April 29, 2024, 1:49 pm

Người lữ hành văn chương

Cầm cuốn Giọt nước thấm giữa những thời đại thi ca (1) của Khuất Bình Nguyên trên tay, theo thói quen, tôi đảo mắt qua mấy trang đầu rồi tìm ngay tới cuối sách, ở đó thường có những thông tin về ấn phẩm có thể phần nào cho thấy nội dung, quy cách và những ấn tượng ban đầu giúp cho việc chuẩn bị tâm thế để đọc.

Sau Mục lục gồm 25 bài phê bình về 25 tác giả từ trung đại tới hiện đại là mục tác giả gọi là Ghi chú với 154 tên người, tên tác phẩm, tên tài liệu, tương tự như phần Tài liệu tham khảo của các luận án tiến sĩ khoa học hiện nay. Thực ra, đó là phần Index chỉ dẫn tên người, tên tài liệu theo quy định thường thấy ở các công trình nghiên cứu nước ngoài, giúp cho người đọc tra cứu các tư liệu, các thông tin liên quan đến nội dung cuốn sách. Tuy có khác so với thông lệ ở ta nhưng nó đã cho thấy tác giả là người cẩn trọng, có phong cách làm việc khoa học, có trách nhiệm đến từng chữ, từng câu, từng tên người, tên tài liệu được viện dẫn trong cuốn sách của mình. Suy cho cùng, đó không chỉ là quy cách, là hình thức mà còn là ý thức trách nhiệm đến cùng của người viết trước chính mình và trước độc giả.

Không dừng lại ở đó, khi thâm nhập vào nội dung, từng trường hợp, từng chi tiết…, ta sẽ thấy thái độ cẩn trọng và phong cách làm việc khoa học khá nhất quán ở Khuất Bình Nguyên. Ông tỏ ra kỹ tính, cân nhắc thận trọng từng đối tượng, từng trường hợp bao nhiêu lại càng tỏ ra lọc lõi, sành điệu, tinh tế trong khiếu cảm thụ bấy nhiêu.

Được biết Khuất Bình Nguyên là người xuất thân văn chương, từng làm quan nhiều chục năm đến chức ngang với Ngự sử khi xưa, đã quen với việc cầm cán cân công lý, nay “rửa tay gác kiếm”, vì duyên nợ lại trở về với địa hạt văn chương trong cốt cách của một nhà thơ, nhà phê bình. Phải thế chăng mà ngòi bút nơi ông ít thiên về luận chiến mà nặng về cảm xúc, cảm thụ nhưng vẫn luôn giữ được sự tỉnh táo, chừng mực.

Trước tập sách này, Khuất Bình Nguyên đã từng ra mắt 2 tập: Giọt nước trong lá sen (NXB. Hội Nhà văn, 2016) và Giấu vàng trong gió thu (NXB. Hội Nhà văn, 2019). Cả hai đều nhận giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Không phải ngẫu nhiên cả 3 tập đều được tác giả định danh thể loại là Chân dung văn học. Không ít người lầm tưởng đây là thể loại dễ viết, ngon ăn. Nhưng kỳ thực, viết chân dung sao cho có duyên, có sức hấp dẫn lại không hề dễ chút nào. Bởi vì, với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thì chân dung của họ đã phần nào được tự hoạ rồi. Nhà phê bình nhiều lắm thì cũng chỉ tô vẽ, phát hiện thêm chút đỉnh, ngõ hầu góp một nét vẽ vào bức chân dung nhà văn mà thôi. Ở Việt Nam những năm gần đây, lý thuyết tiếp nhận mà người khởi xướng là học giả người Đức H.R. Jauss đã mang đến cho người đọc nói chung, nhà phê bình nói riêng một sứ mệnh mới không ít vẻ vang đó là tạo nghĩamang nghĩa đến cho tác phẩm, góp phần hoàn thiện các giá trị văn chương, hoàn thiện bức chân dung nhà văn mà các thế hệ, các thời đại luôn để dở dang, bỏ ngỏ. Để thực hiện sứ mệnh đó, nhà phê bình không chỉ cần cảm xúc, khiếu cảm thụ cá nhân tinh tế mà còn cần cả vốn liếng tri thức lịch sử văn học, tư duy lý luận, tri thức văn hoá lịch lãm (Background).

Cũng không phải ngẫu nhiên tên của 3 cuốn sách của Khuất Bình Nguyên đều gợi nên những liên tưởng, những ấn tượng về sự kết tinh, lắng đọng, về những mạch nguồn trong trẻo, tinh khiết của sự sống và thi ca.

Từ các trang viết của Khuất Bình Nguyên cho thấy cách thức tiếp cận và phong cách riêng của nhà phê bình: đó là chất tài hoa, tài tử kết hợp với chất trí tuệ uyên bác, không cần nhiều lời mà vẫn có sức lắng đọng, lay thức người đọc thông qua khám phá, phát hiện các giá trị, các vẻ đẹp tiềm ẩn, khuất lấp trong mỗi hiện tượng thơ ca. Đúng như văn hào Lỗ Tấn đúc kết: “Văn nghệ là phát minh, phê bình là phát hiện”. Nhiều khi đó chỉ là những phát hiện hết sức giản dị dễ bị bỏ qua như sự xuất hiện của hoa xoan, của tiếng cuốc kêu trong thơ trung đại mà Khuất Bình Nguyên đã dày công kiếm tìm. Để có những chiêm nghiệm tinh tế trong thơ, Khuất Bình Nguyên đã ngao du dọc mấy thế kỷ thơ ca để tìm hương sắc hoa xoan trong thơ Nguyễn Trãi; để nghe thấy tiếng cuốc kêu da diết, khắc khoải vọng về từ thơ Nôm trung đại. Dường như sau khi trải nghiệm cả rừng hoa “muôn hồng nghìn tía” khắp nơi, khắp nẻo Đông - Tây, ông lại sực nhớ đến hoa xoan quê kiểng, khiêm nhường nhưng hương sắc lại có sức dẫn dụ, mê hoặc đến không ngờ. Phải là một tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn mới lắng được các hương vị và thanh âm đó.

Có lần tôi cùng Khuất Bình Nguyên và mấy người bạn hẹn nhau uống cà-phê ở bờ hồ Ngọc Khánh, nghe anh khoe hôm vừa rồi cùng mấy ông nổi máu phi xe lên tận Sơn Tây chơi. Tưởng các ông đi thăm thú gì, hoá ra các ông kéo nhau lên bến đò Sơn Tây để xem hoa xuyến chi nở và nghe tiếng gọi đò! Qua đó tôi mới vỡ lẽ sao trong Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca lại đồng vọng nhiều thanh âm đến thế, nhất là tiếng gọi đò có sức gợi rất nhiều từ trường hợp Tú Xương – một tác giả xuất hiện vào thời khắc chuyển giao giữa hai thế kỷ, giữa hai thời đại văn chương. Âm thanh đó càng trở nên gợi cảm khi kết hợp với hương hoa xoan bảng lảng và hình ảnh con đò ghếch mũi nằm đợi khách trên bến vắng chiều quê. Có lẽ những âm thanh, hương sắc và hình ảnh ấy đã góp phần tạo nên cái thi vị tinh tế, cái cao nhã trong khiếu cảm thụ văn chương của Khuất Bình Nguyên.

Lâu nay giới nghiên cứu, phê bình văn học trong và ngoài nước mỗi khi đụng chạm tới lý thuyết và lịch sử phê bình vẫn thường tỏ ra không ít lưỡng lự, phân vân khi phải phân định các khuynh hướng, trường phái phê bình. Ở ta, Trương Tửu cũng như Thanh Lãng từng đưa ra sơ đồ có đến 6, 7 khuynh hướng, trường phái phê bình khác nhau. Còn ở Pháp, từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, người ta cũng đã khái quát thành 7 loại phê bình. Như thế đủ thấy việc nhận diện và xếp loại phê bình phức tạp đến mức nào. Với những ám ảnh lý thuyết như vậy, thật lúng túng và bối rối không biết xếp Khuất Bình Nguyên vào khuynh hướng nào trong số các khuynh hướng được gọi là: Phê bình thực chứng hay Phê bình mácxít? Phê bình khoa học hay Phê bình nghệ thuật? Phê bình chủ quan hay Phê bình khách quan?

Có lúc, ở trường hợp này, Khuất Bình Nguyên giống như một môn sinh có cùng thanh khí với Hoài Thanh (phê bình cảm thụ, ấn tượng, chủ quan) biểu hiện ở năng lực cảm thụ, ở năng lực đánh giá cá nhân, ở những ấn tượng thẩm mỹ tạo ra từ hình ảnh, câu chữ,… Nhưng cũng có lúc, ở các trường hợp khác, ta lại thấy anh giống như đệ tử trung thành của Trương Tửu và các nhà lập thuyết phương Tây (phê bình khoa học, khách quan) ở hướng tiếp cận, phương pháp và bài bản thực hành. Đã có lần, để bảo vệ quan điểm của các trường phái, Hoài Thanh không hiểu đã nhắc khéo hay nói cạnh khoé Trương Tửu rằng: “Muốn đến với Kiều, hãy bỏ mọi thứ lý thuyết và khí cụ ở ngoài cửa, chỉ cần mang theo một tấm lòng là đủ”. Đáp lại, Trương Tửu không tranh biện, lặng lẽ mang thuyết Phân tâm học của S. Freud để mổ xẻ tâm lý Thuý Kiều; mang Xã hội học mácxít để nghiên cứu Nguyễn Công Trứ; mang Thực chứng luận và thuyết Văn hoá - lịch sử của H. Taine để nghiên cứu các trường hợp khác, trong đó có cả thi hào Nguyễn Du, một cách thuyết phục. Với các lý thuyết đó, Trương Tửu đưa ra nhận xét: Nguyễn Du là sự chung đúc huyết thống họ Nguyễn và địa phương tính Nghệ Tĩnh quê cha với huyết thống họ Trần và địa phương tính Bắc Ninh quê mẹ. Từ đó ông lý giải các quan hệ và hiện tượng trong Truyện Kiều.

Như thế thì việc định xếp Khuất Bình Nguyễn vào khuynh hướng nào thật không đơn giản! Đành rằng việc đó không có hệ luỵ nhiều đến công việc của anh. Qua 25 bài phê bình trong tập sách này, có thể thấy ở anh đầy đủ các dấu hiệu, các đặc điểm của phê bình. Nghĩa là anh có thể hiện diện cùng lúc ở nhiều trường phái, khuynh hướng. Nhưng nổi trội ở anh có lẽ là khiếu cảm thụ, là năng lực thẩm mỹ chủ quan, là tư duy khoa học và hướng tiếp cận kết hợp với kiến văn sâu rộng. Đó là đặc điểm phong cách đã định hình ở Khuất Bình Nguyên.

Trong dáng vẻ của một khách lữ hành, Khuất Bình Nguyên đã thực hiện một hành trình gần hết chiều dài lịch sử thơ ca từ trung đại đến hiện đại. Lúc đầu có vẻ như chỉ là một cuộc ngao du, lãng du, một cuộc dong chơi vô tình, vô định. Nhưng khi đã dừng lại, gõ cửa chủ nhân văn chương thì Khuất Bình Nguyên không còn là khách văn, khách thơ vãng lai nữa mà là kẻ kiếm tìm có chủ đích. Ví như, khi đánh đường về làng Nhị Khê quê Nguyễn Trãi, ông rắp tâm chờ đến đúng mùa hoa xoan để xem hương sắc ấy có giống như 500 năm trước đã từng nở trong thơ Nguyễn Trãi, từng gây ấn tượng và cảm xúc cho thi nhân? Hay khi tìm về quê Tú Xương, ông dỏng tai nghe xem ở đó có còn tiếng gọi đò văn chương vọng lại từ đầu thế kỷ trước? Hay một lần khác, ông đánh đường về tận quê Nguyễn Du để cảm nhận xem gió mùa Đông Bắc thổi về đây từ hướng nào, xem lá sen liệu có gói nổi hơn ba ngàn câu thơ của Nguyễn Du hay không?… Trong cuộc kiếm tìm đó, nhà phê bình tỏ ra luôn luôn là người chủ động, dẫn dắt trường cảm xúc, dẫn dắt kẻ tri âm với tiết điệu khi thì chậm rãi khoan thai, khi thì hối hả, gấp gáp. Bằng lối tiếp cận tổng thể, toàn diện, Khuất Bình Nguyên ít khi chỉ chú mục vào một bài, một câu thơ, một truyện ngắn riêng lẻ, mà ông chú ý tới toàn bộ sự nghiệp sáng tác, đặt nó trong bối cảnh thời cuộc và văn chương, không loại trừ cả bằng nghệ thuật phong thuỷ để sâu chuỗi, bình giá và lý giải. Mỗi nhà văn, nhà thơ với Khuất Bình Nguyên thực sự là một trường hợp (case) để ông nghiên cứu, chọn lựa chất liệu và tập trung vốn liếng để vẽ nên bức chân dung sinh động nhất, hoàn hảo nhất, theo ông, về đối tượng phê bình.

Theo mạch thời gian và cảm xúc, các trang viết của Khuất Bình Nguyên thấm tháp đạo lý văn chương, tình bằng hữu, tạo nên các rung động thẩm mỹ thánh thiện, thuần khiết khiến ta cảm nhận được cái hay, cái đẹp huyền ảo của văn chương.

Trong đội ngũ thưa thớt các nhà phê bình văn học được xem là có phẩm cấp hiện nay, Khuất Bình Nguyên là cây bút có nghề, chỉn chu, có bản sắc, có sức thuyết phục và hấp dẫn. Các nét vẽ chân dung mà Khuất Bình Nguyên phác thảo nên có thể chưa phải là nét vẽ cuối cùng về nhà văn, nhà thơ được ông lựa chọn nhưng ít nhất, đó là những nét vẽ, nét phác hoạ góp vào bức tranh chân dung mà công chúng và nhà phê bình các thời đại đang hướng đến. Họ mới là người đồng hành vĩnh cửu của lịch sử văn học. 

______

1. NXB. Hội Nhà văn, 2023

PGS. TS. Phan Trọng Thưởng

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm