April 29, 2024, 9:08 am

Nghệ thuật của “Người Tây Tiến”

Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu hai ngành kiến ​​trúc và thơ ca có mối liên hệ thực sự nào không. Một số ý kiến cho rằng cả hai có mối liên hệ nội tại vì cả hai đều là hình thức biểu đạt nghệ thuật, mặc dù ở hai thực tiễn rất khác nhau, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này vẫn khẳng định rằng không có mối liên hệ nào cả hoặc nếu có thì chỉ rất hiếm.

Mặc dù không thể tranh cãi rằng kiến ​​trúc vĩ đại tạo ra thơ ca vĩ đại, nhưng ít nhất nó cũng có một vị trí sâu sắc trong thế giới thơ ca, và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm tuyệt vời của nhiều nhà thơ lớn. Song, một bài thơ, một tác phẩm văn học trở thành cảm hứng cho một công trình kiến trúc thì hẳn không nhiều.

Bức tranh “Nuôi giấu thương binh” của họa sĩ Quang Thọ

Ở Việt Nam có một công trình kiến trúc lấy cảm hứng từ một bài thơ. Nếu ghé thăm khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chắc chắn du khách sẽ được chiêm ngưỡng “chất thơ” được khai thác khá triệt để trong các hạng mục công trình nơi đây. Nguồn cảm hứng của công trình là bài thơ Tây Tiến của nhà thơ xứ Đoài mây trắng Quang Dũng.

Tháng 7 năm 2023, tôi được đến thăm khu di tích này, và nghe có người nói vui rằng: Nếu không có bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, thì có khi người ta đã lãng quên cái tên Trung đoàn 52 Tây Tiến từ lâu, bởi “Ngày 27/2/1947, Bộ Chỉ huy quân đội quốc gia quyết định thành lập Trung đoàn Tây Tiến. Tiếp đó ngày 16/5/1947, Trung đoàn Tây Tiến đổi số hiệu” thành Trung đoàn 52. Tháng 6/1949, Trung đoàn 52 Tây Tiến đổi tên thành Trung đoàn 12 thuộc Liên khu 3. Trước yêu cầu xây dựng Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320 ngày nay) (sonla.gov.vn).

Quả thực, những hạng mục công trình ở đây đều thấm đẫm những lời thơ Tây Tiến… Sau khu nhà truyền thống, một con đường gồm 52 bậc đá (thể hiện cho tên gọi của Trung đoàn 52) được thiết kế khi thẳng, khi uốn lượn tượng trưng cho những dốc cao, vực sâu vô cùng hiểm trở (Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm), đó là những chặng đường Trung đoàn Tây Tiến hành quân, qua bao gian lao vất vả.

Đài tưởng niệm được thiết kế hình cụm lưỡi lê, biểu tượng cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Trung đoàn Tây Tiến. Những đầu súng chụm lại còn gợi hình ảnh những người lính khoác súng trên đường hành quân và sau những giờ phút chiến đấu anh dũng, vượt đèo lội suối, họ kề sát bên nhau trong những giây phút cùng nghỉ ngơi “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Phía trước đài tưởng niệm là hai biểu tượng gắn liền với chặng hành quân của Trung đoàn 52 Tây Tiến, đó là Thạt Luông - biểu tượng của văn hóa, tinh thần của các bộ tộc Lào gửi tặng Trung đoàn Tây Tiến và những cụm lau, biểu tượng và cũng là đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, (Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ). Trước Nhà bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải Hoàn môn”, biểu tượng cho những chiến công cũng như những ước vọng về ngày chiến thắng là cây cầu kính bắc qua dòng nước chảy, công trình này thiết kế tượng trưng cho dòng sông Mã (Sông Mã gầm lên khúc độc hành) cùng khu vực núi cao tượng trưng cho dãy núi Pha Luông – Nóc nhà của Mộc Châu (Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi).

Ngoài ra, những bức phù điêu thiết kế xung quanh quần thể ghi lại những câu chuyện cảm động về chiến công của Trung đoàn Tây Tiến.

Nói đến Trung đoàn Tây Tiến, ngoài bài thơ nổi tiếng đã trở thành cảm hứng của cụm công trình kiến trúc, được phổ nhạc (bài hát được phát trên hệ thống loa truyền thanh được gắn quanh khu di tích mỗi khi có du khách viếng thăm), nhà truyền thống còn cho thấy dấu ấn đậm nét nghệ thuật của những người lính Tây Tiến. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là học sinh, sinh viên Hà Nội đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi đất nước có chiến tranh, họ tự nguyện ghi tên, cầm súng ra chiến trường. Không ít chiến sĩ còn là những nghệ sĩ, và về sau đều là những nghệ sĩ tên tuổi, có những tác phẩm nghệ thuật để đời. Họ là Văn Đa, Quang Thọ (họa sĩ). Doãn Quang Khải (nhạc sĩ), Quang Dũng (nhà thơ)… và nhiều nhà văn, nghệ sĩ khác. Những chàng trai Hà Nội hào hoa, lãng mạn, tài năng đó đã sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân vì đất nước.

Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 - Tây Tiến Mộc Châu

Đại tá, họa sĩ Văn Đa bắt đầu binh nghiệp từ năm 17 tuổi, khi tham gia cướp chính quyền ở trại Bảo an binh Hà Nội, tháng 8/1945. Ông tham gia Tây Tiến, trở thành bạn đồng ngũ với nhà thơ Quang Dũng, cùng nhà thơ làm báo Miền Tây – một tờ báo của Trung đoàn Tây Tiến và thường cùng nhau đi vẽ ký họa. Những người thầy đầu tiên khai nghề mở nghiệp mỹ thuật cho ông ở Liên khu 3 trong kháng chiến chống Pháp là những danh họa Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ... Con đường nghệ thuật của Văn Đa đã đồng nhịp với con đường trận mạc của cả dân tộc Việt Nam suốt ba thập kỷ. Và ông đã bắt đầu những trang nhật ký của người họa sĩ chiến trận, không phải bằng tiếng đạn bay bom nổ và lửa khói mù mịt trên các bức tranh, mà chỉ lặng lẽ tay vẽ mắt cười, ghi giữ lại trong giây khắc, những nét đẹp bình dị thoáng qua của người chiến sĩ. Chẳng hạn như chân dung người bạn Tây Tiến một thời - nhà thơ Quang Dũng - với vẻ đẹp kiêu hãnh u hoài. Tại nhà truyền thống của Trung đoàn Tây Tiến, bức tranh Trên đường hành quân của ông trưng bày trang trọng tại không gian nghệ thuật, bên cạnh tác phẩm Nuôi giấu thương binh của họa sĩ Quang Thọ và bản nhạc Vì nhân dân quên mình của nhạc sĩ Doãn Quang Khải, và tất nhiên, bức tượng bán thân và của nhà thơ Quang Dũng cùng bài thơ Tây Tiến.

Nhạc sĩ Doãn Quang Khải quê ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội nay. Nhiều người tin rằng ông nhạc sĩ của một bài hát duy nhất mà lại nổi tiếng, trở thành nhạc hiệu của chương trình Quân Đội Nhân Dân của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát Vì nhân dân quên mình, nhưng cũng có tài liệu nói sau này ông có sáng tác một ca khúc có tên Biết ơn Đảng (trong bài Người lính Tây Tiến và nhạc phẩm “Vì nhân dân quên mình” – cand.com.vn). Doãn Quang Khải là học viên khoá 6 Lục quân, sáng tác ca khúc Vì nhân dân quên mình tháng 5/1951, được trao giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1952-1953, là một trong những bài hát truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được sử dụng làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh và truyền hình Quân đội…” (Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam).

Một bức tranh gây chú ý tại không gian trưng bày này là Nuôi giấu thương binh của họa sĩ Quang Thọ. Đây là bức tranh được họa sĩ lấy cảm hứng từ thực tiễn những ngày gian khổ của đoàn quân Tây Tiến - một chiến sĩ trên đường hành quân đói lả đã gục xuống và được cứu sống nhờ bầu sữa của một phụ nữ người dân tộc. Họa sĩ Quang Thọ không vẽ bức tranh ở chiến trường Tây Tiến, mà là về sau, khi ông đã học Đại học mỹ thuật Việt Nam. Quang Thọ còn có nhiều ký họa hồi tưởng lại tình quân dân cá nước trong những tháng năm Tây Tiến như một món nợ tinh thần dành tặng cho nhân dân các dân tộc dọc đường Tây Tiến.

Ngoài ra, khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến ở Mộc Châu còn trưng bày nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của những người lính Tây Tiến đã viết từ hồi ức, từ trải nghiệm xương máu của bản thân và đồng đội trong những ngày kháng chiến gian khổ ấy.

Có thể nói, Tây Tiến là nơi hộ tụ của các tinh hoa nghệ thuật. Sau này, các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ, Quang Dũng đều đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, giải thưởng cao quý dành cho những những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng, có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

An Cư

Nguồn Văn nghệ số 33/2023


Có thể bạn quan tâm