May 19, 2024, 1:51 pm

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và triển vọng hợp tác thương mại giữa hai nước

KỶ NIỆM 50 NĂM QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM – NHẬT BẢN

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ 21/9/1973. Kể từ đó đến nay, quan hệ hợp tác song phương phát triển toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực: chính trị, thương mại, đầu tư, ODA, lao động, giáo dục, an ninh – quốc phòng, văn hóa - du lịch…

Về chính trị: Hai nước có mối quan hệ hết sức tốt đẹp ở cấp vĩ mô, thường xuyên có sự trao đổi các đoàn cấp cao. Cố Thủ tướng Abe chọn Việt Nam là điểm đến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông (năm 2013); Cựu Thủ tướng Suga cũng chọn Việt Nam là điểm đến công du nước ngoài đầu tiên (năm 2020); Thủ tướng Phạm Minh Chính là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Nhật Bản (tháng 11/2021) kể từ khi Thủ tướng Kishida bắt đầu nhiệm kỳ của mình; Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, Thủ tướng Kishida gọi quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản là “không giới hạn”, qua đó có thể thấy mối quan hệ song phương đang ở giai đoạn tốt đẹp chưa từng có. Năm 2023 (kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao), dự kiến sẽ có sự trao đổi của nhiều đoàn cấp cao giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực hợp tác.

 

Lễ giới thiệu sản phẩm mới của Tập đoàn Masan tại Triển lãm Foodex Japan 2023

 

Đặc biệt, về thương mại, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2022, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc). Trong 10 năm trở lại đây xuất khẩu, nhập khẩu và tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản có sự tăng trưởng tương đối ổn định. Cán cân thương mại về cơ bản là tương đối cân bằng, không quá chênh lệch, đôi khi Việt Nam xuất siêu và đôi khi nhập siêu từ Nhật Bản.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật gồm: Hàng dệt may, Máy móc thiết bị, Phương tiện vận tải, Gỗ và sản phẩm gỗ, Hàng thủy sản, Máy vi tính và sản phẩm điện tử, Giày dép, Điện thoại và linh kiện…

Các mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản gồm: Máy vi tính và sản phẩm điện tử, Máy móc thiết bị, Sắt thép, Linh kiện phụ tùng ô tô, Sản phẩm chất dẻo, Vải các loại, Hóa chất, Chất dẻo nguyên liệu…

Về cơ bản hai nước có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Về đầu tư FDI, trong năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD.

Dòng vốn FDI Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các tập đoàn lớn của Nhật có dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam có thể kể tới: Canon, Panasonic, Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Sumitomo…

Về khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương: Việt Nam & Nhật Bản là thành viên của 1 số Hiệp định thương mại tự do FTA bao gồm: AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP… Các cam kết cắt giảm thuế trong mỗi Hiệp định cũng đã đóng góp vào quá trình tạo thuận lợi hóa thương mại song phương, giúp kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng trưởng thời gian qua.

Hợp tác thương mại Nhật Bản – Việt Nam đang ở trong giai đoạn hết sức tốt đẹp và ngày càng được tăng cường, với nhiều tiềm năng. Tác động cắt giảm thuế của các Hiệp định FTA tạo thuận lợi cho thương mại song phương. Việt Nam là điểm đến đầu tư ưa thích của doanh nghiệp Nhật Bản trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với các nguyên nhân như: lợi thế nhân công rẻ, nền chính trị và môi trường kinh doanh ổn định, cơ sở hạ tầng – giao thông ngày càng được cải thiện, thị trường tiêu thụ tiềm năng với cơ cấu dân số trẻ có thu nhập ngày càng cao... Người dân mỗi nước ưa chuộng sản phẩm của nước kia:

Nhật Bản có nhu cầu lớn về thực phẩm nhập khẩu như cá, tôm, lươn, thịt, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê…, đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Ngoài ra lượng nhập khẩu thực phẩm Việt Nam tăng mạnh gần đây nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của số lượng ngày càng nhiều người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản.

Hàng Nhật cũng rất được ưa chuộng tại Việt Nam vì chất lượng tốt, dễ mua, người dân hai nước có sự tương đồng văn hóa tiêu dùng… Các hệ thống siêu thị hàng Nhật hay các nhà hàng ăn uống kiểu Nhật tại Việt Nam cũng ngày càng phổ biến.

 

Vải thiều tươi Việt Nam bán tại Siêu thị AEON ở Nhật Bản

 

Hai nước có cơ chế Ủy ban hỗn hợp về thương mại, công nghiệp và năng lượng, do 2 Bộ trưởng Công Thương chủ trì và họp mỗi năm 1 lần luân phiên tại mỗi nước. Kỳ họp lần 5 được tổ chức tại Tokyo vào tháng 8/2022. Tại Kỳ họp 5, hai Bộ trưởng Công Thương đã thống nhất phương hướng hợp tác thời gian tới:

- Về thương mại, hai Bên cam kết nỗ lực tiếp tục tạo ra một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, thị trường mở và duy trì một hệ thống đa phương dựa trên luật lệ trong khuôn khổ Hiệp định WTO.

- Hai Bên cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương về hợp tác kinh tế và thương mại mà cả hai nước đều là thành viên. Đặc biệt, hai Bên mong muốn duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định CPTPP trong bối cảnh có nhiều nước bày tỏ ý định xin gia nhập Hiệp định.

- Về việc tận dụng các FTA, ghi nhận rằng Nhật Bản và Việt Nam là hai trong số ít các quốc gia cùng có FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK), hai Bên sẽ nghiên cứu, xem xét thảo luận ở cấp kỹ thuật việc cộng gộp xuất xứ vải từ Nhật Bản trong khuôn khổ EVFTA và UKVFTA.

- Về công nghiệp, Nhật Bản coi Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Nhật Bản và cả hai Bên sẽ cùng hợp tác để tăng cường sự ổn định của chuỗi cung ứng hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch.

- Nhật Bản sẽ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp cho Việt Nam, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam các chương trình đào tạo về 6 công nghệ sản xuất nền tảng (hàn, đúc, ép nhựa, khuôn mẫu, xử lý bề mặt, xử lý nhiệt) để có thể giúp lao động kỹ thuật của Việt Nam tận dụng kế hoạch cung cấp 50 ngàn cơ hội việc làm ở Nhật Bản và cho công ty Nhật Bản ở châu Á.

- Nhật Bản cũng sẽ xem xét tích cực để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và xây dựng khung chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, vật liệu, điện tử, hoát chất, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.

- Về năng lượng, dựa trên phát kiến của Nhật Bản về “Cộng đồng châu Á không phát thải các-bon", Nhật Bản cam kết hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam thông qua Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng châu Á, đặc biệt là việc giới thiệu và sử dụng nhiên liệu không phát thải như amoniac, hydrogen và sinh khối.

- Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam vừa thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng nhưng đồng thời giữ ổn định giá điện ở mức hợp lý để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân và sự phát triển của nền kinh tế.

Bài và ảnh: Tạ Đức Minh

(Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản)


Có thể bạn quan tâm