April 30, 2024, 10:51 am

Nhân sinh kép: Sống bao nhiêu cho đủ?

Con người sẽ thỏa mãn, hạnh phúc hơn hay phải chịu nhiều gánh nặng hơn khi sống cùng lúc hai cuộc đời? Đây là câu hỏi được đặt ra trong Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời (Linh Lan Books, 2023) - cuốn sách vừa giúp nhà văn Đức Anh giành giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Một cách lạ lùng, tiểu thuyết Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời của Đức Anh khiến tôi liên tưởng đến vở kịch đương đại Lọ Lem vừa được trình diễn tại Hà Nội. Đây là sáng tạo của tác giả, nhà biên kịch người Pháp Quentin Delorme sau nhiều năm gắn bó với Việt Nam.

Điểm nhấn của vở kịch là một bà tiên khác thường; màu mè, phiền toái, bộp chộp, chẳng những không giúp được ai mà còn chán ghét quyền năng lớn nhất mà mình sở hữu: sự bất tử. Tại sao được bất tử mà lại không hạnh phúc? Đó là bởi niềm vui, sự rung động, những trò chơi tình ái và hội hè miên man đều dần trở nên quen thuộc, tạo thành một vòng lặp trống rỗng không hồi kết. Khi ấy, những lựa chọn và cơ hội - dù nhiều vô kể, cũng không đem lại hạnh phúc hay thậm chí khiến ta hài lòng về cuộc sống.

Bởi vậy, dù khai thác một loại hình, một ngôn ngữ nghệ thuật khác, Nhân sinh kép vẫn có những nét tương đồng với Lọ Lem. Với tôi, cả hai cùng kể câu chuyện về sự ảo tưởng trước những lựa chọn, khi khao khát và mong cầu của một cá nhân - dù quyền lực tới đâu - cũng không thể chiến thắng trò chơi mà cuộc đời đã bày biện sẵn.

Tiểu thuyết của nhà văn Đức Anh xoay quanh các nhân sinh kép, tức là hai con người hoàn toàn khác biệt do cùng một linh hồn, hay siêu ngã điều khiển. Một nhân sinh kép sẽ có cùng lúc hai cuộc đời, hai hành trình trưởng thành, với hai niềm đam mê, hai quê hương, hai bổn phận, cũng như hai nỗi sợ sâu thẳm. Tuy nhiên, cuộc đời và siêu ngã vốn không hề công bằng. Đằng sau sự phân chia tưởng chừng rạch ròi ấy là những mâu thuẫn khó lòng hòa giải, khi các bản thể ưu tú, nổi trội lựa chọn từ bỏ, thậm chí tìm cách hãm hại và xóa sổ bản thể kia để dồn sự tập trung vào mình, vào cuộc đời mà họ tin là xứng đáng hơn và đem lại nhiều giá trị hơn.

Thế nhưng, ai định giá được một cuộc đời, khi mọi trải nghiệm sống đều có ý nghĩa và gánh nặng của riêng nó? Mạch truyện chính của Nhân sinh kép kể về Kiên, người từng được coi là thần đồng, là minh chứng cho hiệu quả của phương pháp giáo dục đặc biệt mà mẹ anh đưa ra. Trong khi đó, Vũ - bản thể còn lại của Kiên - lại hoàn toàn trái ngược. Vũ nghèo khó, cục cằn và ít học, thường xuyên mắc nợ, cuối cùng bị giết một cách bí hiểm trong đêm rồi bỏ lại ven quốc lộ.

Càng tìm hiểu nhiều về vụ án, Kiên càng dấn sâu hơn vào những ngóc ngách ảm đạm lẫn ly kì của cuộc đời Vũ: từ một làng quê nghèo ở Hưng Yên, với người bà, người vợ góa và những người họ hàng mà tương lai tất thảy đều ảo não “như một vách tường câm”, đến thế giới khác thường và bí ẩn của những nhân sinh kép, một thế giới có hệ thống bảo hiểm riêng mà Vũ đã thông qua đó để lại một số tiền rất lớn.

Thuộc thể loại giả tưởng, song tiểu thuyết Nhân sinh kép vẫn pha trộn chất trinh thám - ly kì đặc trưng từng xuất hiện trong những sáng tác trước đây của Đức Anh, như Tường lửa (Nxb Hội Nhà văn, 2019), Thiên thần mù sương (Bách Việt, 2019) hay Đảo bạo bệnh (Nxb Công an nhân dân, 2020). Trong Nhân sinh kép, yếu tố điều tra đóng vai trò định hình đường dây câu chuyện và khơi gợi hứng thú của độc giả, qua đó phản ánh một ý tưởng lớn, bao quát và cũng tham vọng hơn. Liệu con người có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn, hạn chế rủi ro và mất mát, đồng thời hạnh phúc và thỏa mãn hơn khi được sống cùng lúc hai cuộc đời? Đây là câu hỏi mà cuốn sách đặt ra để mời gọi người đọc cùng suy tư - như cách Kiên đã tự vấn về việc bỏ lại bản thể Vũ.

“Không phải anh không thừa nhận rằng, ở trong thân xác Vũ cũng có những hạnh phúc riêng biệt (...) Nhưng con người không có nhiều thời gian để sống cùng lúc cả hai cuộc đời. Và ta phải chọn, Kiên nghĩ vậy.”

Trong một đoạn tự sự, Kiên cũng thừa nhận Vũ đại diện cho những gì “buông thả nhất, liều lĩnh nhất và tự do nhất” thuộc về linh hồn chung của cả hai. Đó là sự tự do mà Kiên hằng khao khát trong cuộc sống phẳng lặng, ngăn nắp nhưng dường như vẫn luôn thiếu một điều gì đó của mình. Kiên và Vũ, hay những nhân sinh kép, đều là sự bổ khuyết cho bản thể còn lại để hướng tới một niềm đam mê sâu thẳm, hay chính là sợi dây kết nối giữa họ. Thế nhưng, con người lại hiếm khi nào chấp nhận sự hòa hợp mà luôn muốn được lợi nhiều hơn về phía mình, rồi cuối cùng phải đánh đổi hoặc trả giá đắt.

Bên cạnh ý tưởng hấp dẫn, Nhân sinh kép còn cho thấy nỗ lực của tác giả Đức Anh trong việc vượt thoát khỏi “vùng an toàn” là dòng sách trinh thám, từ đó chạm đến những câu chuyện có khả năng gợi mở nhiều và sâu hơn. Đó cũng là cách anh đi con đường của riêng mình, con đường nằm giữa nghệ thuật văn chương và yếu tố thương mại - giải trí để tiếp cận một bộ phận công chúng đông đảo, giàu tiềm năng.

Triều Dương

Nguồn Văn nghệ số 13/2024


Có thể bạn quan tâm