May 4, 2024, 1:18 pm

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc Hát từ Phan Xi Păng

1. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc sinh năm 1949, quê Thanh Hóa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên là kỹ sư mỏ, tiến sĩ khoa học, khởi nghiệp viết kịch, làm thơ từ cuối những năm 70 thế kỷ trước.

Năm 1978 anh đoạt Huy chương bạc toàn quốc về kịch bản Động cơ. Năm 1980, anh giành Giải thưởng chính thức thơ Thanh Hóa của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Sau tập thơ in chung Với quê hương (Nxb. Thanh Hóa, 1986), ngòi bút anh chuyên hẳn về thơ. Từ năm 1990 đến 2019, anh đã cho in riêng 15 tập thơ chủ yếu tại các nhà xuất bản Trung ương: Văn học, Hội Nhà văn, Văn hóa dân tộc. Gần đây, năm 2023, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã có sáng kiến tập hợp chọn lọc mảng sáng tác nổi trội nhất của anh là viết về dân tộc và miền núi đã được đăng rải rác trong các tập thơ trước cùng với mấy bài thơ đã làm sau năm 2019, thành một tập thơ tuyển dày dặn, công phu, bề thế. Đó là tập thơ thứ 16 của anh có nhan đề Hát từ Phan Xi Păng gồm 444 trang in đẹp, khổ lớn.

2. Tập thơ gồm 227 bài viết về dân tộc và miền núi được xếp đặt thành 14 khúc đoạn (episode), cho thấy 14 điểm nhìn được nhà thơ chú mục, lật trở từ những góc nhìn, những suy tư, cảm nhận được bật ra qua sự tiếp xúc của “đối cảnh sinh tình”. Đó là:

- Truyền thống lịch sử - địa văn hóa của miền núi phía Bắc - chiến khu, quê hương của cách mạng và kháng chiến, nay trở thành vùng đất tiềm tàng những trầm tích văn hóa - du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước (khúc XII, khúc XIV);

- Về địa danh và địa chí miền núi thân thương mà suốt cuộc đời hơn 70 năm tác giả đã gắn bó với những kỷ niệm không bao giờ quên (khúc I);

- Vùng quê gốc Thanh Hóa và nơi làm việc lâu nhất của tác giả là Tuyên Quang, như một sự tri ân (khúc II, khúc IX);

- Những người lao động là công nhân mỏ chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ trong công việc nặng nhọc, nhưng vẫn vượt lên, cần cù hăng say làm việc làm giàu cho Tổ quốc, cho hạnh phúc gia đình ấm êm (khúc III);

- Về đồng bào các tầng lớp nhân dân người dân tộc sống chất phác, giản dị, gắn bó với thiên nhiên đẹp đẽ mà khắc nghiệt, ham sống và làm việc, yêu đời, biết làm đẹp cho bản thân và quê hương (khúc V, khúc VIII, khúc X);

- Về những chiến sĩ biên phòng có lý tưởng và khát vọng cao cả giữ gìn an ninh nơi biên giới, bảo vệ từng tấc đất chủ quyền đất nước, với bao nhiêu gian truân, hy sinh thầm lặng (khúc VI);

- Về những người phụ nữ miền núi đang vượt lên thân phận của người yếu thế, đảm đang việc nước việc nhà, đẹp cả dáng vẻ và tâm hồn (khúc IV, khúc XI, khúc XIII);

- Về sự hội nhập của miền núi với miền xuôi, của những người con miền núi với đời sống đô thị, hiện đại (khúc V, khúc VII, khúc IX).

Mỗi khúc đoạn như trên được mở đầu bằng một bài thơ được phổ nhạc, cho thấy dụng ý của tác giả: cả tập thơ như một bản hợp xướng nhiều bè, nhiều giọng như một vĩ thanh vang vọng, ngân nga trong niềm đồng cảm, tri ân, khát vọng về tương lai xán lạn của miền núi từ những người con các dân tộc yêu quý.

3. Theo thiển ý của tôi, nếu cần chọn 10 bài thơ hay nhất, tiêu biểu cho phong cách thơ dân tộc và miền núi của Lê Tuấn Lộc, thì tôi sẽ chọn các bài sau (theo trình tự mục lục tập thơ): Hoa đào (khúc II, tr. 62); Cỏ mùa xuân (khúc III, tr. 87); Em Tày đấy (khúc V, tr. 124); Lính trẻ về thăm nhà (khúc VI, tr. 146); Người núi, người phố (khúc VI, tr. 170); Tuyên là em (khúc VIII, tr. 216); Người dân tộc tự khai (khúc VIII, tr. 239); Mùa xuân trên đồi chè Mộc Châu (khúc X, tr. 272); Mai sau chết ta xin về Thác Bạc (khúc X, tr. 295); Hát từ Phan Xi Păng (khúc XIV, tr. 416). Dưới đây xin dừng lại nói về 2 bài trong số 10 bài thơ nói trên.

Bài Mùa xuân trên đồi chè Mộc Châu là bài thơ luật thất ngôn, gồm 3 khổ thơ, miêu tả phong cảnh thiên nhiên với điểm nhấn là những đồi chè xanh vùng Mộc Châu (Hòa Bình) mà ở đó hàng ngày những người nữ công nhân nông trường chè, chủ yếu là những người con dân tộc H’Mông đang hào hứng, cần mẫn thu hoạch chè. Bài thơ như một bức tranh đa sắc, một khúc hoan ca về hoạt động lao động say mê, sáng tạo, hứng khởi với những sắc màu tươi sáng, đẹp mắt, với tiết tấu nhịp điệu khoan thai, nhịp nhàng. Tác giả làm mới niêm luật của thể tài thơ Đường luật, khi sử dụng nửa cuối của mỗi dòng thơ những cặp tính từ, động từ luyến láy, khiến cả bài thơ như một khúc hát du dương ngợi ca những người lao động bình thường, giản dị. Xin trích 2 khổ đầu bài thơ:

Bầu trời xuân xanh xanh, xanh xanh

Lá chè sương óng ánh, óng ánh

Như tách trà sóng sánh, sóng sánh

Búp chè non nõn nà, nõn nà

 

Mắt em cười long lanh, long lanh

Tay hái chè thoăn thoắt, thoăn thoắt

Gùi sau lưng lúc lắc, lúc lắc

Váy Mông hoa đung đưa, đung đưa…

Trường ca Hát từ Phan Xi Păng gồm 10 phân khúc, mỗi phân khúc được đặt tiêu đề, cho người đọc thấy toàn cảnh cái nhìn về Phan Xi Păng với sự hùng vĩ của nó, được mệnh danh là “mái nhà Đông Dương”. Cái đẹp huyền ảo ẩn hiện trong sương mù của Sa Pa. Sự ngoạn mục của thiên nhiên nơi đây, sự độc đáo của nếp sinh hoạt, phong tục từ bao đời của cư dân bản địa đã cuốn hút sự khám phá Sa Pa, chinh phục Phan Xi Păng của bao thế hệ người Pháp xưa, người Việt nay. Trong trường ca, Phan Xi Păng biểu tượng cho thế thượng phong, khát vọng phát triển và tồn tại vững chãi của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam tài trí: Để lên đỉnh Phan Xi Păng/ Cần ý chí/ Gió chỉ muốn đánh ta gục ý chí/ Rét như muốn quật ta xuống đường/ Mưa phùn như muốn rủ ta quay lại/ Nếu không rèn ý chí/ Ta lùi bước/ Ngã gục dọc đường/.../ Bây giờ lên đỉnh Phan Xi Păng/ Cần gì/ Ta hỏi Phan Xi Păng lặng im/ Theo thời gian/ Cái cần đã không cần…

4. Điều cuối cùng cần thấy ở thơ Lê Tuấn Lộc là sự tiềm tàng, giàu nhạc điệu của nó - đó là bản lĩnh nghệ thuật thơ anh. Cho đến nay trong tập đại thành thơ Lê Tuấn Lộc đã có tới 35 bài thơ của ông được các nhạc sĩ hào hứng phổ nhạc thành công. Ở Việt Nam có thể nói sau Tạ Hữu Yên là nhà thơ giữ kỷ lục hàng đầu về thơ được các nhạc sĩ tìm đến phổ nhạc (hơn 147 bài) thì Lê Tuấn Lộc, theo tôi, có thể xếp ở vị trí thứ hai.

Xem xét kỹ thấy các bài thơ được phổ nhạc rất dồi dào chất nhạc thơ từ nguyên bản gốc. Chất nhạc đó nằm ở tứ thơ cô đọng, được nhà thơ chăm chút dụng công thể hiện, dẫn dắt qua các thủ pháp chính về tiết tấu nhịp nhàng, cân đối, phép lặp tức trùng điệp. Những yếu tố đó hòa quyện nhau một cách tự nhiên, tạo cho thơ có giai điệu nhịp nhàng, cân đối, trầm bổng, du dương, ngân vang xa - những điều cơ bản thuận lợi cho việc phổ nhạc.

Nhiều bài thơ của Lê Tuấn Lộc được các nhạc sĩ đồng cảm và tâm huyết phổ nhạc thành công cho thấy ở anh có sự kết hợp nhuần nhị chất thơ và chất nhạc tiềm ẩn, hòa quyện vào nhau. Mỗi dòng thơ cũng như cả bài thơ ngay khi chưa được phổ nhạc, đọc lên tự nó đã như muốn ngân nga, đọng lại và đồng vọng trong tâm trí người đọc.

Xin chúc mừng nhà thơ Lê Tuấn Lộc ở tuổi “thất thập ngũ niên” đã cho ra mắt tuyển tập thơ Hát từ Phan Xi Păng. Tôi tin tập thơ này sẽ được nhiều người tìm đọc, thưởng ngoạn, chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Thiện

Nguồn Văn nghệ số 16/2024


Có thể bạn quan tâm