April 29, 2024, 9:42 am

Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhằm chủ động phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Hội nghị triển khai công tác Dân số - KHHGĐ năm 2023

Nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển xã hội luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Mục tiêu này thường bắt đầu bằng việc can thiệp vào tình trạng thai nhi khi ở trong bụng mẹ. Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh mang lại cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn đồng thời giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật. Lựa chọn ngưng thai kỳ khi phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Có kế hoạch sinh và chăm sóc trẻ bị dị tật một cách tốt nhất trong trường hợp thai phụ quyết định giữ thai. Giảm chi phí cho gia đình và xã hội. Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh còn góp phần cải thiện chất lượng dân số.

Thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Ngày 02/4/2021 UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND về việc Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Theo đó, Chương trình được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2023, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình. Cụ thể:

Tại cấp tỉnh, Chi cục Dân số - KHHGĐ ký hợp đồng với báo đăng 01 bài viết tuyên truyền về hoạt động của Chương trình tại các huyện, thị, thành phố. Đã tổ chức lớp tập huấn kỹ năng truyền thông và quản lý đối tượng về tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho 120 tình nguyện viên, cộng tác viên dân số của huyện Thường Xuân.

Tại cấp huyện, với hoạt động sàng lọc trước sinh, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã ký hợp đồng với Trung tâm Y tế 11 huyện thực hiện hoạt động siêu âm sàng lọc trước sinh. Số phụ nữ mang thai được siêu âm sàng lọc là: 45.710 người. Với hoạt động sàng lọc sơ sinh, số trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc là: 11.019 cháu.

Hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại 200 xã/18 huyện, thị, thành phố gồm: TX Bỉm Sơn, TX Nghi Sơn, huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Yên Định, Như Thanh, Thường Xuân, Như Xuân, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước. Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân tại 200 câu lạc bộ sức khỏe tiền hôn nhân/200 xã được hưởng thụ chương trình. Tổ chức sinh hoạt được 400 lần/20.000 lượt người được cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, các biện pháp phòng tránh thai an toàn, phòng, chữa bệnh phụ khoa, phòng chống điều trị vô sinh, làm mẹ an toàn, trách nhiệm làm cha mẹ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; hỗ trợ khám sức khỏe trước hôn nhân cho nam, nữ thanh niên.

Lang Chánh là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá. Thực hiện Kế hoạch 89/KH-CCDS, ngày 16/6/2023 của Chi cục Dân số - KHHGĐ về kế hoạch hoạt động công tác Dân số - KHHGĐ năm 2023. Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết của các chương trình, Đề án. Chương trình mở rộng, tầm soát, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh được Trung tâm Y tế huyện triển khai tại 5 xã: Lâm Phú, Tam văn, Trí Nang, Giao Thiện, Đồng Lương. Tại 5 xã triển khai Chương trình đã tổ chức duy trì sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe tiền hôn nhân cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và mới kết hôn. Nội dung của những buổi sinh hoạt là cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, các biện pháp phòng tránh thai an toàn, phòng, chữa bệnh phụ khoa, phòng chống điều trị vô sinh, làm mẹ an toàn, trách nhiệm làm cha mẹ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Kết quả đã duy trì 5 câu lạc bộ (01 CLB/xã) định kỳ 02 lần sinh hoạt/xã/năm; Khám sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân: 140 ca.

Có thể nói, các hoạt động thiết thực trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và người dân trên địa bàn huyện Lang Chánh nói riêng và toàn tỉnh nói chung về tầm quan trọng của hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; đồng thời góp phần đạt các chỉ tiêu công tác dân số của Thanh Hóa. Năm 2023, Dân số trung bình: 3.783.500 người. Mức giảm sinh 0,1‰/năm. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 67%.  Tỷ lệ trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh 22,3%.

Mong ước lớn nhất của tất cả các bậc cha mẹ là sinh ra một đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Điều ấy không chỉ mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Trong thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ Thanh Hóa sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể các cấp quan tâm hơn nữa tới hoạt động của Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phóng sự, zalo, facebook...), đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông cho phù hợp với nhóm đối tượng nhằm đem lại hiệu quả của Chương trình./.

Bài và ảnh: Linh Nga


Có thể bạn quan tâm