April 30, 2024, 7:52 am

Ra mắt 25 tập sách " Nỗi đau sau chiến tranh"

 

Sáng ngày 24/12 Ban vận động sáng tác văn học đề tài Hậu chiến tranh,   Bảo tàng tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên, Câu lạc bộ thơ Lục bát Thái Bình sẽ ra mắt 25 tập văn thơ " Nôi đau sau chiến tranh"

       Theo đó, cách đây 5 năm được sự Bảo trợ, giúp đỡ của Hội nhà văn Việt Nam, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bảo tàng tác phẩm Hậu chiến tranh – Minh Chuyên cùng câu lạc bộ thơ Lục bát tỉnh Thái Bình đã phối hợp phát động phong trào sáng tác văn học thiện nguyện viết về đề tài nỗi đau thời hậu chiến. Nhằm bổ xung chiến tích của cuộc chiến tranh, trước hết lưu giữ tại các bảo tàng chiến tranh cách mạng cùng hệ thống thư viện, truyền lại cho mai sau.

Hàng ngàn tác phẩm văn học từ khắp mọi miền đất nước đã được gửi về BTC. Sau quá trình chọn lọc, biên tập nhiều tác phẩm trong số đó đã có mặt trong bộ sách 25 tập “Nỗi đau sau chiến tranh”. Mỗi tác phẩm là những tiếng lòng xót thương trào dâng từ ngòi bút, tạc nên hình tượng văn học, hình tượng những phận người thời hậu chiến đang hiện hữu xung quanh chúng ta.  

Tại buổi lễ tổng kết và ra mắt sách, Ban vận động tiếp tục kêu gọi và phát động phong trào sáng tác văn học thiện nguyện lần thứ 3, viết về đề tài hậu chiến tranh Việt Nam, với tham vọng sẽ có thêm 25 tập sách mới bổ sung vào  dự án xuất bản trọn bộ 50 tập sách Văn học mang tựa đề “Nỗi đau sau chiến tranh” như một chứng tích về chiến tranh giử lại cho hậu thế.

Vannghe online xin gửi đến bạn đọc bài viết mang tính chất tổng kết của nhà văn Minh Chuyên

Chọn bộ 25 tập sách " Nỗi đau sau chiến tranh". Ảnh KK

NHỮNG CÂY BÚT ÂN TÌNH QUA 25 TẬPVĂN THƠ “NỖI ĐAU SAU CHIẾN TRANH”

 

          Đề tài hậu chiến tranh ra đời từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam khép lại. Một cuộc chiến tranh khác không đổ máu, nhưng vết thương lại xót đau vô cùng. Hơn 4,8 triệu người bị di nhiễm chất độc da cam – Dioxin, gần 35 vạn trẻ em, sống trong quằn quại đau đớn truyền lại từ đời ông cha đến đời con cháu phải gồng mình cam chịu một loại vết thương không có mảnh đạn; Hàng vạn em bé mất đi hơi thở, tiếng khóc, vĩnh viễn không còn tồn tại trên cõi đời. Hàng triệu thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ mang nặng nỗi niềm gian khó, cô đơn. Từ những nỗi đau này thôi thúc lương tâm đồng loại, thôi thúc những người làm chính sách vào cuộc nâng đỡ, cứu giúp các nạn nhân chiến tranh, suốt gần nửa thế kỷ qua. Trong đó có những người cầm bút. Các cơ quan báo chí, cơ quan văn học nghệ thuật, cùng các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước luôn dành những tình cảm hướng tâm bút sáng tác về hậu quả của cuộc chiến tranh do quân đội Mỹ xâm lược gây nên tại Việt Nam.

          Để tiếp tục khởi động và nối tiếp dòng văn học hậu chiến. Cách đây 5 năm được sự Bảo trợ, giúp đỡ của Hội nhà văn Việt Nam, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bảo tàng tác phẩm Hậu chiến tranh – Minh Chuyên cùng câu lạc bộ thơ Lục bát tỉnh Thái Bình đã phối hợp phát động phong trào sáng tác văn học thiện nguyện viết về đề tài nỗi đau thời hậu chiến. Nhằm bổ xung chiến tích của cuộc chiến tranh, trước hết lưu giữ tại các bảo tàng chiến tranh cách mạng cùng hệ thống thư viện, truyền lại cho mai sau. Hình như nỗi đau của con người, cùng nỗi đau của người lính thời hậu chiến đã chạm tới trái tim của người cầm bút. Hàng ngàn lượt tác giả từ khắp mọi vùng quê hương trong nước và ngoài nước đã lên tiếng bằng những tác phẩm văn xuôi, thơ ca gửi về ban vận động. Các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sỹ cùng những người yêu văn chương, nghệ thuật, động lòng trắc ẩn về những phận người sau cuộc chiến tranh, ngày đêm trải tình thương lên cây bút, sáng tạo đa dạng các loại hình nghệ thuật thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, kịch bản văn học để bộ sách “Nỗi đau sau chiến tranh” ngày một dày thêm. Trong đó có sáng tác của các anh chị em văn nghệ sỹ đang hiện diện hôm nay.

          Thực tế cuộc sống và những mất mát đau thương sau cuộc chiến tranh đã thấu động lương tâm người cầm bút. Ai cũng muốn dành tình cảm sâu sắc nhất của mình truyền vào ngòi bút, để ngọn bút nói thay lời chia sẻ cùng nỗi đau. Không ít nhà văn thể hiện trách nhiệm cây bút của mình với nỗi đau đồng loại, nỗi đau vì Tổ quốc vì nhân dân. Chính điều đó đã dồn nén trong cảm xúc, hình thành nên những tác phẩm có nội dung sâu lắng, ngôn ngữ văn chương sống động, hàm chứa những ý tưởng nhân văn sâu sắc. Nhiều tác phẩm có phương pháp miêu tả chân thực đan xen mô phỏng hình tượng tạo nên những trang văn, những câu thơ xa xót lòng người. Hàng ngàn tác phẩm văn học có mặt trong bộ sách 25 tập “Nỗi đau sau chiến tranh” là hàng ngàn tiếng lòng xót thương trút ra từ ngòi bút, tạc nên hình tượng văn học, hình tượng những phận người cụ thể đang sống khắc khoải nơi cuộc đời quanh ta. Bộ sách phải chăng là bức thông điệp lịch sử gửi cho mai sau, để biết có một thời cha ông dấn thân, đổ máu, hy sinh cho những ngày đất nước bình yên hôm nay.

          Do thời gian hạn hẹp chúng tôi chỉ lướt qua một số tác giả mang tính đại diện có tác phẩm trong một số tập sách. Mở đầu tập 1 Tác giả anh thương binh Đỗ Tiếp viết “ Lời ru anh trong đêm trở gió”.

Ngủ đi nào những tái tê

Nỗi đau trần thế gọi về hư không

Nỗi đau cả trăm bài thơ ngân lên xa xót kéo dài suốt 25 tập. Nhiều bài thơ thể hiện tài hoa, giàu hình tượng ngôn từ đọc khó quên. Tác giả Lương Hữu có “Tháng bảy anh về”. Nhà thơ Ánh Tuyết “Hát với mười cô” Trần Thanh Loan: Bông hoa Đồng Lộc. Vũ Minh Hiến: Trí dũng song toàn. Nguyễn Ngọc Hùng: Trong bài thơ: Em hóa đá đợi anh, tác giả viết:

Nơi đây hóa đá em tìm

Bóng anh khuất lặng im lìm trời Nam.

          Tập 18 và 19 các cây bút dành nhiều trang thơ ngợi ca phẩm chất anh hùng và những cống hiến hy sinh của người lính trận. Phần thơ có Nguyễn Thị Thu: Mùa hoa cải ven sông. Đỗ Lâm Hà: Bằng lăng tím. Hồ Bá Thâm: Nửa chừng câu hát vầng trăng. Ngân Hậu: Nỗi đau không chỉ riêng anh. Đoàn Thịnh: Người thương binh hỏng mắt. Phan Đức Chính: Nằm lại với con đường. Nguyễn Hữu Bản: Cánh võng Trường sơn. Nguyễn Văn Á: Thạch Hãn chiều nay. Tác giả Triệu Miện: Mẹ ôi. Kim Quốc  Hoa góp mặt trường ca “Cửa thép Trường Sơn”.v.v..

          Tác giả Phạm Ngoan có 4 câu thật xúc động:

Tin về chỉ thấy mong manh

Bầu trời mây trắng nhuốm vành khăn tang

Cái riêng chỉ thiếp với chàng

Dấu trong thầm kín đa đoan nỗi đời

          Các nhà văn nhà thơ Mỹ, nhiều người từng tham chiến trong cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam những năm 1965 – 1968 như Kevin Bowen, Gary Nhitel, Brian Mooney, Molly Watt, Preston Wood.v..có nhiều tác phẩm tham gia trong bộ sách. Nhà thơ Wislawa Szymborska người Ba Lan từng đạt giải Noben về Văn học cũng có tác phẩm in trong tập “Nỗi đau sau chiến tranh”. Chùm thơ viết về cuộc chiến tranh Việt Nam Wislawa viết:

Cái chết vì Tổ Quốc, làm việc chém giết người

Cái chết không biết đào huyệt

Không biết đạy kín nắp quan tài

Không biết dọn dẹp mình sau chết.

          Điều đó đã nói lên, đề tài hậu chiến tranh Việt Nam có sức lan tỏa, cuốn hút không chỉ với các nhà văn trong nước, mà các nhà văn nhà thơ trên thế giới cũng hết sức quan tâm.

          Những sáng tác văn xuôi, mỗi tập một tiếng nói, một vẻ đẹp riêng, ẩn chứa tình người trong từng trang viết. Tập 10 có các truyện ngắn “Sinh vào đêm trăng sáng” của nhà văn Trần Văn Thước. “Thăm thẳm bóng người” truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh. Nhà văn Đắc Trung có truyện “Những người bị lãng quên”. Nhà văn Lê Thị Bích Hồng: Chuyện về chiếc Ăng Gô. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ kịch hát “Ngàn năm mây trắng”. Phần thơ trong tập 10 hội tụ nhiều thi phẩm hay với lối viết mới lạ. Tác giả Phạm Luyến với “Vọng phu bến không chồng”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có trường ca “Những người lính của làng”. Nhà thơ Kim Chuông: Về một người mẹ, Một người con và dòng sông Trà Lý. Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ngày mai ra trận. Tác giả Vũ Thanh Hoa: Nỗi đau sau chiến tranh. Tác giả Bùi Quảng Bạ: Người đi tìm di họa chiến tranh. Tác giả Hoàng Yến có: Xin anh báo mộng em tìm. Tác giả Vũ Bá Lễ: “Cánh cò chất nặng da cam”. Tác giả Nguyễn Đức Mậu: Người ngồi trước mộ mình. Tác giả Nguyễn Thọ Trúc với thi phẩm “Ngõ xưa. Nhà thơ Vương Trọng: Khúc tưởng niệm liệt sỹ. Trần Nhuệ: Nàng Tô Thị không con. Nhà thơ Trần Nhương với trường ca: Người làm ra cổ tích.v.v…

          Văn xuôi trong 25 tập sách “Nỗi đau sau chiến tranh là phần chủ lực đã tạc nên những hình tượng nhân vật khá tiêu biểu qua những câu chuyện đầy tính nhân bản được các tác giả thể hiện dưới bút pháp: Truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, ghi chép, bút ký, kịch bản văn học, kịch hát.v.v..Những câu chuyện tình trong chiến tranh, chuyện người lính quên mình nơi trận mạc, chuyện về mẹ đợi con, chờ chồng, chuyện những cô gái Trường Sơn, hòa bình về nương bóng nơi cửa Phật, với nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn cuốn hút bạn đọc. Tập 17 – 19 nhà văn Lê Hải Triều có tiểu thuyết “Di họa kép”. Thái Bá Lợi truyện ngắn “Cánh rừng phía ấy”. Tác giả Vũ Hồng Thái “Về nơi đất thiêng” Phạm Minh Giang: Người ngâm kiều trước hai trận đánh.v.v..

          Tập 21 đến 23 một số tác giả truyện ngắn, tiểu thuyết viết đầy tâm trạng, buồn, vui. Tác giả Nguyễn Nhân Tỏ: Kể chuyện thời chiến tranh. Nhà văn Võ Minh Cư đóng góp hai tiểu thuyết “Đa đoan nỗi đời và Mối tình đời tư”. Tác giả Dương Thiên Lý tiểu thuyết “Người trên đảo vắng”. Tập 24-25 dòng văn xuôi thiên về những ký ức thời chiến tranh. Tác giả Nguyễn Duy Việt, có bút ký: Hlem em đang ở đâu. Tác giả Vượng Tiến Hòa: Nhớ về em người lính. Tác giả Bùi Minh Tiến: Chuyện anh tôi. Hoàng Lam: Bốn mươi năm viết nhật ký chờ chồng.v.v..

          Nhiều tác phẩm in trong bộ sách chất lượng tốt, đạt tới đỉnh cao của sự sáng tạo nghệ thuật. Tác giả Minh Chuyên 3 tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa phổ thông trung học và tiểu học thì 2 tác phẩm có mặt trong bộ sách “Nỗi đau sau chiến tranh”. Đó là “Vào chùa gặp lại và Chuyện ông Hoàng Cầm”. Từ trang sách nỗi đau sau chiến tranh vào văn học nhà trường giúp các thế hệ tiếp tục ngân lên ca khúc: “Nổi lửa lên em, đánh Mỹ đêm ngày, Đôi quang gánh nặng tình yêu đất nước. Hơi bếp Hoàng Cầm sưởi ấm khắp nơi nơi”.

          Có được kết quả 25 tập sách văn thơ mang dấu ấn lịch sử về sáng tác đề tài văn học hậu chiến tranh Việt Nam, do Bảo tàng tác phẩm Hậu chiến tranh – Minh Chuyên và Câu lạc bộ thơ lục bát tỉnh Thái Bình tổ chức. Thay mặt ban vận động sáng tác chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sỹ trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp tác phẩm văn thơ cho bộ sách. Cám ơn Hội nhà văn Việt Nam, Hội liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã bảo trợ giúp đỡ cả tinh thần và vật chất. Cảm ơn các nhà tài trợ, cùng các thành viên ban vận động sáng tác. Cám ơn và xin ghi nhận sự đóng góp tích cực có hiệu quả cao của nhà thơ Thọ Trúc Trưởng ban tổ chức, ông Nguyễn Tuynh Trưởng ban biên tập, ông Hà Ngọc Vui trưởng ban trị sự và nhà văn biên tập Triệu Nguyễn.v.v…

Tại buổi lễ tổng kết này, thay mặt ban vận động chúng tôi tiếp tục kêu gọi và phát động phong trào sáng tác văn học thiện nguyện lần thứ 3, viết về đề tài hậu chiến tranh Việt Nam. Bằng trách nhiệm và tình cảm của người nghệ sỹ, hãy hướng tâm vào ngòi bút, sáng tác nhiều tác phẩm hay hơn nữa, góp phần tri ân những người vì Tổ Quốc, vì hòa bình, đang phải hy sinh gánh chịu hậu quả của cuộc chiến tranh.

          Viết tiếp 25 tập, cùng chúng tôi xuất bản trọn bộ 50 tập sách Văn học mang tựa đề “Nỗi đau sau chiến tranh”, dâng tặng hậu thế, làm chứng tích chiến tranh cho muôn đời sau.

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2023

Nhà văn Minh Chuyên

 


Có thể bạn quan tâm