April 29, 2024, 4:38 pm

Quảng Trị, sông, cỏ và hoa

Sông Bến Hải. Đã quá nổi tiếng dòng chảy khởi nguồn từ dãy Trường Sơn men theo vĩ tuyến 17 này. Hiệp định Genève 1954 được ký kết, Bến Hải bỗng nhiên trở thành giới tuyến chia đôi đất nước Việt Nam.

Dân ta rưng rưng gọi Bến Hải là “sông tuyến”. Rưng rưng lắm những ngày Bắc đêm Nam. Rưng rưng lắm Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ; Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp; Bài ca hy vọng của Văn Ký… Không khỏi nghẹn ngào khi nghe một nhà thơ nước ngoài ví rằng sông Bến Hải là chỗ đứt của sợi dây căng trên chiếc đàn bầu Việt Nam. Đất nước bị chia đôi, Quảng Trị bị chia đôi; bên ni Vĩnh Linh, bên tê Gio Linh… Nhưng, không phải thế, trong tâm thức của người Việt Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu…(Tế Hanh). Tuy rằng, dân tộc ta phải trải qua cuộc trường chinh bi tráng, dằng dặc hai mươi mốt năm mới giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông. Không lâu sau đó, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn được khởi công xây dựng ở thượng nguồn sông Bến Hải. Nơi linh thiêng này có một cây bồ đề huyền thoại. Cây không do ai trồng cả, tự nhiên mọc lên, cao lớn, tốt tươi, tỏa rộng, ôm lấy tượng đài “Tổ quốc ghi công”. Đức Phật từ bi đã có mặt ở nơi yên nghỉ của mười nghìn liệt sĩ chăng?...

Dòng người lên thắp hương, đặt hoa ở Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.

 

Tôi từng đứng trước biển ở thượng nguồn sông Bến Hải. Nói như thế có cái gì đó thật khác lạ. Sông Bến Hải đổ ra biển Việt mênh mang ở Cửa Tùng. Nhưng, giữa một đêm tháng bảy mù sương tôi chợt nghe tiếng sóng vỗ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Tiếng sóng như trào lên từ lòng đất ẩm mát, mờ tỏ giữa không gian thực ảo hòa lẫn, ánh xạ nỗi đau và khát vọng của một thời và mãi mãi. Biển neo ở đầu nguồn Bến Hải cũng mặn chát. Mỗi cuộc đời ra đi vì đất nước hóa thành một ngọn sóng linh thiêng. Mười nghìn cuộc đời ra đi là mười nghìn con sóng linh thiêng. Biển!. Giữa mù sương bàng bạc giăng xuống đẫm ướt hai vai, tôi nghe rõ bấy nhiêu thao thức của vạn người chưa trở lại trong tiếng chim từ quy da diết gọi nhau ở hai đầu núi xa thẳm: Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa (Khát vọng Trường Sơn, Thơ Nguyễn Hữu Quý).

Tôi nghĩ, nếu như nói về dấu tích chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ XX thì chắc chẳng nơi đâu sánh bằng Quảng Trị. Có lẽ, không có miền quê nào trên đất nước ta không có người đang nằm lại trên mảnh đất khắc bạc này. Mỗi góc làng, mỗi con phố, mỗi thửa ruộng, mỗi mảnh vườn, mỗi lòng núi, mỗi đáy sông… đều có thể tìm thấy hài cốt của liệt sĩ. Quảng Trị vốn là nơi từng xảy ra những chiến dịch, những trận đánh lớn của quân và dân ta ở Đường Chín, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cam Lộ, Làng Vây, Khe Sanh, Đông Hà, Thành Cổ, Cửa Việt… Đằng sau các chiến tích là mất mát, đau thương không kể xiết…

Chiến tranh kết thúc, dân trở về quê làm nhà lập vườn không ai biết ở đâu còn hài cốt liệt sĩ. Chỉ khi đào móng làm nhà, đào hố trồng cây, đào giếng lấy nước… người dân mới tình cờ phát hiện ra các anh. Dép cao su. Bàn chải đánh răng. Lược làm từ mảnh xác máy bay Mỹ. Thỉnh thoảng có mấy tấm ảnh phụ nữ, trẻ con, cuốn sổ nhật ký gói kỹ trong túi ni lon. Còn nói chung là không còn gì. Rất khó để định danh cho người đã hy sinh. Các anh lại cùng ở với nhau trong một nấm mộ chung ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường Chín…

Nửa thế kỷ đã nhọc nhằn đi qua kể từ ngày Quảng Trị được giải phóng (1/5/1972). Nhưng dấu vết chiến tranh bi tráng vẫn còn in khắp nơi trên mảnh đất hẹp này. Quảng Trị thực sự là một bảo tàng chiến tranh mà các ngọn núi, dòng sông cỏ thể trở thành những “hiện vật” mang giá trị lịch sử vĩnh cửu. Tên núi, tên sông vẫn thường ngân vang trong nhiều bài ca, bài thơ viết về Quảng Trị. Nhiều văn nghệ sĩ nặng lòng yêu thương núi sông, con người vùng đất Quảng Trị. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh khi còn sống vẫn thường chọn nơi đây làm chốn đi - về; nhà thơ Anh Ngọc thì cứ nói mãi với tôi câu này: “Mình có nhiều kỷ niệm với Quảng Trị lắm. Muốn được trở lại một lần nơi đó mà chưa được”. Họa sĩ trứ danh Lê Trí Dũng, thì hầu như hằng năm đều trở lại Quảng Trị. Người cựu binh vốn là lính tăng đó hay trở về Cửa Việt, Thành Cổ… để trò chuyện với đồng đội mình đã khuất vắng. Còn nhạc sĩ Dân Huyền thì rút ruột ra mà viết Cỏ non Thành Cổ da diết dường vậy. Nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính thì có hẳn một tập ảnh có giá trị về Quảng Trị… Đó là tôi chưa kể tới các văn nghệ sĩ ở Quảng Trị có những tác phẩm ấn tượng, xúc động về quê hương như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Lê Thị Mây, Cao Hạnh, Sĩ Sô, Võ Thế Hùng, Trần Tích, Trịnh Hoàng Tân, Trương Minh Dự…

Thạch Hãn. Dòng sông bâng khuâng soi bóng thị xã Quảng Trị yên hòa hôm nay. Thị xã mang nét đẹp hồn hậu của một miền phố tỉnh lẻ bên sông. Thạch Hãn sau khi nhận được nguồn nước của sông Ba Lòng và sông Đắckrông đã đủ rộng để xuôi về đồng bằng và đổ ra biển qua Cửa Việt. Sông đâu biết rằng có ngày mình trở thành “dòng sông lửa” trong “mùa hè lửa” năm 1972… Thành Cổ Quảng Trị là một túi bom khủng khiếp với 150 đến 170 lần máy bay phản lực và 70 đến 90 lần pháo đài bay” B52 ném bom mỗi ngày. Báo chí phương Tây thời đó đã tính ra rằng, lượng thuốc nổ Mỹ dùng ở Thành Cổ Quảng Trị bằng 7 quả bom nguyên tử mà họ đã ném xuống thành phố Hirosima trong chiến tranh thế giới lần thứ hai... Lòng quả cảm không hề bị nung chảy trong biển lửa. Và, sự hi sinh của chiến sĩ, đồng bào ta thật vô cùng lớn…

Tôi nhiều lần về Thành Cổ để chuyện trò với cỏ. Trong cỏ ấy mang chứa những gì của quá khứ mà xanh buốt đến vậy? Mỗi lần đến đây, trong tôi thường hiện lên câu hỏi đó. Trả lời tôi là im lặng của cỏ. Tôi nghe được những khoảng lặng im mênh mang… Thành Cổ Quảng Trị. Cây cỏ đã tươi xanh. Tươi xanh ngằn ngặt, tươi xanh nghi ngút như là sự bù đắp không dễ nói được thành lời. Sông Thạch Hãn không xa mấy đã là dòng chảy hòa bình, soi rõ trời xanh lồng lộng và có khi nhuộm đỏ ráng chiều rừng rực màu lửa cháy. Những đám mây màu cánh vạc có lúc cũng qua sông, khói sóng phảng phất trên mấy gợn gió ký ức của thời gian.

Từ trên đài chứng tích tôi nhìn xuống, nhìn ra xa chỉ thẩy cỏ. Cỏ nối nhau, nối nhau dọc ngang thành một miền xanh thăm thẳm; tôi chưa bao giờ đi hết được miền diệp lục lạ kỳ đó, hình như thế. Dẫu rằng, những gì xảy ra với vùng đất rộng chưa đến 3 cây số vuông này ở nửa thế kỷ trước người ta đã kể lại nhiều. Trong muôn vàn câu chuyện về Thành Cổ được nghe, tôi thực sự ám ảnh với câu nói của một cựu binh từng tham gia tác chiến ở đây năm 1972. Nguyên văn câu anh nói: “Ở Thành cổ Quảng Trị rêu cũng đỏ như máu”. Tôi nhập dẫn tâm thức vào câu nói của anh để bật ra hai câu khai mở cho bài thơ Thắp cho Thành Cổ của mình: Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm. Rêu và máu. Cỏ và chiến binh. Cho đến bây giờ, theo như tôi biết thì người ta chưa thống kê được một cách chính xác có bao nhiêu chiến sĩ ta đã hi sinh ở Thành Cổ Quảng Trị… Ai đã tìm thấy hài cốt và ai đang nằm dưới cỏ, dưới đáy sông Thạch Hãn?...

Đất nước đi qua chiến tranh, không chỉ một cuộc mà nhiều nên khát vọng hòa bình càng mãnh liệt trong mỗi trái tim Việt Nam. Được sống trong hòa bình là khát vọng lớn nhất, là giá trị cao nhất của hạnh phúc con người. Ngẫm ra thật đúng. Trông lại thế giới bây giờ, thù hận, xung đột, chiến tranh còn đây đó, ngay cả ở châu lục giàu có nhất hành tinh bom vẫn rơi, đạn vẫn nổ, chết chóc tang tóc vẫn xảy ra hàng ngày và mấy triệu thường dân phải hốt hoảng kéo đi sơ tán, lánh nạn… ta càng thấm thía hơn giá trị hòa bình. Lễ hội mang tên Khát vọng hòa bình được tổ chức ở Quảng Trị nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương vào tháng 5 năm 2022 thật ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng, đây không phải là lúc say sưa nói chuyện thắng - thua, được - mất, chính nghĩa - phi nghĩa, địch - ta vì nó đã quá rõ ràng rồi, mà nên khẳng định giá trị của hòa bình, của hòa hợp, hòa giải dân tộc…

Nỗi đau chiến tranh không của riêng ai, không của riêng ai cả. Có lẽ vì thế mà trong bài thơ Thắp cho Thành cổ tôi đã viết: Đài chứng tích nấm mộ chung liệt sĩ/ nhưng khói hương này xin thắp cả đôi bên. Không còn lựa chọn nào khác đâu; sau những mất mát đau thương, sau nhiều chia cắt, đổ vỡ chúng ta phải thuộc về nhau, về cùng đất mẹ Việt Nam yêu dấu để dựng xây và bảo vệ Tổ quốc tươi đẹp. Chia sẻ nỗi đau buồn cũng là mở lòng thân thiện, gắn kết đồng bào, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Bây giờ tôi đã hiểu, cỏ xanh thăm thẳm có lẽ cũng vì vậy. Cỏ khâu vá những vết thương đất mẹ. Cỏ làm dịu lại đớn đau dĩ vãng. Cỏ chính là ẩn dụ của bình yên. Trên cỏ sẽ là hoa. Trên sông sẽ là hoa. Không thể nào khác được. Màu xanh Quảng Trị là màu xanh hòa bình. Quá khứ, đấy là khát vọng. Hiện tại, đấy là khát vọng. Tương lai, đấy cũng là khát vọng. Nửa thế kỷ giải phóng quê hương, bây giờ Thành Cổ nói riêng và Quảng Trị nói chung phải để hoa tươi được hát cho mình. Vùng đất nắng gió dữ dội này, trồng chăm được một cây hoa không dễ nhưng Quảng Trị phải tươi thắm hoa, lộng lẫy hoa. Nhiều hoa cho lòng người, lòng đất nhẹ nhàng, cho những giấc mơ đẹp đẽ bay lên. Giấc mơ lớn nhất của quê hương, của đất nước chính là hòa bình. Quảng Trị đã và sẽ có những vùng quê nông thôn mới, những trung tâm công nghiệp sạch, có cảng hàng không hiện đại… Nhưng trước hết và trên hết Quảng Trị là một biểu tượng Hòa Bình của dân tộc và có thể của nhân loại. Một mảnh đất ngập tràn tình yêu và sự vị tha...

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Văn nghệ số 40/2023


Có thể bạn quan tâm