April 29, 2024, 1:14 pm

Nguyễn Đình Thi với “Ngày về”

Ngày về

 

Hà Nội chiều nay mưa tầm tã

Ta lại về đây giữa phố xưa

Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá

Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa

 

Ta nhìn hai mắt ta nhìn mãi

Lòng ta như lửa đốt dầu sôi

Nằm lại những chân rừng đầu núi

Hôm nay bao đồng chí đâu rồi

 

Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt

Leng keng chuông xe điện đổ hồi

Lòng ta bỗng như dòng suối mát

Ta về đây, Hà Nội ơi.

 

Hà Nội trán em còn ứa đỏ

Những áo hoa còn lấm bùn nhơ

Nhưng mỗi góc tường bao máu rỏ

Còn tươi nguyên như những lá cờ.

 

Từ khắp bốn phương trời lửa đạn

Đàn con về sau những năm xa

Cởi súng gạt mồ hôi trên trán

Ta lại xây Hà Nội của ta.

8/10/1954

 

Lời bình

Sinh ra ở cố đô Lào Luanprabăng 1924, nhưng vào tuổi thiếu niên, đầu tuổi thanh niên, Nguyễn Đình Thi trưởng thành trong lòng Hà Nội. Mười chín tuổi diễn thuyết trước sinh viên Đại học Hà Nội về triết học, về vẻ đẹp thơ ca dân gian. Hai mươi tuổi viết nhạc Diệt phát xít (1944). Hai mươi ba tuổi (1946) trước khi rời Hà Nội tiêu thổ kháng chiến, với chiếc piano nhà ai đó bỏ lại ở góc vườn hoang, viết tráng ca Người Hà Nội: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây...”.

*

Và đây là một buổi sáng, nhà thơ rời Thủ đô lên chiến khu: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Không ngoảnh lại” vì dường như ông cảm thấy mình có lỗi với nơi thân yêu đang “khói lửa ngút trời”, nhưng lòng luôn thầm hẹn một “Ngày về”.

Và ông đã trở về với tư cách “người chiến sĩ” trong đoàn quân chiến thắng

Nhưng ngày trở về trong chiến thắng ấy lại rơi vào một ngày mưa, ngày 8/10/1954.

Và có lẽ do ngày mưa ấy mà ta có một bài thơ thật đẹp về một Hà Nội điềm tĩnh, trầm lắng, sâu xa, ngay cả trong những ngày vui lớn nhất. “Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá/ Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa”.

Đúng là niềm vui rơi lệ! Biết bao đổ nát, quả cảm, hi sinh, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”: “Ta nhìn, hai mắt ta nhìn mãi/ Lòng ta như lửa đốt dầu sôi”. Đúng như vậy đấy! Từ cái nhìn đăm đăm ấy, chúng ta mới thấy bao vóc hình cao quý đã “Nằm lại những chân rừng đầu núi/ Hôm nay bao đồng chí đâu rồi”, và “mỗi góc tường bao máu rỏ”.

Tất cả, tất cả bỗng vụt hiện lên trong giờ phút thiêng liêng và “còn tươi nguyên như những lá cờ”!

Nồng nhiệt một cách trầm tĩnh, trí tuệ, giản dị. Cốt cách ấy đã làm nên những trang thơ, trang kịch Nguyễn Đình Thi. Nhưng dẫu vậy, sau những giọt lệ của Tháp Rùa, một lần nữa nhà thơ lại khóc ngay bên tiếng đổ hồi ngỡ chỉ còn reo vui của chuông tầu điện. “Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt”. Tại sao thế nhỉ? Có thể đây là những giọt lệ hạnh phúc của cuộc đoàn viên “Từ khắp bốn phương trời lửa đạn/ Đàn con về sau những năm xa”. Có thể là giọt lệ trước một phong thái hiên ngang “Cởi áo gạt mồ hôi trên trán/ Ta lại xây Hà Nội của ta”. Nhưng còn một điều nữa khiến những giọt lệ ở những người cả nghĩ thường không dễ dàng: “Hà Nội trán em còn ứa đỏ/ Những áo hoa còn lấm bùn nhơ”.

Xây lại những ngôi nhà đổ nát sau chiến tranh. Và còn biết bao nhiêu những mất mát, những vết thương, những “bùn nhơ” sau những đêm dài Hà Nội trong vùng giặc tạm chiếm...

Trần Ninh Hồ

Nguồn Văn nghệ số 49/2023


Có thể bạn quan tâm