May 14, 2024, 11:56 pm

“Nghĩ khác” về chuyện “thiếu trường”

Trước thềm năm học mới 2023-2024, dư luận rộ lên những phàn nàn, chỉ trích… về việc thiếu trường công lập Trung học phổ thông (THPT), nhất là trên mạng xã hội.

Chỉ nói riêng ở Tp. Hà Nội đã có tới 33.000 cháu bị “loại” khỏi các trường công lập. thậm chí, việc đăng ký cho con em vào học tiếp ở các trường dân lập mà nhiều nơi phụ huynh cũng phải xếp hàng chờ chức rất khổ sở. Truyền hình quốc gia cũng phát cảnh phụ huynh phải nằm ngồi la liệt xuyên đêm xếp hàng chờ đến lượt để đăng ký cho con em vào học lớp 10…

Đúng là ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, các cháu mà không được đi học thì biết làm gì? Vậy nên việc các cháu cần tiếp tục được đi học là điều xã hội phải đáp ứng. Tuy nhiên, có một vấn đề cần “đặt ngược” để suy nghĩ nghiêm túc: Học xong trung học cở sở (THCS), có nhất thiết các cháu phải tiếp tục học lên THPT hay không?

Bản thân các cháu học sinh và gia đình các cháu, ai cũng muốn cho con em mình được tiếp tục học, học lên đến hết đại học rồi mới nghĩ đến việc đi làm. Đấy là một mong muốn chính đáng! Nhưng mong muốn có đạt được hay không và đạt được rồi thì sẽ làm gì tiếp theo thì đa phần ở giai đoạn này các cháu và gia đình các cháu ít người nghĩ đến.

Hiện nay, theo thống kê, hàng năm tại Việt Nam có trên dưới 240.000 sinh viên tốt nghiệp đại học. Theo số liệu của Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực thuộc bộ Giáo dục & Đào tạo, năm 2020 số sinh viên có việc làm so với tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học là 68% và số liệu những năm gần đây cũng xoay quanh tỷ lệ ấy. Có nghĩa là có đến trên dưới 30% sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm. Như vậy là mỗi một năm, có khoảng 72.000 tấm bằng đại học được trao cho sinh viên tốt nghiệp không có giá trị gì. Những người này hoặc phải chuyển sang học nghề “làm thợ” để kiếm sống; hoặc phải học tiếp để kiếm tấm bằng đại học thứ hai; hoặc phải chấp nhận làm công việc của lao động phổ thông giống như những người không học hành gì…

Ở các nước có nền giáo dục thuộc tốp tốt nhất nhì thế giới như Mỹ, Canada, Phần Lan, Đức, Singapo… ta thấy họ đều có chung một mô hình giáo dục theo hình chóp nón. Có nghĩa là càng lên bậc giáo dục cao hơn thì số lượng trường đào tạo càng ít đi. Ở ta, phổ cập giáo dục ở trình độ THCS thì các trường tiểu học, THCS công lập cần có đủ và hiện tại là đã đủ cho tất cả các cháu theo học. Riêng các trường THPT, nếu áp dụng theo mô hình chóp nón như các nước tiên tiến thì hiện tại, số lượng các trường công lập của ta cũng chỉ nên dừng lại ở mức ấy là vừa.

Xin trở lại với kỳ thi vào lớp 10 của các cháu học xong THCS: những cháu trượt vào trường công lập đương nhiên là học lực kém hơn các cháu thi đỗ. Những cháu học lực yếu hơn này, theo logic thì rồi đây cũng sẽ rất khó vào đại học (ĐH); hoặc giả một số ít vẫn vào được ĐH thì sau này cũng khó có thể trở thành các nhà nghiên cứu khoa học hay là một kỹ sư, cử nhân có trình độ chuyên môn cao. Mục tiêu đào tạo ĐH là nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải chỉ cốt có tấm bằng để làm đồ trang sức hoặc “lá bùa” để  lọt vào những vị trí việc làm “danh giá” của xã hội. Cả nước ta hiện nay có tới trên 240 trường ĐH, hàng năm cho ra lò rất nhiều sinh viên tốt nghiệp thừa nhu cầu của xã hội. Điểm chuẩn đầu vào cho các trường ĐH theo Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2023 có sàn là 18 điểm cho ba môn, nghĩa là bình quân các môn chỉ cần đạt điểm 6 là có thể trở thành sinh viên ĐH. Qua đó ta cũng có thể thấy chất lượng đào tạo không thể tốt được, chính vì vậy, tấm bằng ĐH ở Việt Nam mang ra nước ngoài hầu như giá trị rất thấp. Từ những lý do đó, thiết nghĩ: Đối với những cháu học sinh thi vào lớp 10 công lập không trúng tuyển thì không nhất thiết phải học tiếp THPT mà Nhà nước nên cho mở nhiều trường trung cấp nghề để thu hút lực lượng học sinh này. Các cháu học hết THCS có tuổi đời ít nhất là 15 tuổi, sau ba năm vừa tiếp tục học các môn khoa học cơ bản vừa học nghề thì khi ra trường các cháu cũng có trình độ học vấn tương đương lớp 12 và lại còn có một cái nghề để kiếm sống, cùng lúc này, các cháu cũng đã đủ 18 tuổi để trở thành nguồn nhân lực chính của xã hội.

Hiện nay, Việt Nam ta đang có cơ cấu về dân số rất thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, còn gọi là “Cơ cấu dân số vàng”. Theo thống kê, nước ta có khoảng 99 triệu người trong đó nhóm tuổi dưới 14 chiếm 25,2%; nhóm tuổi từ 15 đến 65 chiếm 69,3%; nhóm tuổi trên 65 chiếm 5,5%... Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể để lãng phí nguồn nhân lực vì chẳng bao lâu nước ta cũng sẽ trở thành nước có cơ cấu dân số già đi. Riêng về mặt giáo dục, theo trình bày trên đây, ta thấy mỗi năm có đến 72.000 tấm bằng ĐH vô giá trị thì nếu số lượng người này rời ghế nhà trường ngay từ những năm học xong THCS để đi học trung cấp nghề, thì ta đã tiết kiệm được trên dưới nửa triệu lao động mỗi năm. Ở đây cũng mới chỉ nhắc đến những tấm bằng ĐH vô giá trị, chứ chưa thống kê được những tấm bằng tốt nghiệp phổ thông không cần thiết và nhu cầu số lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy cho những đối tượng thừa ấy, nếu thống kê được thì có thể chúng ta đang để lãng phí hàng triệu lao động hàng năm.

Về chất lượng nguồn nhân lực, theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nước ta hiện có 55,77 triệu người thuộc đối tượng lao động chính. Trong đó chỉ có 12,7 triệu lao động đã qua đào tạo từ trung cấp, cao đẳng đến ĐH, chiếm 22,8%. Trong số lao động đã qua đào tạo thì trình độ ĐH và trên ĐH chiếm 46,5%, cao đẳng 32,9% còn lại trình độ trung cấp chỉ chiếm 20,6%. Với những con số trên, hiển nhiên ta thấy tỷ lệ giữa lao động có trình độ ĐH và trên ĐH so với lao động trình độ trung cấp nhiều gấp trên hai lần. Ở trình độ ĐH và trên ĐH là nhóm lao động trí óc gắn liền với nghiên cứu và quản lý. Người làm nghiên cứu và quản lý không trực tiếp làm ra sản phẩm nhiều hơn gấp bội người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm thì làm sao có đủ sản phẩm để nuôi nhau? Sự mất cân đối trong nguồn lực lao động hiện nay ở nước ta thường được nói là “thừa thầy, thiếu thợ” cần phải được điều chỉnh gấp, đồng thời cần có biện pháp để nhanh chóng nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chất lượng cao từ 22,8% lên mức trên 50% mới đuổi kịp với trình độ của các nước trong khu vực.

Không phải cứ ai học giỏi là sau này sẽ thành đạt. Tất nhiên, học giỏi thì tốt rồi, nhưng bươn trải trong đời sống xã hội, người ta cần có rất nhiều những kỹ năng sống khác, ngoài ra còn là gặp thời thế, gặp thầy, gặp bạn hay có thể gọi là gặp may nữa… Để thành đạt, không nhất thiết người ta cứ phải học qua đại học. Có rất nhiều những tấm gương cụ thể trong nước và nước ngoài để chứng minh điều đó. Mặt khác, nếu nói chúng ta đang thiếu trường THPT thì cũng rất phiến diện, bởi các trường dân lập còn thoải mái cho các cháu ngồi học, chẳng qua do chất lượng đào tạo của các trường không đồng đều, các vị phụ huynh thì ai cũng muốn cho con em mình vào học ở các trường để đỡ tốn kém, nên mới xảy ra tình trạng phải chen chúc, xếp hàng để đăng ký; trong khi đó có nhiều trường THPT dân lập không tuyển đủ chỉ tiêu. Thiết nghĩ, các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng nên tuyên truyền sâu rộng để làm thay đổi nếp nghĩ trong thanh thiếu niên, trong các gia đình, về con đường lập nghiệp của con em, không nhất thiết cứ phải học hết phổ thông rồi lên đại học. Nếu học lực kém thì sau khi tốt nghiệp THCS nên rẽ sang một lối khác là các trường dạy nghề. Sau này vẫn còn cơ hội để phát triển và nếu là người tài thì cũng vẫn cứ thành đạt. Đồng thời, Nhà nước cần hạn chế số lượng các trường ĐH thông qua việc khép chặt tiêu chí về chất lượng giáo dục, nâng điểm sàn trúng tuyển vào các trường ĐH cao hơn lên, giảm bớt số lượng sinh viên có học lực yếu. Cùng đó là phát triển hệ thống các trường dạy nghề, khuyến khích và có chế độ ưu đãi để con em những gia đình nghèo cũng có thể theo học các trường này. Được thế, cái lợi trước mắt là đất nước sẽ tiết kiệm được nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển và tăng trưởng kinh tế, xã hội, giảm bớt gánh nặng cho gia đình phụ huynh học sinh…

Nhà văn Cầm Sơn

Nguồn Văn nghệ số 41/2023


Có thể bạn quan tâm