April 29, 2024, 9:34 am

Những rào cản trong đổi mới giáo dục…

Mùa tuyển sinh lớp 10 khối phổ thông trung học (năm học 2023-2024) đã chính thức khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc xen lẫn những hệ lụy mà chỉ những người trong cuộc mới có thể thấu cảm…

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Một chương trình nhiều bộ sách

Năm học 2023-2024 là năm thứ hai thực hiện việc thay sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với mục tiêu định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Để hiện thực hóa mục tiêu đổi mới nói trên, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phê duyệt 44 đầu sách giáo khoa lớp 10 thuộc 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sốngChân trời sáng tạo và Cánh diều. Cụ thể, môn Ngữ văn và Toán đều có 2 đầu sách thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều. Mỗi đầu sách gồm Ngữ văn 10 tập 1, 2, chuyên đề học tập Ngữ văn 10 và Toán tập 1, 2, chuyên đề học tập Toán 10. Các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc đều có 2 đầu sách/môn của 2 bộ sách nói trên. Mỗi đầu sách cũng có 2 cuốn sách giáo khoa và cuốn chuyên đề học tập. Môn Tiếng Anh là môn học có nhiều đầu sách giáo khoa nhất (9-10 đầu sách giáo khoa), gồm sách của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam… Như vậy, với một chương trình học tập, cơ sở giáo dục và từng học sinh sẽ phải mua cùng lúc nhiều đầu sách giáo khoa để phục vụ cho quá trình học tập. Tuy nhiên, thực tế quá trình giảng dạy tại các trường trung học phổ thông năm 2022-2023 (khối lớp 10) cho thấy đã nảy sinh không ít bất cập.

Bất cập thứ Nhất là định hướng nghề nghiệp (ngay từ khâu đầu tiên chọn khối, ngành học). Với mục tiêu, nhằm phát triển năng lực theo sở trường và nguyện vọng của học sinh, các cơ sở giáo dục đã tổ chức cho học sinh đăng ký vào các lớp theo nhóm môn mà nhà trường đã xây dựng (từ 2 đến 4 nguyện vọng, được xếp theo thứ tự ưu tiên từ thấp đến cao) để học sinh lựa chọn cho phù hợp. Tuy nhiên, việc phân lớp lại dựa trên điểm thi đầu vào, khiến cho một lượng lớn học sinh dù đăng ký nguyện vọng cũng không được xếp đúng lớp. Không những vậy, số các em điểm trúng tuyển sát với điểm sàn sẽ buộc phải dồn vào những lớp cuối, vô hình chung tạo tâm lý chán nản

Bất cập thứ Hai. Việc các nhà trường xây dựng nhóm môn học tập không thống nhất với nhau, khiến cho việc thuyên chuyển trường của học sinh gặp khó khăn, thậm chí không thể chuyển trường do cơ sở giáo dục mới không có nhóm môn học mà học sinh đã học tại cơ sở giáo dục cũ… chưa kể nhiều chuyên đề tự chọn không đủ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học không có, khiến cho việc giảng dạy trở nên nhàm chán, không thu hút được học sinh

Việc định hướng nghề nghiệp (chia lớp học theo nguyện vọng của học sinh) dẫn đến thụ động trong tiếp cận sách giáo khoa. Chưa kể, các bộ sách giáo khoa mới do NXB Giáo dục Việt Nam và các công ty VEPIC phát hành đều có mức giá cao hơn so với giá bộ sách giáo khoa theo chương trình cũ... Việc có quá nhiều đầu sách giáo khoa cho một cấp học và giá sách giáo khoa tăng mạnh đã trở thành gánh nặng của không ít gia đình có con đang theo học tại các lớp thực hiện thay sách giáo khoa theo Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018. Trong khi các gia đình học sinh điêu đứng vì giá sách, thì ngược lại doanh thu của các nhà xuất bản lại tăng hàng trăm lần, khiến dư luận xã hội dậy sóng.

Ngay lập tức, giá sách đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV. Luật Giá, do Bộ Tài chính soạn thảo đã được Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá và do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Và để thị trường có tính cạnh tranh, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa. Luật Giá sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 cũng quy định áp giá trần và không có giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa.

Lãng phí nguồn lực

Thực tế, để có được một suất học lớp 10 tại các trường công lập nói chung và tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh nói riêng, học sinh khối 9 đã phải học tập với cường độ rất cao, thậm chí học không có ngảy nghỉ. Tuy nhiên, khi đã trúng tuyển, các em ngay lập tức bị buộc phải lựa chọn tổ hợp (khối học) theo sự sắp xếp của nhà trường để đăng ký nguyện vọng. Bước sang một môi trường học hoàn toàn mới, nhiều em còn bỡ ngỡ, chưa hiểu tổ hợp và môn học tự chọn là thế nào, nên trong một chừng mực nhất định, nhiều em lựa chọn sẽ không chính xác, dẫn đến tâm lý chán nản, lo lắng, học tập giảm sút… Không chỉ các em lo lắng, phụ huynh cũng không ngoại lệ, việc truyền thông, tư vấn trước thi đã không được các trường thực hiện bài bản, hiệu quả, dẫn đến phụ huynh, học sinh đa phần không hiểu hoặc không nắm vững khối  ngành học để cùng con em mình lựa chọn. Nếu chọn đúng thì việc học sẽ thuận lợi, còn nếu chọn sai, hệ lụy hẳn rất khó lường. Đây cũng chính là lý do dẫn đến việc học thêm, dạy thêm nở rộ. Để lấp khoảng trống kiến thức và để thi vào các trường đại học có ngành nghề mình thích, nhiều học sinh tiếp tục đầu quân vào các lớp học thêm.

Việc đổi mới trong giáo dục được cho là khoa học, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn lại đang tạo ra những rào cản cho chính học sinh của mình. Nhiều thầy cô trong quá trình tuyển sinh đã không ngần ngại đưa ra cảnh báo, các em cần lựa chọn kỹ khối học để có thể thuận lợi cho việc học theo đúng sở trường hoặc chuyển trường (nếu có). Vẫn biết, việc nhắc nhở này hoàn toàn đúng, nhưng khi nguyện vọng của các em lại không được đáp ứng, thì việc nhắc nhở, lựa chọn sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Công bằng mà nói, tính đến thời điểm hiện tại, những kết quả của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (khởi đầu là thay sách giáo khoa đầu cấp) vẫn chưa có những kết luận chính thức về những mặt đạt và chưa chưa để rút kinh nghiệm. Nhưng điều mà ai cũng nhận thấy đó là sự lãng phí tiền của, sự căng thẳng không đáng có của các em học sinh và cha mẹ các em khi phải đặt bút đăng ký nguyện vọng theo khối học (bắt buộc) và môn học tự chọn. Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông vô hình chung đang tạo ra những rào cản cho cả người dạy và học.

Trước những lo lắng của học sinh và phụ huynh, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội (ngày 5/7) mới đây, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hà Nội, bà Nguyễn Lan Hương, đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục & Đào tạo nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa dùng cho các cấp học trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng mỗi trường, mỗi quận, huyện lựa chọn 1 bộ sách gây lãng phí và bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện đề xuất này chưa được thông qua, nhưng  nhận được sự đồng thuận từ xã hội.

Không có quá nhiều đầu sách cho một môn học, một bộ sách thống nhất chung cho cấp học  không chỉ là mong mỏi của phụ huynh và học sinh thành phố Hà Nội mà thiết nghĩ là của tất cả học sinh, phụ huynh cả nước. Chi phí học tập tại khối trường công lập đã vậy, khối các trường tư thục, công lập tự chủ thì gánh nặng học phí, sách giáo khoa/ học sinh sẽ vô cùng lớn.

Được biết, để giảm áp lực giá sách cho học sinh, Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) đã thực hiện giảm giá sách giáo khoa Bộ Cánh diều  đối với các Sở Giáo dục & Đào tạo mua trang bị cho thư viện các trường, các đơn vị, cá nhân mua sách Cánh Diều tặng cho thư viện các trường học. Đồng thời, Công ty VEPIC cũng có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận sách giáo khoa. Mức giảm 15% và phạm vi giảm giá không nhiều, không rộng, nhưng phần nào cũng góp phần giảm áp lực chi phí mua sách của học sinh, phụ huynh trước thềm năm học mới.

Chỉ còn ít ngày nữa năm học mới 2023-2024 sẽ bắt đầu, với những nỗ lực cho một chiến lược đổi mới chương trình, sách giáo khoa, hy vọng rằng những rào cản sẽ được loại bỏ, để giáo dục có thể hoàn thành mục tiêu, định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động đúng như kỳ vọng.

Minh Nguyệt

Nguồn Văn nghệ số 29/2023


Có thể bạn quan tâm