May 19, 2024, 2:05 pm

Nhiều con đường hướng đến tương lai

 

 Ngày 27-6, Bộ GD-ĐT đã công bố tổng quan số liệu kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Theo đó, tổng số thí sinh dự thi là 887.396 em (giảm 118.258 thí sinh so với năm 2015). Thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT gồm 286.129 em, chiếm 32% (năm 2015 là 28%). Những con số biết nói này đã chứng tỏ quan niệm học chữ quan trọng hơn, danh giá hơn học nghề đã dần trở nên lỗi thời.

Ảnh minh họa bài viết.  Nguồn Internet

Cũng theo số liệu được Bộ cung cấp, hiện trong cả nước, Sở GD-ĐT Hà Nội có lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất (76.137 em). Sở GD-ĐT Lai Châu có lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất (3.405 em). Cụm thi do Trường ĐH Vinh chủ trì tại Nghệ An có lượng thí sinh dự thi nhiều nhất (21.691 em). Cụm thi do Trường ĐH Nông lâm - Đại học Thái Nguyên chủ trì tại Lai Châu có lượng thí sinh dự thi ít nhất (1.313 em). Cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì có số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất (16.442 em).  Cụm thi do Sở GD-ĐT Bạc Liêu chủ trì có số lượng thí sinh dự thi ít nhất (1.470 em). Số hội đồng thi là 120, trong đó, hội đồng thi đại học là 70; hội đồng thi tốt nghiệp là 50. Tổng số điểm thi toàn quốc là 1.482; tổng số phòng thi trên toàn quốc là 31.668.
Theo kế hoạch kỳ thi, ngày 30-6, các thí sinh sẽ tập trung đến địa điểm thi làm thủ tục dự thi, nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa sai sót. Từ ngày 1 đến 4-7 là thời gian diễn ra 8 môn thi THPT quốc gia. Trong đó, môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Riêng đề thi Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Lý giải cho sự phân hóa mạnh mẽ của mùa tuyển sinh năm nay và dự báo còn tiếp diễn trong nhiều năm sau đó, nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng nguyên nhân chính là lực lượng cử nhân thấp nghiệp sau đào tạo ngày càng lớn đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của bản thân mỗi thí sinh và gia đình các em. Bên cạnh đó là những nghiên cứu khoa học về nhu cầu phát triển thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế đều cho thấy đang nghiêng về nguồn lao động  chất lượng cao. Lực lượng lao động này không những có thể nắm bắt được những công nghệ tiên tiến mà còn góp phần kiến tạo nên những giá trị đích thực trước mắt cũng như trong tương lai.

Và thuận theo lẽ thường, phương thức tốt nhất để không rơi vào vòng luẩn quẩn của thất nghiệp, chính là  trường nghề. Và nhiều học sinh đã chọn con đường trở thành một công nhân tốt trong guồng máy công nghiệp để mở ra cánh cửa bước vào tương lai của mình. Quyết định này càng được xem là sáng suốt khi nó được hậu thuẩn do sự dịch chuyển lao động từ các thị trường lao động trên thế giới.  Xu hướng hợp tác, đối tác chiến lược, cùng với những hiệp định thương mại thế hệ mới đã xóa nhòa khoảng cách giữa các quốc gia, giúp họ xích lại gần nhau và người lao động có cơ hội để làm việc tại những thị trường lao động mà họ mong muốn phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu sống của chính họ và gia đình. 

Việt Nam đang sở hữu "dân số vàng" nhưng phát huy lợi thế này như thế nào lại là vấn đề vô cùng nan giải. Thực tế cho thấy, lao động Việt Nam không hề thua kém lao động của các nước phát triển, thậm chí được đánh giá cao hơn do có năng suất và tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn khi được làm việc trong cùng môi trường, cùng điều kiện, cùng hoàn cảnh. Một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng đánh giá cao sự thông minh của lao động Việt Nam khi cùng một phương pháp hướng dẫn, đào tạo, công nhân Việt Nam chỉ mất vài ngày là có thể tiếp thu và có thể làm việc, trong khi thời gian này dành cho công nhân ở nhiều nước khác lên tới một tuần, thậm chí cả tháng.

Chính vì vậy, việc thi hay không thi  vào đại học là điều hết sức bình thường. Và nó phụ thuộc vào trình độ, năng lực và khả năng kinh tế của học sinh và chính gia đình các em cũng như nhu cầu của thị trường lao động. Có nhiều cánh cửa để bước vào đời và nhiệm vụ của các em là sáng suốt mở ra cánh cửa ấy sao cho thật hữu ích, để không tự biến mình trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội, mà tự tin vững bước trên đường đời nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và từ thời đại kinh tế tri thức bùng nổ. Có như vậy, Việt Nam ,mới tận dụng được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để sớm vươn mình thành “con rồng” của khu vực và thế giới…

 


Có thể bạn quan tâm