May 15, 2024, 12:23 pm

Người giữ gìn những viên ngọc quý của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam

Ghi theo lời kể của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Nông Quốc Chấn - Con người sinh ra và lớn lên ở Núi Hoa - Phja Bjoóc ấy, chừng tuổi thập tam, thập lục đã tỏ rõ là người có trí thông minh, có trí nhớ tốt lại ham học và có uy tín trong vùng hơn người! Mấy anh em nhà anh lúc bấy giờ tuy còn nhỏ tuổi mà đã làm được thầy Tào, giúp cho bà con người dân tộc Tày trong vùng thực hiện các thủ tục thuộc về nghi lễ vòng đời. Do giặc giã đàn áp, bắn giết gây tội ác khắp châu vùng, tất cả mấy anh em nhà anh do căm thù giặc mà đều đã tham gia Cách mạng từ rất sớm. Anh bảo, hình ảnh dữ dội gian khổ của nhà anh cũng là hình ảnh thu nhỏ của Việt Minh thời bấy giờ.

- “Trước cách mạng Tháng Tám một năm, ông anh cả Nông Văn Noạn bị bắt, sau được ra tù lại đi hoạt động tiếp. Ông anh thứ hai Nông Văn Bọc làm thầy, cũng bị địch lùng bắt ráo riết, đem giam rồi bắn chết. Sau khi tôi vào bộ đội giải phóng quân của châu Ngân Sơn, Nông Viết Toại em trai tôi cũng bí mật trốn vào rừng theo Cách mạng”.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (Ngoài cùng, bên trái, hàng thứ 2) và các trại viên tại Trại sáng tác Tam Đảo năm 2000
 

Tôi quý trọng anh Chấn vì anh là người cán bộ chân thành, trong sáng, trung thực và nhiều khả năng thi ca. Chính lòng yêu cuộc sống quê hương cùng với khát vọng vươn tới sự đổi đời cho quê nhà có một cuộc sống độc lập trong hòa bình đã chắp cho anh một ý chí theo Việt Minh làm cách mạng đến cùng, thi ca cho anh một đôi cánh bay bổng. Thơ của anh là tiếng vọng của hằng hà kỷ niệm đằm sâu trong hơi gió của núi rừng Việt Bắc: Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa thu đã hết rồi… (Bài thơ Khâu áo)… Anh cũng là một nhà lãnh đạo văn hóa có tầm nhìn. Anh cả quyết với tôi rằng âm nhạc nó có sức cảm hóa sấm sét lắm! Cánh phụ nữ không phải là ngoại lệ!

- “Thật mà! Hồi mấy anh em nhà này đi làm Tào, mạn Tủm Tó, Lủm Chang, có lần vào Cạp Trạng cách Chợ Rã hơn chục cây số. Mỗi lần làm Lễ, cử nhạc lên một cái là trời đang nắng cỡ nào cũng phải mưa xuống!”

Những năm 1958-1959, Nhà thơ Nông Quốc Chấn xuất bản và cho ra mắt tập thơ Tiếng ca người Việt Bắc, cũng cùng thời gian đó, cùng với anh Chấn, tôi đóng góp cho miền núi Đông Bắc bộ ba tác phẩm tạo thế chân vạc vững chãi: Hợp xướng Xuân về trên bản, Ca khúc Lời ca gửi noọng và Ca khúc Suối Mường Hum còn chảy mãi. Đồng thời, trong thời gian này, anh Chấn đặc biệt ưu ái làm lời Tày cho Ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của tôi. Điều đó đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Tày - một trong những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta đến công chúng.

Chúng tôi thường đem sáng tác mới nhất của mình ra trao đổi rất hào hứng. Tôi còn nhớ, lần gặp trong hội diễn năm 1961, anh Chấn đưa cho tôi tập chép tay bản thảo tập thơ Người Núi Hoa của anh viết bằng hai thứ tiếng Tày-Việt, nói là sau khi bài thơ Dọn về làng giành được nhiều ưu ái của thính giả trong nước và nước ngoài, anh đã có nhiều cảm xúc để viết về quê hương của anh và dồn nhiều thời gian tập hợp bản thảo này…

*

Hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, trước tiên Nông Quốc Chấn là một nhà văn hóa đúng nghĩa, am hiểu văn hóa và có cách ứng xử rất phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng, đặc biệt dù ở cương vị nào, anh cũng tìm mọi cách để bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Là một cán bộ lãnh đạo của Bộ Văn hóa, ông có công xây dựng, gìn giữ, phát huy hệ thống tổ chức bộ máy làm văn hóa, văn học nghệ thuật ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số; Gìn giữ và điều chỉnh, phát triển một số thiết chế làm văn hóa dân tộc thiểu số khi bỏ cấp Khu, như: Bảo tàng Tổng hợp Khu Việt Bắc thuộc Khu chuyển thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc thuộc Bộ, Đoàn Văn công Việt Bắc thuộc Khu chuyển thành Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc thuộc Bộ (nay là Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc), trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc thuộc Khu đưa về thuộc Bộ, Nhà Xuất bản Việt Bắc đưa về nhập vào Nhà Xuất Bản Văn hóa -Thông tin của Bộ Văn hóa, sau một thời gian anh lại đề nghị tách ra lập thành  Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc trực thuộc Bộ Văn hóa và hàng loạt các cơ sở đào tạo cho ngành văn hóa, giáo dục liên quan đến bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Anh tích cực vận động, làm thủ tục lập Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số (nay là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) để tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số Việt Nam làm văn hóa, mà bộ phận tinh hoa là đội ngũ những người làm văn học nghệ thuật. Đội ngũ này như những viên ngọc quý được tích góp dành dụm ngày một đông đảo.

*

Anh Chấn và tôi đã có nhiều kỷ niệm gắn với bài hát Tiếng hát giữa rừng Pác Bó. Trong một lần hội diễn nghệ thuật tổ chức ở miền núi phía Bắc, có 4 đơn vị hát bằng tiếng Kinh, lời hát lộ cộ, giai điệu xê dịch, lời nọ lẫn lộn lời kia, ngang ngang lơ lớ. Anh nói với tôi:

- Anh Tuệ à! Các diễn viên người dân tộc thiểu số ở đây yêu bài hát lắm! Có điều, anh chị em diễn viên người Tày ở đây nói Tiếng Việt không êm mượt như tiếng mẹ đẻ!

- Thế thì theo anh, ta nên làm thế nào?

- Mình nghĩ, âm nhạc của bài hát này rất quen thuộc và gần gũi với bà con dân tộc Tày. Chi bằng ta sáng tạo thêm lời ca bằng tiếng Tày nữa! Chắc chắn bài hát còn ở lại lâu dài hơn nữa!

- Anh nói có lý có tình lắm! Làm như thế là phải!

Thế rồi, nhà thơ Nông Quốc Chấn cùng tôi bàn bạc, trao đổi đi đến thống nhất dịch lời, mô phỏng lời, cho in, cho phổ biến Ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bằng song ngữ Tày-Việt. Sau đó, báo Cao Bằng đã đăng trọn bản phỏng dịch ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó bằng tiếng Tày. Bản dịch này đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa dân gian khen là vừa sát ý, vừa giàu chất thơ, chất trữ tình lãng mạn, lại hợp với màu sắc dân gian của then Tày.

Bài hát đang lúc được phổ biến rộng rãi thì “tai nạn” lại xảy ra. Có mấy lá đơn gửi Ban Tuyên giáo, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, nội dung tố cáo Nguyễn Tài Tuệ đã dùng hát then Tày - là một loại hình âm nhạc tâm linh, ma quái, mang tính đồng cốt để viết ca khúc ca ngợi Bác Hồ. Đây xem như là một việc làm bất kính đối với lãnh tụ. Việc làm bất kính này phải đưa ra công luận để phê phán mạnh mẽ và đương nhiên tác giả bài ca này phải chịu kiểm điểm thật sâu sắc!

Trước sự có mặt của Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, cả Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Nhà thơ Nông Quốc Chấn cũng có mặt lúc đó, tôi trình bày, cách đây mấy tuần vừa tiến hành dịch một bài then ca ngợi Bác Hồ cho tốp ca nữ Đài Tiếng nói Việt Nam hát, bài hát đã được thu thanh và phát. Tôi xin hát cả lời Tày và lời dịch của mình. Nghe tôi hát xong, Nhà thơ Nông Quốc Chấn xác nhận ngay đó là lời then của người Tày vùng Bắc Kạn. Không phải chỉ nơi này mà nhiều nơi cũng có nhiều lời then hát ca ngợi Bác. Then là điệu hát tâm linh, linh thiêng, lời ca là lời thơ đẹp đẽ mang tính ca ngợi tổ tiên, ông bà, ca ngợi những bậc tiền liệt được nhân dân kính yêu, thờ phụng, không có ma quái, đồng cốt nào ở đây cả! Anh Chấn nói rằng, Nguyễn Tài Tuệ đã hát đúng, dịch đúng lời then và viết lên được một bài hát ca ngợi Bác như thế thật đáng khen ngợi. Mọi người lúc bấy giờ mới thở phào.

Sau cuộc, anh em tôi tay nắm chặt tay nhau mừng vui chẳng muốn rời. Anh bảo tôi:

- Mình định lấy cái tứ ở lời ca của Tuệ “Suối reo dưới chân Người qua. Đất rung tiếng ca nở hoa Tháng Tám” để đặt tên cho tập thơ tới đây của mình, cũng là ghi dấu một kỷ niệm đặc biệt của chúng ta gắn với Ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, anh Tuệ có đồng ý không?

Tôi mừng rỡ đáp liền:

- Em đồng ý!  Được như thế thì còn gì hạnh phúc bằng!

Bẵng đi một thời gian dài, lúc gặp lại, anh đã giữ cương vị lãnh đạo ở Bộ Văn hóa, lúc bấy giờ không khí giải phóng đất nước đang đến rất gần, tôi vinh dự nhận được tập thơ Bước chân Pác Bó từ anh cùng với lời đề tặng rất trân trọng. Kỷ niệm năm xưa của anh em tôi với Ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó lại hiện lên tươi ròng, như vừa mới hôm qua!

Bùi Tuyết Mai

Nguồn Văn nghệ số 46/2023


Có thể bạn quan tâm