June 16, 2024, 8:40 am

Những bản nhạc với lời ca từ Nhật ký trong tù

Cho đến nay Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thuộc trong số những tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất của văn học Việt Nam mà còn là một trong số ít tác phẩm tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ nước ngoài sáng tác các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật khác.

Mới đây trong khi sưu tầm các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài chúng tôi bất ngờ bắt gặp ba tác phẩm âm nhạc được sáng tác với lời là các bài thơ trong tập thơ Nhật ký trong tù được dịch sang tiếng Anh. Cả ba ít được biết đến ở Việt Nam.

Một trang của bản hợp xướng. Ảnh: VXQ

Trước hết đó là một đĩa CD âm nhạc có tên gọi Songs From A Prison Diary (Những bài ca từ Nhật ký trong tù). Đĩa CD ghi lại bản hợp xướng do hai nhạc sĩ Phil Minton và Veryan Weston sáng tác dựa trên lời của các bài thơ được tuyển chọn từ bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Anh Prison Diary do Aileen Palmer dịch (xuất bản lần đầu tiên năm 1962). CD âm nhạc dài 64 phút, gồm 18 nhạc khúc (tracklist), được phát hành ở Anh năm 1993.

Bản hợp xướng được soạn cho một đơn ca và một dàn đồng ca cỡ vừa kết hợp với âm thanh của các nhạc cụ piano và bộ gõ. Tác phẩm được dàn hợp xướng mang tên Voices from Somewhere trình diễn và CD được thu âm trực tiếp trong buổi biểu diễn thứ hai của Voices from Somewhere tại Festival Âm nhạc Strasbourg tháng 10 năm 1991 ở Eglise Réformée Saint-Paul, Strasbourg (Pháp), với giọng ca solo của Minton, Weston piano và Gary Hammond bộ gõ.

Dàn hợp xướng Voices from Somewhere gồm 27 thành viên với nhạc cụ piano và bộ gõ do Phil Minton và Veryan Weston thành lập vào đầu những năm 1990, do Mike Rafferty chỉ huy. Nhạc công và ca sĩ là người Anh và người Pháp, trong đó có những ca sĩ nhạc Jazz nổi tiếng như Norma Winstone và Maggie Nicols.

Trước đó Songs from a Prison Diary đã được Voices from Somewhere biểu diễn tại Abbey de l’Epau trong Festival Europa Jazz ở Le Mans ngày 29-4-1990. Năm 1991 tác phẩm đã được tặng giải thưởng mang tên Cornelius Cardew (1936-1981), một nhạc sĩ thể nghiệm (experimental) cấp tiến người Anh.

Lời của các bài thơ từ Prison Diary được hát trong bản hợp xướng gồm: 1. Morning (Buổi sáng), 2. Afternoon (Buổi trưa), 3. Twilight (Hoàng hôn), 4. A Milestone (Cột cây số), 5. Evening (Buổi tối), 6. First Page of the Diary (Mở đầu Nhật ký) và 7. Goodbye to a Tooth (Rụng một chiếc răng). Ngoài ra trong bản giới thiệu CD còn in các bài: On reading “Anthology of a Thousand Poets” (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi), Fine Weather (Trời hửng), và Noon (Buổi trưa).

Bản giới thiệu tác phẩm của nhạc sĩ Hugh Davies gắn kèm CD in toàn văn bài phân tích hết sức chi tiết về bản hợp xướng. Người viết hết lời ca ngợi tác phẩm cũng như sự hợp tác ăn ý giữa nhà soạn nhạc Veryan Weston và giọng ca Phil Minton. “… Minton và Weston đã chọn lọc văn bản của họ từ một tập thơ lạc quan và nhân văn do Hồ Chí Minh viết năm 1943 khi đang ở tù ở Trung Quốc và sắp xếp chúng theo một trình tự phản ánh các sự kiện của một ngày ở trong tù.”

Hình bìa CD. Ảnh: VXQ

Trên trang Allmusic.com, nhạc sĩ sáng tác và phê bình âm nhạc Thom Jurek nhận xét: “Tác phẩm đầy tham vọng này dành cho giọng hát solo, dàn hợp xướng (nơi mọi người đều có vai trò solo hoặc solo), piano và bộ gõ là một trong những tác phẩm hay nhất và sâu sắc nhất trong âm nhạc hiện đại... Minton đang ở đỉnh cao phong độ của mình với tư cách là một ca sĩ; ông dệt nên một tấm lưới vàng về lịch sử tơ lụa, chạm đến những tiền đề văn hóa và lịch sử nhưng được bọc trong giọng nam cao màu bạc của ông. Dàn hợp xướng đưa ông đi khắp nơi, lên xuống phiêu lưu theo bản nhạc, từ Trung Quốc đến Việt Nam... Đây là một tác phẩm có thể lĩnh hội được vì sự kỳ lạ và hấp dẫn của nó, một sáng tác xuất sắc xứng đáng được trình diễn bởi những dàn hợp xướng có giọng ca hay nhất trên thế giới.”

Một người yêu nhạc khác coi bản hợp xướng này là “viên ngọc quý bị lãng quên” và nhận xét: “Bản hợp xướng là sự kết hợp tuyệt vời của thanh nhạc Avant-Garde, nhạc ngẫu hứng Jazz, hợp ca nhà thờ, Jazz & thơ, khiến người nghe phải chú ý từ đầu đến cuối… Với những người quan tâm đến âm nhạc ngẫu hứng qua giọng hát, album này là một sự khám phá thực sự và những phần ngẫu hứng với giọng hát solo thực sự tuyệt vời.”

Tác phẩm thứ hai là bản hợp xướng Rings of Jade. Poems from the Prison Diary of Ho Chi Minh do David Blake viết nhạc, lời là 14 bài thơ trong Nhật ký trong tù do nhà thơ John Birtwhistle dịch sang tiếng Anh. Những bài thơ này được tuyển chọn từ 18 bài được in trong tập thơ Our Worst Suspicions xuất bản năm 1985 của John Birtwhistle, mới đây lại được tác giả sửa chữa và in trong sách Partial Shade. Poems New & Selected (Manchester: Carcanet, 2023). Bản hợp xướng dành cho giọng trung và dàn nhạc, được dàn nhạc giao hưởng thành phố York (Anh) biểu diễn lần đầu tiên vào ngày 2-7-2005 tại Phòng hòa nhạc Jack Lyons, do David Blake chỉ huy và được Nhà xuất bản Âm nhạc Đại học York xuất bản năm 2005.

David Blake (sinh năm 1936) là một nhà soạn nhạc người Anh đồng thời là một trong những người thành lập Khoa Âm nhạc Trường Đại học York và Nhà xuất bản của trường này. Còn John Birtwhistle (sinh năm 1946) là nhà thơ, dịch giả người Anh và giáo sư dạy tiếng Anh tại Đại học York. Ngoài sáng tác và dịch thơ, ông từng viết lời cho một số sáng tác của David Blake, trong đó có nhạc kịch opera The Plumber’s Gift (1989), được Đoàn Opera Quốc gia Anh biểu diễn ở London Coliseum và được phát trên Radio BBC.

Người viết bài này đã may mắn liên hệ trực tiếp với John Birtwhistle và với David Blake qua Nhà xuất bản Âm nhạc của Đại học York. Hai ông đã nhiệt tình chia sẻ những tư liệu và trao đổi giữa hai người trong quá trình sáng tác bản hợp xướng Rings of Jade. Poems from the Prison Diary of Ho Chi Minh. John Birtwhistle cho biết tên bản hợp xướng Rings of Jade (tạm dịch: Những chiếc vòng ngọc) bắt nguồn từ bản dịch bài The legs-Iron (trong bản dịch Prison Diary của Eileen Palmer), tức bài Cái cùm trong Nhật ký trong tù theo đề xuất của David Blake. Chia sẻ với tôi về việc dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Anh của mình, John Birtwhistle kể: ông đã dựa trên Prison Diary do Eileen Palmer dịch, Nhà xuất bản Ngoại văn in ở Hà Nội và bản dịch tiếng Pháp của Phan Nhuận cũng được in ở Hà Nội năm 1971. Và ông viết cho tôi: “Đối với tôi, những bài thơ phản ảnh một sự sáng tạo sắc sảo nhưng không kém phần chính trị và truyền cảm hứng vì chúng được gọt giũa một cách tinh xảo, dí dỏm và đầy suy tư.” Ông cho biết: “Năm 1976, tôi cần dùng những bài thơ này để đọc trước công chúng cùng với các bài viết về nhà tù nhằm hỗ trợ Tổ chức Ân xá Quốc tế. Vì mục đích này, tôi bắt đầu dịch lại bằng việc lược bỏ những từ mang tính tu từ trừu tượng hơn mà dường như không thuyết phục trong bản dịch.”

Ông tâm sự: “Không biết tiếng Trung, tôi nghiên cứu những ý tưởng ‘tưởng tượng’ về chữ tượng hình Trung Quốc được lấy từ cuốn sách Cathay của Ezra Pound và Hán tự như một phương tiện cho thơ của Ernest Fenollosa.” Và “Tôi nén lại hình thức câu thơ và cố gắng tạo nhịp điệu và cách diễn đạt chính xác hơn những gì tôi đã tìm thấy trong các tài liệu của mình. Những bài thơ mà tôi có thể làm lại theo những dòng này, sau đó tôi sắp xếp lại thành một chuỗi tường thuật khác hình elip. Vẫn không hài lòng, tôi mày mò làm lại bất cứ khi nào tôi nghĩ về chúng trong nhiều năm. Đôi lúc, tôi thực sự quên đi các bản dịch mà tôi đã bắt đầu. Từ đó trở đi, tôi tập trung làm cho những bài thơ trở nên hiệu quả nhất có thể, như thể chúng là của chính tôi. Các phiên bản thu được đã được in trong tuyển tập Những nghi ngờ tồi tệ nhất của chúng ta (1985).”

Bản nhạc thứ ba mang nhan đề Prison Song do nhạc sĩ nổi tiếng người Đức, Hans Werner Henze (1926-2012) sáng tác dựa trên lời bài thơ The leg-irons trong Prison Diary. Bản nhạc dài 6 phút dành cho sáo và bộ gõ, được Schott ở New York xuất bản năm 1971, được ghi thành đĩa CD, phát hành năm 1972 ở Anh, Hà Lan và Nhật Bản với sự trình diễn của Stomu Yamash’ta (tên thật là Tsutomu Yamashita). Ngày 16-1-2010 bản nhạc được biểu diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Barbican ở London như một phần của ngày Henze Total Immersion ở thành phố London. Có thể nghe bản nhạc này online qua YouTube.

Cho đến nay hình như âm nhạc Việt Nam vẫn chưa có một tác phẩm nào thuộc loại hình này được thực hiện từ Nhật ký trong tù. Vì vậy có thể nói đây là những thể nghiệm mở đường độc đáo và hiếm có, rất đáng được trân trọng của các nhà soạn nhạc nước ngoài. Đáng tiếc là các tác phẩm ra đời và được trình diễn cách đây đã hơn hai, ba chục năm hay đã hơn nửa thế kỷ (như bản nhạc Prison Song của Hans Werner Henze), song vẫn chưa được biết đến ở Việt Nam.

Võ Xuân Quế

Nguồn Văn nghệ số 20/2024


Có thể bạn quan tâm