April 29, 2024, 5:23 pm

Nghệ thuật của đường phố

Những ngày này, tại rạp Hồng Hà (51A phố Đường Thành), Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm), phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) hay tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận sự sôi động trở lại của các loại hình nghệ thuật truyền thống cho thấy tín hiệu tích cực của đời sống sân khấu năm 2024.

Sân khấu đa sắc

Dự án Sân khấu hóa học đường, Sân khấu - nghệ thuật trong lòng di sản, đã trở thành những cụm từ được nhắc nhiều không chỉ trên các kênh truyền thông, mạng xã hội mà ngay cả trong giao tiếp đời sống hàng ngày. Việc chúng ta nghe nhiều, đọc nhiều không phải bởi chúng ta dành cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn A hay B thậm chí là C sự quan tâm, mà vì những nỗ lực không mệt mỏi của những người trong cuộc mong muốn đưa tinh hoa của dân tộc trở thành một phần của cuộc sống đương đại.

Nếu như trước đây, sân khấu là “món ăn” xa xỉ, kén khán giả thì nay, sân khấu gần gũi với bất kỳ ai. Các chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ” (Nhà hát Tuồng Việt Nam), dự án “Chuyện nhạc phố cổ” với sự tham gia của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoài (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) được xem như những điểm nhấn trong nỗ lực đưa nghệ thuật - di sản trở thành ngành công nghiệp không khói của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Lê rước và biểu diễn nghệ thuật Tuồng tại thành phố Huế

Không chỉ có tuồng, chèo, cải lương… xuống phố, xẩm cũng góp mặt với nhiều suất diễn không chỉ giới thiệu ngôn ngữ xẩm đến với khán giả mà còn nhen lên ngọn lửa yêu nghề, gắn bó với nghề của diễn viên trong mỗi đoàn nghệ thuật. Và, có một điều dễ dàng nhận thấy, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, để nhận được sự yêu mến của khán giả, đều phải tự làm mới mình. Khai thác chất liệu cuộc sống, khoác áo mới cho vở diễn lịch sử bằng cách tiếp cận mới và bằng chính lăng kính cảm nhận của người trẻ là hướng đi đúng và trúng. Thực tế đã chứng minh, sự thành công của Nhà hát Tuổi trẻ với những vở kịch của Lưu Quang Vũ, hay những vở kịch kinh điển của thế giới được Việt hóa, sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật cải lương và xiếc… đã chiếm được cảm tình của công chúng không phân biệt thế hệ, tuổi tác.

Không ngồi một chỗ chờ khán giả đến với mình, ngược lại, bước ra ngoài để tìm và chinh phục khán giả, thỏa mãn khán giả bằng chính tác phẩm của mình, từ cuối năm 2023, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã kết hợp với sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức chương trình trò chuyện mang tên “Tuồng kể”; và năm 2024 tiếp tục triển khai các dự án dành riêng cho bậc tiểu học qua việc khai thác những tích truyện cổ tích, giai thoại lịch sử và những hình tượng văn học đã trở thành biểu tượng của cốt cách, con người Việt Nam. Phương châm của Nhà hát chính là đưa nghệ thuật từng chút, từng chút vun đắp tâm hồn giới trẻ.

Những dự án lớn

“Vườn âm nhạc” là dự án nghệ thuật quy mô do Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa (trực thuộc Nhà hát Lớn Hà Nội) tổ chức. Với 3 suất diễn/ ngày, gồm nhạc cổ điển, nhạc dân tộc và nhạc hiện đại, “Vườn âm nhạc” không chỉ hướng đến việc đón khách du lịch trong nước đến Hà Nội mà còn hướng đến du khách quốc tế thông qua các đơn vị lữ hành, đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Với không gian rộng 3.000m2, có sức chứa 1.000 người xem, đây được xem là một sân khấu ngoài trời lý tưởng cho các nghệ sĩ. 

Trước nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng Thủ đô, trong nước, “Vườn âm nhạc” được kì vọng sẽ mang tới những cảm giác thực sự mới lạ cho khán giả. “Vườn âm nhạc” sử dụng không gian Nhà hát Lớn Hà Nội  như một sân khấu âm nhạc thơ mộng và sang trọng. Ngoài những suất diễn theo lịch trình có sẵn, “Vườn âm nhạc” còn là địa chỉ đỏ của những buổi biểu diễn liveshow concert do các ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước thực hiện.

Theo chia sẻ của đơn vị tổ chức, đến với “Vườn âm nhạc”, công chúng không chỉ có những giây phút thăng hoa với nghệ thuật mà còn được đắm chìm trong ánh sáng, âm nhạc và không gian kiến trúc huyền bí của Nhà hát Lớn; đó là một cảm giác thực sự cuốn hút.

Không gian nghệ thuật “ Vườn âm nhạc” tại Nhà Hát Lớn - Hà Nội. Ảnh Internet

Trước “Vườn âm nhạc”, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là địa chỉ của những sự kiện âm nhạc, nơi trình diễn những vở kịch kinh điển trong các dự án lớn của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Vì vậy, những sự kiện được tổ chức tại địa danh lịch sử này đều được công chúng và giới nghệ thuật đánh giá cao cả về nội dung, chất lượng nghệ thuật của các sự kiện. Do đó, không khó để hiểu cảm giác háo hức, thậm chí mong chờ “Vườn nghệ thuật” sẽ tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, góp phần quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu “nghệ thuật - di sản” trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Thủ đô.

Tính đến thời điểm hiện tại, đời sống nghệ thuật đã chứng kiến nhiều loại hình nghệ thuật, giúp cho công chúng có thể trải nghiệm nhiều hơn những thể loại âm nhạc từ các nghệ sĩ biểu diễn mà họ yêu thích đồng thời mở lòng để nghe, thưởng thức những sản phẩm âm nhạc mới/ khác đến từ những nghệ sĩ vốn chưa được nhiều người biết đến.

Đặc biệt, “Vườn âm nhạc” còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ tổ chức những mini show tri ân khán giả. Đồng thời, cũng là sân chơi dành riêng cho khán giả thử sức cùng biểu diễn với những nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Đã đến lúc, âm nhạc văn minh, chuyên nghiệp lên ngôi, trở thành thương hiệu văn hóa, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược cũng đã xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2020 và 2030. Cũng nằm trong chuỗi mục tiêu phát triển văn hóa trở thành ngành công nghiệp không khói, trước đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.

Như vậy, những điều kiện cần và đủ để có thể thúc đẩy mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa đã có. Việc còn lại của các lĩnh vực ngành, chuyên ngành là xây dựng kế hoạch cụ thể. Tại Hội nghị Phát triển ngành công nghiệp văn hóa (tháng 12/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Khi phát triển công nghiệp văn hóa thì phải có quy hoạch, nguồn nguyên liệu cho phát triển, nguồn vốn của ngân hàng, huy động nguồn lực của xã hội…; cần có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề”.

“Vườn âm nhạc”, “Tuồng kể”… chính là những dự án lớn của lĩnh vực ngành và của chính những người làm nghệ thuật, trong nỗ lực bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị truyền thống, trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng của đất nước.

Thảo Vy

Nguồn Văn nghệ số 11/2024


Có thể bạn quan tâm