May 19, 2024, 7:47 pm

Người chỉ huy trung đoàn pháo phòng không đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, mảnh đất miền Trung đầy nắng gió đã sản sinh ra biết bao vị tướng tài ba có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Làng Cao Lao Hạ nằm bên bến phà Gianh tuy bé nhỏ nhưng là địa linh nhân kiệt. Mảnh đất này có khá nhiều văn nhân võ tướng, đặc biệt là Trung tướng Lê Văn Tri, vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông là người chỉ huy trung đoàn pháo phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Làng Cao Lao Hạ thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Nơi đây có nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Trong phong trào Cần Vương có vị tướng Lê Mô Khải đã lãnh đạo nghĩa quân tổ chức nhiều trận đánh ác liệt không cho giặc Pháp vào làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, có đến 3 vị tướng. Trung tướng Lê Văn Tri về sau còn là vị tướng trực tiếp chỉ huy bộ đội phòng không - không quân đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mĩ trên bầu trời Hà Nội, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm rung chuyển cả thế giới.

Tư lệnh Lê Văn Tri (đứng) trình bày với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng về kế hoạch tác chiến Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội năm 1972

Theo hồi kí Mặt đất và bầu trời của Trung tướng Lê Văn Tri thì ông sinh ngày 13 tháng 9 năm 1921, nhằm ngày 12 tháng 8 năm Tân Dậu, trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, lại mồ côi cha từ rất sớm. Ông tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn rồi gia nhập quân đội, đánh thắng nhiều trận lớn nhỏ trên chiến trường Bình - Trị - Thiên. Từ một chiến sĩ lúc đầu ném quả lựu đạn không biết rút chốt, đến năm 1951 ông đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 đánh đồn diệt viện và chiến thắng giòn giã. Sang năm 1952, hai Trung đoàn 95 và 18 của Đại đoàn 325 được lệnh hành quân ra giải phóng huyện Quảng Trạch, phía bắc tỉnh Quảng Bình. Trung đoàn 18 có nhiệm vụ tiến đánh Mỹ Hòa, chặn đánh quân tiếp viện. Trung đoàn 95 nghi binh hành quân vào Lệ Ninh rồi bí mật vượt Cao Mại ra Trung Thuần để đánh Ba Đồn.

Theo đúng kế hoạch, đêm 30/5/1952, Trung đoàn 18 nổ súng trước, tiêu diệt đồn Mỹ Hòa, khống chế pháo địch ở đồn Thanh Khê. Sau hai giờ tiến công Ba Đồn, Trung đoàn 95 đã mở đột phá khẩu và nổi kèn xung phong. Xung kích ào ào tiến vào khu trung tâm dùng lựu đạn, súng trường, tiểu liên quét địch. Ta diệt được ba lô cốt và sở chỉ huy của địch. Đến lô cốt thứ tư, bọn chúng dùng đại liên bắn áp chế không cho xung kích xông vào. Bọn trên chòi gác cũng tung lựu đạn xuống tới tấp nên ta chỉ để lại một bộ phận nhỏ bao vây đồn, đại bộ phận lực lượng trung đoàn rút ra chặn đánh quân tiếp viện. 

Sáng ngày 31/5/1952, địch cho máy bay ném bom xung quanh Ba Đồn và điều một tiểu đoàn Âu - Phi đến tiếp viện. Trong khi hai bên đang đánh nhau quyết liệt thì bọn địch còn lại trong đồn thừa cơ chạy về Thuận Bài và được ca nô cứu thoát.

Huyện Quảng Trạch được giải phóng hoàn toàn, Trung đoàn 95 tiếp tục vào phía Nam đứng mũi chịu sào trên chiến trường Bình - Trị - Thiên để phần lớn Đại đoàn 325 rút ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Tháng 3 năm 1953, vùng Quảng Điền đang vào mùa gặt. Bọn địch điều quân đi cướp lúa. Một bà mẹ ở Hạ Lang bàn với Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 Lê Văn Tri làm bè chuối, nấu cơm cho bộ đội ăn cả ngày, quyết không cho địch vào làng để đến tối vượt sông. Trận Quảng Thái - Hạ Lang, Trung đoàn 95 đã tiêu diệt và làm bị thương trên 800 tên Pháp, bảo vệ được mùa màng. Thế mà bọn địch rải truyền đơn rêu rao Trung đoàn 95 bị xóa sổ và Trung đoàn trưởng đã chết trận.

Cuối tháng 3/1953, Trung đoàn trưởng Lê Văn Tri ra Việt Bắc để chỉnh quân chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên đường ra Bắc, ông ghé thăm Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Các đồng chí trong Thường vụ đã ôm lấy ông và vui mừng khôn xiết: “Thế mà địch thả truyền đơn tại thị xã Đồng Hới loan truyền rằng Lê Văn Tri đã chết.” Ông lên huyện Tuyên Hóa thăm gia đình nơi tản cư. Bà Lưu Thị Khinh vợ ông nước mắt lưng tròng, mếu máo:

- Anh còn sống à?

Ông cười vang:

- Tất nhiên! Anh sẽ sống cùng em đến đầu bạc răng long.

Ra Việt Bắc, ông đến Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị thì gặp người đồng hương Đồng Sĩ Nguyên. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên ôm lấy Lê Văn Tri xúc động nghẹn ngào: “Tri còn đây mà địch đưa tin Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 đã chết.” Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên lo giấy tờ cho ông đến lớp chỉnh quân chính trị ở Việt Bắc. Hai người cùng quê Quảng Bình, ở bên bờ hai nhánh sông Gianh.

Tháng 7/1953, Lê Văn Tri sang Trung Quốc tập huấn và làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 367, đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:

- Quân ủy đã quyết định cử đồng chí Lê Văn Tri làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Đoàn Phụng làm Chính ủy. Trung đoàn 367 là trung đoàn cao xạ đầu tiên của của quân đội ta. Giờ đây mặt trận trên không bắt đầu. Trung đoàn cao xạ đang cần đến các đồng chí.

Sáng 30 tháng 7 năm 1953, đồng chí Lê Văn Tri đặt chân đến Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và được đưa về Trung đoàn pháo cao xạ 367 đang đóng ở thị trấn Tân Dương, cách Nam Ninh gần 100 cây số. Mọi cái đối với ông vô cùng lạ lẫm, nhất là bộ máy ngắm và máy đo xa quang học. Trung đoàn huấn luyện quân sự, tiến hành bắn đạn thật và chỉnh quân chính trị vừa xong thì đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đến. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh phát biểu động viên trung đoàn:

- Tình hình khẩn trương lắm rồi, chiến trường đang chờ các đồng chí. Chúng ta phải chạy đua với thời gian, tranh thủ luyện tập từng giờ từng phút. Cả bảy pháo thủ phải sử dụng thành thạo khẩu pháo 37mm như một chiến sĩ bộ binh thiện xạ sử dụng khẩu súng trường. Được như vậy thì nhất định máy bay địch phải bị rơi.

Đồng chí Lê Duẩn đang có mặt tại Trung Quốc cũng ghé thăm và có lời chúc anh em:

- Mọi việc anh Thanh đã chỉ thị và giao nhiệm vụ cho các đồng chí rồi. Tôi chúc các đồng chí khỏe và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới.

Đồng chí Trung đoàn phó Nguyễn Quang Bích chỉ huy hai tiểu đoàn và một đại đội súng máy về trước. Bốn tiểu đoàn còn lại về sau để bảo vệ giao thông.

Từ đây cuộc đời của đồng chí Lê Văn Tri bước sang trang mới. Lần đầu tiên ta dùng pháo cao xạ 37mm để chế ngự bầu trời, trong khi đó, đội quân nhà nghề thực dân Pháp đã có xe tăng và hai phi đoàn máy bay cường kích, một phi đoàn máy bay vận tải và một số máy bay chỉ huy trinh sát ngay từ đầu cuộc chiến. Nhìn lại những ngày đầu cuộc kháng chiến, quân và dân ta với vũ khí bộ binh, súng máy cao xạ thu được của địch đã bắn rơi máy bay địch ở một số nơi. Với những vũ khí thô sơ, đến hết năm 1950, quân dân ta đã bắn rơi và phá hủy 149 máy bay các loại của địch. Đến năm 1952, tổ chức lực lượng phòng không của quân đội ta mới chỉ có một đại đội pháo cao xạ 37mm, phần lớn là súng máy phòng không và trung liên, đại liên. Nay ta đã có một trung đoàn pháo cao xạ được biên chế thành 6 tiểu đoàn hỏa lực, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội pháo 37mm và 1 đại đội súng máy 12,7mm. Từ nay không quân Pháp không còn tự do làm mưa làm gió trên bầu trời được như trước nữa.

Đầu tháng 11 năm 1953, Trung đoàn pháo cao xạ 37mm chuẩn bị tham gia chiến dịch Đông Xuân. Sau 17 ngày hành quân gian khổ, ngày 8/1/1954, Trung đoàn 367 đã vượt qua chặng đường dài hơn 500km qua đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo vào vị trí tập kết an toàn, bí mật, đúng kế hoạch. Trong 25 ngày, đơn vị đã vượt chặng đường dài hơn 1.000km từ Trung Quốc về đến Điện Biên Phủ. Nhưng kéo pháo vào rồi lại phải kéo ra theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Để động viên các chiến sĩ kéo pháo ra, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết bài hát Hò kéo pháo. Vì gần địch nên phải giữ bí mật một cách tuyệt đối. Khẩu pháo của Khẩu đội 3, Đại đội 827 thuộc Tiểu đoàn 394 có dây tời bị đứt suýt bị rơi xuống vực. Đồng chí Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện đã cứu pháo bằng cách lái càng pháo vào vách núi và anh đã anh dũng hi sinh.

Trong lần về gặp gỡ với văn nghệ sĩ Quảng Bình tại thị xã Ba Đồn mới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh bài hát Hò kéo pháo ra đời khi ta kéo pháo ra chứ không phải kéo pháo vào. Nhạc sĩ Hoàng Vân kể lại, ban đầu lời bài hát là Hò dô ta nào, kéo pháo ra vượt qua đèo/ Hò dô ta nào, kéo pháo ra vượt qua núi… Nhưng về sau để thể hiện khí thế hào hùng của lực lượng pháo binh vào trận chiến, nhạc sĩ đã chữa chữ “ra” thành chữ “ta”. Chính quyết định lựa chọn phương án kéo pháo ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bảo đảm chắc thắng và tiết kiệm đến từng giọt máu của người lính trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù.

17 giờ chiều ngày 13/3/1954, pháo binh ta đồng loạt nổ súng dội bão lửa xuống cụm cứ điểm Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay Mường Thanh. Pháo ta bắn chính xác, khóa mõm pháo của địch ở Mường Thanh, 5 máy bay địch bị phá hủy, kho xăng bốc cháy. Lần đầu tiên trong một trận đánh, quân ta chế áp được không quân Pháp trên bầu trời. Sân bay Mường Thanh là sân bay chính của quân Pháp ở Điện Biên Phủ không hoạt động được (Điện Biên Phủ còn có sân bay dự bị Hồng Cúm). Bộ đội phòng không đã yểm trợ và tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh, pháo binh tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam sau 4 giờ chiến đấu. Sự xuất hiện bất ngờ của bộ đội pháo phòng không trong những ngày đầu của chiến dịch đã làm cho các tướng lĩnh đội quân nhà nghề bất ngờ, choáng váng. Kết thúc đợt 1, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 14 máy bay các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác, hạn chế được hoạt động của không quân địch, chi viện đắc lực cho bộ binh và các binh chủng bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mất sân bay Mường Thanh, việc tiếp tế bằng đường không của bọn địch từ Hà Nội lên Điện Biên trở nên khó khăn. Chúng chỉ còn một cách là thả dù. Để ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ta, chúng tập trung đánh phá các tuyến đường vận tải vào Điện Biên. Được sự bảo vệ của ba Tiểu đoàn pháo phòng không 385, 392, 396, hàng vạn chiếc xe đạp thồ từ Thanh Hóa, Lai Châu, Cao Bằng kìn kìn nối đuôi nhau chở lương thực đạn dược ra mặt trận. Ba Tiểu đoàn 381, 383, 394 chiến đấu suốt ngày đêm tại mặt trận Điện Biên Phủ, không cho máy bay địch đến thả dù tiếp tế. Vì sợ lưới lửa phòng không của ta, chúng không dám sà xuống thấp, thả dù vội vàng trên cao nên đa số hàng hóa vũ khí hạng nặng rơi vào trận địa của ta.

17 giờ 30 phút ngày 30/3/1954, quân ta mở chiến dịch đợt hai, tiến công đánh chiếm một số cứ điểm phía đông Mường Thanh. Ngay trong đêm đó, các cứ điểm C1, D1 và E của địch đã bị tiêu diệt. Khó khăn nhất là đồi A1. Đã qua một đêm tiến công dồn dập nhưng sáng 31/3, Trung đoàn 102 Đại đoàn 308 chỉ mới chiếm được một phần ba quả đồi ở phía đông. Bọn địch chỉ chờ mặt trời ló lên phía đông trên dãy Hồng Lếch là tung ra một lực lượng lớn có xe tăng, pháo binh chi viện hòng chiếm lại. Bọn địch dựa vào hầm ngầm, công sự kiên cố, chúng liên tục phản kích hòng đẩy ta xuống chân đồi. Ta và địch giành đi giật lại từng thước đất. Bộ chỉ huy đã lệnh cho Trung đoàn 174 Đại đoàn 312 tăng cường phối hợp với Trung đoàn 98 đánh mạnh vào đồi A1. Nhiều tốp máy bay địch đánh phá trận địa của ta, yểm trợ cho bộ binh của chúng xông lên. Đại đội 827 đồng loạt nổ súng, bắn rơi tại chỗ chiếc bay đầu, những chiếc còn lại vội vã tăng độ cao vòng ra.

Trong 6 ngày, các lực lượng phòng không của ta bắn rơi 6 chiếc và bắn bị thương nhiều chiếc khác. Tính đến ngày 11/4/1954, bộ đội phòng không và pháo binh đã bắn rơi và phá hủy 49 máy bay địch, bắn bị thương hàng chục chiếc khác. Ngày 2/5/1954, 30 chiếc B-26, 4 chiếc GB-24, 14 chiếc SB-20, 3 chiếc F4U lần lượt đánh nhiều đợt vào các trận địa của ta. Các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ, đồng loạt nổ súng đánh địch quyết liệt, bắn rơi 2 chiếc B-26 và 2 chiếc SB-20…

Suốt 55 ngày đêm chiến đấu, bộ đội ta đã lần lượt mở ba đợt tấn công. Đúng 17 giờ chiều ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội pháo cao xạ đã bắn rơi 62 máy bay các loại, riêng Trung đoàn 367 bắn rơi 52 chiếc, bắn bị thương 117 chiếc khác. Không những các tiểu đoàn trên mặt trận Điện Biên Phủ mà ngay cả những tiểu đoàn bảo vệ huyết mạch giao thông vận tải vẫn bắn rơi máy bay. Trận Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ta ở thế thượng phong, khống chế không phận, bảo vệ được mục tiêu, cắt đứt cầu hàng không của địch. Địch huy động hết kho dù của chúng ở Đông Dương, lập cầu hàng không chở dù từ Nhật, Mĩ sang nhưng không đủ. Chiếc xe đạp thồ của đội quân nông dân Việt Nam đã chiến thắng các phương tiện vận tải hiện đại nhất của thực dân Pháp được đế quốc Mĩ đứng đằng sau hà hơi tiếp sức.

Trung đoàn 367 là một trong những đơn vị có trang bị tương đối hiện đại đầu tiên của quân đội ta, làm cơ sở và nòng cốt cho việc phát triển lực lượng phòng không hiện đại sau này. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên Trung đoàn pháo cao xạ 367 hiệp đồng binh chủng, được Bộ chỉ huy chiến dịch biểu dương: “Bộ đội pháo cao xạ trẻ tuổi, anh dũng tuyệt vời. Lần đầu tiên ra trận đã chiến thắng vẻ vang.” Và đồng chí Lê Văn Tri, vị tướng tài ba của lực lượng Phòng không - Không quân đầu tiên của quân đội ta đã có nhiều đóng góp trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ bầu trời miền Bắc sau này, Tư lệnh Lê Văn Tri lại chỉ huy bộ đội Phòng không - Không quân ngoan cường đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng không quân đại quy mô của đế quốc Mĩ. Quân dân ta đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, bắn rơi 34 chiếc B.52, con át chủ bài của Mĩ. Đòn cân não có tính chất quyết định buộc Mĩ cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Mùa xuân năm 1975, bộ đội phòng không - không quân còn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần thống nhất Tổ quốc.

Hơn 40 năm gắn bó với quân đội, năm 1989, Trung tướng Lê Văn Tri nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày 1 tháng 12 năm 2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã kí quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Lê Văn Tri, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

_______

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Mặt đất và bầu trời, hồi kí của Trung tướng Lê Văn Tri, Nxb Quân đội nhân dân, 2006.

2. Miền sóng vỗ, hồi kí của Phó đô đốc Hải quân Mai Xuân Vĩnh, Nxb Quân đội nhân dân, 2011.

3. Trọn một con đường, hồi kí của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nxb Quân đội nhân dân, 2012.

4. Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb Quân đội nhân dân, 2004.

5. Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Quảng Trạch, tập I (1945 - 1996), Sở VHTT Quảng Bình, 1996. 

Hoàng Minh Đức

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024

 


Có thể bạn quan tâm