April 30, 2024, 8:03 pm

Ngạn ngữ “KẺ CẮP BÀ GIÀ” là một điển tích Việt Nam?

           

Mục chuyện chữ chuyện nghĩa, báo Văn nghệ số 24, ngày 15/6/2019 có bài Kẻ cắp bà già của Hoàng Đảo, tác giả kể về một giai thoại lưu truyền vùng quê Thường Tín (Hà Đông) để giải thích thành ngữ “Kẻ cắp bà già gặp nhau” (câu thơ “Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du). Có một số nhận định và khái niệm xin được trao đổi.

 

1.

Tác giả Hoàng Đảo cho rằng: “Ngạn ngữ “kẻ cắp bà già” là một điển tích Việt Nam”?

Trước hết phải thống nhất khái niệm thuật ngữ, “Kẻ cắp bà già gặp nhau” là một thành ngữ (ngạn ngữ chỉ là “câu nói xưa lưu truyền trong dân gian”). Và đây là thành ngữ không có tính chất điển cố (điển cố, điển tích là chép sự việc, câu chuyện trong kinh sách xưa). Nội dung là câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Kể về một “chàng thanh niên “lanh lợi”, “chỉn chu”, từ khi “xoay sang trộm cắp”, “hành nghề điêu luyện, thủ đoạn tinh vi”, thường lấy tiền bạc của người giàu “chia sẻ với những người nghèo”. Bà già lập mưu kế đưa về nhà rồi báo quan bắt. Vào tù chàng thanh niên, trong tâm thế ăn năn hối cải muốn hoàn lương; nhưng lại nhận ra một nghịch lý: “lần đầu tiên trong đời” thua cuộc một bà già. Quan phủ thử tài chàng thanh niên, rồi nhận thấy: “Thằng này có tài mà thua mưu của một bà già, thật đáng tiếc”. Câu chuyện tác giả Hoàng Đảo kể ra là câu chuyện lưu hành ở một vùng miền, một giai thoại để giải thích thành ngữ “kẻ cắp bà già gặp nhau”. Những vùng miền khác cũng lưu truyền câu thành ngữ này, có thể có câu chuyện khác để giải thích. Không thể nói “là một điển tích Việt Nam”!

 

2.

Về ý nghĩa câu thành ngữ

Sau khi kể lại câu chuyện, tác giả cho biết: “Tra cứu điển tích, điển cố trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không thấy giải thích rõ ràng về nguồn gốc của câu ngạn ngữ này. Trong cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nhà xuất bản Giáo dục, 2007, do Trần Nho Thìn chủ biên, Nguyễn Tuấn Cường khảo dị, chú thích, bình luận: Ngạn ngữ có câu: “Bà già bắt được kẻ cắp” ý nói chuyện lạ, hiếm gặp trên đời…”.

Về chú giải Truyện Kiều, đã có hẳn cuốn Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (Nxb. KHXH, 1974), trong đó chú thích câu thành ngữ: “Kẻ cắp bà già gặp nhau, 2334: Kẻ cắp mà gặp phải bà già là người lão luyện cẩn thận thì khó thi thố” (trang 190). Còn trong cuốn Truyện Kiều (Nxb Văn học, 1979) cũng chú gần như thế: “Kẻ cắp bà già: Kẻ cắp mà gặp phải bà già là người lão luyện đi chợ giữ gìn cẩn thận thì hỏng việc rồi” (tr.363); cuốn Truyện Kiều, Nguyễn Quảng Tuân khảo đính, chú giải (Nxb KHXH, 1997) ghi chú gần với cuốn mà Hoàng Đảo dẫn: “Kẻ cắp bà già gặp nhau: ngạn ngữ có câu bà già bắt được kẻ cắpnói sự bất ngờ xảy ra, cũng là câu chuyện hiếm có, thật tức cười” (tr.263)

Để tìm cách hiểu sát nghĩa cần đối chiếu với các từ điển thành ngữ, và xem văn cảnh Truyện Kiều.  Cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào, Nxb Văn hóa, 1997) giảng giải như sau: “Kẻ cắp bà già gặp nhau (Kẻ cắp gặp bà già; Ở tỉnh gặp ma, ở quỉ gặp quái, gian tà gặp nhau). Kẻ xảo quyệt ranh mãnh nhiều mánh khóe lại gặp người cao tay, dày kinh nghiệm?” (tr.461); Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (Nxb VHTT, 2010) cũng giải nghĩa gần như thế: “Kẻ cắp bà già (Bà già là người giữ gìn của cải cẩn thận nên kẻ cắp không sơ múi được gì). Ý nói: gặp một đối tượng mà không thể lừa đảo được” (tr.166)

Còn về xem xét văn cảnh, cần trở lại câu thơ Truyện Kiều (câu 2333-2336). Đây là đoạn Kiều “báo ân báo oán”, là “ngôn ngữ nhân vật” Kiều, trong đối thoại với Thúc Sinh, đã nhận xét về Hoạn Thư: “Vợ chàng quỉ quái tinh ma/ Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau/ Kiến bò miệng ché chưa lâu/ Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”. Đoạn thơ dưới, qua những đối đáp bào chữa của Hoạn Thư, Kiều đã phải công nhận Hoạn Thư “Khôn ngoan nhất mực nói năng phải lời”, và truyền lệnh tha bổng! Đây là tình tiết khác hẳn Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, Vương phu nhân (Thúy Kiều) “truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm rồi treo cổ đánh 100 trượng”. Như vậy, Hoạn Thư từng có mưu sâu kế hiểm, hãm hại Thúy Kiều, giờ đây Kiều cũng từng trải, già dặn; nên cuộc gặp tại “phiên tòa” này, là giữa  hai người, “kẻ xảo quyệt ranh mãnh… gặp người cao tay, giàu kinh nghiệm”. Lời Kiều đánh giá, cảnh báo về người vợ Thúc Sinh, báo trước cuộc “đụng độ” giữa hai người.

 

3.  

Có phải “Nguyễn Du đã sử dụng ngạn ngữ này trong thời gian làm tri phủ Thường Tín (1802)” như tác giả Hoàng Đảo khẳng định?

Một thống kê cho biết, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng 180 lần các thành ngữ, điển tích (theo nhà thơ Vương Trọng). Tác phẩm này được sáng tác vào thời gian nào cũng còn nhiều ức thuyết. Và cũng cần hiểu quy luật sáng tác văn chương. Những câu ca, thành ngữ, tục ngữ dân gian là quá trình thu nhận tích lũy vốn sống, trải nghiệm, hiểu biết của người sáng tác. Quá trình nghiền ngẫm “thai nghén” tác phẩm, khi một tình tiết, câu chữ đưa vào tác phẩm là đã nhuần nhuyễn. Không phải khi làm quan Tri phủ Thường Tín (gần một năm, từ tháng 11/1802, đến mùa Đông Quý Hợi, 1803) Nguyễn Du mới “sử dụng ngạn ngữ” ấy!

 

4.  

Thế nào là “tầm chương trích cú”?

Tác giả Hoàng Đảo đưa ra nhận định: “Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác của văn học Việt Nam, một trong những điển hình làm nên sự nổi tiếng đó phải kể đến lối “tầm chương trích cú” phong phú và độc đáo ở tác phẩm”.

Đào Duy Anh chú nghĩa: “Tầm chương trích cú”: Tìm từ chương, lặt từ câu, một cách học của nhà nho thủa xưa, không nghiên cứu tinh ý của sách thánh hiền mà chỉ moi móc từ chương từ câu” (Hán Việt từ điển, quyển hạ, Nxb KHXH, 1992, tr.245). Nguyễn Du vận dụng điển tích, thành ngữ, tục ngữ để miêu tả, xây dựng nhân vật, không phải là “tầm chương trích cú”! Nhận định của tác giả Hoàng Đảo như thế là sai lầm, vô tình đã hạ thấp tác phẩm và tài năng Nguyễn Du?!

Với một bài viết, chủ yếu là kể một câu chuyện có tính giai thoại, nhưng khi đưa ra nhận định và kiến giải, đã có một số bất cập. Xin trao đổi cùng tác giả, và trình với bạn đọc.

Nguồn Văn nghệ số 26/2019


Có thể bạn quan tâm