May 17, 2024, 3:58 pm

Nhật ký một nhà văn những ngày giãn cách. Kỳ 1: Những phận người trong cơn dịch giã

Trong những ngày rất buồn như thế này thật may mắn nếu chúng ta có một việc gì đó bận rộn để mà nghĩ. Một buổi tối, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp nhắn tin cho tôi:

• Y Ban đang viết gì đấy?

• Không viết được gì, không nghĩ được gì.

• Chị viết đi, phải viết đi chị. Rất cần nhà văn như chị viết về những cái chúng ta đang trải qua.

• Ðể chị nghĩ đã.

Tôi đã nghĩ đến việc viết. Không thể không viết, đầy ắp sự kiện thế này, tại sao lại không viết chứ? Thì viết. Bật máy lên, rồi ngồi khóc. Cảm xúc bị bội thực bởi đau buồn. Chưa bao giờ hoang mang và đau buồn đến vậy.

Khóc được một chập thì con chữ bắt đầu nảy mầm...

 

Ngày 1-8-2021

Tôi bắt đầu bằng câu chuyện của em bé 10 ngày tuổi cùng cha mẹ vượt hàng nghìn km bằng xe máy từ Bình Dương về Nghệ An.

Cha em là Xồng Bá Xò (29 tuổi, quê ở bản Phá Lỏm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An), mẹ em là Giang Y Tránh (19 tuổi). Quê nhà khó khăn nên họ dắt díu nhau vào Bình Dương làm công nhân. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên mất việc, dịch bệnh bùng phát diện rộng, khó khăn chồng chất. Không còn sự lựa chọn nào khác, họ quyết định đi xe máy vượt hơn 1.400km để về quê.

Hành trình dặm trường cùng bố mẹ của em bé 10 ngày tuổi nhận được sự quan tâm thương cảm của nhiều người.

Tối 30-7, anh Trần Vương thuộc Câu lạc bộ xe bán tải Đà Nẵng nhận tin báo có cháu bé sơ sinh được cha mẹ chở bằng xe máy về quê. Ngay trong đêm, anh và một số bạn bè đã tìm kiếm thông tin về gia đình này để tìm cách hỗ trợ.

Gần 3h sáng ngày 31-7, nhờ sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông, cả nhóm tìm được gia đình anh Xồng Bá Xô, trong đoàn người từ Bình Dương về quê tránh dịch. Khi đó, cả đoàn đã tới Đà Nẵng.

Cháu bé sơ sinh được mẹ ôm trong lòng, bọc lại bằng chiếc áo khoác của bố. Sau khi thuê được ôtô, nhóm anh Vương hỗ trợ gia đình thêm chút tiền mặt. Đến sáng, 3 người về đến quê, chiếc xe máy hỏng của anh Xô được một thành viên trong Câu lạc bộ xe bán tải Đà Nẵng đưa đi sửa và gửi về sau.

Ngày 31-7, cháu bé cùng gia đình anh Xô về đến nhà an toàn. Câu chuyện dặm đường thiên lý về quê kết thúc có hậu nhưng tôi không chắc dặm đường thiên lý quê nhà của em bé này ra sao? Sự yêu thương đùm bọc trong nếp nhà nghèo chứa chan có thể thay thế bữa cơm đạm bạc rau cháo nhì nhằng?

Tất cả chúng ta tập trung nhìn vào hình ảnh yêu thương là em bé 10 ngày tuổi mà quên mất mẹ em, Tránh 19 tuổi sinh mổ con đầu lòng. 10 ngày vết mổ chưa được cắt chỉ và chưa kịp lên da non. “Đàn ông đi biển có đôi - đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Ba ngày dài trước khi được lên ô tô Tránh đã phải ngồi xe máy ôm hài nhi qua nắng gió dặm trường đêm ngủ đường ăn vội bát mì tôm…Một ngày dịch giã tan đi, chúng ta trở lại với cuộc sống đời thường, khi đọc lại những điều này thì hẳn nhiều người không thể hình dung nổi một người phụ nữ vừa sinh con như Tránh sao có thể chịu đựng nổi sự khắc nghiệt đến thế?

Mẹ tôi cũng đã trải qua những ngày như vậy.

Năm 1972, khi ấy nhà tôi đang ở cạnh sân đá bóng Chùa Cuối Nam Định, cả nhà nằm ngủ trên chiếc giường 1mét rưỡi dù mùa hè vẫn có cái chăn bông bên cạnh. Cái chăn bông đó để làm gì? Để khi có báo động thì cả nhà chui xuống gậm giường và trải chiếc chăn bông đó lên trên giường. Chẳng biết từ đâu mà mọi người truyền tai nhau bom bi nó không khoan được xuống khi gặp chăn bông. Thành phố đã có lệnh sơ tán, nhiều ban ngành đã chuyển về Cao Đà còn bệnh viện của bố mẹ tôi vẫn chưa có lệnh sơ tán.

Tối đấy bác hàng xóm cứ sang rỉ rả với bố mẹ tôi, cô chú phải nghe tôi đêm nay B52 nó bỏ bom đấy, tôi có xe tải tôi chở hết cả xóm đi rồi còn mỗi nhà cô chú. Bố mẹ tôi vẫn cương quyết, bệnh viện vẫn chưa có lệnh sơ tán ngày mai chúng em vẫn phải đi làm việc như bình thường. Thì chỉ đi đêm nay thôi nếu yên sáng sớm tôi sẽ đưa cô chú và các cháu về nhà. Khoảng 9 giờ tối thì bố mẹ tôi đồng ý đi sơ tán. Cả 5 người nhà chúng tôi ngồi trên thùng xe lên Cao Đà. Chúng tôi được đưa vào nhà của một bác nông dân, ngoài sân những gia đình đến trước mỗi nhà một manh chiếu đã thiếp vào giấc ngủ. Bác nông dân đưa cho chúng tôi manh chiếu, mẹ tôi sắp chỗ cho ba chị em nằm ngủ, hai bố mẹ ngồi chống cằm. Muỗi rất nhiều ba chị em không ngủ được chí choé chọc nhau, đứa em bảy tuổi khóc ầm lên. Bác chủ nhà thắp đèn lên nhường giường có màn cho chị em tôi. Đêm ấy bình yên tờ mờ sáng bác hàng xóm lại bế chúng tôi lên thùng xe chở về thành phố

Đầu năm 1972, bố tôi có lệnh đi B vào tăng cường cho ty y tế Quảng Trị. Cùng lúc đó, mẹ tôi có mang đứa con thứ tư. Bố mẹ tôi đều làm việc tại bênh viện I Nam Định. Tôi là chị cả 11 tuổi, em giáp tôi 9 tuổi em thứ ba 7 tuổi. Trước khi vào Quảng Trị, bố được nghỉ một tháng, tranh thủ dùng xe cút kít chở đất để lấp cái ao bố mẹ vừa mua được cạnh trường trung cấp y tế. Bố mong muốn làm được nếp nhà tạm cho mẹ con đỡ phải đi ở nhờ. Bố làm việc cật lực nên buổi chiều đuối sức quá để chiếc xe cút kít đầy đất đổ đè lên gãy chân. Bố đến bệnh viện nơi làm việc hàng ngày để chụp phim rồi bó bột. Người ta để bố nằm phơi nắng trên băng ca ngoài sân bệnh viện. Người ta bảo bố cố tình làm gãy chân, B quay. Mẹ bụng mang dạ chửa đã lùm lùm sau áo blouse cõng bố đi chụp phim rồi bó bột. Tháo bột xong bố lên đường vào Quảng Trị. Năm ấy bố 37 tuổi, rất trẻ mà. Bố bảo không bao giờ B quay; bố vào chiến trường vì lý lịch của 4 đứa con.

Bốn mẹ con đi sơ tán về Nhân Hậu ở nhờ nhà chú Đĩnh. Chú Đĩnh là thương binh gác cầu phao. Cô Đĩnh ở nhà dệt vải. Mãi sau này khi lớn tôi mới biết Nhân Hậu là quê của nhà văn Nam Cao. Từ thành phố Nam Định chuyến cuối cùng mẹ chất những thứ còn lại lên chiếc xe đạp thống nhất rồi bốn mẹ con lẵng nhẵng đi bộ 7 cây số đến nhà chú Đĩnh. Bốn mẹ con được cô chú cho ở nhờ gian buồng, mẹ kê chiếc giường 1.5 mét, dưới gầm giường có chiếc hầm tăng xê. Cái chăn bông được mẹ để bên cạnh giường. Nhà chú Đĩnh có ba đứa con gái xinh xắn lên 5 lên ba. Cô Đĩnh có nghề dệt vải, ở nhà cô chưa đầy năm mà tôi đã biết đánh suốt và dệt vải thủ công. Vườn nhà chú Đĩnh có 3 cây nhãn lồng rất ngon, một cái ao trồng củ ấu. Mọi sinh hoạt đều qua cái ao đó, từ tắm giặt rửa rau vo gạo đến nước ăn. Nước ăn thì múc từ ao lên rồi đánh phèn.

Hàng ngày chị em tôi đi bộ hai cây số để đi học. Tôi học lớp 5 hai em trai đứa lớp 3 đứa lớp 1. Mẹ chửa bố đi B, tôi thay mặt phụ huynh đi bê đất đắp hầm chữ A cho hai em. Ngày ấy lớp 5 là cấp 2, cũng là lớn rồi.

Hàng tháng mẹ vẫn phải đạp xe về thành phố để mua gạo thịt mắm muối và dầu hoả. Mùa hè rất nóng chỉ có chiếc quạt nan. Mẹ mắc cho tôi cái màn ra hè nằm cho mát. Trẻ con đặt mình là ngủ chả biết sợ ma nữa nhưng đêm ấy tôi sợ kinh khủng. Từ chập tối tiếng khóc ầm ĩ cả xóm, không phải từ một nhà mà từ 10 nhà. Tiếng khóc hờ gần nhà cô Đĩnh nhất, hờ rằng:

- Hờ ông ơi ông sống khôn chết thiêng sáng nay ông xuống phố ông còn nguây ngẩy đùa với thằng cháu, ông đi ông đội bom về cho cháu chơi. Tôi đã phỉ phui cái mồm ông rồi mà. Giờ thì ông đội bom không còn lấy một mảnh xương ông ơi.

Thì ra có một cơ quan sơ tán về Nhân Hậu nhờ 10 người đàn ông trong làng xuống thành phố dỡ nhà mang lên dựng trụ sở làm việc. Máy bay đến 10 người chui xuống hầm, bom bỏ trúng căn hầm, cả làng tang tóc.

Rạng sáng ngày 22-8-1972 tôi đang ngủ say thì mẹ đánh thức, dậy dậy đưa mẹ đi đẻ. Mẹ thắp ngọn đẹn hạt đỗ sắp đồ vào chiếc làn. Tôi tỉnh luôn bò nhổm xuống giường. Cô Đĩnh cũng dậy:

- Cháu ở nhà coi các em để cô đưa mẹ đi cho nhỡ dọc đường có chuyện gì thì sao?

- Không cháu không ở nhà đâu cháu sợ lắm.

- Cô cứ ở nhà để cháu đưa tôi đi cũng được-mẹ nói.

Đêm tối thui tôi không nhìn thấy cái gì bước thấp bước cao theo mẹ, có lúc tôi vượt lên trước vì mẹ bị cơn đau níu lại. Một lúc tôi bỗng nhìn thấy một đốm sáng ở xa xa tôi cứ nhắm đốm sáng đó mà đi. Mẹ gọi, đi đâu đấy đứng lại đi. Thì ra tôi đã đi xuống ruộng, đốm sáng đó từ bụi tre. Tôi không nghe tiếng mẹ để dừng lại, mẹ đi nhanh để kéo tay tôi theo mẹ.

Đến chỗ làm, mẹ mở khoá cửa, bình tĩnh bật diêm châm vào cái đèn dầu. Múc nước rửa chân tay xong mẹ trải chiếc khăn trắng lên bàn đẻ rồi leo lên bàn nằm. Mẹ bảo:

- Con vào phòng gọi cô Ngọc đi mẹ sắp đẻ rồi.

Tôi vào phòng trực gọi cô Ngọc đang ngủ. Cô bật dậy rất nhanh. Tờ mờ sáng thì mẹ đẻ em bé. Mẹ nằm nghỉ trên giường tôi ngồi cạnh bế em. Nó ngủ rất ngoan chả khóc tẹo nào. Một lúc thì cô Đĩnh vào, mang theo cháo và trứng luộc cho mẹ. Chiều hôm sau mẹ về nhà, cô Đĩnh bế em, ba chị em tôi đứa xách làn đứa bê chậu mẹ đi bộ chầm chậm. Sau này tôi cũng hai lần sinh nở, bết đến mức chỉ bò xuống giường để ăn mà mồ hôi toát ra rồi rù người xuống. Tôi không thể tưởng tượng mẹ đi bộ hơn 2 cây số để về nhà. Và đến bây giờ thì tôi không thể tưởng tượng nổi sự chịu đựng đau đớn của Tránh trên từng cây số.

Ngày 12-8-2021

Trần Văn Tr., sinh năm 1998 ở An Hòa Hải, Phú Yên, lúc nhỏ lên cơn sốt co giật rồi từ đó phải ngồi xe lăn. Chàng trai nghị lực vẫn cố gắng tự kiếm tiền mưu sinh để nuôi bản thân. Tháng 2-2021, Tr. rời quê nhà, rời mẹ cha để vào TP.Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán vé số. Bán được một tháng thì dịch bệnh bùng phát, Tr phải ở trọ nhiều tháng nay để cầm cự mong hết dịch sẽ đi bán lại.

Sài Gòn toang, Tr. buộc phải tìm cách về quê. Không biết liên lạc với xe nào để về, Tr. liều mình đi chiếc xe lăn cũ kĩ về quê. Đi 6 ngày, tới địa phận Cam Ranh, Tr. đuối sức phải nhờ mọi người giúp đỡ. Sáng 4-7, rất may mắn Tr. được Hội bạn hữu đường xa tỉnh Khánh Hòa đưa về đến địa phận Phú Yên và 12h trưa, Đội SOS Hội chữ thập đỏ Phú Yên đưa về đến gia đình ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên. Nhìn hình ảnh đôi bàn chân teo tóp và thân hình gầy guộc trải qua 7 ngày ròng rã vật lộn trên đường trường, không ai không khỏi xót thương nhưng thật cũng ấm lòng vì Tr. đã về được với gia đình…

Tối 3-8, người dân thôn Hưng Hà, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà, Thanh Hoá, phát hiện một người đàn ông ngất bên vệ đường, cạnh đó có chiếc xe máy, bèn báo cho cơ quan chức năng. Ngay sau đó, nhân viên y tế xã kiểm tra chỉ số sinh tồn thấy vẫn ổn. Khi tỉnh lại, người đàn ông cho biết quê ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ông làm thợ xây tại miền Nam, mấy tháng qua do dịch bùng phát nên không có việc làm. Mất việc, ông quyết định chạy xe máy về quê; sau 3 ngày chạy hơn 1.000km, ăn uống cầm chừng nên khi đến thôn Hưng Hà đã kiệt sức, ngất xỉu.

Một chiến sĩ công an chạy đi mua sữa, nước mía và cháo về cho người này ăn. Khi ăn hết hộp cháo, uống ly nước mía và sữa xong thì sức khỏe dần ổn định. Lúc đó chính quyền xã định thuê xe cứu thương chở đến bệnh viện nhưng người đàn ông nói muốn tiếp tục lên xe về quê. Để hỗ trợ cho người đàn ông tiếp tục chặng đường, lực lượng chức năng đã tặng 2 chai xăng và cho một ít tiền động viên tinh thần. Câu chuyện của người đàn ông này cũng kết thúc có hậu; thật may mắn ông đã được phát hiện kịp thời và giúp đỡ đúng lúc...

Còn có những câu chuyện ở tâm dịch Sài Gòn đã không kết thúc có hậu như thế. Ở phường 13, Sài Gòn, ngày 8-8-2021, người dân ngửi thấy mùi hôi thối nặng nên gọi cho Ủy ban phường. Khi lực lượng chức năng tới kiểm tra, phát hiện có 2 người đã mất, một người được xác định đã chết khoảng 1-2 ngày, người còn lại thi thể đang phân hủy.

Ba người sống trong căn nhà là ba người phụ nữ; cụ N., 92 tuổi nằm một chỗ, cụ H. 68 tuổi liệt hai chân tinh thần không minh mẫn; cụ X.H 63 tuổi khi chưa mất là người khoẻ mạnh duy nhất chăm sóc cụ N và cụ H. Xác cụ X.H đang phân huỷ, cụ N đã chết khoảng 2 ngày. Khi cụ X.H mất, chuỗi chăm sóc hai cụ còn lại bị đứt gãy, cụ N. 92 tuổi sức yếu mất tiếp, còn lại cụ H. thần kinh không minh mẫn nên không gọi báo cho ai. Cụ H. còn sống, sau khi test nhanh cho kết quả dương tính nên phường đã đưa đi cách ly tập trung.

Ôi những phận người trong cơn dịch giã.

Ngày 7-8, Nguyễn Thành H. được thuê đến để lợp lại mái nhà bị dột. Leo lên nóc nhà, H. hồn bay phách lạc khi nhìn thấy một bộ xương người đã khô, bèn đến Công an xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), trình báo. Theo cơ quan công an, dựa trên những đặc điểm như bộ đồ bà ba nạn nhân mặc, bộ răng sứ giả, người nhà nghi vấn bộ xương là bà L.T.S. (sinh năm 1961), vợ sau của ông Phạm Văn U., (sinh năm 1948). Bà S được coi mất tích hàng năm nay và theo lời khai của một số người liên quan thể hiện bà S. thiếu nợ rất nhiều người.

Một người thiếu nợ rồi chết không có gì lạ. Lạ là người chết trên nóc nhà hàng năm trời trong ngôi nhà vẫn có người ở mà không ai hay biết? Mà cũng chẳng lạ, người bị nhiễm Sars cov 2 đều bị mất khức giác đấy thôi. Phận người mong manh là thế.

Một phóng viên năng nổ, người cha của đứa con còn quá bé, dù bệnh nặng nhưng vẫn lạc quan để cập nhật tình hình bệnh tật từng ngày.

“Chỉ cần thiếu oxi không tới 10 phút thì có lẽ bây giờ em không còn có mặt trên cuộc đời này ….. Cảm ơn các anh em đã cứu sống em ….. Bây giờ em đang phải thở oxi tại nhà”.

“Em nay ăn được chút xíu rồi nha cả nhà ơi … Anh chị em cô bác yên tâm nha …. Em cảm ơn cả nhà, nhiều người gọi và nhắn tin, em không có sức trả lời được tất cả vì em còn mệt lắm nên đừng ai buồn hay trách em nha …. Em hồi phục được 20% - 25% sức khỏe rồi mặc dù phải thở máy suốt 100% ….” .

“Sáng nay em phải hồi sức gấp. Trời thương bác sĩ phát hiện kịp mà em giữ được mạng sống …. Đang thở, máy oxi ngừng làm em không thở được …. Phải vật lộn nghỉ ngơi gần 3 tiếng em mới lấy lại được một tí sức chống chọi …. Giờ thì em tiếp tục khỏe lại rồi. Em giờ ăn uống thật tốt mau nhanh hồi phục để về với với gia đình . Má ơi con sẽ ráng khỏe má đừng lo .”

Ngày 10-8, có lẽ mệt nặng, Tuấn viết: Xin Chúa dừng bỏ rơi con... vì con còn nhiều việc phải lo lắm... Người hãy ban cho con sức mạnh vượt qua khó khăn. Con hôm nay rất mệt mỏi. Xin người cứu lấy con. Đừng để con gục ngã lúc này.

Ngày 11-8 facebook của Tuấn hiện lên dòng trạng thái “Em ra đi thanh thản rồi”.

Thanh thản đi em, phiêu diêu miền cực lạc rồi đợi khi trời đất yên bình lại luân hồi em nhé.

(còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 37/2021

 


Có thể bạn quan tâm