May 4, 2024, 6:10 pm

Những đóng góp của Thanh Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Sinh thời Hồ Chủ tịch đã nói: “Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Có lẽ, đó là phần thưởng cao quý nhất mà Bác Hồ  đã dành tặng cho quân và dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay từ thời kỳ hưởng ứng phòng trào Cần Vương, nhân dân các huyện của tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng các căn cứ địa cách mạng chống thực dân Pháp trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Những đuốc lửa cách mạng đó đã dần lan rộng để phong trào chống thực dân Pháp ngày càng sâu rộng hơn, là những bước khởi đầu góp phần cho chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhắc đến  huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chúng ta không thể không nhắc tên Ba Đình – một căn cứ khởi nghĩa chống thực dân Pháp với sáu vị tướng quân: Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Viết Toại, Nguyễn Khế, Đỗ Văn Quyếnh đã đồng tâm, thống nhất xây dựng căn cứ Nga Đình (tên địa danh một thôn mở đầu cho cái tên Ba Đình sau này). Với vị trí địa lý này, vào mùa mưa, địa bàn Nga Đình bị tách biệt như là quần đảo nhỏ, trong quần đảo có các làng: Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê. Từ ngày nghĩa quân về xây dựng căn cứ địa Nga Đình, nhân dân ở đây mới đặt câu vè: “Một đình xây chẳng nên non/ Ba Đình chụm lại nên hòn núi cao”. Từ đó, ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê sáp nhập thành một căn cứ chống giặc, nhân dân ở đây mới đặt lại tên cho xã mình là xã Ba Đình. Căn cứ khởi nghĩa đóng tại xã Ba Đình được hoàn thành sau 30 ngày khởi công, do nhân dân 3 huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn đem trâu, bò, lợn, gà, lương thực, thực phẩm đến góp mừng và làm lễ thành công. 

Ngày 18/12/1886, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành các đợt tấn công vào chiến khu Ba Đình với quân số có lúc lên tới hơn 5.000 tên lính, cùng các hỏa lực cực mạnh,  nhằm nhanh chóng bóp chết căn cứ kháng chiến này. Lực lượng căn cứ Ba Đình dù quân số ít, đa phần trang bị vũ khí thô sơ là dao, kiếm, nhưng với quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, các nghĩa quân sẵn sàng hi sinh bảo vệ quê hương, đất nước. Họ đã dũng cảm, mưu trí đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, làm thất bại các cuộc tiến công, vây hãm của kẻ thù có quân đông và được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại. Ngày 21/01/1887, Tổng Tư lệnh mặt trận của thực dân Pháp Brissaud chỉ thị cho toàn quân: Nổ súng, đánh chiếm bằng được chiến khu Ba Đình. Nhận được lệnh, thiếu tá Bhachert cho binh sĩ  Pháp, dồn dập nã đạn pháo vào thành Ba Đình. Ngoài ra, đích thân Tổng Tư lệnh Brissaud ra trận từ căn cứ núi Sến. Cùng với đó là Trung tá Godrt và Trung tá Nettet cho quân xung phong từ các mũi khác, tiến vào căn cứ chiến khu Ba Đình. Trên thành, tướng quân của ta Nguyễn Khế cùng các nghĩa quân nổ súng chống trả, giành giật với địch từng gốc tre, mét đất. Trước sức mạnh tấn công như vũ bão của địch, sức chống cự của ta yếu dần, nghĩa quân hy sinh đa phần. Chiếm được thành Ba Đình, Đại tá Brissaud cho quân truy kích, lùng sục cả ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê, hòng bắt sống Bộ Tổng chỉ huy chiến dịch chiến khu Ba Đình. Tuy nhiên, sau nhiều lần truy quét, chúng không tìm thấy bộ phận đầu não là Phạm Bành, Đinh Công Tráng,... chỉ thấy hầm hào, công sự bị đạn pháo cày xới, nhà cửa chỏng chơ, gạo thóc tung tóe, vườn không, nhà trống. Ngán ngẩm, thất vọng và bực tức, Tổng Tư lệnh Brissaud cho quân châm lửa đốt hết doanh trại chiến khu Ba Đình, nhà cửa của nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Tranh: Họa sỹ Quang Cường

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình là một mốc son lịch sử vô giả ở thế kỷ thứ 19. Trên đất Pháp lúc bấy giờ, tinh thần bất khuất của nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã làm xôn xao cả nước Pháp. Cuộc khởi nghĩa Ba Đình còn là tiếng chuông thức tỉnh cho mọi tầng lớp nhân dân lao động của các nước thuộc địa đang bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới. Sau này, Bác Hồ  đã lấy địa danh Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đặt tên cho Quảng trường Ba Đình tại Thủ đô Hà Nội. Nơi đây, người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ đó, khẳng định rằng, khi phong trào chống thực dân Pháp trên cả nước còn chưa thực sự mạnh mẽ, tại Thanh Hóa đã có nhiều cuộc khởi nghĩa như cuộc Khởi nghĩa Hùng Lĩnh tại huyện Vĩnh Lộc do nhà yêu nước Tống Duy Tân làm thủ lĩnh. Tiếp đó, các cơ sở cách mạng được gây dựng, hoạt động rộng khắp cả miền núi, trung du lẫn đồng bằng Thanh Hóa lúc bấy giờ, trở thành địa phương có phong trào cách mạng sôi động trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Tại huyện Hậu Lộc có các nhà yêu nước Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt gây dựng các cơ sở yêu nước. Phong trào cách mạng ở huyện Hoằng Hóa khá mạnh mẽ nhờ các nhà yêu nước Nguyễn Đôn Tiết, Lê Trí Thực, Lê Khắc Quỳnh... Rồi phong trào chống thực dân Pháp ở huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc... lần lượt ra đời các cơ sở cách mạng. Tận các huyện miền núi với nhiều khó khăn, cũng có nhiều nhà yêu nước xuất hiện như Hà Văn Mao (huyện Bá Thước), Cầm Bá Thước (huyện Thường Xuân) và thành lập các cơ sở cách mạng chống thực dân Pháp, tạo nên phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh.

Tượng đài chiến khu du kích Ngọc Trạo

Ở miền đồng bằng tỉnh Thanh Hóa có chiến khu Ba Đình khiến thực dân Pháp phải  thất vọng, thì khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa xuất hiện Chiến khu Ngọc Trạo,  đó là đỉnh cao của phong trào Phản đế cứu quốc. Tuy thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn thì bị tan rã, nhưng đó là tiếng chuông tất yếu báo trước một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân sẽ diễn ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm 1941, khi Tỉnh uỷ Thanh Hoá quyết định thành lập Chiến khu du kích Ngọc Trạo, tại đây, để hưởng ứng phong trào Bắc Sơn, Nam Kỳ khởi nghĩa, những trận chiến đấu thắng lợi ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Hoằng Hóa, Quảng Xương… đã khiến cho chính quyền thực dân phong kiến vô cùng lo lắng và buộc chúng phải tìm mọi cách dập tắt phong trào. Sau một thời gian đánh hơi và lùng sục, quân địch đã lần ra dấu vết của đội du kích ở Chiến khu Ngọc Trạo. Từ đó, địch huy động binh lính và mật thám của nhiều tỉnh tập trung về Thanh Hóa để tiến hành một cuộc theo dõi, vây ráp, khủng bố khốc liệt chưa từng thấy. Sáng sớm ngày 19/10/1941, một lực lượng lớn binh lính chia làm các mũi tiến công vào Chiến khu du kích Ngọc Trạo. Mặc dù tương quan lực lượng quân địch đông gấp bội, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo đã đánh lui nhiều đợt tiến công của chúng. Ba chiến sĩ du kích: Phạm Văn Hinh, Trịnh Huy Môn, Đỗ Văn Tước đã hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mộ liệt sỹ Phạm Văn Hinh đã bị giặc Pháp quật mộ ba lần để khẳng định người trong mộ đúng là Phạm Văn Hinh. Sau cuộc khủng bố tàn bạo của địch, Ban lãnh đạo Chiến khu du kích Ngọc Trạo quyết định phân tán nhỏ lực lượng về các vùng trong tỉnh nhằm xây dựng, củng cố, phát triển phong trào phù hợp với tình hình mới. Tuy chỉ tồn tại một thời gian ngắn, nhưng chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) mãi còn ngân vang tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân Thanh Hóa.

Tranh panorama chiến thắng Điện Biên Phủ

Giai đoạn cuối cùng và ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Thanh Hóa lại nổi lên như một điển hình của cả nước với những đóng góp to lớn cả sức người và sức của cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ. Theo các sử liệu hiện lưu giữ tại Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, với vai trò là hậu phương lớn, vững chắc cho kháng chiến.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thành công có sự đóng góp lớn của hậu phương tỉnh Thanh Hóa. Số lượng dân công huy động cả ngắn ngày và dài ngày lên tới 178.924 người trong tổng số 262.000 người của toàn chiến dịch (chiếm gần 70%); lương thực đóng góp là 9.000 trong tổng số 25.200 tấn của cả nước (chiếm gần 40%). Gần 11.000 chiếc xe đạp thồ, 1.126 chiếc thuyền được toàn tỉnh huy động vận chuyển cho chiến dịch. Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 150 tấn đậu, 450 tấn cá khô, 250.000 quả trứng, 20.000 chai nước mắm, hàng trăm tấn rau, củ quả... phục vụ chiến dịch quyết định này. Để chuẩn bị tốt công tác hậu cần, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu IV và Tỉnh ủy Thanh Hóa, toàn bộ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi trong tỉnh được tập trung về kho Cẩm Thủy và kho Lược (Thọ Xuân) để chuyển ra mặt trận. Đáng nói là, trong điều kiện khó khăn gian khổ, các tầng lớp nhân dân vẫn một lòng vì tiền tuyến, sẵn sàng đóng góp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Ngoài ra, Thanh Hóa còn huy động thanh niên xung phong xây dựng hệ thống trạm trên tuyến vận tải tiền phương, sửa chữa cầu đường cho bộ đội và dân công hoả tuyến. Mặt khác, Thanh Hóa còn là nơi thu nhận và cứu chữa cho hàng nghìn thương, bệnh binh của chiến dịch, là nơi tập trung phần lớn số tù binh Pháp bị bắt tại Điện Biên Phủ.                                     

Tự hào với phần thưởng cao quý mà Bác Hồ đã dành tặng cho nhân dân Thanh Hóa: “Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự  đến đó”. Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Sáng ngày 6/4/2024, tại thành phố Thanh Hóa, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”, tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa. Một chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hậu phương và tiền tuyến", vào ngày 05/05/2024, được dàn dựng công phu, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ: Trọng Tấn, Linh Chi, Lê Anh Dũng… Chương trình nghệ thuật "Hậu phương và tiền tuyến" sẽ tái hiện những câu chuyện lịch sử hào hùng, oanh liệt, chuyển tải khát vọng mãnh liệt của vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”. Khởi nguồn, tiếp nối từ bề dày truyền thống anh hùng trong chiến đấu, lao động để tỉnh Thanh Hóa hôm nay vững bước phát triển bền vững, biến những khó khãn, thử thách thành động lực phấn đấu nhằm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng./.

Thanh Hóa ngày 24/04/2024

Lê Phương Thảo – Lan Anh


Có thể bạn quan tâm