May 17, 2024, 6:00 pm

Quyết định 32 lan tỏa được tới đâu?

 

 

Đó là câu hỏi đã làm nóng bầu dư luận xã hội ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 10 khi 6 Thứ trưởng Bộ Tài chính người sử dụng taxi, người sử dụng xe riêng để đến công sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Dẫu rằng cơ chế khoán xe công không phải quy định Bộ Tài chính tự nghĩ ra và áp dụng nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách. Mà trước đó, từ tháng 8-2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 32/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý và sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

 

Việt Nam hiện có 40.0000 xe công gây tốn kém và lãng phí cho ngân sách Nhà nước . Ảnh Internet

Quyết định này nêu rõ từng chức danh, hệ số lương được hưởng chế độ xe công, mức giá mua xe tối đa được hưởng…, trong đó có việc khoán kinh phí sử dụng xe công từ nơi ở đến nơi làm việc đối với các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên. Mức khoán kinh phí cụ thể như thế nào cũng đã có trong Quyết định 32. Do Quyết định 32 không bắt buộc phải thực hiện, nên các Bộ, ngành liên quan không mặn mà với quyết định 32.

 Chính vì vậy,  việc thực hiện đồng bộ khoán kinh phí xe công tại Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Trả  lời trên một diễn đàn báo mạng, ông Trương Đình Tuyển đã không ngần ngại cho rằng “Việc khoán tiền này không khó, chủ yếu là có quyết tâm làm hay không. Rắc rối hiện nay là vẫn phải duy trì xe đó cho các lãnh đạo cấp thứ trưởng đi công tác nên sẽ không đồng bộ. Nếu nói về tiền, số tiền tiết kiệm cho ngân sách có thể giảm nhưng sẽ không giảm như mong muốn. Cấp thứ trưởng di chuyển liên tục, họp hành rất nhiều. Vì vậy, nếu chỉ khoán cho cấp thứ trưởng Bộ Tài chính thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Không chỉ Bộ Tài chính, việc làm cần phải lan tỏa ra các đơn vị khác”.

Cũng bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Cấp thứ trưởng, tổng cục trưởng trong quy định là có tiêu chuẩn đưa đón từ nhà đến cơ quan. Khoán xe công theo giá taxi, cái đầu tiên chúng ta “được” là việc không công nhận tiêu chuẩn này nữa. Cái đó mới là quan trọng. Thứ trưởng chưa phải đến mức có tiêu chuẩn đưa đón xe riêng, thay đổi được tư duy này mới là quan trọng nhất”, ông Ánh cũng phân tích, ngoài việc thay đổi tư duy đưa đón, một tiến bộ khác trong việc khoán xe công theo giá taxi mà bộ Tài chính làm là áp dụng được dịch vụ công một cách linh hoạt chứ không phải khoán lấy được.

Hiện theo Cục Quản lý công sản việc duy trì khoảng 40.000 xe công và chi phí cho mỗi chiếc xe công trung bình 320 triệu đồng/năm. Kinh phí phải chi hàng năm cho việc mua sắm, sử dụng xe công gây tốn kém và lãng phí khá lớn cho ngân sách nhà nước. Con số này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phân bổ ngân sách giữa chi thường xuyên và đầu tư phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, xuất khẩu thô giảm sút, nông nghiệp - bà đỡ của nền kinh tế gặp khó, thì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành mệnh lệnh sống còn của nền kinh tế. Không nên coi đó là giải pháp tình thế.

 

Vấn đề quan trọng hiện nay chính là từ Bộ Tài chính, Quyết định 32 sẽ được triển khai thế nào, đơn vị nào sẽ thực hiện giám sát, kết luận tính khả thi để có thể  áp dụng được cho cả ngàn người chứ không chỉ dừng lại giống như  làm “ thí điếm”tại Bộ Tài Chính.

 


Có thể bạn quan tâm