May 14, 2024, 7:42 am

Nguyễn Linh Khiếu từ “chùm mơ tiên cảm”…

Đó là tên cuộc tọa đàm văn chương tổ chức ngày 25-4-2023, tại Cà phê sách “Tổ Chim Xanh” (27 Đặng Dung – Hà Nội). Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu-phê bình văn học và bạn bè văn chương khu vực Hà Nội đã đến dự và sôi nổi luân bàn.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, PGS.TS Triết học, sinh năm 1959 tại Thái Bình. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, hiện là Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội nhà văn Hà Nội. Ông từng đoạt Giải C thơ báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN) năm 1995, Giải A thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2010. Các tác phẩm đã xuất bản: Chùm mơ tiên cảm  (thơ-1991), Mùa thiêng (thơ-1995), Hoa linh (thơ-2000), Dọc sông Hồng (thơ in chung- 2002), Sa hồng (thơ-2018), Phồn sinh (trường ca-2018), Beijing lá phong vàng (tùy văn-2018), Dòng thiêng (tập hợp các tập Chùm mơ tiên cảm, Mùa thiêng, Hoa linh, Sa hồng-2019), Hoa linh thảo (trường ca-2021)…

Chân dung nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và một số tác phẩm của ông

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà NCPB Văn Giá nhận định: Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu (NLK) là một tác giả thơ có số phận, hiểu theo nghĩa ở trong hành trình thơ, xuất bản thơ và tiếp nhận thơ. Ông xuất hiện từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, là một gương mặt ấn tượng của Thơ đổi mới. Sau năm 2000, năm tập tho Hoa Linh ra đời, người ta thấy ông ít xuất hiện, không thấy công bố thêm tập thơ nào nữa, mặc dù có in đôi chùm thưa thớt. Cũng lại thấy ông ít tham gia các cuộc “quần tam tụ ngũ” trong các chiếu thơ, sinh hoạt thơ... Bất ngờ sau khoảng 18 năm, năm 2018, anh cho ra mắt tập trường ca Phồn sinh trường ca dài hơn 13.000 đơn vị câu thơ, hơn 136 ngàn chữ, với 710 trang in khổ 16cm x 24cm. Quả là một hiện tượng chưa từng thấy… Liên tiếp sau Phồn sinh, ông cho ra mắt Sa hồngBeijing lá phong vàng và đặc biệt thêm tập trường ca Hoa linh thảo mà độ dầy cũng bằng suýt soát một nửa tập Phồn sinh với cùng cỡ sách.

Nhà NCPB Văn Giá cũng cho biết: Chỉ tính từ năm 2019 (sau khi xuất hiện 2 trường ca Phồn sinhHoa Linh thảo) đến nay đã có trên 50 bài viết về thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu; bao gồm các tiểu luận, phê bình và giới thiệu sách; trong đó có hơn 30 bài đã đăng trên các báo in hoặc các trang báo mạng chính thống, có địa chỉ và tư cách pháp nhân rõ ràng. Điều đó cho thấy rõ ràng thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu thực sự là một hiện tượng trong đời sống văn học hiện nay, rất cần được tiếp tục nghiên cứu, “giải mã” và đánh giá tương xứng.

Tiếp sau phát biểu của nhà NCPB Văn Giá, các nhà NCPB, nhà văn, nhà thơ… đã sôi nổi tọa đàm về thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu, tính từ tập thơ đầu tay Chùm mơ tiên cảm xuất bản hơn 30 năm trước đến nay; nhiều nhất là những đánh giá, nhận xét về tập trường ca Phồn sinh – một tác phẩm đồ sộ về mặt số học cũng như chủ đề tư tưởng và nghệ thuật. Các bài viết được trình bày tại tọa đàm và phát biểu trao đổi trực tiếp theo nhiều hướng tiếp cận thơ và trường ca Nguyễn Linh Khiếu; về cơ bản có mấy hướng tiếp cận chính là: Tiếp cận triết học; Tiếp cận văn hóa học; Tiếp cận phân tâm học; Tiếp cận thể loại thơ/trường ca, trong đó có tiếp cận ngôn ngữ thơ; Tiếp cận báo chí, truyền thông… và “đối tượng” tiếp cận chủ yếu là trường ca Phồn sinh – một tác phẩm có rất nhiều kỷ lục “vô tiền” và có lẽ thời gian “khoáng hậu” sẽ còn rất lâu (!).

Theo hướng tiếp cận triết học, TS triết học Nguyễn Văn Vịnh cho rằng: Phồn sinh là một diễn giải về “bản năng gốc” ở con người, trước hết là con người tác giả; là sự tiếp nhận, tổng hợp và kết tinh từ một người am hiểu triết học, có thể từ văn hóa truyền thống dân gian Việt, từ  Hindu giáo, từ Phân tâm học S.Freud để biểu đạt một thứ “Phồn sinh giáo”. Ông cũng cho rằng: “Có lẽ một nền tảng triết học khá vững vàng đã ảnh hưởng sâu sắc tới sáng tác văn chương thơ ca của anh, vì vậy bàng bạc ở hầu hết các câu chữ trong các tác phẩm văn chương của anh là những triết lý nhân sinh, những cảm thức sinh tồn được truyền tải. Về mặt học thuật, có thể nói “Phồn Sinh” là khái niệm độc đáo được tác giả trình bày và diễn giải với một nội hàm đồ sộ, một ngoại diên bao trùm. Cũng cần nói rõ, các khái niệm “phồn thực”, “phồn tạp”, “sinh sản”, “sinh sôi” và “phồn sinh”… hẳn là đã có từ rất lâu trong ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, tôn giáo… Nhưng khi sử dụng hai chữ “phồn sinh” trong một văn cảnh mới, một thế giới mới và một sinh quyển văn chương mới với nội hàm và ngoại diên mới thì chắc là một cách làm hoàn toàn chỉ có ở nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu…”.

Theo hướng tiếp cận văn hóa học, có kết hợp với phân tâm học, nhiều ý kiến đã phát hiện, phân tích, khái quát… một số ý tưởng thú vị về thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu. Nhà NCPB Đỗ Lai Thúy bắt đầu từ sự lý giải về cái tên Linh Khiếu/Khiếu Linh do cha mẹ, ông ngoại đặt cho tác giả, cho đến việc hân hưởng một sinh thái nơi chốn quê hương…, sự ra đời của một loạt tập/bài thơ có yếu tố “Linh” là hoàn toàn không ngẫu nhiên; rằng trường ca Việt Nam chủ yếu mang yếu tố sử thi, đến NLK mang yếu tố linh - trữ tình; đây là “một bước phát triển khác, một khúc rẽ của trường ca Việt. Và chính đây là chỗ đóng góp riêng của NLK cho thơ Việt đương đại”. Theo hướng tiếp cận này, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân cho rằng: “Thơ Nguyễn Linh Khiếu, ban đầu, mang đến người đọc một ấn tượng rợn ngợp cả về ngôn từ lẫn dung lượng. Điều này thể hiện ngay ở đặc trưng độ dầy của từng tác phẩm và thể loại thơ sở trường - trường ca. Chính bởi ấn tượng trên mà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã đánh bạt rất nhiều bạn đọc không kiên nhẫn hay ngán dài. Mặt khác, để thực hành phê bình thơ của anh, nếu chỉ dùng phép phân tích văn bản, chú giải và bình giảng truyền thống sẽ như một câu chuyện diễn tiến không hồi kết, bởi thơ Nguyễn Linh Khiếu có phổ rộng và giàu hình ảnh, đọc đến đâu là lại có thể phát hiện chi tiết để “bình tán” tới đó. Do vậy, để tìm đường trong ma trận ngôn từ của Nguyễn Linh Khiếu, cần có một la bàn dẫn đạo.

Cũng theo hướng tiếp cận trên đây, TS Đỗ Thị Thu Thủy (ĐH Văn hóa HN) cho rằng: “Con đường đến với thơ ca, với sáng tạo chữ nghĩa của Nguyễn Linh Khiếu là con đường chinh phục giấc mơ thơ ấu - giấc mơ của một cậu bé “nhà quê” nơi đồng đất lam lũ Thái Thụy - Thái Bình, mới chỉ bảy, tám tuổi “cơm chẳng đủ ăn, áo không đủ mặc” nhưng đã mộng ước đầy xác quyết mai này nhất định sẽ trở thành thi sĩ. Dẫu cho nỗi âu lo, mặc cảm bởi ý nghĩ viển vông, lạc lõng, “chẳng giống ai” của bản thân khiến cậu bé Nguyễn Linh Khiếu luôn phải cất giữ, giấu giếm niềm khao khát ấy ở trong lòng thì giấc mơ thi sĩ vẫn luôn là một thôi thúc, ám ảnh thường trực, không gì có thể ngăn trở. Và rồi từ một cậu bé “nhà quê”, chàng sinh viên năm nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Linh Khiếu đã hiện thực hóa mộng ước “khởi trinh” nguyên sơ, đẹp đẽ và mãnh liệt ấy với việc công bố bài thơ đầu tiên được viết khi còn là một cậu học trò phổ thông, có tựa đề “Một khúc sông Diêm” (in trên tập san Búp trên cành - Hội VHNT Thái Bình) năm 1978. Khúc hát của dòng sông quê hương, của cội nguồn phù sa mỡ màu với bao trong lành tươi mát đã khơi nguồn mạch dạt dào nuôi dưỡng thi cảm thơ Nguyễn Linh Khiếu, từng bước dẫn dắt anh bước vào thi đàn thơ Việt và nhanh chóng khẳng định dấu ấn của mình…”.

Nhà NCPB  Đỗ Lai Thúy phát biểu tọa đàm

Như đã nói, chủ đề cuộc tọa đàm là Nguyễn Linh Khiếu-Từ “Chùm mơ tiên cảm”, nhưng đa số các bài viết và ý kiến của các cử tọa đều tập trung chủ yếu vào trường ca Phồn sinh.  Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng: Đây là một “hàng không mẫu hạm vừa đổ bộ vào nền thơ Việt đượng đại”. Nội dung trường ca nhiều tầng, nhiều lớp, đa dạng và phong phú với các dòng chảy của sử học, triết học, mỹ học, của thi học, nhân học... trên cái xứ sở phồn sinh của nền văn minh lúa nước dọc châu thổ sông Hồng cùng với những biến thiên của lịch sử. Nhà NCPB Văn Giá nhăc lại ý kiến của nhà phê bình trẻ Hoàng Thụy Anh trong bài viết “Trường ca Phồn sinh và nguyên lý truyền sinh” đã in trong tập tiểu luận “Sức mạnh của vết thương” của cô mới xuất bản gần đây: “Để thám mã sức sống trào sôi, vĩnh hằng cũng như giá trị tư tưởng của thế giới “Phồn sinh”, người đọc cần huy động tất thảy năng lực cảm thụ, cảm xúc, tư duy của mình. Bởi, “Phồn sinh”, như tên gọi của nó, sinh/chửa nhiều, ra đời nhiều, nảy nở nhiều, nhiều sự sống, nhiều hàm ý thâm sâu về kiếp nhân sinh, về sinh thái. Ngôn ngữ chủ yếu của  “Phồn sinh” là ngôn ngữ tự sự, nhưng khi hoán chuyển, phân đôi theo kỹ thuật “tấm gương”, mỗi khúc như là một giọng, cùng soi chiếu vào nhau, đối thoại với nhau. Sự phức điệu này đã khai thác tận cùng đặc tính phồn thực của sinh thái. Chủ thể trữ tình “ta” tuy giữ vai trò chủ đạo, là người kể chuyện, nhưng biết tiến lùi hợp lý, trân quý nguyên tắc điều bình của sinh thái. Vì thế, mạch thơ cứ sinh sôi, trù phú, phá vỡ dung lượng, kết cấu truyền thống của trường ca. Nhiều tư tưởng, quan niệm, chủ đề, sự kiện, sự việc,… được diễn giải, lập luận thấu đáo. Chúng như là những xương cá bám trụ chặt chẽ trên trục chính: trục phồn sinh”.

Tọa đàm còn có nhiều phát biểu trực tiếp với những góc độ khác nhau của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, như: Nguyễn Văn Dân, Trần Nhương, Trần Gia Thái, Trần Đăng Thao, Văn Công Hùng, Đặng Tiến, Hoàng Liên Sơn… PGS.TS Nguyễn Văn Dân liên hệ những sáng tác của Nguyễn Linh Khiếu với lý thuyết “Dòng ý thức” xuất hiện ở Mỹ từ cuối thế kỷ 19. TS Trần Đăng Thao cho rằng “sau Phồn sinh, sẽ còn rất lâu mới có thể xuất hiện một tác phẩm “kiểu” này”. Nhà thơ Trần Nhương và nhà nghiên cứu Đặng Tiến thì phát biểu bằng… thơ, viết về thơ NLK. Hầu hết các ý kiến đều tập trung bàn về sự tiếp nối và khác biệt của trường ca NLK với lịch sử trường ca Việt Nam từ trước tới nay; thi pháp thơ NLK - từ quan niệm đến thế giới nghệ thuật, đến các phương thức phương tiện biểu hiện độc đáo, vừa nhất quán vừa đa dạng; sự kết hợp giữa thơ tự do và thơ văn xuôi của NLK và hiệu quả nghệ thuật của chúng, v.v…

Mặc dù là một cuộc “tọa đàm mở” dạng “cà phê sách”, không có kết luận; nhưng không khí cuộc tọa đàm Nguyễn Linh Khiếu-từ “Chùm mơ tiên cảm” hết sức trang trọng, học thuật, ấn tượng. Đây là một sinh hoạt văn chương “xã hội hóa” rất cần được khuyến khích trong đời sống văn học hiên nay.

                                                                     Nhà thơ BÙI ĐỨC THỌ lược thuật


Có thể bạn quan tâm