May 20, 2024, 1:52 am

Những chắp nối về một nhà thơ…

1.

Không ai biết từ bao giờ, ngôi nhà của nhà thơ Bùi Quang Thanh ở 413 Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh có thêm tên gọi: Nhà Thanh Che - Cầu Voọc. Cái tên dài ngoằng, như một bí danh kia, bắt đầu từ thủa Bùi Quang Thanh còn ở Công ty Xây dựng cầu - đường thuộc Ty Giao Thông Hà Tĩnh, sau vụ anh thiết kế và cùng mấy thợ gò, thợ hàn làm thành công ba cái che kéo mật bằng sắt thép phế liệu và các phụ kiện của xe máy thải ra. Cả sau này, vào cái  thời kỳ tự cung tự cấp, anh cán bộ kỷ thuật Bùi Quang Thanh ra bắc, vào nam để sữa chữa phục hồi hàng trăm phương tiện, thiết bị của đơn vị rệu rạo vì phải hoạt động đến cùng kiệt năng lực, tên tuổi  anh nổi như cồn trong làng cơ khí thì cái tên Thanh - Che vẫn thi thoảng xuất hiện.

Năm nào đó, Bùi Quang Thanh mua cái hồ nước bên chân Cầu Voọc - cái cầu xi măng nhỏ nằm trên quốc lộ 1A, phía nam Thị xã Thành Sen. Cái hồ nước sâu chừng hai mét xanh um bèo tây. Dân trong vùng vớt bèo về băm làm thức ăn cho lợn. Bọn trẻ giẫm chân trong bùn câu cá rô, cá mái. Thợ câu dò tìm nơi nhâm nhi cá chuối con như những cái kim khâu và thả vịt xuống đánh lừa cá chuối mẹ… Rồi Bùi Quang Thanh thuê người đổ đất đắp hồ thành nền nhà. Và một ngôi nhà ống “kép” mọc lên, một ống là gia đình đứa em trai, một ống là gia đình Bùi Quang Thanh. Tôi đã nghe bao nhiêu cú điện thoại, tin nhắn, dạng như: “Đến ngay Cầu Vọoc”. Thoạt nghe đã biết ở nhà Bùi Quang Thanh đang, hoặc sắp sửa có cuộc rượu. Những cuộc rượu ấy do Bùi Quang Thanh hoặc một ông bạn nào đó là nhà thơ, nhà văn, công nhân, bộ đội, giám đốc doanh nghiệp… tổ chức. Hai chiếc chiếu cói Nghèn trải giữa nền nhà, khách ngồi kề vai sát cánh. Ồn ào và nồng mùi người, mùi rượu. Những buổi tụ tập ấy không hạn chế thời gian, có khi mươi lăm phút có khi thâu đêm suốt sáng. Và không chỉ văn nghệ sỹ. Đủ lứa tuổi, đủ nghề ngỗng. Và không có chủ đề. Lộn xộn, chắp vá chuyện trên rừng dưới biển, đông tây kim cổ, văn hóa, kinh tế, du lịch… chỉ không chuyện chính trị.

2.  

Bùi Quang Thanh không giàu có gì, nếu không muốn nói là nghèo túng. Lần nào đó anh tự bạch ra vẻ tếu táo mà nghe thật cay đắng: “Văn chương chưa kịp lưng bồ/ Nợ nần chật ba chái bếp”. Nhưng  cái nụ cười khoáng đạt của anh, những cuộc chơi rồng rắn bạn bè nơi ở quán xá hoặc những vùng non lam, nước biếc; những chuyến đi biền biệt khắp nơi trong nước của anh và nhất là cách thức trưng bày tranh, tượng, ảnh nghệ thuật, ảnh chân dung người thân, những bình gốm men trơn, men rạn, bình đá ngọc thạch trong nhà, với hàng chục bình rượu nhỏ to ngâm đủ thứ trên trời, dưới biển và cách thức làm món nhậu đơn giản mà lạ miệng của anh, thì ta không thể không ngoảnh nhìn lại mái tóc bù xù, khuôn mặt phong trần, cái dáng thấp đậm trong bộ quần áo mầu sâm sẫm tối, cũng không thể không lắc đầu tự hỏi đâu là chủ nhân của những thứ đồ chơi đắt tiền kia, đâu là nhà thơ Bùi Quang Thanh bùi xùi, lúc nào cũng rỗng túi.

3. 

Một đêm trăng suông nào đó, lâu rồi, tôi và Bùi Quang Thanh ngồi uống rượu suông dưới cây dừa còi cọc trước cổng cơ quan Hội văn nghệ, anh kể cho tôi nghe về người bố của anh. Bố anh tên là Bùi Thị, vào Đảng Tân Việt từ năm 1927, tháng 3/1930 chuyển sang Đảng Cộng sản Đông Dương và là người Đảng viên đầu tiên của Đảng bộ huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Cuối năm 1930 ông bị Pháp bắt bỏ tù, từ nhà tù Lao Bảo sang nhà tù Quảng Trị. Năm 1933 được thả ra, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng để rồi năm 1937 lại bị bắt vào tù. ..mãi năm 1945, cách mạng thành công, ông với gia đinh mới xum họp một nhà. Anh kể về tuổi thanh xuân của anh trong quân ngũ, những đợt hành quân, những cuộc chiến đẫm máu ở chiến trường Tây Nguyên… kể về thời làm thợ cơ khí tại một Xí nghiệp đại tu ô tô, kể về những tháng ngày vật lộn với cuộc sống để kéo được toa tàu chở 4 người con và một người vợ nghỉ hưu ở tuổi tứ tuần.“Bên đông giành vài miếng ăn/ Phía tây giật dăm tấm mặc/ Lớn bé trẻ già chia khắp/ Lưng vốn lại về số mo/ Văn chương chưa kịp nửa bồ/ Nợ nần chật ba chái bếp/ May mà còn chai rượu nếp/ Cho đời sủi bọt lăn tăn” (Tự bạch). Mãi ngoài bốn mươi tuổi Bùi Quang Thanh mới gặp được bạn văn và như định mệnh anh bước vào con đường của sự sáng tạo không ngưng nghỉ. 

Đêm ấy gió thổi cồn cào trên tán lá dừa như không bao giờ dứt và những câu thơ của Bùi Quang Thanh cũng cồn cào trong gan ruột tôi. Những câu thơ anh viết về đời lính chiến, về thân phận người mẹ, người vợ thời chiến và thời hậu chiến, những câu thơ nóng rẫy về một cõi nhân sinh nhốn nháo thời cơ chế thị trường. Tôi bỗng hình dung, hai cái lõi thép cái che kéo mật quay tròn đều đều, mẫn cán, kiên nhẫn đến lì lợm nghiền những thân cây mía cho thoát ra những dòng nước chứa mật ngọt có màu xanh lá mạ lóng lánh và chợt nghĩ mỗi tập thơ của anh từ Một thời sao lãng quên (1994), Hạt đắng (1997), Dò dọc sông đêm (2000), Ngọn gió dòng sông (2003), Mật ong vàng lũng núi (2007),  đến Cánh đồng thời gian (2014)… ra đời giống như những giọt nước ngọt màu xanh lá mạ chảy ra từ hai cái lõi thép quay tròn không mệt mỏi kia.

4. 

Tôi thường đến nhà Bùi Quang Thanh vào những buổi trưa. Giờ đó Bùi Quang Thanh thường ở nhà một mình. Bạn rượu đang nghỉ trưa, hay nhậu ở một nhà hàng nào đấy. Ngôi nhà yên tĩnh nép mình dưới một giàn hoa giấy lưa thưa hoa đỏ. Căn phòng trên gác 2, nơi Bùi Quang Thanh nghỉ ngơi và làm thơ tràn ngập đồ cổ và tượng gỗ. Tôi ngồi giữa phòng trên cái tràng kỷ màu nâu đen ngắm nhìn những cái bình gốm, bình đá ngọc, lư đồng… đủ kiểu dáng và những bức tượng gỗ. Nhiều nhất là tượng ông Di Lặc với cái bụng bự, nụ cười tít mắt vẻ thỏa mãn, nét mặt bao dung, độ lượng. Có phải vì hình dáng ông Phật vui vẻ, an nhiên này hợp tạng Bùi Quang Thanh, hay bởi cái hồn hậu, phóng khoáng và sự đam mê vui chơi của “Cụ” mà quây quần quanh Bùi Quang Thanh những tượng Di Lạc chơi bi, Di lạc kéo hồ lô rượu, Di Lạc bẻ đào, Di Lạc đứng, Di Lạc ngồi, Di “lục tặc”, Di “tam tặc”….và Chim đại bàng, Tóc mây thiếu nữ… Căn phòng thoang thoảng mùi hương thơm dịu ngọt, giống như mùi hoa ngâu lúc tinh mơ lãng đãng sương mù tỏa ra từ những bức tượng gỗ Ngọc Am – một loài gỗ quý và cực hiếm ở miền Tây Bắc.  Anh bảo, loài gỗ này chính tên là Huỳnh đàn rủ, họ nhà huê, người Tày miền núi phía bắc gọi là mạy vác. Thuở trước bọn người Hán phương bắc đã săn lùng loài gỗ này để đưa về nước đến nỗi bây giờ gần như tuyệt chủng. Còn lại chút gì của gốc, rễ, thân cây bị vùi trong lòng đất, đáy suối được người dân đào lên, đa phần đã thành sụn, thành lũa nhưng nhờ lượng tinh dầu trong thân gỗ không bao giờ khô mà có mùi hương thơm như vậy.  Hỏi, những bàn tay nào đã biến những phế thải Ngọc am, Huỳnh đàn thành hình hài những ông Phật, những con thú, những cánh chim đẹp đến nhường kia thì Bùi Quang Thanh chỉ tủm tỉm cười. Anh giao lưu, rong chơi với nhiều bạn bè trên nhiều vùng miền, trong đó có cả những nghệ nhân làng đá Ngũ Hành Sơn, làng đồng xứ Duy Xuyên, làng gốm xứ Bát Tràng và làng mộc Đông Anh, Đồng Kỵ…

5.

Tôi có cảm giác, Bùi Quang Thanh cứ lẫn vào đám đông, lắng nghe mọi âm thanh, mở to mắt nhìn sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống và tôi tin đêm đêm anh im lặng ngồi một mình giữa những bức tượng gỗ nghĩ suy về mọi sự trên con đường vừa đi qua và khóc, cười bằng con chữ: “Mắt Mẹ mờ sau bụi bặm thời gian. Khói thành mây, nắng thành sương, lá vàng rưng rưng vườn cũ/ Nón lá áo tơi treo chùng vách nhớ. Vòi hái cong, lưỡi liềm cong, ngoéo một thuở ruộng đồng(…) Nghèn nghẹn tiếng “ầu ơ…”, cánh võng không bàn tay hụt hẫng. Cuối vườn thu vơi bay từng sợi nắng, rứt gì lòng Mẹ? Thu ơi. Khói hương thơm đến lạnh người. Ngọn khói- tóc mây, chân hương -  nguồn cội…”, “Sừng sững tượng đài chiến thắng – Đìu hiu dáng mẹ lưng còng” (Lời hương khói)

   Đọc thơ Bùi Quang Thanh, tôi nhận ra mình đã nhầm, đã chỉ thấy một Bùi Quang Thanh ham chơi, rong ruỗi mây bay, gió thổi mà không thấy Bùi Quang Thanh nhân ái, nhu mì “Cô đơn ơi cứ bám cùng ta mãi /Chớm bạc rồi mái tóc lãng du / Dẫu phía trước đưa ta về cõi thực /Ánh đèn pha chưa xuyên nổi sương mù…” Và day dứt: “Làng tôi đò vẫn cắm sào / Mẹ già đầu thấp váy cao lội bùn /Một đời…gan ruột rưng rưng…/ Mồ hôi lưng mẹ ngập ngừng mắt con / Sông đã cạn, núi đã mòn/ Mẹ ơi sao mẹ vần còn khổ đau?” (Về quê). Thấy một Bùi Quang Thanh hồn hậu, yếu mềm:“ Em nhón nhén gom từng bông từng chẽn / Rưng rưng bông chẽn gục tay người / Bùn sục tăm vỡ òa ngàn tiếng nấc: Lúa ơi!”(Đồng sau bão). Một Bùi Quang Thanh đa tình:“Khói trầm chẳng chịu bay lên /Mái cong trĩu xuống cõi thiền… chợt say”……”Em trong đất ta gửi lời xuyên đất /Em cuối trời ta gửi đường gió mây /Em thành Phật ta gửi nhờ hương khó i/Em là Tiên ta gửi bằng đắm say” (Trăm năm sau ta sẽ nói câu này). Một Bùi Quang Thanh nổi giận trước mọi sự nhố nhăng, giả dối và suy đồi nhởn nhơ trong thời đại anh đang sống: “Cả thế giới truy tìm bọn sát nhân/Lòng nhân ái nghiêng bờ tim hiến máu /Người chết chưa kịp chôn bầu trời đã vằn lên giông bão” (Ngày 11/9/2011).

6.

Vào tuổi thất thập, xương cốt lắm khi trở chứng ra lủng củng, nhưng Bùi Quang Thanh vẫn máu nào chứng nấy, vai lỉnh kỉnh máy ảnh to, máy ảnh nhỏ  rong ruỗi trong Nam, ngoài Bắc, lên rừng, xuống biển. Những cuộc rượu tại nhà anh cũng vì thế mà đâm ra khoan, nhặt. Chỉ gặp thơ và ảnh của anh trên báo chí, trên Faybook. Năm thì mười họa tôi mới gặp anh, mới tay bắt mặt mừng, rồi thì mỗi người mỗi ngả. Tôi cứ hình dung trên đường đi, anh dừng lại, ngồi im lặng bên cái che kéo mật lắng nghe tiếng che nghiến mía nghèn nghẹn và nhìn dòng nước màu lá mạ lóng lánh được chắt ra từ những cây mía sần sùi chứa đầy mật ngọt. 

Đức Ban

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm