May 4, 2024, 12:33 pm

Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội còn nhiều bất cập

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi kết tinh nhiều vỉa tầng văn hóa, vỉa tầng nào cũng ăm ắp những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; vừa mang những đặc điểm chung của dân tộc, vừa có đặc trưng mang tính bản sắc riêng của mình. Đó là những điều kiện, là những nhân tố hết sức thuận lợi để Hà Nội phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa trong công cuộc kiến thiết Thủ đô ngày nay đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

 

 

Tuy vậy, sự khai thác nguồn tài nguyên văn hóa ở Hà Nội trong điều kiện của công nghiệp hóa - hiện đại hóa và trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu. Dễ nhìn thấy nhất là các ngành dịch vụ, trong đó rõ rệt nhất là dịch vụ du lịch, hiện còn rất phân tán. Các hoạt động hỗ trợ du lịch chưa có sự vận động cùng mục đích, nên chưa rõ mục tiêu kinh tế trước mắt cũng như mục tiêu phát triển lâu dài. Điều này thể hiện ở hoạt động quảng bá, giới thiệu, quảng cáo… dưới các hình thức còn thiếu và yếu. Đó là những hoạt động khởi đầu cho phát triển công nghiệp văn hóa, cần được tổ chức có quy mô, sử dụng tối đa tiến bộ công nghệ tiên tiến và phát huy tính nghệ thuật, tạo nên những “sản phẩm” vừa mang yếu tố kinh tế (thu lợi nhuận từ sản xuất hàng hóa), vừa mang yếu tố thẩm mỹ (hấp dẫn ở hình thức và nội dung). Công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp thực thụ với sự tổ chức chặt chẽ, mà thành viên là các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp (tổ chức, tư nhân), yêu cầu phải có quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án… và tiến độ thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn phát triển (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn).

Hiện nay, hoạt động quảng bá ở lĩnh vực làng nghề và du lịch ở Hà Nội chưa gắn với văn hóa một cách rõ rệt; nhìn chung vẫn dừng ở mức tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính tổng thể. Chẳng hạn, quảng bá làng nghề mới chú trọng giới thiệu, quảng cáo sản phẩm (để bán), mà tách rời những giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm, cũng như mối quan hệ giữa sản phẩm với đời sống, với mỹ thuật… tức là thiếu sự hấp dẫn những người có nhu cầu tìm hiểu văn hóa làng nghề; cũng tức là thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, quảng cáo. Hạn chế này thể hiện ở mấy hoạt động chủ yếu sau đây:

Thứ nhất là sử dụng, khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, các danh thắng trong hoạt động du lịch chưa thể hiện rõ trách nhiệm đầu tư trở lại để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nơi đã và đang khai thác.

Thứ hai là việc tổ chức dịch vụ tại các điểm du lịch rất lộn xộn, nếu không muốn nói là rất nhếch nhác. Đây là trách nhiệm của các công ty du lịch và một phần của các địa phương có điểm du lịch. Từ công tác tuyên truyền, vận động… đến công tác đầu tư kinh phí để giữ gìn và làm đẹp môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông… còn rất nhiều bất cập.

Thứ ba là từ hai “cái thiếu” trên đây mà việc tổ chức các điểm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; đặc biệt chưa thực sự hình thành các tuyến du lịch đúng với bản chất của nó, bởi mỗi một loại hình du lịch đều có những yêu cầu nhất định, có điểm giống nhưng phần nhiều không giống nhau về cách thức tổ chức, cũng như đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp…

Thứ tư là việc kết hợp du lịch với quảng bá văn hóa chưa trở thành mục tiêu cần hướng tới; trong khi nhu cầu của du khách, nhất là khách nước ngoài đến Hà Nội (và Việt Nam nói chung) ngày càng có xu hướng đi sâu tìm hiểu các giá trị văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam; đặc biệt là tìm hiểu cái riêng, cái lạ của vẻ đẹp tâm hồn, của sự thân thiện và mến khách của người Việt Nam…

Việc khai thác các loại hình nghệ thuật dân gian (kể cả nghệ thuật ẩm thực) vào hoạt động du lịch cũng cần có sự thay đổi tư duy. Các loại hình nghệ thuật dân gian và ẩm thực thật sự phát huy đầy đủ cái lạ, cái hay, cái đẹp, những thuần phong mỹ tục… khi chúng được diễn xướng, được thể hiện ngay trên mảnh đất sinh ra và bảo tồn chúng. Sân khấu hóa các loại hình nghệ thuật dân gian trong quảng bá, chỉ nên coi đó là hình thức giới thiệu, nhằm dẫn dụ du khách đến nơi “bản địa”, để họ tận hưởng sâu sắc không khí làm nên cái lạ, cái đặc sắc vốn rất riêng, đã tồn tại và vận động trong quá khứ. Nghệ thuật ẩm thực cũng vậy, ngoài yếu tố thưởng thức món ngon, người ta còn muốn tìm hiểu nhiều điều liên quan, như: món đó ở đâu, do ai chế biến, chế biến như thế nào… 

Phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội hiện nay, cốt lõi là phát triển các làng nghề, các ngành dịch vụ du lịch (trong đó có du lịch làng nghề) - những lĩnh vực có khả năng khai thác tài nguyên văn hóa và tác động mạnh đến sức sáng tạo văn hóa một cách liên tục. Sự phát triển như vậy đòi hỏi việc đổi mới tư duy trong quản lý và sáng tạo văn hóa, từ việc nhận diện đến các biện pháp thực hiện cụ thể để đạt hiệu quả kinh tế và nghệ thuật. Trong đó, việc kích thích sáng tạo văn học - nghệ thuật bằng các chính sách và chế độ phù hợp là rất quan trọng, rất cần thiết cho phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Nếu hiểu “văn hóa” là khái niệm bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, thì “phát triển công nghiệp văn hóa” chỉ diễn ra trong phạm vi nhất định, ở những khâu có thể lượng hóa được, vì “lợi nhuận” mà văn hóa đem lại lớn hơn lợi nhuận của suất đầu tư, vừa đo đếm được vừa không hoàn toàn chính xác do tính lan tỏa của các giá trị văn hóa, theo chiều rộng và cả chiều sâu, không chỉ tức thời mà kéo dài dư âm và lắng vào tâm hồn người thưởng thức. Do đó, “phát triển công nghiệp văn hóa” thực chất là quá trình phát triển các ngành dịch vụ văn hóa, đặc biệt là dịch vụ du lịch theo hướng xã hội hóa. Sự vận hành cơ chế thị trường qua nhiều năm đã và đang thúc đẩy việc thu hút đầu tư và đầu tư theo xu hướng xã hội hóa, tức là các hoạt động kinh tế-xã hội đã bước đầu đảm bảo nguyên tắc “lợi cùng hưởng, lỗ cùng chịu”. Hoạt động văn học, nghệ thuật cũng nằm trong guồng vận động đó. Tuy nhiên, yêu cầu của phương thức xã hội hóa đòi hỏi rất cao về tính nguyên tắc kinh tế, từ khâu lập kế hoạch, dự án và phương án khả thi, trong khi hoạt động văn học, nghệ thuật chưa theo kịp, còn tách bạch với hoạt động kinh tế. Chẳng hạn, việc định giá từng loại hình nghệ thuật, từng tác phẩm văn học, nghệ thuật… chưa thật rõ ràng, chưa có cơ sở “chốt lại” các điều khoản cần thiết cho việc thương thảo giữa các bên hợp tác, liên doanh, liên kết... Hạn chế đó do gặp rất nhiều cản trở, mà cản trở đầu tiên là chưa chiến thắng được thói quen, nếp suy nghĩ mòn cũ đã ăn sâu vào tiềm thức, vào lề lối vận hành, vì chính đặc điểm đặc thù của hoạt động văn học, nghệ thuật; trong khi cơ chế thị trường thường xuyên chịu sự chi phối của những quy luật, trong đó quy luật lợi nhuận là hạt nhân, dù trực tiếp hay gián tiếp, lúc mạnh khi yếu, luôn gây xáo động các chuỗi quan hệ, vừa thực vừa ảo.

Hoạt động văn hóa nói chung và phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng, rất cần nguồn lực xã hội hóa. Muốn phát huy nguồn lực xã hội hóa, thì trước hết cần tự hiểu chính mình khi tham gia vào cơ chế thị trường, để từ đó khai thác và tận dụng tối đa những kết quả mà cơ chế này đem lại. Chẳng hạn như văn học, nghệ thuật là lĩnh vực vừa là chủ thể đồng thời là khách thể của cơ chế thị trường. Là chủ thể, bản thân văn học, nghệ thuật phải chỉ ra được mình cần cái gì và làm thế nào để thu hút nguồn lực xã hội hóa cho sự phát triển. Là khách thể, văn học, nghệ thuật cần phải tìm hiểu xã hội cần những gì ở mình và làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của xã hội và nhu cầu của người thưởng thức. Ở cả hai vai trò này (chủ thể và khách thể), hoạt động văn học, nghệ thuật hiện nay đã có nhiều thay đổi cơ bản so với thời kỳ trước đổi mới, song thực tế vẫn còn khá nhiều bất cập.

Nguồn Văn nghệ số 42/2022


Có thể bạn quan tâm