April 29, 2024, 12:42 pm

Nhớ cơn mưa phùn xứ Bắc…

Hoài Hương được sinh ra ở Hà Nội, trong gia đình có truyền thống cách mạng ở miền Tây Nam bộ, ba ở Cần Thơ, má người Rạch Giá, đều theo cách mạng từ năm 1945, và năm 1954 tập kết ra Bắc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lại đưa ba của Hoài Hương trở về chiến trường miền Nam hoạt động bí mật. Để bảo đảm công tác “nằm vùng” của ba, không chỉ cảnh “đêm Bắc ngày Nam” với ba má, mà bản thân Hoài Hương cũng phải xa má, được gởi cho vợ chồng một người bạn đang công tác ở nước ngoài. Có lẽ thế mà Hoài Hương sau này nói rặt giọng Hà Nội, phong cách lại giống người Nam bộ.

Nhà văn Hoài Hương (bên phải) trong buổi ra mắt sách “Hà Nội hoa tình”

Ngày thống nhất đất nước, gia đình sum họp và cùng nhau trở về Nam. Ba của Hoài Hương là cán bộ Tổng cục 2 - Bộ Quốc Phòng, má là cán bộ Tòa án Tối cao. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Ninh - Khoa Ngữ Văn,  Hoài Hương được Ban Tổ chức Thành phố xếp vào diện đào tạo nguồn, đưa đi học nước ngoài ngành truyền thông, sau đó về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin TP Hồ Chí Minh. Cũng từ đây Hoài Hương bắt đầu sáng tác từ những tản văn, rồi tới bút ký, truyện ngắn đăng các báo. Từ bấy đến nay, Hoài Hương đã in ấn phát hành hơn 10 tác phẩm in riêng, cùng mấy chục tác phẩm in chung, cùng hàng ngàn bài báo đăng thường xuyên trên các báo và tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Văn nghệ thành phố Hồ Chí MinhVăn nghệ Công an, Tạp chí Văn nghệ Quân độiTuổi trẻThanh niênSài Gòn Giải phóngNgười Lao độngHà Nội MớiThời NayKhăn quàng đỏMực tím…, có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại bút ký, tản văn, truyện ngắn được giải thưởng văn học… Khá nhiều tác phẩm của Hoài Hương được bạn đọc đồng cảm cùng giọng văn Nam bộ, trẻ trung, nội dung câu chuyện đầy chi tiết và kịch tính, chủ đề phần nhiều nói về người lính và chiến tranh. 

Tập truyện ngắn đầu tiên của Hoài Hương Trong tim tôi có vị tướng xuất bản từ năm 2014, có 12 truyện, nội dung đa phần là chuyện tình yêu của những người trẻ, chuyện những người Việt Nam vì hoàn cảnh phải sống ở nước ngoài, nhớ về quê hương với nỗi lòng thao thiết sâu nặng; trong đó đáng chú ý là truyện mang tên tập: Trong tim tôi có vị tướng. Nội dung câu chuyện hay, không phải vì kịch tính cao hay có chi tiết giật gân ly kỳ gây chú ý mà tác giả chỉ nói về tình cảm chớm nở của cô gái mới lớn làm nghề phóng viên, với một vị tướng uy nghi đĩnh đạc giống hệt hình ảnh mà cô nhìn thấy trong ảnh những năm cô còn bé đã ám ảnh cô bấy lâu. Và như một định mệnh, cô đã được phân công phỏng vấn ông để viết bài cho báo. “… Tôi có một đêm không thể nào quên. Trăng thượng tuần Trung Du phủ tấm voan mỏng sáng bạc xuống màn đêm, sương rơi khẽ trên lá cây trong sự yên tĩnh lạ lùng, tôi ngồi bên ông thật gần, như nghe được hơi thở của nhau, cả hai không nói với nhau câu nào nhưng hình như lại cảm thấy nói với nhau rất nhiều, không phải một vị tướng chỉ huy Quân khu và một cô bé nhà báo mà như hai người tri âm tri kỷ…”. Tình yêu trong trắng ngây thơ của cô dành trọn cho ông. Từ ngữ sâu lắng, gợi cảm trong tả tình và tả cảnh. Tác giả miêu tả tâm trạng hai nhân vật khiến người đọc lâng lâng xúc cảm như chính mình dự phần trong đó... 

Trong một chủ đề khác viết về biến đổi môi trường miệt đồng bằng sông Cửu Long, trong Phù sa châu thổ, bằng giọng văn trẻ và khá hiện đại, Hoài Hương kể chuyện một thanh niên tên Hoàng ngồi cùng chuyến máy bay từ Mỹ về Viêt Nam với một cô gái Việt Nam xinh xắn dễ thương mà ban đầu anh lỡ đạp vào chân cô lúc làm thủ tục, rồi ghế ngồi cạnh nhau… Hai người chuyện trò qua lại mới biết anh này là một Tiến sĩ Khoa học về ngành Nông nghiệp, quê ngoại ở An Giang. Còn cô gái kia là Kỹ sư IT của một tập đoàn AI - Trí tuệ nhân tạo, của Mỹ, trụ sở chính ở Seattle. Một điều trùng hợp cả hai cùng quan tâm vần đề môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long, và tình yêu của họ cũng từ đó mà dần kết hoa đơm trái... Qua câu chuyện, Hoài Hương đưa lên những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn còn rất “hot” hiện nay: “Hãy sống tốt với môi trường, thương yêu và bảo vệ mảnh đất mình đang sống”. Trong truyện này văn phong của Hoài Hương khá hiện đại, rất gần với lớp trẻ các thế hệ 8X-9X và GenZ.

​Ở mảng tản văn và tùy bút, Hoài Hương đã xuất bản 5 cuốn. Trong những cuốn tản văn này chan hòa một giọng điệu trân quí từng gốc cây ngon cỏ, từng loại hoa mọc trên đường, từng khu phố, con hẻm, thời tiết và phong cảnh từng nơi, từng mùa, nỗi nhớ niềm thương gởi theo mây gió đến mọi miền quê hương đất nước.

Tập tản văn Sài Gòn! Em thương anh!, xuất bản năm 2022 với 24 bài viết với chủ đề Sài Gòn những tháng ngày trong thảm họa dịch bệnh Covid-19. Đầu trang, tác giả tự bạch “Tôi thuộc thế hệ con của những cán bộ miền Nam tập kết… Trong những câu chuyện của ba má kể cho nghe những ngày thơ ấu ở Hà Nội, tên Sài Gòn - Hồ Chí Minh đã ăn vào tâm trí trẻ thơ của tôi thành phố quê hương thật đẹp…”. Trong tâm trí trẻ thơ ngày ấy đã ám ảnh một Sài Gòn như vậy nên khi sống ở đây, với Hoài Hương tất cả đều trở nên đáng yêu và hết sức nâng niu. Ngoài những bài viết đầy cảm xúc đến nghẹn lòng về 123 ngày Sài Gòn bị “phong tỏa” vì dịch bệnh Covid-19, thì những trang viết về vẻ đẹp của thành phố mang lại nhiếu xúc cảm thiện mỹ: “Có lẽ ai đã từng một lần đến thành phố Hồ Chí Minh, chắc ấn tượng những hàng cây dầu cổ thụ, như một phần ruột thịt thân thương của thành phố. Khó mà quên, khi bất chợt một chiều muộn, bỗng cơn gió ào qua, cảnh tượng như trong mơ, một cơn mưa với hàng vạn cánh hoa dầu, giống từng chuỗi nốt nhạc của bản tình ca lãng mạn trên khoảng không, xoay tròn lả lướt đậu xuống hè phố…”. Hay ở một bài khác: “Vào cuối mùa khô, như có một phép màu kỳ lạ, khi bầu trời từ sáng sớm nắng đã xanh trong veo thủy tinh, nắng bừng lên rực rỡ, nhiều khu phố bỗng ửng màu hồng tím ngọt của loài hoa được mệnh danh “Anh đào phương Nam”, hoa kèn hồng, thong dong nở từng nhịp dịu dàng để thoáng chốc hóa thành nàng Thơ để cho bao kẻ rối lòng ngẩn ngơ, bâng khuâng…”. Chao ơi! Chỉ là những cánh hoa dầu, là những cành hoa lồng đèn dung dị, phía Nam cô bác còn gọi là “bông bụp” mà sao qua trang văn của Hoài Hương giống như những kỳ hoa dị thảo độc, lạ của thành phố. Và tôi bắt gặp ở đây trong diện mạo được nói đến với tất cả sự ân cần say đắm khiến cho ta thêm yêu quí những gì mà trước đây vì lòng yêu Sài Gòn chưa đậm, hay vì tâm hồn khô cạn, quanh năm lo bươn bả ngược xuôi nên không nhận ra...

​Rồi như để cho công bằng, nhà văn Hoài Hương lại tiếp tục viết về Hà Nội, nơi cô đã sống những ngày thơ bé, với vẻ đẹp thanh lịch tao nhã hào hoa. Từ tập tản văn đầu tiên Tùy bút xanh đến Hà Nội hoa tình là những bức tranh đẹp về Hà Nội. Là người phương Nam lần đầu ra Hà Nội vào dịp đầu xuân, dưới làn mưa phùn lất phất. Mưa mà không có giọt, chỉ như sương vậy mà lát sau ướt hết tóc. Tôi cũng lấy làm lạ song không để tâm nhiều đến loại mưa lạ này, nhưng Hoài Hương thì miêu tả rất tỉ mỉ: “Dưới mưa, chen với những luồng gió giấu trong mình cái buốt giá, giơ tay chạm khẽ vào hạt nước mỏng manh như bụi, có cảm giác nếu như ai đó lỡ gây một tiếng động mạnhmọi cái đều vỡ tan, biến mất, giống như một bàn tay thô vụng tàn nhẫn xé nát bức tranh vừa thơ vừa mộng dệt bằng cơn mưa… Những cơn mưa phùn đất Bắc đã làm cho khách phương Nam xao xuyến...”. Đúng vậy! Về phương Nam rồi, nhiều lúc nhìn những cơn mưa “bóng mây” của Sài Gòn mới nhớ mưa phùn xứ Bắc, nhớ những hàng xà cừ mơ màng trong mưa, lá vàng bay lả tả mà thấy lòng dâng lên nỗi buồn, nỗi nhớ không tên. Mới thấy Hoài Hương tả thật tinh tế và sâu sắc, chạm vào tâm hồn độc giả, khơi lên bao cảm xúc. Người đọc tìm thấy trong những tác phẩm ấy sự đồng cảm sâu xa bởi tấm lòng luôn đau đáu nỗi niềm về quê hương, đất nước, về những nỗi đau và thân phận con người, là tình yêu sâu nặng đối với người lính hôm qua hôm nay, trong đó luôn ẩn chứa niềm tự hào, lòng biết ơn của mình về những người đã hy sinh cho đất nước, luôn trân quí vẻ đẹp của quê hương trên từng gốc cây, ngọn cỏ, dòng sông…, biết quí yêu người dân lao động và tình yêu chân tình dành cho nhau của những người trẻ tuổi.

Kim Quyên

Nguồn Văn nghệ số 49/2023


Có thể bạn quan tâm