May 19, 2024, 12:50 pm

Sông Hậu trước quyết định: sinh- tử

 

Ngày 26-6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường chủ trì kết hợp với Sở TNMT tỉnh Hậu Giang, phòng cảnh sát Môi trường tỉnh Hậu Giang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về  bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam (cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Dự kiến, đoàn thanh tra sẽ công bố quyết định thanh tra ngày 30-6 và bắt đầu thanh tra vào 1-7.

Không cần bàn đến việc đoàn thanh tra sẽ thanh tra những nội dung gì, và thanh tra trong bao lâu điều mà dư luận quan tâm chính là sự công tâm và sáng suốt của những người được giao trọng trách quyết định sự sinh – tử của Sông Hậu.

 

Sẽ thanh tra Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam (cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang)

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Mội trường Trần Hồng Hà nhận định đây là một dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường nếu không thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Và các lo ngại của báo chí về việc nhà máy giấy Lee & Man sau khi đi vào hoạt động có thể “bức tử sông Hậu” là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng mời một số chuyên gia đầu ngành về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý nước thải trong sản xuất giấy, tham gia đoàn thanh tra.

Công bằng mà nói những chỉ đạo của Bộ trưởng và những quan ngại của báo chí là hoàn toàn có cơ sở, khi những tác nhân gây ra nạn ô nhiễm môi trường là những khu công nghiệp, đã trở nên thường xuyên hơn trên khắp dải đất hình chữ S và thiên nhiên, con người chính là nạn nhân đang ngày đêm gồng mình chịu trận. Trước sông Hậu có sông Đồng Nai đã bị bức tử từ chính nước thải của vedan, tại thời điểm đó, vedan cũng cam đoan xử lý triệt để nguồn nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Nhưng giữa nói và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau và cái kết mà vedan đem lại cho sông Đồng Nai chính là sự hủy diệt môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người dọc hai bên bờ sông, không chỉ khiến cho dư luận dậy sóng, mà còn tạo nên phản ứng dây chuyền tẩy chay sản phẩm của vedan cho dù công ty này đã tiến hành bồi thường cho người dân trên địa bàn đang hứng chịu sự ô nhiễm.

Sau sông Đồng Nai là sông Vàm Cỏ, sông Bưởi và giờ là sông Hậu đứng trước mối lo sinh -  tử khi Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam (cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đi vào hoạt động. Những cam kết, những báo cáo tác động môi trường được xem là chiếc chìa khóa để doanh nghiệp có thể xin ưu đãi đầu tư và nhận được sự chấp thuận của chính quyền sở tại cũng đã được các bên liên quan nghiệm thu, chấp thuận. Theo tiến độ, nhà máy cũng đã khởi công và tiến hành lắp ráp hệ thống dây chuyền để từng bước hoàn thiện đi vào hoạt động.

Song lòng dân thì vẫn chưa yên. Những lo lắng về chất thải gây ô nhiễm môi trường nước sông Hậu, môi trường không khí với sức mạnh hủy diệt vốn âm ỉ nay lại được thổi bùng lên khi những nghi vấn xung quanh nhà máy luyện thép  Formosa nằm trong khu công nghiệp Vũng Áng- Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung. Dù Chính phủ chưa đưa ra kết luận chính thức nhưng trước những diễn biến về vụ việc  người dân có quyền  đặt câu hỏi về tỷ lệ an toàn của nguồn nước thải sau luyện thép trước khi xả thải ra biển.

Một công nghệ tối ưu, được vận hành bởi những chuyên gia kỳ cựu có tay nghề, và một tâm nguyện là mang đến cho mảnh đất và con người sở tại sự tiến bộ và phồn thịnh về kinh tế. Nhưng nếu lịch sử lặp lại giống như vedan thì chuyển gì sẽ xảy ra Vedan đã tự gạch tên mình trong lòng tin của người tiêu dùng- thứ vốn được xem là tài sản vô giá đối với một thương hiệu, hay nói đúng hơn là thước đo sự yêu mến, tín nhiệm và thành đạt của người sáng lập nên thương hiệu đó.

Nỗi đau về sự hủy hoại môi trường, về tổn hại sức khỏe rồi sẽ được lấp đầy và lành theo thời gian, nhưng niềm tin thì sẽ mất rất lâu, thậm chí không gì có thể mua được. Thay vào đó là những câu hỏi cứ ngày một lớn rằng  tốt như vậy, kinh tế như vậy tại sao họ không làm trên chính đất nước của mình,  thay vì đem lợi đến cho người khác, đất nước khác. Lòng tốt thật sự vô tư, trong sáng đến thế sao?

  Việt Nam đang phát triển, đang hội nhập, là thực tế không thể phủ nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc.mở cửa nền kinh tế nắm bắt thời cơ, và đối đầu với thử thách để có thể cất cánh trở thành rồng hâu Á.  Song dù là cơ hội hay thử thách cũng đều đặt Việt Nam ở thế phải tiến lên phía trước nếu không muốn tụt hậu so với thế giới.  Nhưng tiến thế nào để tránh rơi vào sai lầm như Ngân hàng Thế giới cảnh báo “Cứ 1% tăng trưởng mà không có giải pháp bảo vệ môi trường thì môi trường sẽ kém đi ba lần tức là sẽ mất đi 3%...”thì rất cần những cái đầu tỉnh táo, trái tim biết lắng nghe và cảm nhận.

 

----------------------------------------

Dự kiến tháng 7/2016, khi trạm xử lý nước thải giai đoạn 1 với công suất 50.000 m3/ngày hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee&Man Việt Nam báo trước cho Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang phối hợp giám sát việc chạy thử.

Dự án “Xây dựng nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang” của Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee&Man Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 27/7/2008 và được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại quyết định số 2151, ngày 24/9/2008.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ USD trên diện tích khoảng 80ha nằm bên bờ sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Đến nay, dự án đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh đối với nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và dự kiến đến tháng 8/2016 vận hành thử nghiệm.

Riêng nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm dự kiến đến năm 2017 bắt đầu triển khai và sản xuất thử nghiệm vào tháng 10/2018

 

 

 


Có thể bạn quan tâm