May 19, 2024, 10:41 pm

Người phụ nữ tiên phong

 

Nhà văn Vi Thị Kim Bình đã có hành trình gần nửa thế kỷ cầm bút sáng tác văn chương, gặt hái được những thành quả đáng trân trọng trên cả số lượng và chất lượng tác phẩm, chiếm lĩnh lòng bạn đọc.

 Nhà văn Vi Thị Kim Bình 

 Nhà văn Vi Thị Kim Bình sinh năm 1941 tại xã Hồng Phong huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn. Bà được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988. Bà đến với văn chương từ rất sớm, đặc biệt khi người phụ nữ dân tộc thiểu số đang cố gắng làm tròn bổn phận gia đình, nội trợ thì Vi Thị Kim Bình, cô y sĩ trẻ, người phụ nữ Xứ Lạng đã cầm bút sáng tác văn học để rồi trở thành hội viên nữ đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Việt Bắc, có vai trò khơi nguồn, tạo nền móng cho văn xuôi Lạng Sơn. Nhà văn Cao Duy Sơn viết: “Với truyện ngắn “Đặt tên”, tác giả Vi Thị Kim Bình đã ghi tên mình vào văn học Việt Nam hiện đại”; PGS.TS Nguyễn Duy Bắc nhận xét: “Vi Thị Kim Bình trở thành người mở đầu cho văn xuôi Lạng Sơn”.

Bà sáng tác đều đặn, thầm lặng mà hiệu quả. Tác phẩm của bà đề cập đến nhiều đề tài nhưng tiêu biểu và tập trung hơn cả là đề tài miền núi, hình tượng người phụ nữ mới trong lao động đóng góp cho xã hội. Bà đã có tác phẩm được tuyển chọn giảng dạy trong nhà trường phổ thông trung học cơ sở (phần văn học địa phương). Đặc biệt mới nhất là tập hồi ký Theo con đường gập ghềnh xuất bản năm 2018 là tác phẩm văn chương để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

 

Lao động sáng tạo, mở đầu cho văn chương miền núi

Khi ấy, người phụ nữ Tày chưa được đi học như nam giới, phải chịu bao hủ tục từ ngàn xưa như việc ép duyên, sinh con đẻ cái, làm nương rẫy… cũng như cuộc sống thấp kém và thiên nhiên hoang dã của Lạng sơn, giặc giã và chiến tranh trong cả nước và vùng biên giới… Tất cả như những câu truyện cổ tích. Vậy mà cùng thời, nhà văn Vi Thị Kim Bình đã đi thoát ly làm cô y sĩ, rồi trở thành nhà văn. Điều đó cho thấy tính tiên phong, ưu tú, mở đầu của nhà văn nữ này trong việc học hành, lĩnh hội những tư tưởng mới và tạo lập con đường đi độc lập, sáng tạo của mình. Cùng với công việc nghề y cao quý mà vô cùng vất vả của những năm chiến tranh Vi Thị Kim Bình luôn trăn trở, thôi thúc với nghiệp viết. Truyện ngắn “Đặt tên” được ra đời và nhận giải khuyến khích của Tạp chí văng nghệ Việt Bắc năm 1962; Từ đó, liên tiếp các giải thưởng: Giải Khuyến khích tuần báo Văn nghệ (1968); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác giả viết về đề tài dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam (1970); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt nam cho tác giả có tác phẩm xuất sắc nhân kỉ niệm bốn mươi năm thành lập nước (1985); Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi đề tài Lâm nghiệp Lạng Sơn năm 1987; Giải B - Giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất năm 1995, lần thứ sáu 2019 ... Và đặc biệt năm 2000, trong cuộc thi Thư viết cho người yêu do Tạp chí Thế giới trong ta tổ chức để đạt Giải nhất với tác phẩm “Những bức thư nằm trong trang nhật kí”. Những giải thưởng xứng đáng đó cho thấy vị trí và tầm vóc của nhà văn nữ Vi Thị Kim Bình trong sự phát triển của Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn nói riêng và Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. Nhà văn Vi Thị Kim Bình từ lâu đã trở nên thân thuộc và có chỗ đứng xứng đáng trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc, đặc biệt là những bạn đọc dân tộc thiểu số và miền núi. Trong việc thành lập Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam ( Năm 1991) nhà văn Vi Thị Kim Bình cũng là người đồng sáng lập Hội, cùng với các nhà văn tiền bối như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Mã Thế Vinh… Với những đóng góp đáng trân trọng đó, Vi Thị Kim Bình xứng đáng được đánh giá là một nữ nhà văn dân tộc thiểu số tiêu biểu, là một trong những cây bút văn xuôi đầu tiên có công xây dựng nền văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam. Ở tuổi tám mươi Vi Thị Kim Bình vẫn viết. Hai cuốn tự truyện “Theo con đường gập ghềnh” – NXB Hội Văn hóa dân tộc năm 2020 và “Tim tôi có vừng hồng của ánh bình minh” – NXB Hội Nhà văn năm 2022 cho thấy nghiệp viết đeo đuổi chị đến tuổi già. Cả hai tác phẩm này đều đạt giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

 

Xây dựng hình tượng văn chương bằng sự đồng cảm, đồng vọng

Cảm xúc là yếu tố đầu tiên để có được văn chương. Điều này đúng với cả văn xuôi và thơ.  Nhà văn thường là người đa cảm, nhiều cảm xúc yêu thương, dễ động lòng trắc ẩn trước hiện thực cuộc sống, đó là nền tảng xuất phát để họ đến với sáng tạo tác phẩm. Nhà văn Vi Thị Kim Bình cũng chan chứa cảm xúc trước cuộc đời, xúc động và trân trọng trước những người tốt, đau xót và cảm thông trước những người cùng khổ mà tạo dựng nên các hình tượng nghệ thuật qua tác phẩm văn chương của mình.

Với chủ yếu là thể loại truyện ngắn, nhân vật chính của nhà văn Vi Thị Kim Bình là những người phụ nữ, trong đó chủ yếu là người phụ nữ dân tộc thiểu số có phẩm chất tốt đẹp, giản dị, mộc mạc, dịu dàng, chịu thương chịu khó, giàu đức hy sinh. Họ có thể là cô gái, người vợ, người mẹ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều ẩn chứa sự chịu đựng, tính vị tha, khả năng đồng cảm và chia sẻ với người khác. Chính họ góp phần làm nên cuộc đời ngày một tốt đẹp hơn. Điều này thể hiện rõ qua hầu hết các truyện ngắn và tác phẩm của nhà văn. Từ “Đặt tên” với niềm hạnh phúc hân hoan của gia đình và người mẹ khi đứa con chào đời trong một hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh đến “ Những bông huệ trắng” nói về sự hy sinh cao cả của những nữ y sĩ trong hoàn cảnh chiến tranh để cứu sống con người. Các truyện ngắn như “ Mối tình đầu muộn mằn”, “ Ánh đuốc bên bờ suối”, “ Người bệnh là cô gái xa lạ”, “ Niềm vui”… và cả truyện dài – hồi ký “ Theo con đường gập ghềnh”… tất cả đều gắn với cảm xúc ca ngợi con người đặc biệt là người phụ nữ. Có thể nói, đó là phẩm chất đạo đức của chính con người nhà văn được hình tượng hóa qua thế giới nhân vật trong tác phẩm mà trở thành thông điệp lý tưởng thẩm mỹ văn chương. Sự đồng cảm, thấu hiểu, trân trọng, ca ngợi con người đó chính là khát vọng về một cuộc đời tốt đẹp và khát vọng văn chương cải tạo cuộc sống.

 

Lý tưởng thẩm mỹ và đạo đức nhân sinh qua tác phẩm văn học

Chính từ sự đồng cảm, đồng vọng với con người và cuộc đời mà nhà văn Vi Thị Kim Bình đã thổi vào văn chương một tình yêu con người và cuộc sống. Cảm xúc đó chi phối căn bản bút pháp của nhà văn qua mỗi tác phẩm. Văn chương của bà giản dị, chân thực, không khoa chương. Hình tượng được xây dựng bằng chính những chất liệu cuộc sống đời thường. Thông điệp tác phẩm cứ dần dần được mở ra một cách giản dị, sâu xa mà thấm thía. Tác phẩm và nhân vật như những bông hoa rừng cứ dịu dàng kết nụ, nở hoa, dâng hương. Văn chương của Vi Thị Kim Bình lung linh tỏa sáng là như thế. Những vấn đề đạo đức nhân sinh và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn Vi Thị Kim Bình đặt ra trong tác phẩm là những vấn đề cần thiết cho con người ở mọi thời đại. Con người dù ở thời đại nào cũng cần có những phẩm chất cốt lõi, căn bản như giản dị, khiêm tốn, chân thật, sống vì cộng đồng, giàu đức hy sinh, sự đồng cảm, khả năng chia sẻ. Lý tưởng thẩm mỹ văn chương mỗi thời kỳ có điểm khác nhưng không thể không gắn với khát vọng trân trọng con người và cuộc đời, yêu thương con người và cuộc đời, trân trọng và bảo vệ con người và cuộc đời. Như vậy, ở cả hai khía cạnh đạo đức nhân sinh và lý tưởng thẩm mĩ của văn chương thì nhà văn Vi Thị Kim Bình đã đặt ra những vấn đề phù hợp với mọi thời đại. Chính từ những giá trị căn bản đó mà văn chương thiết thực xây dựng con người góp phần phát triển.

 

Lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, lặng lẽ tỏa hương…Đó là phong cách nhà văn Vi Thị Kim Bình. Bà là một nữ nhà văn đáng kính của văn chương các dân tộc thiểu số và văn chương cả nước./.

Lộc Bích Kiệm


Có thể bạn quan tâm