April 29, 2024, 8:57 am

Những sân chơi văn hóa cho tuổi trẻ

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong số những quốc gia có ưu thế về “dân số vàng”, với độ tuổi trung bình là 33,7 tuổi.

Bởi vậy, việc tạo nên những sân chơi văn hóa cho tuổi trẻ đang đặt ra phải ngang tầm chiến lược con người, vì tột cùng của văn hóa là con người. Cách nay chưa lâu, một nhà thơ có tiếng tăm, với nỗi niềm u hoài đã cảm thán viết: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời”. Ở một góc độ nào đó, theo tôi hai chữ “chân trời” trong câu thơ trên đây ngụ ý là sân chơi; cụ thể hơn nữa thì đó chính là “sân chơi văn hóa” cho những con người văn hóa.

Văn hóa là một khái niệm rộng. “Sân chơi văn hóa” theo đó cũng rất phong phú về những “mô hình”, cách thức, cách làm… Từ những quan sát thực tế và thiển ý cá nhân, xin góp bàn về mấy “mô hình” thiết thực và khả thi sau đây:1.

Việt Nam là đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nên lắm sông, nhiều suối. Hơn thế, Việt Nam còn là một quốc gia biển, với hơn 3000 km chiều dài bờ biển. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, đến hết năm 2023, dân số Việt Nam sẽ chạm mốc 100 triệu người. Đó là một “con số biết nói” về một cường quốc dân số. Trên 63 tỉnh và thành phố trong cả nước, hiện có khoảng 23 triệu người đi học; trong đó mầm non khoảng 5,4 triệu; phổ thông khoảng 17,6 triệu... Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm cả nước có khoảng 2000 trẻ em và học sinh bị đuối nước; nhưng theo số liệu điều tra của UNICEP, thì con số thực tế lớn hơn nhiều, với tỷ lệ cao gấp 10 lần các nước phát triển (?!). Đó là thực trạng không thể không quan tâm, là nỗi lo canh cánh của các bậc phụ huynh có con cháu đi học ở trường phổ thông hiện nay. Nhưng chưa có một thống kê chi tiết cho thấy trong các trường phổ thông trên cả nước hiện nay (gồm các bậc Tiểu học, THCS, THPT) có bao nhiêu ngôi trường có bể bơi để dạy học trò môn bơi lội. Tôi đồ rằng, may ra thì ở các trường đạt “chuẩn quốc gia” mới được trang bị “lớp” dạy học dưới nước. Báo Pháp luật Việt Nam (online, 29/5/2022) giật tít: Nhà trường và câu chuyện dạy bơi “trên giấy”. Đấy không phải là lộng ngữ. Đó là một thực tế đòi hỏi những người có trách nhiệm và lương tâm phải hành động kịp thời.

Cha ông ta có câu: “Có phúc đẻ con biết lội. Có tội đẻ con hay trèo”. Lý lẽ dân gian đầy minh triết. Nhà trường phổ thông đang đặc biệt quan tâm đến các môn cơ bản: Toán - Văn - Ngoại ngữ (năm học này Hà Nội tổ chức thi lên lớp 10 ba môn cơ bản trên). Không có gì là không đúng. Nhưng tại sao không quan tâm đúng mức đến môn dạy bơi lội (?!). Cha mẹ sinh thành ra một con người, lớn lên cắp sách đi học, ký thác cho nhà trường. Tất nhiên là phải học chữ giỏi, học làm người tốt. Nhưng cũng cần học... bơi lội thành thạo, như một kỹ năng sống, để không chỉ bảo vệ tính mạng mình mà còn là cách rèn luyện đức tính dẻo dai, phát triển toàn diện cả “tâm” (tinh thần), cả “thân” (thể lực). Không ai ngây thơ đòi hỏi việc nhà trường dạy môn bơi lội để các em có thể trở thành các “kình ngư”, vì việc ấy dành cho các vận động viên bơi lội chuyên nghiệp, tập luyện để lập các kỷ lục quốc gia, quốc tế. Nhà trường là môi trường đào tạo toàn diện (trí dục, đức dục, thể dục). Một triết gia đã viết: “Một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh là dấu chỉ hoàn thiện”. Vì vậy theo tôi, phát động phong trào bơi lội và xây dựng thêm nhiều bể bơi, hồ bơi, “bến bơi” cho thanh niên và thiếu niên hiện nay, cả ở nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng, trong các nhà trường và tại các cơ quan, doanh nghiệp… chính là thiết thực tạo nên một loại hình sân chơi Văn hóa-Thể thao cho tuổi trẻ.

2.

Một nhà văn công tác trong ngành xuất bản, trước khi nghỉ hưu mấy năm đã chuẩn bị một sân chơi văn hóa ở quê nhà. Trên mảnh đất hương hỏa, ông xây một ngôi nhà ba tầng khang trang khá rộng rãi và tiện dụng, với tâm nguyện xây dựng một mô hình “quán sách tự giác”, một dạng Thư viện cộng đồng. Quán sách này được đặt ở tầng 1, kề liền khuôn viên sân rộng, có nước nôi phục vụ người đọc, chủ yếu là học sinh trường làng cùng bà con hàng xóm láng giềng yêu thích sách vở. Rất nhiều bạn bè văn giới đã nhiệt liệt ủng hộ sáng kiến văn hóa này. Chính quyền địa phương tất nhiên không thể không cổ vũ, lại càng thêm tự hào về mảnh đất có truyền thống hiếu học và văn hóa. Hiện tủ sách cộng đồng của nhà văn kể trên đã lên tới vài ngàn cuốn và đang được bạn bè tiếp tục ủng hộ, bổ sung.

Thực tế gần đây có khá nhiều cá nhân đã vận động quyên góp xây dựng những Thư viện cộng đồng như thế tặng quê hương hoặc tặng các trường học và những làng quê vùng sâu vùng xa khó khăn. Báo Thời báo Văn học nghệ thuật - Cơ quan của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - gần đây cũng đã thực hiện chương trình xây dựng “Thư viện cộng đồng”. Địa chỉ đến của chương trình là các trường THCS và THPT ở vùng sâu, vùng xa. Kế hoạch gần nhất của chương trình này là xây dựng “Tủ sách cộng đồng” giúp Bộ tư lệnh Cảnh sát biển nhân rộng văn hóa đọc bởi ở đó có nhiều chiến sỹ trẻ khao khát tiếp xúc với văn chương dân tộc.

Mấy sự kiện kể trên là do tôi trực quan sinh động và có tham gia đóng góp ít nhiều bằng hiện vật là những cuốn sách của mình viết, tự mua hoặc được bạn viết tặng. Nó nảy nở trong tôi những ý nghĩ nhỏ, muốn chia sẻ với nhiều người. Chúng ta thường thích chỉ trích nhưng ít chịu hiến kế và đóng góp vào sự tiến bộ chung. Nay hãy cùng nhau làm những việc “nhỏ” như thế, sẽ cảm nhận được cái bình thường là nền tảng của cái phi thường. Để thấm thía chân lý giản dị về văn hóa là “cách chung sống cùng nhau”.

3.

Văn chương là một sân chơi văn hóa sang trọng, nghiêm túc. Lối nghĩ “Văn chương suy cho cùng là một trò chơi vô tăm tích” đã trở nên phản tiến bộ, ít nhất với 120 cây bút trẻ tham dự chính thức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (tổ chức tại Đà Nẵng, 6/2022), vốn được coi là một “đầu việc” quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025).

Hiện Việt Nam có hơn 800 đơn vị báo chí thuộc các loại hình. Riêng báo chí truyền thống tại những địa chỉ có chữ “Văn” đứng đầu, như: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, Văn học và Tuổi trẻ, Văn hiến Việt Nam... Đó thực sự là những “sân chơi văn hóa” cầu người hiền tài, đang thu hút những cây bút trẻ thi thố năng lực. Nhưng văn chương không chấp nhận những người viết chỉ coi nó là “cuộc chơi” chữ nghĩa tuần túy. Phương châm “sống đã rồi hãy viết” năm xưa nay có thể hiểu rộng ra là “viết rồi mới sống”, hoặc giả “vừa viết vừa sống”. Cách thức nào thì cũng lấy hiệu quả làm thước đo, vì “Lý thuyết thì màu xám, còn cây đời mãi mãi tươi xanh” (Gơt). Hội Nhà văn Việt Nam hiện có hơn 1.600 hội viên (theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, Nxb Hội Nhà văn, 2020). Nhưng có đến gần bảy chục phần trăm hội viên cao tuổi (trên 60 tuổi). Đó là một thách thức đồng thời cũng là một cơ hội cho Văn trẻ. Vì sân chơi văn hóa - văn chương tỏ ra ngày càng rộng dài. Văn học, nghệ thuật được coi là bộ phận tinh túy nhất của văn hóa. Văn trẻ có ưu thế của sự nhạy cảm, năng động, táo bạo khám phá và tìm tòi. Nên hơn lúc nào hết, thời cơ chiếm lĩnh sân chơi văn hóa bằng nghệ thuật ngôn từ đã chín, bởi hội đủ các yếu tố cần và đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Câu thơ của nhà thơ Trung Quốc thế kỷ XVIII Viên Mai “Lập thân tối hạ thị văn chương”, xem ra không phải lúc nào cũng đúng. Giải thưởng Tác giả trẻ 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam cho thấy tuổi trẻ háo hức với văn chương và miệt mài lao động nghệ thuật để có những mùa bội thu hoa thơm, quả ngọt.

Trong bài phát biểu nhậm chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sáng 2/3/2023, những câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu đã vang lên giữa hội trường Quốc hội: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân, 1966). Sân chơi văn chương đã tích lũy, nhân lên, lan tỏa sức mạnh tinh thần vô song của con người.

Nhà văn Bùi Việt Thắng

Nguồn Văn nghệ số 12/2023


Có thể bạn quan tâm