May 4, 2024, 5:34 pm

Những nỗ lực “Cần và đủ” cho một nền kinh tế tri thức

- Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài nội dung về Luật đất đai 2013 (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của người dân, cử tri cả nước, tại phiên làm việc tập trung thứ Nhất,  kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, thì chất lượng nguồn nhân lực, công tác đào tạo và hậu đào tạo cũng được quan tâm không kém, thậm chí vào những thời điểm cụ thể, những vấn đề nổi cộm như: năng suất lao động, tỷ lệ thất nghiệp - rút BHXH 1 lần của người lao động, tình trạng thừa thầy thiếu thợ,… được bàn luận, mổ xẻ dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Mạng xã hội.

- Sức nóng về nhu cầu việc làm, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng tràn ngập nghị trường Quốc hội. 99 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã đặt ra những yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh xây dựng chính sách một cách mạnh mẽ, không chỉ để nguồn lực con người có bước đột phá, mà còn tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế tri thức

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

 

Chăm lo phát triển nguồn lực con người

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”. Những năm qua, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã có rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế pháp luật về lao động và việc làm, có nhiều giải pháp để phát triển thị trường lao động thông qua phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Đáng chú ý, trong thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội và các quy định của Chính phủ, Bộ đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người dân, người lao động và trên 1,4 triệu người sử dụng lao động với tổng kinh phí là trên 120.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện đang tăng nhanh, thu nhập của người lao động được duy trì, cải thiện. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ người tham gia BHXH tăng, song cũng phải thẳng thắn thừa nhận, chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ người lao động mất việc làm, dời khỏi hệ thống BHXH thông qua việc rút BHXH 1 lần cũng tăng nhanh không kém. Đây là những bất cập mà Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cần nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp thỏa đáng nhưng các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra, ở một số lĩnh vực, một số vấn đề còn chung chung. Hiện nay, việc mất cân đối giữa đào tạo và việc làm, vấn đề lao động thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm là một thực tế. Đặc biệt, tình trạng lao động mất việc làm, giảm việc làm gia tăng kéo dài; tình trạng người lao động rút đóng BHXH một lần nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ là một câu hỏi mà cử tri, người dân cả nước chưa thực sự tìm thấy sự yên tâm ở phần trả lời của Bộ trưởng. Chưa dừng lại ở những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh, những đòi hỏi được hiểu và giám sát công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được đặt ra. Nhiều đại biểu, cử tri mong muốn Bộ trưởng có một cam kết cụ thể về lộ trình thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được thực hiện như thế nào? Làm sao trong thời gian ngắn người lao động Việt Nam có thể ngang tầm ASEAN?

Ghi nhận từ thực tiễn, tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao có thể đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao trong nước hiện rất thấp. Do đó, để có thể đáp ứng 30% công việc yêu cầu kỹ năng lao động trong những năm tới đây, công tác đào tạo phải được đẩy mạnh trên mọi bình diện, theo hướng đến năm 2030 có 40-45% lao động có chứng chỉ, bằng cấp đào tạo. Tuy nhiên, đại biểu, cử tri cả nước lo ngại, gánh nặng đào tạo được đặt lên vai 80 cơ sở giáo dục thuộc Bộ liệu có khả thi. Thừa nhận chỉ tiêu nói trên rất khó thực hiện, nhưng khó không có nghĩa là không làm mà phải quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc đào tạo tại doanh nghiệp, kết hợp gửi lao động ra nước ngoài đào tạo. Muốn nâng tầm lao động Việt Nam ngang bằng khu vực ASEAN, nhiều đại biểu, cử tri cả nước mong mỏi, hơn lúc nào hết, Bộ LĐTB&XH cần xác định việc học gắn liền với thực hành sẽ là cả quá trình không ngừng nghỉ, thậm chí là học tập suốt đời. Và khi quá trình học, đặt con người là trung tâm và là động lực của sự phát triển thì chúng ta mới thành công trên con đường phát triển nền kinh tế tri thức.

Tập trung nhiều giải pháp cho sự đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao

Cần một lộ trình cụ thể, (5 năm hay 10 năm) để dốc toàn lực cho đào tạo?! Cân bằng nguồn nhân lực thiếu hụt giữa các ngành nghề?! là bài toán chưa có đáp áp. Chưa kể những bất cập trong hệ thống đào tạo nghệ tại bậc THPT hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đã nêu lên những nút thắt về đào tạo văn hóa cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Dưới sự quan sát và tìm hiểu của đại biểu mục tiêu này có nguy cơ khó thực hiện nếu những nút thắt trong việc quy định về đào tạo văn hóa trung học phổ thông cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tháo gỡ.

Những nút thắt trong giáo dục nghệ nghiệp chính là đầu vào, chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo và đầu ra sau đào tạo. Đồng thời việc dạy 4 hay 7 môn văn hóa để học sinh trường nghề có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp PTTH cũng là một vấn đề chưa thống nhất. Hiện có trường dạy 4 môn, có trường dạy 5 môn… và cũng lại có trường dạy 7 môn, trong khi kỳ thi tốt nghiệp PTTH lấy kết quả xét tuyển vào Đại học thông qua nhiều hình thức: Kết quả thi, xét học bạ, và xét theo tổ hợp. Nếu học tập tại các trường nghề, các em sẽ bị hạn chế rất nhiều trong xét tuyển vào đại học, hạy nói đúng hơn là có rất ít cơ hội vào đại học, điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ bị hạn chế.

Đưa ra 6 giải pháp sẽ được thực thi trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội kỳ vọng sẽ sớm tạo ra những đột phá cho thị trường lao động. trong đó, giải pháp chủ yếu được xem là đòn bẩy đạt mục tiêu nguồn nhân lực chất lượng cao tầm nhìn  2030-2045 chính là đột phá về chính sách. Khẳng định, có thể vừa tổ chức dạy văn hóa vừa đào tạo nghề trong cùng một quá trình và tại một cơ sở giáo dục, đào tạo sẽ là hướng đi trọng tâm trong thời gian tới được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội triển khai.

Điều này cùng đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho cả người dạy và người học, tránh tư tưởng vào trường nghề là con đường cuối cùng của học sinh sau phân luồng giáo dục tại cấp THCS , sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế và thực hiện tự chủ theo lộ trình, áp dụng quản trị tiên tiến đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động... Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo, nâng cao năng lực nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận chuẩn các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới.

Vẫn biết, giáo dục nghề nghiệp là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhận thấy được tầm quan trọng của giáo dục nghệ nghiệp, thời gian qua Chính phủ cũng đã hoàn thiện toàn bộ cơ cấu hệ thống giáo dục và đây là một bậc cũng như là một sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và cũng là giáo dục đại học. Quốc hội gần đây cũng đã thông qua 3 luật, trong đó có liên quan đến lĩnh vực này, đó là Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề.

Song song với đó là Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu chỉ tiêu phấn đấu cụ thể cho từng năm. Tuy nhiên sự vắng mặt các trường nghề và sự tách bạch trong quản lý giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo - Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã khiến cho trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo không có tên các trường nghề của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và trong tổng kết năm học của các trường THPT không nêu tỷ lệ, chỉ nêu học sinh đã đỗ vào các trường đại học như một sự vinh danh, chứ không nêu tỷ lệ bao nhiêu em đỗ vào các trường nghề… khiến cho các trường nghề luôn bị lép vế, thậm chí ít người biết đến, theo học. Trong khi đây chính là địa chỉ đào tạo những người thợ tay nghề cao cho thị trường lao động.

Sẽ có những thay đổi trong công tác dạy nghề trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là cam kết của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đồng thời cũng là mong mỏi của các cử tri và nhân dân trước những đòi hỏi bức thiết cho một nền kinh tế tri thức trong một tương lai gần.

Nguyễn Nam

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm