April 29, 2024, 12:01 pm

Nữ nhà văn Tina Yuan, lắng đọng cảm xúc khi đọc tác phẩm “Minh Triết của tôi” của Dương Kỳ Anh

 

Cuốn sách “Minh Triết của tôi” đem đến cho nữ nhà văn Tina Yuan nhiều suy tưởng về cuộc sống. Không chỉ với góc nhìn của nhà thơ Dương Kỳ Anh mà với trải nghiệm của chính người đọc.

 

Có duyên gặp gỡ và được học hỏi những bài học quý từ “cây bút lão làng” Dương Kỳ Anh, trong chuyến về Việt Nam công tác, nữ nhà văn Tina Yuan đã ghé thăm nhà vườn Sóc Sơn của ông và chia sẻ những cảm xúc khi đọc tác phẩm “Minh Triết của tôi” do chính ông viết.

“Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ. Một cuốn sách hay có thể thay đổi số phận biết bao người!” - Lord Byron (1878 – 1824).

“Dương Kỳ Anh” là bút danh của nhà thơ, nhà văn Dương Xuân Nam. Ông là cựu Tổng Biên tập Báo Tiền Phong; nhiều năm phụ trách khối báo chí, xuất bản của Đoàn Thanh niên Việt Nam. Ông là “người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo hoa hậu quốc tế” và là “người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam”.

Ông đã giành được nhiều giải thưởng: Giải Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du cho tiểu thuyết “Xuyên cầm”; Giải Thơ hay Việt Nam (1978). Ông được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì và được trao “Kỷ niệm chương Chiến thắng B52” vào năm 1972.

Hiện nay, Dương Kỳ Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Vốn là người thích khám phá, yêu du lịch, một lần trên hành trình từ Hà Nội đến Singapore, tôi đọc một cuốn sách. Đã từ rất nhiều năm, tôi quên đi thói quen đọc đi đọc lại từng trang trong mỗi cuốn sách nào đó, ít nhất ba lần. Nhưng cuốn “Minh Triết Của Tôi” được viết bởi nhà văn Dương Kỳ Anh thật sự rất đặc biệt và vô cùng ý nghĩa đối với tôi, cuốn sách như giúp tôi hiểu bản thân mình hơn, hiểu giá trị của cuộc sống trong xã hội thực tại bon chen đầy áp lực này hơn. Những câu chữ trong cuốn sách đã gợi lên cho tôi nhiều suy ngẫm. Cũng phải thôi, bởi cuốn sách thể hiện những suy nghiệm về quy luật cuộc sống mà tác giả rút ra được từ trải nghiệm của chính bản thân mình.

 “Lẽ Đời”, trang 37, tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. “Sống ở đời, chỗ dựa vững chắc nhất chính là dựa vào chính bản thân mình. Những người gần gũi với thiên nhiên và yêu thiên nhiên thường sống rất nhân văn”. Đúng vậy, những người thành công tôi quen, họ rất giản dị và yêu thiên nhiên vô cùng. Họ cũng là những người hiểu được giá trị của lao động, của nỗ lực và cân bằng cuộc sống một cách tích cực nhất. Được mất, hơn thua, tiền tài, danh vọng không phải là đích đến mà là một chuyến hành trình của cuộc đời, như cây quế trên rừng vậy, lá rụng rồi lại mọc, dù có xanh thì cũng không ai biết, ngọt bùi cũng chẳng ai hay.

Trong “Quyền Lực”, trang 39, tác giả viết: “Quyền lực của Nhân Dân nằm trong pháp luật, quyền lực của mỗi người ở chính lương tâm”. Tôi rất thán phục suy nghĩ này. Tôi từng hỏi vị đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Singapore về tương lai của Việt Nam, đại sứ trả lời rất ngắn gọn và vô cùng thâm thúy: “Tùy thuộc vào lãnh đạo”. Chỉ nghe vậy là tôi đã hiểu, lãnh đạo cũng là Nhân Dân, cũng từ những người dân mà đi lên. Nếu lương tâm nói với họ rằng quyền lực họ đang nắm giữ là để phục vụ cho quốc gia hưng thịnh hơn mỗi ngày thì đó là Quyền Lực thật sự, bởi nó nằm ở lương tâm của mỗi người.

Trong “Tình Bạn”, trang 40, nhà thơ cho rằng: “Tình bạn và tình yêu chân chính có một điểm giống nhau, đó là sự hy sinh vô điều kiện”. Đúng vậy! Khi đọc đoạn này, tôi thấm thía từng câu mà tác giả đã viết, vì bản thân tôi được nhận rất nhiều sự hy sinh, quan tâm, chăm sóc của bạn bè thân thiết. Ngược lại, tôi cũng làm vậy khi cô ấy cần tôi. Có thể tôi không dùng những lời lẽ ngọt ngào nhưng tôi mãi mãi biết ơn và trân trọng tình bạn của mình và cảm ơn định mệnh đã ban duyên cho tôi. Với tôi, tình bạn là vạn bông hoa, tình bạn là vạn lời ca yêu đời. Có một tình bạn chân thành thì dù chỉ cần ngồi ăn cơm cà muối với canh mùng tơi cũng là vô giá và hạnh phúc.

Trong “Tự Do”, trang 41: “Nghề luật và nghề viết không có tự do, xã hội đó không có tự do. Mọi sự cấm đoán và ràng buộc vô lý sẽ làm cho con người trở nên hung dữ, dối trá và hèn hạ”. Thật có lý, luật pháp thực thi và bảo vệ quyền lợi công bằng cho mỗi người, để mỗi người tuân theo pháp luật mà không dùng nó để cưỡng bức tự do.

Người cầm bút cần có cảm xúc thực sự để tưởng tượng và viết lên những dòng chữ ý nghĩa và nhân văn, có thể phản ánh bất công trong xã hội, tôn trọng giá trị văn hóa của quốc gia đó, phản ánh các vấn đề của cuộc đời thông qua những điều đơn giản nhất. Người thành công và những người bất hạnh đều có thể dùng ngòi bút để gửi đi thông điệp. Nếu viết với tôn chỉ tôn trọng phát luật, hiểu thế nào là giới hạn, không làm hại người bằng sự dối trá, sự hèn hạ của mình, thì theo tôi, đó là một ngòi bút có giá trị và tự do thật sự.

Cuốn sách này đem đến cho tôi nhiều suy tưởng về cuộc sống. Không phải với góc nhìn của nhà thơ Dương Kỳ Anh mà với trải nghiệm của chính tôi. Nó giúp tôi có cái nhìn sáng rõ về mọi thứ xung quanh, khi tuân theo quy luật của cuộc sống, thì mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng viên mãn hơn.

TINA


Có thể bạn quan tâm