April 30, 2024, 3:47 am

Sấm thiêng

Các nhà triết học đúc kết rằng "thế giới" luôn luôn vận động. Giả sử rằng nếu mọi vật trong vũ trụ đứng im, khái niệm thời gian trở nên vô nghĩa.

Từ xa xưa, người Thái đã “cụ thể hóa” thời gian để dễ hình dung. Trên Mường Trời có ngọn núi Pha Bun. Trên ngọn núi ấy có “cây chuối bạc cây chuối vàng”, bắp nó có nhiều bẹ, mỗi bẹ tương ứng với thời gian 1 năm. Cứ mỗi bẹ rơi xuống là hết 1 năm. Vào dịp đó thầy Mo làm lễ “đưa hồn lên trời” để: “Lên núi ‘rộng’ nhặt bẹ chuối vàng/ Trông thấy bắp chuối bạc chuối vàng ở trên núi đá to” (1). Ai may mắn nhặt được bẹ chuối ấy là “giàu có, hạnh phúc”. Bắp chuối ấy có hàng nghìn bẹ. Nghìn bẹ ấy rụng hết thì cây lại ra bẹ khác. Thời gian cứ thế tuần hoàn…

Một lễ hội đầu năm của người Thái ở Nghệ An

Bẹ chuối rụng theo “kỳ” của nó, không sớm không muộn. “Tháng giêng người ‘mường bằng’ (trần gian) mong chờ/ Người ‘mường út, mường trũng’ (nt) mong đợi/ Trời cũng không ‘gọi’ (sấm)/ Đến tháng 2 người ‘mường bằng’ mong chờ/ Chẳng hiểu vì sao/ Trời không gọi?/ Nghe thấy bìm bịp kêu ngọn sậy đó rồi/ Gà rừng đậu ngọn giang/ Nàng đen (rúi) chui dưới rễ/ Trời không gọi/ Cóc nhảy xuống ao/ Trời không gọi/ Nhái bén dậy leo cành/ Trời cũng không gọi/ Gianh trên núi muốn mọc/ Trời không gọi/ Cây Xằng lá nhỏ đâm chồi tháng 3/ Trời không gọi/ Hèo ở núi đơm bẹ/ Trời không gọi…” (2). Vậy thì khi nào trời mới “nổi sấm”? Hóa ra lý do lại “rất đơn giản”: “Người Khơ Mú tắm nước năm mới mừng mưa/ Hai ông Trời (Then-Bôn) nghe tức/ Hai ‘ông bố’ sấm sét/ Trời nổi gió, rạt rạt gió về…” (3). Lý do thứ 2 cũng vậy. Trên Mường Trời có nàng Ò và nàng Ẳn. Hai nàng “ngủ đông” dậy: “Nàng Ò bảo bố (ông trời) rung (sấm sét) bố mới rung/ Nàng Ẳn bảo bố lắc (nt) bố mới lắc/ Hai nàng bảo bố ‘chớp’ bố mới ‘chớp’/ Bố mới cất tiếng nhỏ tiếng to xuống trần…” (4). Và như vậy… “Đầu nguồn tối mịt mây/ Cuối nguồn tối mịt mưa đến rồi/ Mưa rơi vòng đầu ‘mường út, mường trũng’ (nt)/ Mưa rơi kịp đàn bà ra bến/ Mưa rơi kịp bà lão hái dâu/ Ướt mất áo ‘lụa là’ nòng nọc/ Ướt mất áo xanh lơ bồ câu/ Ướt mất áo ‘lụa là’ hổ vồ/… Voi ở rừng tai cụp nghe trước/ Ếch ở ruộng chân nhảy nghe trước/ Nhím ở lỗ tai mỏng nghe trước/ Nai ở lũng sườn núi nghe trước/ Trời gọi cho người Khơ Mú ở rẫy núi cao cũng nghe/ Phía Quỳ Châu-Pu Quai mọi người nghe cả/ Tất gầm trời nghe đủ gái trai/ Tất cả giơ tay lên cao đón mừng mưa xuống/… Đa đa đậu ngọn sậy/ Gà rừng đậu ngọn giang/ Măng đắng chui dưới rễ/ Con cóc nhảy về ao/ Bông vông nở trên bến/ Bông sẹ nở ở núi trước mặt/ Hoa ở rừng mừng nở/… Bông mía chuột mới đơm/ Bông Nạt nở sáng ở chân lèn/… Ếch ở ruộng chân nhảy mới nghe/ Nai và hươu ăn cỏ núi cao sừng gộc, mới nghe/ Chồn sóc nhỏ ở rừng quên tên bắn, mới nghe/ Tất cả mọi người ‘mường đất mường bằng’ (nt) mới vỗ tay lên đón mừng sấm gọi năm mới…”.

Chưa có sấm thì chưa được mở hội mừng năm mới (nông lịch). “Trời chưa sấm, khoan hãy mở hội mừng năm mới” (Phạ pảy họng nha hểm xống xáng). Khi nghe tiếng sấm rồi, và cơn mưa đầu năm bắt đầu kéo đến, thì người Thái bắt đầu tổ chức ăn mừng tiếng sấm (cúng và uống rượu cần): “Ky lầu phạ hoọng/ Uống rượu trời sấm”. Đó là Lễ hội “mừng tiếng sấm đầu năm”. Họ cho rằng: “Hai trai trời, hai người bố chủ/ Người cưỡi ngựa yên xanh xuống xem mường/ Người cưỡi ngựa yên vàng xuống xem bản/ Họ xuống thay trời…” (5). Một lần nữa ta lại thấy nguồn gốc lễ hội/ phong tục được giải thích “rất đơn giản”. Nhà nào cũng phải có rượu cần để “đón người nhà trời”: “Không có (rượu cần) phải chạy/ Không được, phải tìm phải kiếm…/ Chạy đến anh và em bên ngoài còn có/ Còn có rượu lúa rẫy đắng ‘dày’/ Rượu lúa ruộng đắng ‘rộng’/ Rượu có men có thuốc đắng nồng, ngọt nồng/ Rượu mới đắng cay, đụng tai, mắt ‘nháy nháy’/ Đắng bò lưỡi như là thuốc phiện/ Đắng như thuốc cỏ phơi gác/ Đắng như quả Hạnh ở ngọn/ Đắng lên trên ‘bừng bừng’…/ Đắng như mật cá Tết/ Đắng như vảy cá Pậu/… Rượu mới ngon mới ngọt làm sao!.../ Hơi rượu đụng phải bò cũng chết kề đập nước/ Đụng vào trâu chết gục cùng mõ/ Đụng vào bọn trẻ, ngã xuống nệm nằm ngủ/ Trai tráng lên sàn rộng, ngã ngửa/ Gái son lên sàn nhà, ngã sấp…” (7). Chủ nhà đọc/diễn xướng bài cúng (chủ nhà không thạo thì phải mời thầy Mo). Nội dung bài cúng như sau:“Bên này tôi xin gọi/ Phía này tôi xin kêu/ Các Đẳm (tổ tiên) tôi xin gọi xin mời/ Mời từ các ‘trai trời’ đội nón cánh dơi/ Mời đến ‘chủ hội’ (người điều hành) đội mũ đuôi én/ ‘Chục vạn’ người cầm lọng đỏ/ Dáo mác dựng như bông lau nở/ Mời từ các ‘trai trời’/ Mời từ Bà ngoại bên trên (trời)/ Em út bố Chết Chai (thần)/ Tạo cả (thần) ngồi ngọn đa/ Tạo út (thần) ngồi ngọn si/… Em út bố dẫn đường/ 10 người cũng lại ngồi quanh chum rượu/ ‘900 người trời’ lại ngồi quanh chum tửu/ Người ở cao (trời) vào ngồi trên, nhanh gọn/ Kẻ ở dưới (đất) vào ngồi dưới, tức thì/ Vào ngồi Niết bàn ‘treo’ ở trên trời/ Vào ngồi thành dãy như én đậu cành/ Tổ Đẳm tất cả mời khách uống rượu/ Chủ Đẳm này mời khách uống tửu…” (8).

Đầu năm, tất nhiên gia chủ mong điều tốt lành nhất trong năm tới. Ông chuyển đến “các vị bề trên” những lời khấn nguyện: “Được uống rượu chum to để (các vị) nhớ lời phù hộ/ Biết lễ rượu hôm nay để nhớ lời phù hộ độ trì/ Uống rượu chum to hôm nay nhớ mãi về sau/ Biết lễ rượu hôm nay để nhớ phù hộ độ trì/ Để phù hộ con ở đầu sàn/ Phù hộ cháu ở buồng ở cửa/ Phù hộ vợ, con nhỏ, gây dựng (nhà cửa) thành “cây”/ Phù hộ con của Then Nà (ông trời) tất cả để dựng nên “gốc”/ Đừng để “khốn” và “nạn” mọi công việc chi/... Dưới sàn rộng, nhà vợ, con nhỏ mới nổi ‘vía trâu’/ Trên nhà nổi ‘vía lúa’/ Ngoảnh mặt vào bên này nổi ‘của cải nhà’/ Có từ con trâu già/ Có cả con trâu ruộng/ Tối ngày thấy ăn lau và gianh rừng giữa cho lớn/ Vào ăn cỏ bãi bằng cho to/… Nuôi vịt cho nên trứng/ Nuôi gà cho được ấp/ Gà mẹ ấp đừng ung/ Gà trống đạp đừng hỏng/ Có con gà mái xòe cánh rộng che đàn con về nhà/ Nuôi lợn đừng sinh lở mồm/ Nuôi tằm đừng lây bệnh tằm héo/ Nong cao thành tằm tía (vàng đỏ)/ Được tơ mềm 7 lớp được 8 con chỉ/ 30 năm liền có nàng Hỏm (thuốc nhuộm)/ 9 năm trời có nàng Nhơ (vải tơ)/… Có cả con chó to biết sủa nai/ Có chó bản biết sủa nai hươu/ Mỗi ngày con nhỏ được ăn bữa ‘may’ (thịt săn được)/ Mọi ngày ông quan được ăn bữa thịt ngon/ Đám người già trẻ nhỏ mừng được húp cháo nóng con thú/ Làm rẫy đừng gặp ‘rầy trời’/ Làm ruộng đừng gặp sâu bướm/ Thửa dưới đừng gặp rầy nâu/ Thửa giữa đừng có sâu ‘mắt tằm’ ăn đọt/ Đừng có chuột Khúy ra giữa ruộng ăn lúa/ Chim Pịt tận mường trời xuống tuốt mất đòng/ Lúa chết héo từng đám/ Lúa chết rũ từng khoảnh/ Lúa chết đứng, không sai bông/ Lúa há miệng, mất đòng/… Bà chủ (gia thần) canh hòm vải chưa dày…/ Ngồi chân buồng đừng để mất của/ Ngồi chân giường đừng để mất lúa/… Để đem vía con cháu vào hòm/... Dém chân màn mới ‘dày’/ Dém mép chăn mới chặt/ Dém 9 lớp kín cả bầy con cháu…” (9). Sau khi đã “cầu” đủ tất cả những điều tốt đẹp, gia chủ mới kết thúc: “Lời gốc đã thưa nhiều/ Lời ngọn đã thưa cả/ Kể lể hết mọi điều chấp nhận lời thưa, đấy nhé!” (10).

… Như vậy, tiếng sấm của “tự nhiên” đã trở thành “sấm thiêng”!

Người ta xem xét tiếng sấm và mưa kéo đến từ phía nào, phỏng đoán xem năm nay có “mưa thuận gió hòa” hay không, mùa màng có bội thu hay không, v.v. Quan sát nhiều năm, họ thấy: “Sấm về núi Pu Kẹp (Quế Phong), đói ăn đến chết/ Sấm về núi Pu Quai (nt), bán gạo” (11). Tiếng sấm cũng báo hiệu “mùa làm ăn” (năm nông lịch) đã đến. “Trời mưa rơi, vãi mạ/ Sấm gọi thì cấy chiêm” (Phạ phôn tốc bán cả/ Phạ họng háy ná đo” (12). Nguồn lợi của sấm, của mưa là quá rõ ràng: “Trời mưa rơi con cháu có cái để cày mạ/ Trời sấm khắp gầm trời có cái để làm đồng và ruộng/ Nên tốt đó, bởi lộc “cồng út” (tiếng sấm)/ Giàu có đó, nhờ trời sấm gọi” (13).

Tất cả đã giải thích vì sao người ta lại “mở hội mừng tiếng sấm đầu năm”. 

Ngày nay nhờ khoa học mà người ta giải thích được “thời gian” là gì, vì sao có mưa, có sấm, quy luật và tác dụng của chúng, v.v. Người Thái cũng như các dân tộc ở Đông Nam Á khác, trong lúc tiếp thu kiến thức mới, thì có nơi vẫn lưu giữ “di sản tinh thần” cũ, phong tục cũ… Lễ hội “mừng tiếng sấm đầu năm” trên đây là một ví dụ. 

________

(1),(2),(3),(4), (13): Dân ca Thái

(5),(7),(8),(9),(10): Mo Thái

(11),(12) Tục ngữ Thái

La Quán Miên

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm