May 14, 2024, 10:57 pm

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ kể chuyện ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó"

Lời tác giả: Những cuộc tiếp cận thông tin về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đối với tôi luôn luôn là những thử thách. Khi thì tôi bị choáng ngợp trước khối lượng tri thức đồ sộ về âm nhạc của ông, khi thì xúc động trước những bản nhạc chép tay vô cùng tỉ mỉ, với những nét ký âm chuẩn xác, chân phương, thanh lịch và rắn rỏi do chính tay ông viết. Khối tư liệu luôn sống động và có sức biến chuyển mạnh mẽ như những dòng âm nhạc tuôn trào thúc giục tôi.

Hang Pác Bó, suối Lê nin - những địa danh gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ý tưởng ban đầu cho sáng tác

Khoảng năm 1958, ca sĩ Quốc Hương1 gặp tôi bàn bạc, trao đổi và đề nghị tôi viết một bài ca để ca ngợi Bác Hồ. Quốc Hương nói:

- Trong ấy, đồng bào miền Nam rất kính yêu Bác. Anh nhớ các ba má, công chúng trong đó lắm! Thêm nữa, sang năm Bác tròn 70 tuổi. Anh muốn có một bài ca mới để thể hiện tấm lòng chúc thọ Bác, vị cha già của dân tộc, đồng thời thể hiện lời thăm nỗi nhớ đồng bào miền Nam bằng tiếng hát của mình.

Tôi dè dặt:

- Đã có nhiều sáng tác của các nhạc sĩ tầm cỡ về Bác rồi mà, anh! Các anh Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao viết rất hay về Bác rồi mà!

Anh Quốc Hương cứ ra sức động viên, khuyến khích:

- Anh nghĩ là em sẽ viết được một bài đơn ca! Viết đơn ca là sở trường của em mà, sẽ thành công đấy! Anh em mình cùng nghĩ xem và cố gắng viết nhé!

Kỷ niệm tuổi thơ trở thành hiện thực cho sáng tạo tác phẩm

Sau cuộc trao đổi, đi đến thống nhất sẽ viết một ca khúc về Bác với anh Quốc Hương, tôi bỗng nhớ lại một kỷ niệm từ hồi đầu mùa hè năm 1943, từ Sài Gòn được về quê sau hai năm đi học xa mẹ.

Một ngày hè nọ, cụ Độ cha tôi mời các cụ đồ, cụ tú, cụ cử là bạn thân trong vùng đến vui vẻ chè nước, thơ phú. Cha tôi mang ra một tờ báo khổ rộng. Các cụ trải tờ báo ra xem. Rồi rì rầm một cách bí mật.

Chờ đến trưa. Các cụ ra về. Thừa lúc cha bận tiễn khách ra tận đầu ngõ, tôi lén xem trộm tờ báo đó. Thấy đầu báo có tên là L Indochine (Đông Pháp) in tại Sài Gòn. Ngay trang đầu, tờ báo in bản đồ toàn xứ Ai-Lao, Cao-Miên và Việt-Nam có một cái bóng đen đứng bao trùm lên toàn xứ. Dưới chạy một hàng chữ in đậm, đại ý Nguyễn Ái Quốc đã dựng cứ địa tại một vùng của Hà Quảng, Cao Bằng có tên là Pác Bó.

Tôi đem thắc mắc của mình, mạnh dạn:

- Thưa cha! Đó là ai vậy, cha?

Cha đáp:

- Con còn nhỏ không cần phải quan tâm!

Tôi bám riết lấy cha hỏi đi, hỏi lại:

- Nguyễn Ái Quốc là ai vậy cha? Tờ báo kia cha lấy ở đâu?

Cha tôi buộc phải trả lời:

- Tờ báo anh Đồng2 gửi về cho cha. Nguyễn Ái Quốc chính là anh Nguyễn Sinh Côông con trai út của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người dưới Nam Đàn.

Tôi lại hỏi:

- Thế cha có biết cụ Nguyễn Sinh Sắc không?

Cha nói:

- Đã vài ba bận, cụ Phó Bảng lên đây chơi với ông nội con. Anh Nguyễn Sinh Côông đã bỏ nhà đi hoạt động kín từ lâu rồi, sang tận bên Tây. Nay về nước họp Hội kín ở Cao Bằng.

Tôi lại hỏi:

- Hội kín là gì, thưa cha?

Cha tôi bảo:

- Chuyện này lớn lắm! Con người này là người mà mật thám Pháp đang theo dõi. Chuyện lớn đó là chuyện đánh Tây. Tờ báo nói năm 1941 anh ấy đã về Cao Bằng xây căn cứ địa.

Đây là một sự ngạc nhiên đối với tôi. Một già, một trẻ, câu chuyện của hai cha con cứ tiếp tục. Tại sao có cái bóng trùm to lên? Bóng đen ấy là bóng anh Nguyễn Sinh Côông, anh ấy về để làm chuyện động trời đấy. Con đã hỏi, cha nói cho con biết thế. Không được đem câu chuyện này đi nói lung tung. Nghỉ hè xong trở vào Sài Gòn cũng không được nói với ai.

Tôi trong lòng xáo động. Anh ấy vừa mới về mà cả nước đã náo động lên cả. Cái hình ảnh của Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam lập Hội kín đánh đuổi Tây cứ ám ảnh tôi mãi. Sau này khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, người ta thắc mắc cái tên Hồ Chí Minh nghe rất xa lạ, nhưng những người quê tôi đều biết đó chẳng phải ai xa lạ! Đấy chính là Nguyễn Ái Quốc, là Nguyễn Sinh Côông, con cháu họ Hồ của Nghệ An ta đấy!

Tôi đem kể cho anh Quốc Hương câu chuyện ấy. Anh Quốc Hương nghe, tỏ ra thích thú với đề tài tôi vừa kể và đồng ý việc tôi chọn chủ đề Bác trở về Tổ quốc lập căn cứ địa cách mạng để sáng tác.

Tiếng hát giữa rừng Pác Bó được sáng tác như thế nào

Ngay lập tức tôi lên Ban Dân tộc Trung ương hỏi xem năm 1941 Bác về nước xây căn cứ địa cách mạng ở miền núi phía Bắc là ở vùng nào. Các anh cho biết đó là bản Pác Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Lại hỏi, nơi ấy có đặc điểm gì nhỉ. Mò mẫm mãi, hỏi Ban Dân tộc cũng không biết ở đó có suối gì, sông nào. Anh Quốc Hương đi hỏi giúp, về bảo tôi, Tuệ ơi trên ấy, Pác Bó có suối Khuổi Nặm. Khuổi là nguồn, Nặm là nước. Nguồn nước. Tất cả chỉ có vậy.

Quốc Hương nói Ban Dân tộc cũng không biết gì hơn về Pác Bó. Hai anh em bàn nhau đi lên đó một chuyến. Đi bộ? Xa quá! Hay là ta đi mua cái xe đạp để đi? Thống nhất ý kiến với nhau lên phố Hàng Ngang mua cái xe đạp rồi đi. Bàn nhau đèo nhau đi lên Cao Bằng, tối gặp đâu ngủ đấy. Tem phiếu đem đi theo. Thế rồi, hai anh em chung tiền lại cũng đủ mua được cái xe đạp. Thời ấy gọi cái xe đạp kiểu đó là “xe trâu” vì trông nó quềnh quàng và thô, dễ gợi cho người ta liên tưởng ngay tới hình dáng của con trâu.

Vừa mới đèo nhau đi từ Hàng Ngang đi về phía Bờ Hồ. Hồi ấy Bờ Hồ không phải như bây giờ. Đường tàu điện các nơi về tránh nhau chi chít. Quốc Hương bẻ lái thế nào mà một bánh phía trước bị tọt xuống khe sắt của đường tàu điện nghe “Ẹt”. Lẽ ra xuống xe, khéo nhấc nó lên. Đằng này, Quốc Hương đạp mạnh một cái, bẻ lái cho bánh xe nó nẩy lên. Ai ngờ nó gãy luôn vành bánh trước xe. Vành đi đường vành, săm lốp đi đường săm lốp.

Sửa không sửa được! Mua phụ tùng thay thế thì chẳng nơi nào bán! Định đi bộ lên Cao Bằng một chuyến, nhưng công kia việc nọ liên tiếp xảy ra. Hết Quốc Hương vướng thì đến lượt Tuệ. Đành chịu hẳn. Quốc Hương bảo, thôi thì Tuệ tìm cách nào mà viết lấy vậy! Nhưng nhớ phải cố viết cho thật hay vào!

Vậy em lấy then Tày nhé? Nó thế nào? Tôi hát thử một đoạn, Quốc Hương bảo được đấy! Lợi thế đấy! Chịu chưa? Rồi. Viết đi! Anh tin là hay!

Quyết tâm viết. Lại phải viết cho thật hay! Đã sẵn có trong mình vốn liếng văn học Đông - Tây tích cóp được từ trước đến giờ, lại phải thêm một phen dấn thân sâu hơn nữa để xây dựng cho được hình tượng của Bác trong lòng dân tộc, thông qua ngôn ngữ văn học với bản sắc dân tộc Tày, dân tộc thiểu số của Việt Nam - một trong 54 tộc người trong cộng đồng Việt Nam. Hướng đi mới này đầy khó khăn và thử thách.

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm này đã được các nhạc sĩ chú trọng và thể hiện trong tác phẩm, nhất là từ Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngay ở tác phẩm đầu tiên Hồ Chí Minh muôn năm của Minh Tâm và Phạm Văn Xung ra đời năm 1945, có thể thấy thái độ tình cảm của các nhạc sĩ trong việc sáng tạo hình tượng Bác Hồ trong tác phẩm vẫn còn chưa phản ánh được sắc thái tình cảm gắn bó máu thịt thân yêu gần gũi của toàn thể của nhân dân với Bác. Có thễ dẫn chứng qua những tác phẩm thời kỳ đầu Cách mạng và Kháng chiến chống Pháp của các nhạc sĩ: Lưu Bách Thụ, Phong Nhã, Vân Đông, Phan Huỳnh Điểu, Mai Khanh, Văn Đức, Phạm Văn Chừng… trong ca từ, ta thường gặp những từ ngữ về Bác như “muôn năm”, “biết ơn”, “nhớ ơn”, “cứu tinh”, “vầng dương”, “ánh hồng”, “vì sao” “ánh dương” v.v.. và loại thể chủ yếu là chính ca cho quần chúng, với hình thức cấu trúc vuông vắn, nội dung ngợi ca lãnh tụ một cách tôn nghiêm, thành kính như một dạng thánh ca mang nội dung cách mạng. Như vậy, điểm đến của ca khúc viết về lãnh tụ là để phổ biến trong quần chúng thì lại bị thiếu đi sự gần gũi của lãnh tụ với quần chúng. Hình tượng về Bác trong lòng dân là một vị cha già của dân tộc, ấy vậy mà trong ca khúc lại quá cao xa. Công chúng chờ đợi và đòi hỏi một ca khúc viết về Bác phù hợp hơn. Và, các nhạc sĩ cũng đã chớm nhận thấy được hướng này. Nhưng, cho đến tận sau năm 1954 thì mới có thời gian cho trái chín: Ca ngợi Hồ Chí Minh bằng chính ngôn ngữ dân tộc của Việt Nam!

Miệt mài, trầy trật mãi cuối cùng tôi cũng lên khung được một ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh với một hướng đi mới mẻ. Dự cảm sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng lòng đã quyết nên tôi tập trung sức lực và trí tuệ miệt mài không kể ngày đêm vào việc sáng tác.

Khúc thức Tiếng hát giữa rừng Pác Bó ở thể hai đoạn. Không câu nệ ở sự cân đối về độ dài ngắn của các đoạn. Đoạn I, đậm chất Tày: “Trông vời lưng núi Khuổi Nặm rì rào núi cao tầng mây chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo, kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá. Người về quê ta, tấm áo chàm tình thương quê nhà”. Đoạn II phát triển then Tày đi lên đến cao trào, theo nội dung, vì thế mở rộng hơn đoạn I: “Ơ … rừng Pắc Bó quê ta… Nhớ Người” bằng nhiều thủ pháp. Không “bê” nguyên then Tày mà di dịch, chuyển điệu, làm giàu có vốn âm nhạc dân gian Tày, khiến cho then Tày mang một vẻ đẹp mới lạ hơn cả về chất và về lượng. Then Tày như được thoát xác trở nên một hình hài mới, xuất hiện lộng lẫy, lấp lánh và rạng rỡ đầy tự hào.

Nghệ sĩ nhân dân Quý Dương nói về Tiếng hát giữa rừng Pác Bó

- Nhớ một lần trong Hội diễn tại Tuyên Quang, tôi với Quý Dương ở trong Ban Giám khảo. Khi nghe một diễn viên trên sân khấu hát chưa chuẩn câu nhạc:

Bát cơm mong chờ người già ước mơ

Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ

Quý Dương bắt đầu vặn vẹo trên ghế một cách khó chịu, anh kêu với tôi:

- Ông Tuệ ơi! Một câu nhạc ông viết hay đến như vậy mà bạn trẻ kia hát như thế tôi buồn quá!

Tôi biết ý Quý Dương muốn nói gì rồi, nhưng tôi vẫn hỏi:

- Sai lời hay nhạc hả ông?

- Lời không sai! Nhưng đây là câu nhạc mà ông chuyển điệu rất hay! Vô cùng bất ngờ! Tôi nhớ, lúc tôi ngồi với piano, hát câu này tôi thẫn thờ mãi. Sự chuyển điệu của ông, tôi ít khi được gặp trong các sáng tác phát triển từ âm nhạc dân gian lắm! Nhưng mà đến ông thì tôi đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác.

Kể cả Xa khơi, rồi Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, rồi đến cả Xôn xao bến nước v.v… tôi đọc bản nhạc của ông đến rối cả mắt.

- Sao lại phải soi kỹ thế?

- Tôi làm thầy dạy mà! Phải nghiên cứu! Chẳng hiểu ông làm bùa, làm phép thế nào mà tôi đến khốn khổ khi phải giải thích cho học trò. Tác giả chuyển điệu như thế nào? Điệu thức gì? Phải nói cho rõ đề phòng chúng nó hát linh tinh! Lắm lúc bí quá tôi thôi. Đành vậy! Bình thường, cũng một cái nốt si ấy, nhịp trước là si giáng, nhịp sau lại là si bình mà nghe chẳng thấy trái cựa gì. Lạ! Tại sao thế? Thôi, đành lạy ngài mấy lạy! Tôi tự hỏi: Đây là lối chuyển điệu của phương Tây à? Không phải! Ông biết đấy! Tôi từng hát không biết bao nhiêu aria của các opera phương Tây, âm nhạc của họ cũng chuyển điệu liên tục, nhưng rất Tây. Riêng ông, tôi chẳng thấy Tây ở chỗ nào cả, mà sao lại chuyển điệu được? Tôi tìm thấy câu trả lời: Đó là tài năng và tài năng! Sáng tạo và sáng tạo!

- Còn có gì nữa không, Quý Dương?

- Có đấy! Lạ đấy!

Rồi Quý Dương tiếp:

- Ông dùng rất nhiều bán âm, cả Xa khơi và Pác Bó! Ông dùng nhuần nhuyễn. Trong âm nhạc dân gian của chúng ta, tôi không gặp bán âm. Trong khi đó, trong âm nhạc của ông tôi gặp đầy bán âm. Ông phát triển âm nhạc dân gian mà bán âm đưa vào nghe vẫn ngọt như không! Chẳng có vẻ gì xa lạ cả! Không thấy Tây chút nào! Âu cũng là khả năng riêng biệt của ông thôi. Đây có phải trong sáng tác nó tự nhiên như vậy không ông?

- Làm gì có tự nhiên! Tôi cũng phải tìm kiếm, thể nghiệm mãi đấy!

Kỷ niệm với Nhà thơ Nông Quốc Chấn

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ kể, giọng ấm áp, chậm rãi như một giai điệu âm nhạc mang tính hồi cố:

“Trong một lần hội diễn nghệ thuật tổ chức ở miền núi phía Bắc, có 4 đơn vị, trai, gái hát Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bằng tiếng Kinh, hát lọ mọ, giai điệu xê dịch, lời nọ lẫn lộn lời kia, ngang ngang lơ lớ.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn nói với tôi:

- Anh Tuệ à! Các diễn viên người dân tộc thiểu số ở đây yêu bài hát của anh lắm! Có điều, anh chị em diễn viên người Tày ở đây nói Tiếng Việt không êm mượt như tiếng mẹ đẻ!

- Thế thì theo anh, ta nên làm thế nào?

- Mình nghĩ, âm nhạc của bài hát này rất quen thuộc và gần gũi với bà con dân tộc Tày. Chi bằng ta sáng tạo thêm lời ca bằng tiếng Tày nữa! Chắc chắn bài hát còn ở lại lâu dài hơn nữa!

- Anh nói có lý có tình lắm! Làm như thế là phải!

 Thế rồi, nhà thơ Nông Quốc Chấn cùng tôi bàn bạc, trao đổi đi đến thống nhất dịch lời, mô phỏng lời, cho in, cho phổ biến ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bằng song ngữ Tày-Việt! Sau đó, báo Cao Bằng đã đăng trọn bản phỏng dịch ca khúc trên bằng tiếng Tày. Bản dịch này đã được khen vừa sát ý, vừa giàu chất thơ, chất trữ tình lãng mạn, hợp với màu sắc dân gian của then Tày.

Bài hát đang lúc được phổ biến rộng rãi, Đài Tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần theo yêu cầu thính giả thì có chuyện động trời. Kiếp nạn xuất hiện. Có mấy lá đơn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Văn hóa, nội dung tố cáo Nguyễn Tài Tuệ đã dùng then Tày - là một loại hình âm nhạc “tâm linh”, “ma quái”, mang tính “đồng cốt” để viết ca khúc ca ngợi Bác Hồ. Đây xem như là một việc làm bất kính đối với lãnh tụ. Phải đưa ra công luận phê phán và tác giả bài ca phải kiểm điểm sâu sắc.

Trước sự có mặt của Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa có cả Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Nhà thơ Nông Quốc Chấn cũng có mặt. Tôi trình bày việc cách đây mấy tuần đã dịch một bài then ca ngợi Bác Hồ cho tốp ca nữ Đài Tiếng nói Việt Nam hát, bài hát đã được thu thanh và phát. Tôi xin hát cả lời Tày và lời dịch của mình. Nghe hát xong, Nhà thơ Nông Quốc Chấn xác nhận ngay:

- Đó là lời then của người Tày vùng Bắc Kạn. Không phải chỉ nơi này mà nhiều nơi cũng có nhiều lời then hát ca ngợi Bác. Then là điệu hát tâm linh, linh thiêng, lời ca là lời thơ đẹp đẽ mang tính ca ngợi, tổ tiên, ông bà, những bậc tiền liệt được nhân dân kính yêu, thờ phụng, không có ma quái, đồng cốt nào ở đây cả! Nguyễn Tài Tuệ đã hát đúng, dịch đúng lời then và viết lên được một bài hát ca ngợi Bác như thế thật đáng khen ngợi.

Mọi người thở phào. Ban Nghiên cứu Âm nhạc cũng không phải đem Nguyễn Tài Tuệ ra để kiểm điểm nữa. Thế là, Nhà thơ Nông Quốc Chấn, người con ưu tú dân tộc Tày, một người Anh của làng văn nghệ Việt Nam chẳng những đã giúp cho Nguyễn Tài Tuệ chuyển ngữ lời ca chuẩn xác bằng tiếng Tày để phục vụ đồng bào cả nước, mà còn đem uy tín nghề nghiệp, tài năng và tấm lòng đức độ của mình, đứng ra bảo vệ lẽ phải.       

Một vẻ đẹp trữ tình, một cá tính sáng tạo riêng biệt 

Trong 4 năm từ 1961-1964, Đài Tiếng nói Việt Nam lấy ý kiến của thính giả về bài hát được yêu thích. Tiếng hát giữa rừng Pác Bó nhận được nhiều phiếu nhất.

Hình thức trình bày tác phẩm Tiếng hát giữa rừng Pác Bó rất đa dạng, từ đơn ca nam, nữ, hợp xướng, hát hợp xướng thể loại acapella (không có phần đệm của dàn nhạc). Có thể thấy, bài hát có sức phổ biến rất rộng. Trữ tình, một phẩm chất nổi trội trong cá tính sáng tạo của Nguyễn Tài Tuệ vẫn xuyên suốt toàn bộ chuỗi sáng tác từ những nét nhạc đầu tiên cho đến mãi sau này.

Khi nghe ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ, tôi thấy then Tày như được chắp thêm đôi cánh để giai điệu ấy bay cao, vang xa. Hình tượng âm nhạc là vĩnh viễn, không gian và thời gian và những tiếng động của đất trời chỉ còn là ước lệ. Dòng Khuổi Nặm in bóng những câu nhạc lộng lẫy từ trái tim của một tâm hồn giàu mỹ cảm. Sức sáng tạo của nhạc sĩ thể hiện sức mạnh rung chuyển của Cách mạng Tháng Tám làm nên một cuộc đổi thay hướng về một tương lai sán lạn của dân tộc hòa quyện làm một với tiếng ca nở hoa trong câu nhạc, và ca từ đầy vẻ đẹp mỹ cảm của Nguyễn Tài Tuệ.      

Ở đây, Bác Hồ mang dáng dấp của một ông ké Việt Bắc, một già làng Tây Nguyên, hay một vị bô lão miền xuôi lão thực vừa mới bước ra từ Hội nghị Diên Hồng, vô cùng thân thiện và gần gũi với nhân dân. Hoặc cao hơn nữa, chẳng những là một nhà mác-xít, một lãnh tụ mà còn là một nhà hiền triết phương Đông với áo nâu, túi vải, bộ râu dài… Bác Hồ về với đồng bào Việt Bắc với bát cơm người già mong chờ, líu lo i tờ cho những đôi môi con trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã dùng hình ảnh khái quát, tượng trưng để nói một cách ẩn dụ về cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công do Người lãnh đạo để mô tả về vị lãnh tụ Cách mạng Tháng Tám bằng một vẻ đẹp trữ tình thăng hoa như một ngày trời lành, nắng đẹp của núi rừng Việt Bắc: “Suối reo dưới chân người qua. Đất rung tiếng ca nở hoa Tháng Tám.

Chất trữ tình tỏa sáng một không gian nghệ thuật mênh mang trong sáng tác của Nguyễn Tài Tuệ về đề tài ca ngợi lãnh tụ - một đề tài không mấy dễ dàng đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ sáng tác. Trải qua trên 60 năm, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó vẫn nằm lòng trong nhân dân. Đó là một vẻ đẹp trữ tình riêng biệt rất Nguyễn Tài Tuệ.   

__________

1. Ca sĩ Quốc Hương là ca sĩ nổi tiếng của miền Nam (quê gốc Ninh Bình), tập kết ra Bắc. Hoạt động kháng chiến với tư cách là chiến sĩ trên mặt nghệ.

2. Nguyễn Tài Đồng: Người anh cả của Nguyễn Tài Tuệ, làm Thông phán phủ đốc lý Nam Bộ của Pháp lúc bấy giờ.

Nguồn Văn nghệ số 9/2022


Có thể bạn quan tâm