May 4, 2024, 4:08 pm

Những “trí thức” bị hổng kiến thức

Có bằng Thạc sĩ (Ths), Tiến sĩ (TS) dĩ nhiên được xếp vào đội ngũ trí thức, là tinh hoa của đất nước.

 

Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, không ít những “trí thức” bằng cấp chính qui các kiểu, nhưng lại hổng rất nhiều kiến thức phổ thông. Chưa kể rất nhiều TS, Phó Giáo sư (PGS), nhưng không thể giao tiếp thông thường bằng một ngoại ngữ thông dụng.

Năm 2013, cả nước có 27 trường đại học và học viện bị Bộ Giáo dục & Đào tạo thu hồi quyết định đào tạo TS ở 50 chuyên ngành. Việc này được dư luận xã hội lúc ấy rất đồng tình, để siết chặt lại tình trạng các “lò ấp TS” hoạt động rầm rộ trong suốt một thời gian dài trước đó. Tuy nhiên đến năm 2022, hình như người ta quên mất cái quyết định trên đây, hoặc nghĩ rằng thời gian trôi đi đã gần 10 năm, không còn ai để ý nữa, nên lại tiếp tục gia tăng các “lò ấp TS” như đã một thời. Bằng chứng là có những đề tài luận án TS thật kỳ khôi, gây ngạc nhiên, sửng sốt cho mọi người. Ví dụ như tại Viện Khoa học thể dục, thể thao thuộc Tổng cục TDTT có 2 luận án cùng nghiên cứu về... phong trào chơi cầu lông. Một luận án có tên rất dài dòng: “Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2”. Luận án thứ hai cũng không thua kém về sự dài dòng văn tự: “Nghiên cứu biện pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La”. Ngoài ra còn 6 luận án khác cũng cùng nghiên cứu về cầu lông (!). Những luận án TS này được coi là thuộc lĩnh vực giáo dục của ngành Khoa học xã hội. Đó chỉ có thể là tên các bài báo, hoặc bản tham luận trình bày ở một hội nghị bàn về Thể dục Thể thao. Cùng lắm là luận văn tốt nghiệp đại học ở trường đào tạo cán bộ thuộc lĩnh vực này. Không thể là luận án TS. Sự quá hạ thấp yêu cầu nghiên cứu khoa học đã dẫn tới chất lượng yếu kém những “trí thức” được đào tạo “lấy được” ở nước ta thời gian gần đây.

Do đã từng nhiều năm mở và trực tiếp dạy một lớp học đặc biệt mang tên Nghệ thuật phô diễn nên tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều người có bằng cấp cao, vì họ đã đến dự lớp học này. Đây là một lớp giúp cho người học cách nói năng lưu loát, trôi chảy, có thể lôi cuốn người nghe và luôn thấy tự tin, tự chủ, luôn chủ động trước mọi đối tượng dẫu họ có hơn mình về mọi phương diện (tuổi tác, học vấn, đẳng cấp, chức vụ, địa vị…). Tôi luôn coi những người học trong lớp này là bạn, thậm chí là thầy của mình, nếu lĩnh vực mà họ hoạt động, với tôi là người “ngoại đạo”. Quá trình tiếp xúc trao đổi, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy nhiều Ths, TS có những lỗ hổng kiến thức rất phổ thông. Một TS tâm lý học không biết mấy chữ “hào khí Đông A” từ đâu mà có. Một TS xã hội học không rõ những danh nhân như Đề Thám, Nguyễn Thiện Thuật… xuất hiện trong giai đoạn nào của lịch sử Việt Nam. Người này có lần hỏi tôi: “Có phải Lý Tự Trọng là nhân vật từng bóp nát quả cam trong tay do căm thù giặc không?”. Trước đây, các bộ môn như Triết học, Tâm lý học, Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử học… nằm trong lĩnh vực Khoa học xã hội. Nhưng sau này, có một bộ môn riêng gọi là Xã hội học, đào tạo ra những Cử nhân, Ths, TS… chuyên ngành Xã hội học. Đó là gì vậy? Không lẽ lại là một môn trùm lên mọi ngành Khoa học xã hội?

Tôi có biết một người vừa mấy năm trước còn là một giảng viên non yếu tại một trường bồi dưỡng nghiệp vụ của một đoàn thể. Anh ta nói năng ấp úng, lên lớp bị học viên kêu nhiều. Bỗng nhiên, trường này được “nâng cấp” lên đại học, rồi anh ta đi học cao học, trở thành Ths và nay là TS Xã hội học, kèm theo là chiếc ghế Chủ nhiệm khoa. Khả năng diễn đạt, nói năng trên lớp vẫn như cũ. Nhờ có cái học vị TS và cái chức Chủ nhiệm khoa, anh ta có phần tự tin hơn khi lên lớp, nhưng không vì thế mà những tiết dạy thêm sức thuyết phục. Bởi anh ta không phân biệt được Hịch tướng sĩ và Bình ngô đại cáo là của tác giả nào, hoàn cảnh ra đời, bối cảnh lịch sử, thể loại... Lẽ ra, đã là người mang học vị TS trong lĩnh vực xã hội học thì mọi kiến thức sơ đẳng của bất cứ bộ môn nào nằm trong lĩnh vực này đều phải am tường, hiểu biết đến nơi, đến chốn. Không thể nghĩ chỉ TS lịch sử mới hiểu về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi; TS văn học mới nắm vững Hịch tướng sĩ và Bình Ngô đại cáo. Và như vậy, đương nhiên, một Ths, TS về Dân tộc học, Tâm lý học… cũng phải biết rõ về văn học dân gian, vì đó là dân tộc mình, là đời sống tâm lý, tinh thần ông cha mình. Một cô thạc sĩ tâm lý học không biết rất nhiều câu thành ngữ như “đắm đò, giặt mẹt”, “tát nước theo mưa”, “đánh trống qua cửa nhà sấm”. Thậm chí, một thạc sĩ xã hội học hỏi tôi: “Trăm voi không được bát nước xáo” nghĩa là gì? Chữ “xáo” trong câu này có nghĩa gì? Viết x hay s? Một lần, tôi hỏi một Ths văn học, đang theo đuổi việc học lên TS: Văn hóa và văn học khác nhau thế nào? Anh ta tỏ ra rất lơ mơ về 2 khái niệm này. Tôi hỏi một Ths văn học khác: Văn học và nghệ thuật có gì chung, có gì khác biệt? Người được hỏi cũng ấp úng, không trả lời được…

Sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu biết rõ con đường để đạt được những tấm bằng Ths, TS ấy như thế nào. Ở đây chúng tôi không muốn nói đến những chuyện tiêu cực, khuất tất đằng sau những tấm bằng danh giá đó như: Chạy bằng, mua bằng, đút lót, hối lộ, “lập lờ đánh lận con đen” mà dư luận xã hội đã từng lên án. Sự thực cũng đã có nhiều người học hành nghiêm túc, đàng hoàng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được những tấm bằng như trên.Vấn đề tôi muốn nói ở chỗ: Những tiêu chí, yêu cầu đối với việc học hành, thi cử để đạt được các học vị Ths, TS rất cần được xem xét lại, đề cao hơn. Không thể hạ thấp đến mức dễ dãi như hiện nay, từ nội dung chương trình học tập, lựa chọn đề tài làm luận án, đến việc cắt cử người hướng dẫn, người phản biện và cuối cùng là Hội đồng chấm luận án. Mội cô diễn viên kịch nói đang theo học cao học lý luận ở trường đại học Sân khấu & Điện ảnh. Ông thầy của cô chưa phải là một tên tuổi có sức thuyết phục trong lĩnh vực sân khấu, đã gợi ý cô hãy làm luận văn tốt nghiệp về một tác giả chẳng có được vở kịch nào được công chúng biết đến, chỉ vì “tác giả” này lại là vợ của một chức sắc cấp cao. Rất may là cuối cùng cô đã lựa chọn đề tài khác. Thầy như thế thì làm sao mong học trò có chất lượng? Bản thân các đương sự không có tội. Họ không muốn đạt được bằng cấp, học vị một cách dễ dãi để xã hội coi thường và không có hiệu quả, uy tín trong hoạt động nghề nghiệp. Nhưng đó là do cơ chế, do hệ thống đào tạo. Những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này nghĩ gì khi nước ngoài người ta không công nhận nhiều loại bằng cấp ở nước ta? Bất cứ ai có bằng cấp, học hàm, học vị ở nước ta mà ra nước ngoài, đặc biệt là những nước tiên tiến trên thế giới, người ta đều yêu cầu sát hạch lại, coi như không để ý đến bằng cấp đã xuất trình. Thiết nghĩ điều này là quá đủ để chúng ta phải xem xét lại cách đào tạo gắn với việc cấp bằng cho đội ngũ trí thức trên/sau đại học.

Lại nữa, trước đây ta có có TS và Phó TS. Bỗng một ngày kia, người ta qui định bỏ chữ “phó” để tất cả đều là TS. Vậy nên mới có từ “TS khoa học” để giành cho những người có bằng TS cũ, còn Phó TS trở thành TS thì không gọi là… Tiến sĩ. Kể cũng nực cười, là TS lại không phải là TS khoa học thì là TS gì? TS loại ấy nghiên cứu gì nếu không phải là nghiên cứu khoa học? Ngày nay, số lượng người có bằng cấp cao ở nước ta nhiều vô kể. Rất nhiều người, bên cạnh chức giám đốc, nhà quản lý còn thêm những học hàm, học vị rất danh giá. Nhưng sức thuyết phục thực sự đến đâu? Họ đóng góp được những gì thiết thực cho nền khoa học nước nhà thì hình như chưa có cơ quan, tổ chức nào làm một cuộc tổng điều tra để biết rõ thực hư.

Ngày nay người ta thưởng kêu ca rằng dân trí nước mình còn thấp. Có lẽ điều đó có liên quan nhiều đến sự thấp kém của những tấm bằng trong giới trí thức nước nhà. Trí thức, kẻ sĩ mà trình độ hiểu biết thực sự chưa cao, chưa đúng với yêu cầu, chuẩn mực phải có, thì làm sao có thể mong dân trí nâng cao?

Nguyễn Đình San

Nguồn Văn nghệ số 41/2023


Có thể bạn quan tâm