May 4, 2024, 11:06 am

Nghe Tài chính vi mô kể chuyện khách hàng

Sát cánh cùng bao thế hệ gia đình, càng đi, càng nghe, càng biết, càng hiểu thì lại càng thêm tin yêu vào những câu chuyện sắc màu cuộc sống. Những khách hàng vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa là người yếu thế, phụ nữ nghèo, thu nhập thấp. Tuy nhiên, bằng nghị lực, quyết tâm, bản tính chịu thương chịu khó, cùng sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình của Tổ chức, họ đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao vị thế, tự tin trong gia đình, xã hội. Đó cũng là điểm chung trong những câu chuyện khách hàng của Tổ chức TCVM Thanh Hóa.

Chúng tôi có mặt tại gia đình chị Trương Thị Hương là hộ nghèo của thôn Linh Thung, Thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Chị cùng chồng là hai lao động chủ chốt của gia đình, công việc chính của anh chị chủ yếu là chăn nuôi dê và trồng trọt. Có những thời điểm vất vả cùng cực, bốn đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, mẹ chồng già yếu và chị chồng bị bệnh.

Chị Trương Thị Hương (thôn Linh Thung, Thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa). Là khách hàng vay vốn (người mặc áo đỏ), đang báo cáo với cán bộ tài chính vi mô về hiệu quả vay vốn tăng cường chăn nuôi dê để bán ra thị trường.

Năm 2018, sau khi biết đến nguồn vốn Tài chính vi mô tại địa phương, chị đã mạnh dạn vay vốn mở rộng thêm chăn nuôi. Lần vay đầu tiên, chị sử dụng số tiền vay 10 triệu đồng mua một đàn lợn 10 con với niềm tin vực dậy kinh tế cho gia đình. Sau gần 1 năm chăn nuôi, đàn lợn hơn 80kg béo tròn được anh chị chăm sóc cẩn thận bất ngờ bị lái buôn chuyển lại với lý do lợn dịch, thịt lợn mổ ra chất lượng không đảm bảo. Nuốt nước mắt vào trong, chị kể lại trong sự tiếc nuối: “Mình vẫn phải tiêu hủy toàn bộ để đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Trải qua lần thất bại đầu tiên, chị Hương tiếp tục vay vốn lần thứ 2 với số tiền 20 triệu đồng. Lần này chị chuyển hướng sang chăn nuôi dê, dẫu chồng có ngăn cản vì sợ lại mất trắng như ban đầu. Chị tỉ mỉ, cẩn thận hơn lần trước, từ khâu chọn giống đến chăm sóc đàn dê trước sinh sản. Sau 4-6 tháng anh chị xuất bán được lứa dê đầu tiên với số tiền hơn 30 triệu đồng. Niềm vui như nhân nhóm thêm, chị tiếp tục tin tưởng vào nguồn vốn TCVM vay thêm lần ba, lần bốn. Sau tám chu kỳ vay vốn, hiện tại công việc chăn nuôi của gia đình cô đã ổn định hơn rất nhiều. Ngoài nuôi dê chị còn mở rộng thêm chuồng trại để nuôi thêm lợn, gà và ngan để xuất bán cho các hộ dân xung quanh khi có nhu cầu. Chị phấn phởi chia sẻ rằng gia đình năm nay cũng đã xây được nhà mới với giá trị gần 600 triệu đồng.

Chia tay chị Hương, chúng tôi nhìn thấy ánh mắt nhấp nhánh tràn trề hi vọng trên khuôn mặt của chị. Chị không quên cảm ơn cán bộ tài chính vi mô rất nhiệt tình, nhỏ nhẹ, phân tích cho khách hàng hiểu. Hiện tại, chị Hương đã được bầu lên làm tổ trưởng cụm vay. Chị cùng hội phụ nữ ở thôn vẫn thường hướng dẫn bà con trong thôn nếu có chu cầu vay vốn cải thiện kinh tế.

Chúng tôi tiếp tục cuộc phỏng vấn thứ hai sau khi biết được thông tin gia đình chị Phạm Thị Tuyết sinh năm 1972, quê tại thôn Cao Nguyên, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cũng là một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhìn thấy anh chị đang ngồi bên trong ngôi nhà vách lá siêu vẹo. Gia tài của gia đình là chiếc xe đạp cho con đi học và chiếc xe máy cũ sờn. Có lẽ niềm hạnh phúc nhất của anh chị bây giờ là có đủ tiền trang trải cho con được học hành tử tế, thoát cái nghèo, cái khổ. Hỏi ra thì mới biết cũng bởi vì gia đình quá nghèo, công việc nay đây mai đó chỉ là đi làm thuê làm mướn, không có tài sản thế chấp, không có khả năng vay vốn ở các ngân hàng khác. May thay thời điểm tưởng chừng lao đao nhất, bàn tay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã vươn ra, kịp thời hỗ trợ gia đình, cung cấp vốn vay và tư vấn sử dụng vốn vay hỗ trợ gia đình từng bước cải thiện cuộc sống.

Với số tiền 20 triệu đồng từ lần vay đầu tiên, anh chị sử dụng làm công trình vệ sinh trong gia đình để có nơi đáp ứng sinh hoạt sạch sẽ. Tiếp đó, năm 2023, chị Tuyết quyết định vay thêm chu kỳ thứ 2 với số tiền 10 triệu đồng, anh chị mạnh dạn chi vào việc trồng trọt, tăng gia sản xuất cây keo với số lượng lên đến 9000 cây trồng trên diện tích đất rừng 1,5 ha có sẵn của ông bà để lại.

Anh chị chia sẻ rằng vốn dĩ trồng cây keo từ trước, nhưng thời điểm gần đây gia đình có tìm hiểu và nhận thấy việc đầu tư chăm sóc vào cây giống, tránh tình trạng cây ốm, yếu cũng như sâu bệnh sẽ không đạt được hiệu quả cao. Nên cả hai quyết định chi số tiền vay này để đầu tư chăm sóc cây keo giống để bán ra thị trường thu lời. Chỉ trong 3 năm vay vốn, anh chị đã vực lại kinh tế cho gia đình, con cái được học hành đầy đủ, đó là điều khiến vợ chồng càng vững tin vào vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa.

Trải qua quá trình không ngừng nỗ lực, cố gắng, nêu cao tinh thần, trách nhiêm, từng bước đa dạng các sản phẩm, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tính đến hết tháng 8-2023, tổng số khách hàng hiện đang có số dư vốn vay từ tổ chức Tài chính vi mô là 1.089 người; dư nợ vốn vay đạt 24 tỷ 945 triệu đồng. Thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu, cung cấp nhiều loại hình vốn vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng, luôn đồng hành cùng khách hàng phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Bài và ảnh: Lê Linh Nga


Có thể bạn quan tâm