May 1, 2024, 6:51 am

Những cái khó khi làm Phan Khôi di cảo

Chúng tôi bắt đầu có ý định xuất bản di cảo của cha chúng tôi, nhà báo nhà văn Phan Khôi từ năm 2007, lúc có cuộc tọa đàm về Phan Khôi ở Hà Nội, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông.

Nếu lại tính từ năm 2008 - năm chúng tôi bắt tay vào làm di cảo cho tới năm 2021 - năm Phan Khôi di cảo được xuất bản là 13 năm. Đó là một quãng thời gian tương đối dài, do không ít lần phải trì hoãn vì gặp khó khăn từ phía khách quan và cả chủ quan. Vì vậy trong bài viết này, tôi sẽ chỉ tập trung viết về những khó khăn khi làm di cảo cho cha tôi, hy vọng có thể giúp chút ít kinh nghiệm cho những ai đang hoặc sẽ làm di cảo cho người thân.

Phan Khôi cùng các bạn văn tại Việt Bắc. Từ trái sang: Văn Cao, Tú Mỡ, Phan Khôi, Tố Hữu. Ảnh: Gia đình cung cấp

1. Về di cảo Phan Khôi và việc lưu giữ sách báo, di cảo của Phan Khôi

Phải nói ngay rằng sau khi cha tôi mất, chính mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Huệ, là người có công đầu trong việc gìn giữ, bảo quản di cảo của cha tôi. Một mình bà nhiều chục năm liền, chiến tranh cũng như hòa bình, lúc ở Hà Nội cũng như khi ở nơi sơ tán đã phải gánh lấy trách nhiệm chuyển số sách báo, di cảo của cha tôi - đựng trong hai chiếc vali cha tôi mang về từ hồi sang Bắc Kinh, Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn - từ 73 phố Thuốc Bắc, nơi cha tôi qua đời, về gác tư số 96 Phố Huế, Hà Nội để bảo quản và lưu giữ. Hồi ấy, tôi đang học lớp 9, hệ 10 năm, trường Học sinh miền Nam số 24 tại Hải Phòng. Vào dịp hè hoặc Tết về thăm bà, tôi đã cùng bà nhiều lần leo cầu thang trời dốc đứng, mang số sách vở, tài liệu đó lên gác thượng nhà số 96 Phố Huế để phơi phóng, tránh ẩm ướt hay mối mọt. Có thể tóm lại một câu mà không sợ quá đáng rằng: Nếu không có mẹ tôi bảo quản, gìn giữ thì ngày nay con cháu ông và độc giả không thể có Phan Khôi di cảo.

Từ năm 1962, sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Sử, khóa 2 năm, trường Đại học Sư phạm Vinh rồi về dạy tại trường Học sinh miền Nam số 24 Hà Nam, cách Hà Nội chưa đầy 60 cây số, tôi có điều kiện về thăm mẹ tôi nhiều hơn. Những lần ấy, không lần nào là bà và tôi không đem tài liệu, di cảo của cha tôi ra phơi. Lúc thì phơi ngay ở cửa phòng số 36, gác 4, Phố Huế, nơi mẹ tôi được Hội Văn nghệ Việt Nam phân làm nơi ở, lúc thì mang lên sân thượng, tùy trời nắng hay trời mưa.

Tháng 6 năm 1965, theo quyết định của Ty Giáo dục Hà Nam, tôi được chuyển về trường Đại học Sư phạm Hà Nội học tiếp năm thứ tư, lúc đó gọi là Lớp Bồi dưỡng. Đó chính là lúc tôi làm thư mục cho toàn bộ số sách vở, tài liệu, ghi chép của cha tôi để lại. Nhớ là hồi đó toàn bộ số sách báo, di cảo của cha tôi để lại còn đủ cả nhưng không nhiều lắm. Toàn bộ thư mục gồm sách báo, di cảo của ông nhớ đâu như chỉ không đầy 4 trang giấy thếp viết tay. Tiếc là, cho tới năm 2008, khi chúng tôi bắt tay vào làm di cảo cho ông thì một ít trong số đó đã bị thất lạc, khi mẹ tôi biếu không hay là nhượng lại những bộ sách quý như Tư trị thông giám, Lỗ Tấn toàn tập... cho một thư viện lớn nào đó ở Hà Nội. Trong số bị thất lạc ấy, có cái tuy nhỏ nhưng lại rất quý như một tờ giấy chỉ cỡ bàn tay, trong đó nhà sử học Đào Duy Anh vừa đồng tình vừa góp thêm một hai ý kiến với cha tôi về tên gọi chủng tộc cổ nhất và có lẽ đúng nhất của ta là “Keo”; khi ông đọc bài Thử tìm sử liệu Việt Nam trong ngữ ngôn của Phan Khôi, đăng liền ba kỳ trên Tập san nghiên cứu văn sử địa, Hà Nội, các số 1, 2, 3 năm 1954.          

2. Phân công, phân nhiệm và tổ chức thực hiện di cảo

Hồi làm di cảo cho cha tôi, cha tôi còn năm người con, ba trai, hai gái đều ngót nghét 80, trên 80. Tất cả đều có trách nhiệm tham gia vào việc làm di cảo cho ông nhưng tôi và em trai tôi là Phan An Sa được phân công chịu trách nhiệm chính. Hai chúng tôi phân công như sau: Phan An Sa chịu trách nhiệm đánh máy và chỉnh lý văn bản. Tôi là Phan Nam Sinh phụ trách phần đối chiếu từ bản viết tay của cha tôi với bản đánh máy của Phan An Sa; rà soát, chỉnh lý lại những chỗ còn thiếu hoặc chưa chính xác ở bản đánh máy, nhưng khó khăn nhất vẫn là khâu cài chữ Hán vào những chỗ chữ Hán trong nguyên văn và chú thích văn bản.

Chúng tôi còn thống nhất với nhau: hễ chỉnh lý hoặc chú thích xong bài nào thì gửi qua email cho nhau xem, nếu có chỗ nào khác ý kiến thì cùng thảo luận cho tới khi thống nhất mới đưa vào di cảo.

3. Những khó khăn khách quan, chủ quan khi tiến hành làm di cảo

Lý do thứ nhất là tình trạng xuống cấp trầm trọng của các loại văn bản trong di cảo. Có thể nói, hầu hết, thậm chí tất cả, các bài viết hoặc dịch thuật của cha tôi đều được viết hoặc đánh máy trong quãng từ năm 1947, 1948 trở về sau, nghĩa là cho tới lúc chúng tôi làm di cảo đã có trên dưới 70 năm. Tất cả đều được viết trên loại giấy được sản xuất thủ công hồi còn ở Việt Bắc, vừa thẫm màu, vừa mỏng. Vì vậy mà chữ đã mờ, rất khó đọc; có chữ bị gián nhấm hay mất góc, không còn đọc ra được chữ gì, đành phải dựa vào mạch văn để luận ra.

Lý do thứ hai là chúng tôi chưa được chuẩn bị đầy đủ cho việc làm di cảo, từ tri thức cho đến kỹ thuật vi tính. Điều này đã khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn ở khâu đánh máy, khâu chỉnh lý văn bản và đặc biệt là khâu chú thích. Xin chỉ kể ra đây một trường hợp đã lấy đi của chính tôi không ít thời gian:

Ấy là trường hợp với hai chữ “đại lý” trong bài Vụ xin xâu ở Quảng Nam. Số là, đọc bản đánh máy di cảo, bài Vụ xin xâu ở Quảng Nam, thấy liền mấy câu, trong có hai chữ “đại lý” như “...ngồi trên xe là một người Pháp, viên đại lý phủ Tam Kỳ”, “Độ chín giờ tối, viên đại lý lên xe ra về...”, “Đề sự kéo xe cho đại lý”, “Chính đề sự kéo xe cho đại lý”...

Có thể đối với người khác, từ “đại lý” không có gì là khó hiểu cả nhưng đối với tôi lại khác! Xưa nay tôi chỉ biết “đại lý” là “tổ chức thương nghiệp đại diện cho một công ty, đảm nhiệm việc giao dịch và xử lý các công việc của công ty ấy”, như bây giờ ta thường nói “đại lý bia”, “đại lý rượu”, “đại lý gạo”... vậy! Ngoài ra, tôi không còn biết nghĩa nào khác. Nhưng khốn nỗi, nghĩa này rõ ràng là không phù hợp với nghĩa trong bài, bởi một đằng là chức danh của một người nào đó, đằng khác là một tổ chức thương nghiệp. Kéo xe cho một người có chức vụ nào đó thì đúng nhưng kéo xe cho một tổ chức thì nghe sao được? Vậy là bắt buộc phải chú thích, mà muốn chú thích thì chỉ còn mỗi cách là tra từ điển.

Nghĩ đây là một từ Hán Việt, tôi tra Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế cũng không đâu thấy nghĩa thích hợp. Lại tra hú họa Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam mới biết “đại lý” là “đại diện của nhà nước đế quốc thực dân đặt bên cạnh để kiểm soát cơ quan chính quyền một địa phương bị bảo hộ, thấp hơn công sứ”. Vậy là, để có chỉ một chú thích cho từ “đại lý”, tôi đã phải mất cả tuần lễ!

4. Một vài kinh nghiệm nhỏ rút ra được khi làm di cảo

Kinh nghiệm đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng tôi rút ra được là những người có trách nhiệm làm di cảo phải chuẩn bị cho mình nhiều mặt như tính kiên định, đức kiên trì và đặc biệt là về mặt tri thức, nhất là với những di cảo có từ sáu, bảy mươi năm trước; trong đó nhiều tri thức liên quan tới lịch sử, văn chương hay tiếng nước ngoài, tiếng địa phương, tiếng các dân tộc thiểu số... Không có tính kiên định, đức kiên trì thì khi gặp khó khăn rất dễ chán nản, thậm chí bỏ dở công việc. Không đủ tri thức để tiếp cận, xử lý văn bản thì bắt buộc phải tra cứu nhiều sách vở và như thế sẽ tốn rất nhiều công sức và thời gian như nhiều trường hợp chúng tôi từng gặp phải và đã trình bày ở trên.

Thứ hai là việc phân công, phân nhiệm. Phân công, phân nhiệm tất nhiên phải dựa vào khả năng và sở trường của từng người nhưng cần tránh ôm đồm, giao cho một người quá nhiều công việc. Rồi cũng phải giao quyền tự quyết cho người chịu trách nhiệm, chứ cái gì cũng phải bàn bạc, thảo luận cho tới khi thống nhất ý kiến mới đưa vào di cảo thì mất nhiều thời gian lắm!

Thứ ba là quãng cách địa lý giữa những người làm di cảo càng gần càng tốt. Bởi, có những cái nếu ở gần nhau, có thể gặp nhau ngay, khi cần thì chỉ bàn bạc năm, mười phút là xong, nhưng nếu phải gửi qua email, có khi cả tuần, cả tháng cũng chưa chắc đã thống nhất được.

Thứ tư là phải chuẩn bị cho mình một trình độ sử dụng máy tính nhất định. Nếu chỉ ở trình độ a, b, c như chúng tôi thì rất khó khăn. Có khi chỉ vì một sơ suất nhỏ, mà công lao cả tuần, cả tháng mất sạch như trường hợp em trai tôi và bản thân tôi đã từng mắc phải.

5. Vài dòng thay cho kết luận

Tôi viết bài ngắn này, không hề có ý định thanh minh cho bản thân tôi, cũng không hề có ý định đổ lỗi cho bất kỳ ai trong gia đình tôi, mặc dù tôi là người bị chỉ trích nhiều nhất trong việc để chậm trễ việc xuất bản Phan Khôi di cảo. Trước sau, tôi vẫn nhận lỗi về phần mình. Ngoài những khó khăn khách quan và chủ quan như đã trình bày ở trên, nếu tôi có lỗi thì cái lỗi lớn nhất ở tôi là... cầu toàn! Tôi chỉ muốn Phan Khôi di cảo khi được xuất bản phải đầy đủ và hoàn hảo, từ văn bản cho tới chú thích, trong khi khả năng của mình thì chỉ có hạn.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là, dẫu cho Phan Khôi di cảo có ghi là “bản chưa đầy đủ” nhưng những phần chính, phần quan trọng nhất của di cảo thì hầu như đã có đủ. Những cái chưa ra được trong lần xuất bản đầu chỉ là những cái thứ yếu. Vả, nếu muốn cho di cảo đầy đủ là một điều rất khó, cực kỳ khó và không chắc là đã cần thiết!

Phan Nam Sinh

Nguồn Văn nghệ số 15/2025


Có thể bạn quan tâm