April 29, 2024, 5:20 pm

Nghĩ về thơ ta bây giờ

Thơ ta đã chọn lọc, tiếp thu những yếu tố tích cực hợp lý sáng tạo của các trào lưu tư tưởng nghệ thuật hiện đại từ chủ nghĩa lãng mạn cuối thế kỷ XVIII đến chủ nghĩa tượng trưng cuối thế kỷ XIX và chủ nghĩa siêu thực đầu thế kỷ XX.

Kết quả thấy rõ là tạo ra một thi pháp mới khác với thi pháp truyền thống cả phần hồn phần xác. Phương Tây hơn một trăm năm mới đi hết con đường từ lãng mạn đến siêu thực. Thơ ta chừng mười lăm hai mươi năm đã ngốn hết con đường đó. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, thơ cách tân và tạo ra một cuộc cách mạng trong thơ ca. Thực ra con đường thơ vận động và phát triển không phải bao giờ cũng thuận lợi mà có nhiều đứt gẫy, hụt hẫng, phải chắp nối.

Bây giờ cũng đã gần 25 năm, một phần tư thế kỷ XXI. Cộng 25 năm trước nữa, từ 1975, vậy cũng đã gần 50 năm, đất nước thống nhất, văn chương nghệ thuật cùng chung một nhà. Quan sát kỹ, chúng ta thấy cứ độ mươi mười lăm năm thơ đã có thay đổi. Đầu thế kỷ XXI ở ta rộ lên Hậu hiện đại, chống lại hiện đại. Hậu hiện đại đẻ thêm Tân hình thức với hiệu ứng cánh bướm, tính truyện trong thơ, câu thơ vắt dòng. Sơ sài và tùy tiện. Tân hình thức đoản mệnh, chẳng được bao lâu. Nhưng cái hậu hiện đại chung chung thì còn dai dẳng. Bên cạnh mở rộng tự do, không gian thời gian, tạo ra bình đẳng trong thực hành thơ, “công lao” của hậu hiện đại còn là phá bỏ trung tâm, xóa mờ thể loại, sử dụng ngôn ngữ thông thường, tầm thường. Nàng thơ thôi đài các, có khi lấm láp, ăn nói bặm trợn. Gần đây thơ ta (và cả hội họa ta) đã ướm chân vào nghệ thuật đương đại. Rõ nhất ở thơ là lực lượng sáng tác, đông, xô bồ, đủ mọi tầng lớp: Già trẻ, chuyên nghiệp không chuyên, trí thức đại chúng, nghèo túng giàu có doanh nhân... Họ được đào tạo bài bản, hoặc tự học tự phát, ngẫu hứng chơi sang...

Phải công nhận lực lượng trẻ năng lực năng động dàn hàng ngang “xông lên” chiếm lĩnh các tòa soạn báo chí, các nhà xuất bản. Thơ cứ in ra ầm ầm, nhiều quá. Mà thói thường cái gì nhiều cũng mất giá. Gương mặt thơ nào gây được ấn tượng, còn phải nhiều tìm kiếm.

Khán giả trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21. Ảnh: Hữu Đố 

Nhớ lại, những năm 1975-1985, sáng tác thơ chủ yếu vẫn là lực lượng cầm bút đã qua hai cuộc chiến tranh. Từ sau 1985 trở đi, chúng ta có thể điểm mặt Nguyễn Quang Thiều, Trương Nam Hương, Nguyễn Bình Phương, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Thị Kim, Mai Quỳnh Nam, Đặng Huy Giang, Phan Hoàng, Trần Anh Thái, Inrasara, Dương Thuấn, Tuyết Nga, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Bảo Chân, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Quang Đạo... Tiếp sau nữa, thế hệ 7X, 8X hùng hậu, khoe sắc khoe thanh, nhưng trụ lại gây ấn tượng chưa nhiều. Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Nguyễn Quang Hưng, Lữ Thị Mai. Và thấp thoáng có Bùi Việt Phương, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Hà Hương Sơn, Nguyễn Thị Kim Nhung... Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư xuất hiện thật rộn ràng đình đám. Người đọc nhớ Lữ Thị Mai ngay từ tập thơ dầu tay Giấc (2010). Nguyễn Quang Hưng, Lòng ta chùa chiền (2013) nặng lòng với văn hóa làng quê, những lễ hội dân gian truyền thống. Gần đây nhất, Hà Hương Sơn in Cuộc hành hương của giấc mơ (2021), ý tứ, ngôn từ mới, khơi khơi sinh động rất khác với những gì chúng ta đọc hàng ngày. Nhưng cũng như Văn Cầm Hải, Hà Hương Sơn lại đang gồng gánh về văn xuôi.

Theo tôi, lực lượng sáng tác thơ đông mà điểm mặt đặt tên với những cây bút trẻ  còn lưng lửng thưa thớt, chưa định hình. Một thực tế chúng ta đã biết: khởi đầu của một thế hệ cầm bút, đông vẫn là thơ, dần dần chuyển sang các nghệ thuật khác, chung thủy với thơ không nhiều. Hiện nay có sự đóng góp tích cực của hàng ngàn câu lạc bộ thơ, tính đại chúng, đại trà của thơ là không tránh khỏi. Thơ trở thành món hàng tầm tầm. Người thực sự đọc thơ không nhiều: người có trách nhiệm, các biên tập viên các báo chí, xuất bản, các nhà thơ có ý thức với thơ, người nghiên cứu, sinh viên các giảng đường đại học. Cứ gì ở ta, những năm cuối thế kỷ XX quần chúng Pháp đã lơ là với thơ. Thơ hiện đại, ngôn ngữ trúc trắc, bí hiểm, xa cách với lời ăn tiếng nói hàng ngày và nội dung riêng tư không quan hệ gì tới vận mệnh của họ.Vì vậy họ tìm đến ca khúc - nghệ thuật quần chúng, ngôn ngữ bình dị, nội dung gần gũi. Người Mỹ bình thường không dành thời gian cho thơ. Họ thấy thơ hiện đại quá mù mịt, quá khó khăn để đọc hiểu hoặc giải khuây. Do đó thơ hiện đại Mỹ chi xuất hiện trên mạng hoặc máy in cá nhân không thể có ở các hiệu sách

Chúng ta bình tĩnh, nghiêm túc đọc thơ. Chúng ta đọc trong một tình thế phải chấp nhận: bạn đọc lạnh nhạt với thơ, các nhà thơ cũng ít đọc thơ. Công bằng chúng ta vẫn nhận ra thơ có nhiều cách tân, nhiều cách biểu hiện, có ý thức gắn với đời sống. Lớp trẻ làm thơ trả lại tự do cho chữ, khiến cho câu thơ sinh động, có khi dông dài, có lúc giản lược, chơi chữ. Họ tìm kiếm những tương ứng, những so sánh bất ngờ, tạo những biểu tượng, gợi lên những ý tưởng vượt ra ngoài tư duy lôgic. Vậy sao mối quan hệ giữa thơ với bạn đọc lại hờ hững bẽ bàng?

Chất lượng thơ yếu kém không đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ, trình độ của người đọc. Đúng nhưng chưa đủ. Đời sống cá nhân, kinh tế, xã hội, cơ chế tổ chức hiện nay dành thời gian riêng tư cho mỗi người hạn hẹp. Người ta tìm đến những thư giãn nhẹ nhàng, thoải mái, nhanh gọn, hơn là đọc những câu thơ đau đầu mà chưa hiểu được ý nghĩa. Thơ bị “lép vế” trước những nghe nhìn hiện đại.

Theo tinh thần duy lợi, thơ cần có ích, mang lại một thú vui, gây xúc động, gợi trí tưởng tượng. Thơ tạo ra cái đẹp, đổi mới cách nhìn, mang lại cách nhìn có tính trí tuệ. Thơ làm giàu cảm xúc và kích thích người ta hành động, an ủi xoa dịu nỗi đau, làm thanh sạch những dục vọng, ca ngợi lòng tận tâm vì con người, vì dân tộc. Như vậy nhà thơ phải sống cuộc sống kép bằng trái tim và trí tuệ.

Thơ ta bây giờ ít đụng đến những vấn đề chung, rộng lớn. Đất nước, nhân dân vẫn kiên cường tỏa sáng, tình yêu, cái sống cái chết, vui buồn vẫn nhiều, nhưng trong thơ niềm vui như dè dặt, nỗi buồn cũng nhỏ nhoi. Tôi khao khát được đọc những câu thơ, bài thơ nhiều xúc động, đặt ra và gợi những suy nghĩ, trách nhiệm với cuộc đời. Những bài thơ, một thời về Tổ quốc của Tố Hữu, Chế Lan Viên... về đất nước, nhân dân của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm... vẫn luôn có tác dụng nâng dậy con người hướng đến những cao đẹp. Đành rằng mỗi thời mỗi khác. Thời nào thơ ấy. Xã hội thay đổi, thị hiếu thẩm mỹ đổi thay, thơ cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ấy. Nhưng những cảm hứng lớn, tình cảm lớn bao giờ cũng quý cũng cần thiết.

Thơ không phải chỉ là tình cảnh mà cái chính là thái độ trước tình cảnh đó. Cho nên tư tưởng nghệ thuật là hồn cốt của thi phẩm. Đọc bài thơ, người đọc có thể nhận ra tư tưởng tác giả, tư thế và trình độ văn hóa của tác giả. Có thể thấy các tác giả trẻ khao khát khẳng định tiếng nói của thế hệ mình bằng cái mới, cái khác, bằng quan niệm thơ, giọng điệu, phương thức thể hiện. Nhưng để trở thành một tác giả thực thụ, cần một tư tưởng nền tảng định hướng, một ý thức chuyên nghiệp. Nghề gì cũng thế, có chuyên nghiệp mới tạo ra được một cách đi đứng, một nét riêng, một kết quả mong muốn. Điều này chưa rõ ở những người làm thơ trẻ.

Gần đây tôi được đọc tập thơ Nếu một tuần nữa là tận thế (NXB Hội Nhà văn, 2023) của một tác giả rất trẻ, Đặng Chân Nhân. Tập thơ luôn đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời: Thế nào là sống, thế nào là chết. Và phải sống như thế nào?. Ở tuổi 17,18, tác giả đã đặt câu hỏi: Chúng ta là gì? Con người là gì? “Chúng ta có phải là thần - bị biến thành người - để có thể cảm thấy cái chết? Chúng ta có phải là quỷ - được biến thành người - để cảm thấy tình yêu?... Tại sao chúng ta ở đây?” (Cuộc sống 3). Cái chết là gì? Là một bóng ma, vô hình “hoặc đơn giản là tan vào hư không - và làm bạn với bóng tối” (Vườn vô vọng). Trôi nổi trong bóng tối. Sự sống cái chết luôn hòa trộn trong một trạng thái tự nhiên… “Những ngôi sao trên trời - nói với tôi rằng - tôi vẫn còn sống - hay đây là cái chết”. Chết mà vẫn tồn tại dưới một dạng vật chất khác. “Tôi không sợ chết - tôi biến thành một bóng ma lảng vảng một cách kín đáo - và bay tới một nơi tôi thực sự thuộc về” (Cái chết, những giọt nước mắt và hối tiếc). Thế nên con người sống và cần sống như thế nào?

 Mọi người thường cố gắng giống thần tượng của họ

giống một người khác

làm bản sao của người khác

... sao không làm người đầu tiên?

(Câu hỏi)

Thấy được tính hai mặt, lưỡng phân của cuộc đời, tác giả khẳng định:

Những điều tốt đẹp xảy ra

và những điều tồi tệ cũng vậy

... mọi thứ không luôn luôn tốt

nhưng cũng không luôn luôn nghiệt ngã

... Để chúng ta sẽ luôn luôn có thể lạc quan

và biết chắc rằng sau cơn mưa trời lại sáng

Đó là những suy nghĩ thấm đẫm tư tưởng nhân văn, tích cực chủ động trong mọi ứng xử, khẳng định bản thể, cá thể để tồn tại. Và cao hơn là một thái độ tôn trọng cuộc sống dành những gì tốt đẹp cho những người cùng sống

chúng ta cùng cảm thấy biết ơn

vì đã có mặt trong cuộc sống của nhau

Nếu một tuần nữa là tận thế, nhà thơ vẫn cảm thấy thanh thản vì mình đã sống đã yêu đúng nghĩa “tôi đã yêu như chưa bao giờ được yêu”

Trong một thế giới nhiều bất an, đầy những tai ương hiểm họa, tập thơ đặt ra nhiều câu hỏi và nhiều gợi ý trả lời để chúng ta đồng cảm và suy nghĩ. Thơ trẻ bây giờ ít có những câu thơ, bài thơ tư tưởng như thế. Thiếu vắng tư tưởng, thơ trẻ loay hoay tìm kiếm, hình thức kỹ thuật, câu chữ, cách nói. Đó chỉ là thời trang, thời trang luôn thay đổi.Thực tế lớp trẻ bây giờ có trình độ văn hóa cao, tri thức nhiều, trong thơ đã bộc lộ những trăn trở suy tư. Nhưng cần cao hơn, không chỉ suy tưsuy nghiệm, lý lẽ, thái độ. Có như thế thơ bớt nhạt nhòa, nồng nàn sâu sắc hơn.

Nhận ra thực trạng của thơ, cũng rất cần tiếng nói tâm huyết của phê bình. Công việc phê bình văn học nói chung, thơ nói riêng vẫn có đấy. Nhưng nhiều bài “phê bình” chung chung, điểm sách hời hợt như thơ (dở). Có khi phê bình theo phương thức “đổi công”. Anh viết về sách của tôi, tôi viết “phê bình” về sách của anh. Tung hứng lẫn nhau, chẳng nghĩ gì đến người đọc và thiên chức phê bình. Có bài phê bình chỉ nhặt ra mấy câu, mấy bài của một tập thơ, một đời thơ tác giả, một vấn đề rộng lớn của thơ rồi bình tán chữ này, hình ảnh kia y như các cụ xưa bình điểm văn chương.

Phê bình thơ phải là tiếng nói chân tình, hiểu biết, trách nhiệm, đồng hành, phát hiện, mới mong giúp ích vào việc nâng cao chất lượng sáng tạo thơ. Cứ dựa vào khung lý thuyết phương Tây thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cứ siêu thực thì làm sao tìm được cái siêu việt (siêu Việt) của thơ ta.

Mã Giang Lân

Nguồn Văn nghệ số 48/2023


Có thể bạn quan tâm