April 30, 2024, 9:58 am

"Nước Nam một thuở" góc nhìn trọn vẹn về giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng của đất Việt, người Việt

 

Nước Nam một thuở tập hợp 38 công trình nghiên cứu, bài viết tiêu biểu bằng tiếng Pháp và 60 tranh ảnh phong phú về đất nước, con người An Nam đăng trên Tạp chí Đông Dương, Tạp chí Viễn Á, Tuần san Đông Dương, Tập san Dân Việt Nam xuất bản từ năm 1894 đến năm 1948, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tuyển dịch sang tiếng Việt. Cuốn sách thuộc Tủ sách Lịch sử - Văn hóa, nằm trong dự án hợp tác giữa Omega Plus và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

 

 

 

Theo đó, nhóm chủ đề trong số 38 bài viết nghiên cứu của cuốn sách gồm: Phong tục ngày Tết: Ngày đầu năm mới của người An Nam; Câu đối; Chữ Phúc và chữ Thọ.

Ngoài ra, các chủ đề khác: Các chiến thuật của Hoàng đế Trung Hoa (Tần Thủy Hoàng, năm 246 TCN); Khai trương hình thức du lịch  bằng đường hàng không tại Đông Dương; Các khu nghỉ mát trên núi Đông Dương.

Tác giả của những bài viết này là các học giả, nhà khoa học, quan chức người Pháp và người Việt như: Louis Bezacier, Gustave Dumoutier, Cerutti, Henry Bontoux, G. Taboulet, G.Tucat, Ngô Quý Sơn, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Xuân Chữ… đã khảo cứu và đưa ra những luận điểm khá tinh tế về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, giáo dục, các vùng đất, di tích, nhân vật lịch sử của Việt Nam thời Pháp thuộc.  Ấn phẩm chủ yếu khai thác các bài tiểu luận có chất lượng ẩn trong các hồ sơ lưu trữ, trong đó có các ấn phẩm định kỳ phát hành từ năm 1948 trở về trước.

Các bài viết được lựa chọn và sắp xếp, hệ thống hóa theo chủ đề và trình tự thời gian. Mỗi bài viết đều có hình ảnh minh họa, ghi rõ tác giả, ký hiệu tra tìm, niên đại. Đối với những bài viết không có hình ảnh, Ban Biên soạn đã sưu tầm, bổ sung hình ảnh đồng thời ghi rõ nguồn dẫn để cuốn sách thêm phần sinh động, tạo hững thú cho người đọc.

Được biết, trong quá trình thực hiện, nhóm biên dịch đã gặp không ít khó khăn. Một số bài dịch từ chữ Hán, chữ Nôm, vốn có nhiều khái niệm trừu tượng, khó hiểu cũng như không có câu, từ tương đương trong tiếng Pháp; tác giả đồng thời là người dịch Hán-Nôm chỉ chuyển ý tóm lược, chẳng hạn như bài "Thi Hương" hay bài "Câu đối". Thêm vào đó, một số địa danh hay tên người bị tác giả người Pháp viết sai, hoặc không dấu (tiếng Việt) gây nhiều khó khăn cho người dịch.

Vũ Khanh ( tổng hợp)


Có thể bạn quan tâm