April 30, 2024, 1:55 pm

Những tranh cãi cần thiết

Tranh cãi giữa sự kiện lịch sử và hư cấu nghệ thuật là câu chuyện diễn ra đã hàng thế kỷ nay, nhưng xem ra vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, nhân việc một bộ phim phóng tác từ cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Nam Bộ, nhưng nội dung và bối cảnh phim có nhiều chi tiết không giống như trong văn bản lịch sử, nên đã gây ra cuộc tranh cãi trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên mạng xã hội.

Tạo hình nhân vật trong Đất rừng phương Nam - phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi

Những xung đột trong mối quan hệ giữa sự kiện lịch sử và hư cấu nghệ thuật không chỉ có ở Việt Nam mà hầu như đời sống văn học, nghệ thuật (VHNT) của dân tộc nào cũng gặp phải. Thực tiễn VHNT Việt Nam hiện đại về đề tài lịch sử trước đây thường là những tác phẩm viết theo chính sử, tạo nên thói quen bị chính sử chi phối trong tâm lý tiếp nhận. Một thời gian dài, VHNT cách mạng đề cao chủ nghĩa hiện thực, những sáng tác VHNT đề tài lịch sử thường là tiếp tục sự tôn vinh ngợi ca những tấm gương anh hùng yêu nước, thương dân, xả thân vì nghĩa lớn. Những anh hùng, nghĩa sĩ, danh nhân… được miêu tả thông qua những hành động anh hùng, nghĩa hiệp... mà ít chú trọng khai thác đời sống nội tâm, bản ngã, nhân tính… cũng như những sinh hoạt đời thường của họ. Đối với những nhân vật được coi là phản nghịch cũng vậy, chỉ quy kết một chiều theo quan điểm giai cấp và ý thức hệ, mà không xem xét toàn diện, không tìm thấy những nét nhân văn le lói, hiển lộ lúc này lúc khác trong đời sống tâm lý, tình cảm và cả những việc làm của họ. Thực tiễn ấy đã hình thành một nếp nghĩ, nếp cảm, thói quen tiếp nhận tác phẩm VHNT đề tài lịch sử của phần đông công chúng thuộc nhiều thế hệ; trong đó có cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý VHNT ở các cấp.

Đồng thời, tâm lý người Việt vốn trọng tiền nhân, tôn thờ thần tượng, đặc biệt là đối với những vị anh hùng dân tộc có công lao với đất nước và những danh nhân văn hóa từng được định vị trong tâm thức cộng đồng là những người tài đức vẹn toàn, không có tì vết. Bởi vậy, những chi tiết hoặc nhân vật được hư cấu khác với chính sử hoặc không có trong chính sử, ắt sẽ vấp phải sự phản ứng với cách gọi nôm na là “thêm thắt, bịa đặt”. Đặc biệt, tâm thức cộng đồng sẽ dị ứng tức thời với các khuynh hướng “giải thiêng, giễu nhại, hoài nghi lịch sử” đối với những nhân vật và vấn đề lịch sử mà họ tôn thờ lâu nay như một tín niệm; thậm chí những sáng tạo theo khuynh hướng này sẽ bị phê phán là xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ… cho dù đó là những sáng tạo tích cực, đúng ý nghĩa học thuật của khái niệm “giải thiêng”.

Cách nay hơn chục năm, trong một cuộc tọa đàm về chủ đề trên đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều lúc đó là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu đại ý: Các nhà văn không phải là các nhà sử học. Vì vậy sáng tác về để tài lịch sử không phải là công việc ghi chép tổng hợp những tư liệu về một sự kiện lịch sử, một nhân vật hay một giai đoạn lịch sử... mà là làm hiện lên chân lý và nhân cách của sự kiện, nhân vật, giai đoạn... lịch sử ấy. Lịch sử làm ra bởi con người, vì vậy trực tiếp hay gián tiếp thì cái cốt yếu trong tác phẩm VHNT về đề tài lịch sử là dựng lên nhân cách và tinh thần sống của những con người làm nên lịch sử bằng cái nhìn vừa mang tính khoa học, vừa đầy trí tưởng tượng phong phú. Nếu không làm được điều đó thì nhà văn viết về đề tài lịch sử chỉ là một người chép sử kém cỏi và vụng về...

Như vậy, tưởng tượng và hư cấu là “thiên chức” của nhà văn, nhằm bồi đắp và bù đắp cho lịch sử sáng rõ hơn. Nhưng cái gì làm nên độ tin cậy về lịch sử thông qua trí tưởng tượng của nhà văn? Đó là chân lý của những sự kiện lịch sử đã diễn ra, là giai đoạn lịch sử và nhân cách của các nhân vật góp phần làm nên lịch sử ấy mà nhà văn sáng tạo nên. Nhà văn không thể đảo ngược sự thật của những sự kiện lịch sử. Nhà văn không thể đảo ngược nhân cách của những con người đã hiến dâng cuộc đời cho đất nước và góp phần làm thay đổi vận mệnh dân tộc. Có thể lấy các sáng tác đề tài lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để minh chứng cho luận điểm trên đây. Các tác phẩm của ông đã đề cập những thời kỳ lịch sử quan trọng của dân tộc, như: Đêm hội Long Trì; Bốn năm sau; Sống mãi với Thủ đô; An Dương Vương xây thành ốc; Lá cờ thêu sáu chữ vàng v.v... Từ trước đến nay đã có nhiều tác giả viết về đời Trần, nhưng Nguyễn Huy Tưởng viết ấn tượng hơn cả. An Tư là nhân vật chỉ có một dòng trong chính sử, nhưng Nguyễn Huy tưởng đã xây dựng nên một nhân vật điển hình trong văn học, có đời sống, có số phận rất rõ nét. Hoặc như nhân vật Trần Thông là sáng tạo riêng của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng ai đọc cũng thấy đó là một nhân vật lịch sử, đại diện cho tính cách một loại người ở thời Trần. Được như vậy là bởi những sáng tạo (hư cấu) của Nguyễn Huy Tưởng đã chạm đến hai vấn đề lớn: chủ nghĩa yêu nước và khát vọng hòa bình. Tác phẩm của ông luôn quan tâm đến số phận nhân dân, số phận dân tộc; trong cái được chung nhất của đất nước, có những mất mát thiệt thòi của từng số phận...

Một vấn đề vô cùng quan trọng trong sáng tác VHNT đề tài lịch sử là đánh giá lịch sử. Các nhà sử học ngày xưa, vì đứng trên quan điểm phong kiến Nho giáo, hay vì áp lực từ nhà cầm quyền thời họ sống, nên sự chép sử của họ đã gây ra những ý kiến bàn cãi của hậu thế. Ví dụ như sự đánh giá các triều đại Mạc, Hồ và Tây Sơn là ba triều đại bị “chính sử” ngày xưa gọi là “ngụy”. Như vậy, nếu cơ sở nhận thức của nhà văn về lịch sử đã “chuẩn”, thì trong các tác phẩm viết về lịch sử của họ không thể phản lịch sử, phản khoa học. Lịch sử được ghi chép lại thông qua các sử gia. Các nhà nghiên cứu lịch sử phải lấy đó làm điểm tựa, còn các nhà văn chỉ coi nó là những thông tin để tham chiếu. Đôi khi nhà văn không đặt niềm tin tuyệt đối vào nó, bởi nhà văn là người giải mã lịch sử chứ không phải là nhà chép sử. Và trí tưởng tượng (hư cấu) của nhà văn có khả năng bù đắp một cách kỳ diệu những khoảng trống, những phần khuất lấp quá khứ mà các sử gia còn còn né tránh hoặc bỏ ngỏ. Tuy nhiên, lịch sử (theo nghĩa khoa học lịch sử) thì không có hư cấu và nhà văn chỉ có thể dựa vào sự kiện lịch sử để hư cấu nên hình tượng nghệ thuật, nhưng không được tùy tiện vô hạn độ.

Ngày nay, hiện tượng “giải thiêng” trong VHNT đề tài lịch sử không còn bị “xét nét” khắt khe như trước, nhưng một vài tác phẩm vẫn vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người đọc, đôi khi cả các nhà quản lý. “Giải thiêng” là một khuynh hướng của VHNT hiện đại và hậu hiện đại, với tư tưởng chủ đạo là giễu nhại và hoài nghi. Tuy nhiên, nếu tư tưởng ấy được đẩy lên mức cực đoan, nhà văn sẽ bị phản ứng trong cộng đồng diễn giải, nhất là với những người đọc đã quen với tâm lý tiếp nhận “truyền thống” trong VHNT. Thiết nghĩ, lựa chọn hợp lý nhất là nhà văn hãy kiến giải về các sự kiện và nhân vật lịch sử trên tinh thần nhân văn hiện đại. Nhà văn có quyền nói về đời thường của các nhân vật lịch sử mà không làm mất đi sự tôn kính và thái độ tôn trọng lịch sử.

VHNT về lịch sử là mảng đề tài quan trọng và luôn luôn cần thiết, nhằm khơi lại chủ nghĩa yêu nước, vốn là dòng chảy xuyên suốt lịch sử của dân tộc ta. Sáng tạo VHNT đề tài lịch sử là làm sống lại lịch sử dân tộc trong quá khứ. Mọi đề tài VHNT đều có những quy định của chính nó và nhà văn phải tuân thủ những quy định ấy. Với đề tài lịch sử thì đó là quy định về sự thật lịch sử, chân lý của lịch sử, không thể đổi trắng thay đen được. Mặt khác, tính “nhạy cảm” dễ gây tranh cãi cũng là tính hấp dẫn của đề tài này. Nếu như có sự tranh cãi, có sự không đồng thuận cũng là lẽ thường và lành mạnh trong một nền VHNT dân chủ tiến bộ. Nhà văn chịu trách nhiệm về những sáng tạo nghệ thuật của mình. Theo đó, những tranh cãi xung quanh chủ đề trên đây vẫn là cần thiết!

Bùi Đức Thọ

Nguồn Văn nghệ số 15/2024


Có thể bạn quan tâm