April 30, 2024, 1:24 am

Người trẻ “ngại” học viết văn?

Buổi tối cuối tuần, đang ngồi viết dở trang bản thảo, H.V - một cây bút trẻ ở Sơn La - gọi điện nhờ tôi tư vấn. Em ấy muốn đăng ký thi vào chuyên ngành viết văn để trau dồi kinh nghiệm và kiến thức về nghề viết. Tôi đã có cuộc trao đổi cởi mở với H.V về việc đi học viết văn. Gọi là tư vấn cho sang chứ thực tình, tôi không góp ý được gì nhiều cho H.V ngoài những kinh nghiệm thực tế của một người viết đã tốt nghiệp chuyên ngành này. 

Kết thúc câu chuyện với H.V, trong tôi bỗng hiện ra những đoạn ký ức như một thước phim tua ngược chầm chậm dẫn tôi trở lại thời điểm 17 năm trước. Khi ấy, cổng trường đại học vẫn là ước mơ với những cô cậu học trò vừa tốt nghiệp trung học phổ thông như tôi. Khác với các bạn cùng trang lứa, tôi chọn thi vào chuyên ngành viết văn thay vì các ngành đang hot khi đó như: tin học, kế toán, ngoại ngữ, sư phạm, kỹ thuật. Cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, niềm vui của tôi chưa kịp nảy nở đã phải đương đầu với sự hoài nghi của những người xung quanh mình. Đầu tiên là người thân trong gia đình. Bố, mẹ tôi lập tức đặt ra câu hỏi: Học xong ngành này con sẽ làm gì? Làm nhà văn à? Có cơ quan nào trả lương cho con để làm nhà văn không? Tiếp đến là các thầy cô giáo, ai cũng ngạc nhiên với chuyên ngành tôi chọn. Nhiều thầy cô thậm chí còn không biết có tồn tại chuyên ngành này trong hệ thống giáo dục. Các bạn cùng lớp tôi thì vui vẻ hơn, tất cả cùng chung quan điểm, ngành gì cũng được, miễn là bước được vào cánh cổng đại học.

Bên cạnh các hoạt động đào tạo văn chương, Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa thương xuyên tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học.

Tôi rời xóm núi xuống Thủ đô với hành trang là những câu thơ ghép vần vụng về, là những đoạn văn lộn xộn chưa xếp thành hàng lối để bước vào cánh cổng mang tên: Viết văn.

Khi đó, cả nước ta có 2 cơ sở đào tạo viết văn chính quy hệ đại học. Một là Khoa Sáng tác, Lý Luận, Phê bình văn học - Đại học Văn hoá Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du), hiện nay đã đổi tên thành Khoa Viết văn - Báo chí. Cơ sở còn lại là Khoa Sân khấu, Điện ảnh, Viết văn - Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội (sau 1 khoá đào tạo, trường đã dừng tuyển sinh chuyên ngành này).

Như vậy có thể thấy, nhu cầu học viết văn của các bạn trẻ không nhiều. Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội không thể tuyển đủ sinh viên nên dừng đào tạo, còn Trường Đại học Văn hoá Hà Nội vẫn cố gắng duy trì chuyên ngành từng một thời là thương hiệu của giới văn chương nước nhà bằng cách đổi tên khoa, mở thêm lớp viết báo để đủ số lượng sinh viên theo học. Nhưng theo thời gian, số lượng sinh viên lớp viết văn ngày càng giảm sút đến mức có những khóa chỉ còn vài hồ sơ đăng ký.

Thực trạng các bạn trẻ “ngại” đi học viết văn diễn ra như một điều tất yếu của xã hội, trong bối cảnh nhiều sinh viên các trường không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Thế hệ ngày nay đã không còn coi đại học là cứu cánh cho ngưỡng cửa cuộc đời như các lớp đi trước. Các GenZ chọn đi học nghề, tự kinh doanh thay vì vào đại học. Tình trạng trên khiến các trường top cũng khó tuyển đủ chỉ tiêu. Chuyên ngành viết văn càng không thể tránh khỏi điều tương tự.

Người trẻ “ngại” đi học viết văn không chỉ phụ thuộc yếu tố thời đại mà ngay ở nội tại chuyên ngành này. Việc sinh viên sau khi tốt nghiệp khó tìm được việc làm khiến chuyên ngành này ít được lựa chọn. Hoặc nếu có việc làm thì mức thu nhập không đủ hấp dẫn, không theo kịp xu thế của xã hội.

Người trẻ ngày nay “ngại” đi học viết văn một phần do sự phát triển của công nghệ. Chỉ cần một cú click có thể tra ra cả triệu trang tài liệu cần cho việc học. Không gian mạng cũng cung cấp một lượng kiến thức vô biên mà không một giáo trình nào trong các trường đại học có thể so được. Họ ưu tiên lựa chọn hình thức tự học thay vì ngồi chôn chân bốn năm trên ghế nhà trường để đổi lấy tấm bằng mà học xong không cần dùng đến.

Để có thể trở thành nhà văn, điều tiên quyết là tài năng, còn việc học tập chỉ là bổ trợ. Nếu tài năng chưa đủ lớn, thì những người có khả năng hay năng khiếu cũng có thể trở thành một cây viết chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, thành công giữa cây bút đi học viết văn và không học viết văn chẳng có chênh lệch gì. Nhiều người học viết văn xong rồi mất hút, thậm chí ngừng viết trong khi những người không học vẫn viết đều. Nhiều bạn trẻ không chọn đi học viết văn ít nhiều cũng soi vào những yếu tố đó.

Trở lại với cuộc trao đổi cùng H.V, một cô gái trẻ dân tộc Thái đến từ tỉnh miền núi Sơn La. Cô đam mê viết lách, thích viết cả truyện lẫn thơ. Tự thấy bản thân còn nhiều khiếm khuyết, muốn lấp đầy những lỗ hổng trong việc cầm bút, chỉ có con đường đi học. Tôi đã rất vui mừng khi H.V nghĩ được như vậy. Nhưng, việc H.V nhờ tôi tư vấn nó đang là mấu chốt của vấn đề.

Để đi học, H.V phải lựa chọn giữa đánh đổi và không đánh đổi. Em đang là cô giáo giảng dạy ở trường miền núi với một mức lương cao so với mặt bằng chung nhờ chính sách thu hút. Nếu đi học, H.V sẽ phải nghỉ dạy, thậm chí bỏ nghề vì không có cơ chế cho em đi học mà vẫn nhận lương. H.V sẽ phải bươn chải giữa Thủ đô đông đúc, chật chội với mức sống cao ngất ngưởng, mà lúc này H.V chỉ còn biết trông chờ vào chút tiền tích góp ít ỏi. Vừa lo học phí vừa trang trải cuộc sống giữa chốn đô thành, hành trang của H.V cũng sẽ chỉ là những con chữ còn vụng về non nớt.

Gọi điện nhờ tư vấn đồng nghĩa rằng, H.V chưa tự tin vào khả năng viết lách của bản thân và trên hết, em không dám đánh đổi công việc mình đang có để theo đuổi một ước vọng hết sức mơ hồ. Câu chuyện kết thúc bằng việc H.V nhờ tôi hỏi giúp em xem trường viết văn có đào tạo từ xa hay không. Nhưng theo tôi biết là không có cơ chế đào tạo như vậy, sinh viên phải học tập trung.

Từng tốt nghiệp lớp viết văn 13 năm trước, tôi thấy được nhiều mặt tích cực và hạn chế của ngành học này. Câu chuyện việc làm sau khi tốt nghiệp viết văn cũng công bằng như bao nhiêu ngành nghề khác. Tất cả nằm ở khả năng của mỗi người. Lớp tôi có 15 học viên thì khi ra trường không ai thất nghiệp, hầu như các anh chị em và các bạn đều được vào công tác tại các đơn vị xuất bản, báo chí, phát thanh - truyền hình. Các sinh viên có thể làm nhiều mảng khi tốt nghiệp là ưu điểm của nghề viết văn. Hạn chế là chưa có một cơ chế mở để đa dạng hóa phương thức học của sinh viên.

Để người trẻ có thể yên tâm theo học như trường hợp của H.V, cần có một hình thức trực tuyến kết hợp tập trung. Số buổi tập trung chủ yếu vào các ngày cuối tuần là các cuộc đàm đạo với những nhà văn tên tuổi và các buổi thực tế sáng tác. Những môn đại cương, lý thuyết có thể học online. Nếu làm được như vậy, nhiều người trẻ sẽ tự tin đăng ký theo học. Cách đó vừa giải quyết được bài toán ổn định đời sống bởi “cơm áo không đùa với khách thơ” vừa đáp ứng được nhu cầu học, trau dồi kiến thức cho các bạn trẻ đam mê viết lách.

Vẫn biết rằng, một tài năng lớn sẽ luôn biết vượt qua nghịch cảnh, nhưng ở thời đại công nghệ 5.0, vẫn còn những người trẻ mê viết lách là điều đáng trân quý. Việc hỗ trợ họ theo đuổi đam mê đó từ việc học chính quy là hết sức cần thiết. Bởi không mài, ngọc sẽ chẳng bao giờ sáng một cách long lanh nhất.

Ngô Bá Hòa

Nguồn Văn nghệ số 14/2024


Có thể bạn quan tâm