May 20, 2024, 12:52 am

Người kể chuyện “Mệnh đế vương” và vai trò người đọc trong nghệ thuật tự sự

Tân lịch sử là dòng văn học phát triển khá rầm rộ, với nhiều thành tựu rực rỡ. Thế hệ hậu sinh muốn nương theo lịch sử để đi tìm những bí ẩn, những khuất lấp chưa được vén màn. Trương Thị Thanh Hiền với “Mệnh đế vương” đã phục dựng lại một thời kỳ lịch sử hơn 40 năm từ cuối triều đại Lý Hạo Sảm đến hết đời Trần Cảnh. Song, điều đáng nói không phải là ở chiều dài thời gian, hay chiều rộng không gian mà ở độ sâu của những tấn bi kịch tâm lý của các nhân vật, trung tâm là số phận làm vua của Thiện Hoàng – Trần Cảnh.

Đến với mỗi tác phẩm văn học, chúng ta không thể không đặt những câu hỏi: ai là người kể, kể về vấn đề gì, và kể như thế nào. Có lẽ đấy cũng là nỗi trăn trở của mỗi nhà văn khi cầm bút, làm thế nào để thực hiện ý đồ của mình một cách hoàn hảo nhất. Vì vậy, lý thuyết tự sự học kinh điển, với nhiều tên tuổi như R. Barthes, G. Genette, T. Todorov, P. Ricoeur, Claude Bremond…, đã dồn Người kể chuyện (Narrateur, NKC) vào trung tâm cấu trúc văn bản, nó không chấp nhận bất kỳ hệ lụy nào từ phía tác giả

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về NKC. R. Barthes cho rằng: NKC là nhân vật giấy, nó mang chức năng môi giới giữa thế giới nghệ thuật được miêu tả với độc giả tiếp nhận[1]. T. Todorov thì cho rằng: NKC không chỉ mang chức năng kể mà còn định giá và đánh giá[1]. Nhưng điều cần đặt ra ở đây là dựa trên cơ sở nào để nhận diện NKC. G. Genette đã dựa trên mối quan hệ giữa người thuật truyện và câu chuyện mà anh ta kể, để nhận diện NKC. Và ông đã chia NKC ra làm 3 kiểu: NKC dị sự, NKC đồng sự và NKC tự thống chế.

Trên cơ sở lý thuyết tự sự học ấy, chúng ta nhận thấy NKC trong Mệnh đế vương là NKC dị sự toàn năng. Đây là kiểu tự sự giấu mặt. NKC đứng sau nhân vật để bài trí, tổ chức, sắp xếp câu chuyện. Anh ta đứng ngoài nhưng lại lộng quyền phán xét. Với cách kể này, tác giả Mệnh đế vương có cơ hội phản ánh mọi vấn đề, mọi sự kiện của lịch sử, chính trị, văn hóa, tôn giáo… Ở đó, NKC có một năng lực vô song của nhà biên sử, nhà y học, nhà biên soạn và khảo cứu Folklore và đặc biệt là nhà phân tích tâm lý.

Tái hiện một thời kỳ lịch sử đầy bạo loạn, binh đao khói lửa không gì trực tiếp cho bằng miêu tả việc chuẩn bị vũ khí. NKC đã chọn được điểm khởi sự đắc địa. Bởi ở đó, NKC không chỉ có cơ hội để thêu dệt nên những truyền thuyết, huyền thoại về nghề rèn, mở rộng không – thời gian tác phẩm mà còn trực tiếp tạo dựng mối quan hệ quen biết giữa các nhân vật xoay quanh lò rèn của lão Kiền. Cũng từ cách kể đó, NKC đánh giá phán xét thời cuộc, trách cứ con Trời gây ra cảnh loạn ly, máu chảy, đói kém trăm bề: có trách thì trách ông trời… còn muốn trách gần hơn nữa thì trách con của trời[2]. Để từ đó NKC đi vào tâm điểm câu chuyện.

Tâm điểm câu chuyện là câu chuyện làm vua của Lý Hạo Sảm, Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Xoay quanh là bi kịch của biết bao nhân vật khác từ Thái sư Trần Thủ Độ, Thái sư phu nhân Trần Thị Dung, Công chúa Chu Vũ, Thuận Thiên… đến cả những cung nữ như Dương Diên, Dương Nghi; gia nô Phạm Đức Việt, Phạm Gia Tú; và cả Lưu nhân, Lưu Hòa, Nguyễn Phước Hậu… Đọc Mệnh đế vương chúng tôi nhận thấy, hầu hết nhân vật trong tác phẩm đều có bi kịch và những bi kịch ấy gần như mang chung một tên là bi kịch của thân phận mà cụ thể là bất đắc dĩ sinh ra mang trong mình sứ mệnh đế vương.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh vì vương quyền các thế lực sẵn sàng dẫm đạp lên nhau, lên đạo lý và lương tri, nhưng liệu ai đã dặt ra câu hỏi và trả lời rốt ráo như Trương Thị Thanh Hiền, rằng những người sinh ra trong vương quyền có hạnh phúc trong thân phận đế vương? Bằng cách kể lại cuộc đời của các đấng bậc đế vương, NKC đã chỉ cho ta câu trả lời chân thực mà sinh động nhất bởi nó đã chạm được vào những mê lộ bi kịch trong sự rối rắm của những thân phận và tính cách.

Ngay như hoàng tử Lý Hạo Sảm đâu có muốn ngồi trên chiếc ngai vàng được xây bằng vô số thây người chết đói, chiếc ngai vàng nhuốm lênh láng máu của anh em chú bác mình, ông chỉ muốn sống yên vui bên nàng Ngừ, sẵn sàng đánh đổi ngôi báu vì nàng. Rốt cuộc ngai vàng thì ông không giữ được vì quanh mình không người thân cận phò tá, bản thân lại là kẻ mềm yếu từ bi, cận thần nổi loạn khắp nơi… mà tình yêu của nàng Ngừ ông cũng không bao giờ có được, ông chỉ lãnh nhận về cho mình người đàn bà Trần Thị Dung, cùng với tham vọng đoạt vị soán ngôi vô bờ của dòng họ Trần.

Hay nàng Ngừ mang trong mình bi kịch cũng chỉ vì vận vào lời sấm của thầy địa lý: Phấn son chiếu về. Hoa sen nở trước mặt. Ngày sau nhờ sắc đẹp đàn bà mà lấy được thiên hạ[2], mà Trần Thị Dung phải vâng mệnh làm vợ ông vua yếu đuối, ẻo lả Lý Hạo Sảm, bà mang tội giết chồng (Lý Hạo Sảm) rồi lại lấy kẻ giết chồng (Trần Thủ Độ), bà lại đoạt vương quyền và cả hạnh phúc của đứa con gái tội nghiệp Lý Chiêu Thánh… Nhưng bà được gì cho bản thân ngoài đau khổ mà chính NKC đã khẳng định bằng một câu hỏi xót xa số phận nào đã buộc bà hy sinh nhiều như vậy?[2].

Cuộc đời của Lý Chiêu Thánh cũng không một phút được hạnh phúc. Tuổi thơ thiếu vắng tình cảm mẹ cha, bởi mới 7 tuổi đầu nàng đã phải mang trên mình gánh nặng vương quyền. Được hưởng chút vuốt ve của mẹ thì phải đánh đổi bằng chiếc ngai vàng mà đến khi lớn lên nàng luôn mang trong mình mặc cảm là kẻ phá tan cơ nghiệp của ông cha, dòng họ, xé tan những trang sử vàng hiển hách của dòng họ Lý oai hùng. Bao giờ nàng cũng sống trong đau khổ và căm thù những người ruột thịt nhất, đặc biệt là mẹ mình – người đàn bà mang họ Trần. Nỗi đau như vồ vập cuốn xé nàng:

Nhường ngôi đã vậy lại nhường chồng

Nông nỗi chàng ôi có thấu lòng

Vẫy nước đùa nhau thành sóng cả

Dâng triều lên cuốn thiếp giữa dòng.

Nhưng có khác gì Chiêu Thánh, Thiện Hoàng cũng sống trong nỗi đọa đày khốn cùng của thân phận đế vương. Làm vua dưới quyền của Quốc Thượng phụ Trần Thủ Độ, đến khát vọng hạnh phúc giản dị vợ chồng như một người dân thường cũng không thể được bởi người là vua. Chàng yêu thương Phật Kim hơn cả bản thân mình, không chỉ vì nàng đã trao cả giang sơn cho chàng mà sâu xa là chàng hiểu được những bi kịch đớn đau của người từng là vua, là vợ mình. Tột cùng bi kịch của hai người là mưu lược tráo phượng đổi hoàng của Thái sư Trần Thủ Độ, để Đông cung có chủ thì Thiện Hoàng phải dẹp hết tình riêng mà vì đại cuộc. Phế truất hoàng hậu Chiêu Thánh, lập Thuận Thiên làm hoàng hậu. Đó không chỉ là bi kịch chia uyên rẽ thúy của riêng Thuận Hoàng – Chiêu Thánh, mà còn là bi kịch của Trần Liễu – Thuận Thiên, của người mẹ bất đắc dĩ phải vô tình với hạnh phúc của hai đứa con… Đó cũng là đầu mối để nhân vật bộc lộ tính cách rõ ràng nhất, cũng từ đó, số phận của mỗi nhân vật rẽ về mỗi hướng khác nhau: Thiện Hoàng thoát tục không xong, vẫn phải kiên trì mang trên lưng cây thập giá của đời mình – số phận làm vua, còn Chiêu Thánh lui về bóng tối, về lãnh cung u uẩn như chính tâm sự của đời nàng.

Nếu Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết Hồ Quí Ly muốn chia sẻ những khó khăn to lớn của một nhà cách tân vĩ đại thì ở Mệnh đế vương Trương Thị Thanh Hiền đi sâu phân tích những bi kịch tâm lý sâu sắc – bi kịch của người mang số phận làm vua, cho đến khi xuất thế nhập thiền Văn Hoàng còn phải ngậm ngùi: Số phận của ta là số phận của một đế vương, phải gắn liền với số phận của trăm họ, cho nên bây giờ đã là người tự do, ta vẫn không nỡ bỏ ra đi, vẫn quanh quẩn quanh Đại Việt này cho đến chết, để khi nhắm mắt xuôi tay vẫn tự hào rằng mình đã làm tròn bổn phận đế vương[2]. Vì vậy, nhân vật lịch sử trong tác phẩm hiện lên không phải để được tôn vinh hay nhằm giải thiêng mà NKC đã khôi phục lại diện mạo của ý thức hệ tư tưởng Nho giáo thời bấy giờ và con người là nạn nhân của ý thức hệ ấy, con người không vượt qua vòng cương tỏa của nó, kể cả Thiên tử.

Mệnh đế vương còn ngồn ngột biết bao huyền thoại, truyền thuyết về mỗi vùng đất, con người và sự ra đời hay suy vong của mỗi triều đại. Đó là truyền thuyết về làng Cổ Pháp quê hương Thái Tổ Lý Công Uẩn và sự ra đời đầy mộng triệu của vị vua lịch sử huyền thoại này. Hay sự suy thoái của Lý Hạo Sảm ứng với câu thơ Mặt trời gác núi thế là hết (chữ Sảm gồm chữ Nhật ở trên chữ Sơn)… NKC tài hoa đã lồng vào giữa những biến cố tang thương ấy là những truyền thuyết hư ảo, những yêu thương và hận thù song câu chuyện vẫn chặt chẽ thống nhất đến bất ngờ.

Nhưng, cũng khởi đi từ NKC, bạn đọc đặt ra câu hỏi NKC là ai mà có khả năng siêu phàm, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa tri nhân sự như vậy? Tác giả nên chăng xác định vai cho NKC để câu chuyện thêm phần thuyết phục, ngược lại, bạn đọc có quyền hoài nghi, liệu NKC ở đây là kẻ nói dối có ý thức.!

Thêm nữa, đọc xong dòng cuối của tác phẩm là người đọc như thấu triệt được nội dung mà tác phẩm muốn chuyển tải. Chính lối viết quá ư đầy đủ, phân tích kĩ lưỡng của ngòi bút Trương Thị Thanh Hiền đã đẩy người đọc vào cảnh an nhàn, thanh nhã trong thụ động. Bởi NKC như Chúa toàn năng nắm trong tay mình toàn bộ chân lý vĩ đại của loài người, và độc giả như những con chiên chịu sự dắt dẫn ấy. Độc giả hiện đại không an phận thụ động lãnh nhận mà phải là người đồng sáng tạo, họ tích cực kiếm tìm chân lý nhưng cội nguồn ý nghĩa ở văn bản đã được bóc tách cụ thể nên cuộc tìm kiếm đó trở nên vô ích bởi đi đâu họ cũng gặp điều mà NKC đã kể, và nghĩa là gặp lại chính mình.

Vấn đề chúng tôi đặt ra có thể còn mang màu sắc chủ quan cảm tính. Song, không hiểu sao khi đọc xong Mệnh đế vương tôi có cùng cảm giác như khi đọc Mật mã Da vanci, vụ án đã khép lại, lịch sử đã khép lại, nó không thôi thúc tôi mở sách ra lần thứ hai. Điều đó hoàn toàn khác với cảm xúc khi tôi cầm trên tay cuốn Tên của đóa hồng, cũng là tác phẩm trinh thám, vụ án đã trở nên minh bạch, thủ phạm đã bị trừng phạt bằng cái chết thảm khốc, nhưng tác phẩm vẫn cứ ám ảnh, réo gọi người đọc truy tìm những đường dẫn đến chân lý. Có lẽ, Umberto Eco đã dấn thân Đi tìm sự thật biết cười[3], khi cho rằng: Có lẽ sứ mệnh của kẻ yêu nhân loại là biết làm cho con người cười vào chân lý, làm chân lý cười lên, vì chân lý duy nhất là việc học để giải phóng chúng ta ra khỏi sự đam mê chân lý một cách mù quáng[4].

TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT

_______________________

Tài liệu tham khảo:

[1] Trần Huyền Sâm (biên soạn và giới thiệu, 2010), Những vấn đề lý luận văn học phương Tây hiện đại, NXB Văn học, tr. 262.

[2] Trương Thị Thanh Hiền (2011), Mệnh đế vương, NXB Hội Nhà văn, tr.7, 112, 314, 614.

[3] Tên sách của Umberto Eco (2004), Đi tìm sự thật biết cười, Nxb Hội nhà văn, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.

[4] Umberto Eco (Đặng Thu Hương dịch, 1989), Tên của đóa hồng, NXB Trẻ TP HCM.


Có thể bạn quan tâm