời.

Giọng điệu Thu Trân là tiếng nói nhân tính sâu thẳm, là hồi chuông nhân văn ngân lên, là quan điểm, thái độ sống, là văn hóa ứng xử rõ ràng, nhân đạo. Nhờ phẩm chất văn xuôi bẩm sinh mà nhà văn Thu Trân đã viết những dòng văn lấp lánh sinh động.

Nhà văn Nguyễn Trí là hiện tượng văn học trong những năm gần đây khi ông tung ra hàng loạt truyện ngắn với đề tài đáy cùng xã hội, nó không phải là những ung nhọt mờ mờ xa xôi, nó sờ sờ ra đó nhưng ít người dám nói tới.

Nguyễn Trí với giọng kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn đã đưa người đọc thâm nhập vào tận tầng sâu của đời sống với những khám phá đậm chất đời, trần trụi mà chân thật, mộc mạc mà thẳm sâu, bộc trực mà trượng nghĩa. Ông thành công với lối văn không cần hoa mỹ, thêu hoa dệt gấm của mình.

“Nhân thân tiểu vũ trụ”, các vỉa tầng sâu nhất trong trong tâm hồn con người cũng chính là các vỉa tầng sâu nhất của một xã hội. Và Nguyễn Trí đã khắc họa thành công “giọt sương” soi chứa ấy với góc nhìn và giọng điệu cười ra nước mắt của mình.

Với giọng điệu khá riêng biệt, Đặng Ngọc Hùng thường thể hiện sự nổi bậc các cặp đối sánh trong quan hệ quá khứ - hiện tại, thực – ảo, thiện – ác..., những tiết chế phù hợp theo từng văn cảnh, những khúc đoạn văn cần thiết đã được tác giả đẩy thành cao trào để hoặc nối kết, tương tác với đọc giả hoặc “mở thắt nút” một cách hợp lý. Ngôn ngữ sử dụng trong truyện là ngôn ngữ miền Trung pha Bắc góp phần làm cho giọng điệu của tác giả này thêm thú vị…

Tóm lại:

Giọng điệu trong tác phẩm văn học phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả; nó có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu phù hợp, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu, chi tiết và hệ thống nhân vật hợp lý. Giọng điệu chỉ thực sự có được một cách tự nhiên trong sự “chín muồi” của tư duy, ngôn ngữ và xúc cảm, không phải cứ cố gắng mà thành.

Giọng điệu phù hợp với đề tài chính là một góp phần rất quan trọng cho sự thành công của tác phẩm và nó cũng quyết định tạo ra dạng nhân vật trung tâm nổi trội trong từng thời điểm lịch sử, từng dòng văn chương mang tính trào lưu hoặc không trào lưu. Và các nhà văn viết truyện ngắn trong dòng văn chương đương đại ở miền Đông đã thực sự tạo được ấn tượng không chỉ trong sự tiếp nối truyền thống cha anh mà còn tạo dựng rất nhiều thành quả mới, nhiều cá tính sáng tạo riêng biệt, táo bạo, phong phú, đa chiều, đa kích.

Nguyễn Hiệp

Nguồn Văn nghệ số 51/2023


Có thể bạn quan tâm