May 17, 2024, 12:03 pm

Người xứ Đông giữ hồn làng quê Việt

Ngắm tranh phong cảnh, tĩnh vật với chất liệu sơn dầu của Nguyễn Quang Hoan tôi nghĩ đến thơ lục bát, dễ làm mà khó hay. Nhưng khi đã đạt ở một cái ngưỡng nào đó, người làm thơ sẽ tạo nên những áng thơ thật mềm, thật đẹp, có thể neo mãi trong lòng người đọc. Tôi tin, những câu chuyện được kể bằng tranh của Nguyễn Quang Hoan đã và sẽ dẫn người yêu hội họa đến những vùng sâu thẳm, giản dị, bình yên và đẹp đẽ nhất trong tâm hồn.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quang Hoan

* PVXin chào họa sĩ Nguyễn Quang Hoan! Theo dõi quá trình hoạt động nghệ thuật của anh, tôi thấy anh hầu như chỉ trung thành với một đề tài là phong cảnh, tĩnh vật với bút pháp hiện thực. Anh có thể chia sẻ về sự lựa chọn này?

- Họa sĩ Nguyễn Quang Hoan: Tôi được sinh ra và có một phần tuổi thơ ở làng quê. Khi cùng gia đình lên thành phố sinh sống tôi vẫn có một sợi dây bền chặt nối với quê gốc, đó là những người thân trong gia đình lớn, là dòng họ. Những ngày được trở về quê là những ngày tôi được tắm trong bầu khí bình yên, thanh sạch, gần gũi, thuần hậu của làng. Tôi yêu làng quê bằng tất cả những gì chân thành, đẹp đẽ nhất trong tim mình. Tôi chỉ vẽ những gì mình thích, vì điều ấy luôn gợi nhiều cảm xúc và đam mê trong tôi. Tôi muốn lưu giữ những gì đẹp nhất của thiên nhiên, làng quê bình dị và thân quen qua con mắt của người làm nghệ thuật.

* Sáng tạo nghệ thuật là không ngừng nghỉ; các xu hướng, trường phái hội họa phương Đông và phương Tây hiện đại, mới mẻ vẫn tiếp tục được du nhập, tiếp biến trong đời sống mĩ thuật đương đại của Việt Nam. Có khi nào anh thấy nhàm chán và nghĩ mình cần thay đổi, thử nghiệm với đề tài, bút pháp, chất liệu mới?

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tôi làm đúng chuyên ngành của mình, tập trung ở mảng thiết kế nội thất. Nhưng rồi tôi đã nghe thấy tiếng nói ở sâu bên trong con người mình. Vẽ mới là con đường của tôi. Tôi khát khao được làm những gì mình thích, và tôi đã làm điều đó.

Là một người có gốc gác thôn quê, yêu thiên nhiên nên vẻ đẹp của thiên nhiên, làng quê đã trở thành máu thịt trong tôi. Còn vẽ thì tôi còn trung thành với đề tài phong cảnh, tĩnh vật,… Tôi luôn cảm nhận những gì mình thấy thân thuộc thường sẽ gợi những cảm xúc đẹp trong tôi. Với giới mĩ thuật, sơn dầu được cho là chất liệu trường tồn với thời gian, tranh không bị thấm nước, có độ dẻo cao, độ che phủ mạnh, dễ bảo quản. Tôi thích sự trong trẻo, tươi tắn, sống động, có chiều sâu bởi sự bão hòa, khả năng biến hóa màu sắc của sơn dầu. Nó hợp với đề tài sáng tác của tôi nên tôi vẫn muốn khai thác hơn nữa ở chất liệu này. Đúng như anh nói, sáng tạo nghệ thuật là không ngừng nghỉ. Là một họa sĩ, tôi luôn học hỏi những gì xung quanh để làm mới mình nhưng vẫn giữ những cái riêng khác của mình, tạo ấn tượng cho mỗi tác phẩm. Tôi nghĩ phong cảnh, tĩnh vật và sơn dầu hợp với cái “tạng” của tôi.

* Được biết anh đã tham gia nhiều cuộc triển lãm, tranh của anh cũng xuất hiện ở nhiều gallery, anh cảm nhận như thế nào về sự đón nhận của công chúng yêu mĩ thuật và các nhà sưu tập đối với tác phẩm của mình?

Tôi nhớ trong cuộc trò chuyện trước, anh từng nói tranh của tôi luôn gợi cảm giác vừa tươi tắn, rực rỡ vừa nhẹ nhàng, trong trẻo, bình yên và tranh của tôi thì thuộc về... số đông! Tôi tâm niệm với một họa sĩ điều hạnh phúc nhất là được công chúng yêu mến, các nhà sưu tập đón nhận những tác phẩm của mình. Điều đó chứng tỏ tác phẩm do anh ta sáng tạo nên đã chạm tới trái tim, tới cảm xúc của những người yêu nghệ thuật. Với tôi, đó là những phần thưởng quý giá nhất thúc đẩy bản thân, tạo động lực lớn cho con đường nghệ thuật mà tôi đang theo đuổi.

* Đúng là tôi từng nói như vậy. Và cho đến bây giờ, với tôi, Nguyễn Quang Hoan vẫn luôn là người kể chuyện, ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, làng quê bằng đường nét, hình khối và những gam màu,... Là một họa sĩ trẻ nhưng đã sở hữu một số lượng lớn tác phẩm nghệ thuật, điều ấy chứng tỏ năng lượng, cảm hứng sáng tạo của anh rất dồi dào. Liệu anh có bí quyết gì để sản sinh năng lượng và nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong nhiều năm qua?

- Cho đến thời điểm này, tôi nghĩ rời Hà Nội, trở về thành phố quê hương sinh sống để được gần hơn với quê gốc, với những vùng nông thôn của xứ Đông và làm nghệ thuật là một quyết định đúng đắn. Quê hương với những phong cảnh đẹp, thiên nhiên gần gũi, trữ tình đã cho tôi nguồn cảm xúc dồi dào. Được làm những gì mình đam mê giữa quê nhà lại được công chúng ủng hộ, đón nhận, điều đó cũng trở thành động lực, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo của tôi trong những năm qua.

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoan

* Cùng với quá trình đô thị hóa, thiên nhiên nói chung, nông thôn nói riêng đang dần mất đi những vẻ đẹp xưa cũ, điều ấy chắc hẳn đã tác động không nhỏ đến quá trình sáng tạo nghệ thuật của anh cũng như nhiều đồng nghiệp luôn lấy thiên nhiên, làng quê Việt làm đề tài, cảm hứng sáng tác. Là một nghệ sĩ, theo anh chúng ta phải làm gì để vừa phát triển, đô thị hóa nông thôn nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên, hồn cốt của làng quê Việt?

- Đúng là những năm qua, nông thôn ở các vùng quê của Hải Dương cũng như rất nhiều miền quê khác có sự thay đổi rất lớn. Sự thay đổi đó đã tác động không nhỏ tới đề tài và cảm hứng của tôi. Nhưng dù nông thôn có thay đổi như thế nào, với góc nhìn của một người làm nghệ thuật, tôi vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp còn hiện hữu, cả những vẻ đẹp tiềm ẩn của thôn quê. Theo suy nghĩ của tôi, chúng ta cần gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên bình dị, mộc mạc ở làng quê bằng sự quy hoạch từ tổng thể đến cụ thể, chi tiết vùng miền, việc trùng tu các di tích cần tham vấn những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và làm nghệ thuật,... Như thế, chúng ta có thể giữ được nhiều thứ, để không làm mất đi cái xưa cũ mà vẫn phát triển theo hướng hiện đại. Cùng với đó, chúng ta cần tuyên truyền vận động đến nhiều người, có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các di tích, danh thắng,... để người dân hiểu và trân trọng, gìn giữ những nét đẹp xưa cũ của làng quê.

* Đi thực tế sáng tác ở nhiều vùng nông thôn, anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm khó phai đối với anh?

- Tôi nhớ một lần trực họa trên cánh đồng đang vào vụ cấy ở quê tôi. Trong khi mọi người hối hả với việc cày cấy, với bùn đất lấm lem thì xuất hiện một “chú họa sĩ” mang toan, màu ra bôi bôi, xóa xóa. Các cô bác nông dân kéo tới xem rất đông rồi hỏi han, chuyện trò rôm rả. Có người thắc mắc: “Sao không vẽ cảnh gì cho đẹp mà đi vẽ cảnh bùn lầy thế này?”. Tôi cũng có nhiều dịp đi thực tế sáng tác tại vùng cao. Những nơi ấy thiên nhiên hùng tráng, mĩ lệ, người dân địa phương chân mộc, hồn hậu tiếp đón tôi và đồng nghiệp bằng tình cảm chân tình, cởi mở. Điều ấy làm tôi luôn xúc động và thăng hoa trong khi sáng tạo.

* Cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Phú (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 46/2023


Có thể bạn quan tâm