May 18, 2024, 1:57 pm

"Bảo tồn và phát huy văn hoá nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số"

Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy văn hoá nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số" vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là hội  thảo nhằm phát huy Đề án "Ứng dụng nền tảng công nghệ số phục vụ công tác bảo tồn và triển khai đại nhạc hội dân ca và bolero Việt Nam (giai đoạn 2021-2025)" do Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM khởi xướng.

Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng trong thời kỳ hội nhập, nghệ thuật truyền thống đang bị lấn át bởi nhiều loại hình khác, nếu không bảo tồn sẽ mất hẳn đi một phần vốn quý của văn hóa phi vật thể. Chính vì vậy, việc ghiên cứu tác động của công việc ứng dụng công nghệ, phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng, phát huy, khai thác, lan toả nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp trình diễn, phổ biến, lan toả về nghệ thuật truyền thống trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của ứng dụng công nghệ là vô cùng quan trong và cần thiết. Do đó, hội thảo cũng chính là một kênh để các nhà quản lý tập hợp, liên kết các đơn vị về đào tạo, vận dụng, triển khai biểu diễn các vùng miền và cả nước nhằm khai thác và tận dụng tối đa tài nguyên nghệ thuật truyền thống và hình thức quảng bá những giá trị này trên không gian mạng hiện nay.

Theo TS, NSND Thanh Ngoan, với sự phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, việc chuyển đổi số với nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo riêng là vô cùng quan trọng. Vì từ trước đến giờ việc gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng, việc bị thất thoát, mai một vốn văn hóa cổ truyền vẫn xảy ra. Khi áp dụng công nghệ số, chúng ta sẽ có một nơi lưu giữ an toàn, không bị thất thoát. "Với công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những bài hát, làn điệu để tìm hiểu chuyên sâu về âm nhạc. Và nếu có bảo tàng số, có nghĩa là chúng ta có thể bảo tồn nhiều môn nghệ thuật truyền thống mà không sợ quá tải. Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng gồm cả việc truyền thông ở trong nước và quốc tế, làm cho người trẻ yêu hơn văn hóa nghệ thuật. Như đưa các đề án về các trường học sẽ làm các em yêu và trân trọng hơn di sản văn hóa của cha ông để lại".  Làm rõ hơn việc ứng dụng chuyển đổi số trong nghệ thuật biểu diễn, TS. Phạm Ngọc Minh (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số thống nhất. Khuyến khích sử dụng các nền tảng công nghệ số trong các hoạt động văn hoá nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trong đó có số hoá vở diễn sân khấu.

Được biết, trước đó, Bộ VHTTDL đã xây dựng đề án nhà hát trên Youtube với sự tham gia của 12 nhà hát của Bộ cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp khác. Nhà hát trên Youtube được xem là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, giúp khán giả cả nước sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật hay. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc nghe nhạc trực tuyến,thưởng thức nghệ thuật truyền thống đã trở thành thói quen phổ biến của nhiều người. Do đó, việc ứng dụng nền tảng công nghệ số là giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn âm nhạc đã và đang được xem là đòi hỏi bức thiết củ công chúng yêu nghệ thuật truyền thống.

PV


Có thể bạn quan tâm